Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo |
Tiêu cực làm xói mòn lòng tin
Theo PGS. Nguyễn Văn Thế, Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, 70 năm trôi qua nhưng những nội dung căn bản về “Vấn đề cán bộ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, luận giải trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi và là vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Theo Thiếu tướng Thế, sự suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng đã được cảnh báo từ Hội nghị T.Ư 6 lần 2 khóa VIII...
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đầu năm 2016 tiếp tục chỉ ra “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn.
“Những hiện tượng nghiêm trọng vừa phát hiện trong những năm gần đây về sự tha hóa, biến chất của không ít cán bộ cấp cao, về bổ nhiệm, cất nhắc tràn lan ở các địa phương, ngành, thực chất đã có quá trình ủ bệnh, tích tụ từ nhiều nhiệm kỳ trước”, ông Thế nói và cho rằng, những điều đó đang ít nhiều làm cho uy tín của Đảng bị giảm sút, niềm tin của nhân dân bị xói mòn, đe dọa trực tiếp đến an nguy của chế độ.
Đề nghị lập Viện Đạo đức học
GS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Người đã chia thành ba hạng, thứ nhất là khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Thứ hai là khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Thứ ba là khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.
Còn theo PGS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm và đề ra những nội dung căn bản, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đã xuất hiện những tiêu cực, tha hóa trong một số cán bộ, đảng viên. Theo PGS. Phúc, Hồ Chủ tịch đã đề cập đến vấn đề chỉnh đốn Đảng và yêu cầu phải nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng. Chỉnh đốn Đảng nhằm phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời quần chúng.
PGS. Phúc cũng nhấn mạnh, trong xây dựng tổ chức Đảng, Người coi công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây gỗ quý báu. Vì vậy, ông Phúc đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong đó, dạy đạo đức học và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận