Từ nhận thức đến hành động
Hiện nay, tình trạng sử dụng lãng phí điện vẫn thường xuyên xảy ra từ những cá nhân, hộ gia đình cho đến các cơ quan, văn phòng, công sở…
Những thiết bị làm mát luôn chạy hết công suất bất kể thời tiết, những chiếc đèn chiếu sáng quên tắt, những thiết bị không ngắt kết nối với đầu điện khi ra về… tưởng chừng là việc nhỏ nhưng gây tổn hại nặng nề, lãng phí không đáng.
Đâu đó tại một số phòng ban, các cán bộ nhân viên vẫn chưa thật sự để tâm, coi trọng việc sử dụng nguồn điện. Vì chưa thấy được hệ lụy của việc lãng phí điện nên chưa hình thành được thói quen sử dụng tiết kiệm.
Trong khi đó, việc tiết kiệm điện tại các cơ quan công sở khá dễ thực hiện, có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như tắt các thiết bị khi không sử dụng, dùng quạt trần thay thế cho điều hòa hay rút phích cắm ra khỏi ổ trước khi về…
Chỉ thị 20 về tiết kiệm điện của Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, công sở phối hợp với các công ty điện lực tại địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, nhằm đảm bảo tối thiểu tiết kiệm được 5 % tống số điện năng tiêu thụ hàng năm. Với những vi phạm về các quy định tiết kiệm điện, người đứng đầu các cơ quan, công sở sẽ chịu trách nhiệm đối với những trường hợp này.
Có thể nói, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội cần phải nêu gương, đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm và sử dụng điện năng đúng mục đích. Đây là trách nhiệm của từng cá nhân chứ không chỉ là trách nhiệm của tổ chức.
Tiết kiệm từ những hành động nhỏ
Theo thống kê của Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI), trong năm 2023, khối hành chính sự nghiệp đã tiết kiệm được 44.440.038 kWh. Để thực hiện tiết kiệm điện một cách triệt để trong 2024 và các năm tới, EVNHANOI khuyến nghị các cơ quan công sở nên tắt các thiết bị không cần thiết, sử dụng điều hòa từ 27 độ C trở lên, không sử dụng đèn chiếu sáng ở các khu vực sân vườn, hàng rào…
Không những vậy, sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia cũng là một giải pháp tối ưu. Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Dẫn chhứng trụ sở Quận ủy – HĐND – UBND quận Ba Đình đã áp dụng điện mặt trời áp mái được hơn 2 năm nay, cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc tiết kiệm điện. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng Văn hóa UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, với công suất của hệ thống điện mặt trời là 35kW tương đương sản sinh được 160kWh trong một ngày, vì vậy chi phí tiết kiệm điện trong tháng sẽ đạt từ 17-20%.
Việc sử dụng tiết kiệm nguồn điện không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần đưa văn hóa tiết kiệm được lan tỏa rộng rãi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận