Bể chứa bỏ hoang lâu ngày, bên trong đầy bùn đất |
Công trình tiền tỷ mới dùng đã hỏng
Cuối năm 2004, Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng công trình hồ chứa và đường ống dẫn nước sạch dài hơn 3 km để phục vụ đời sống của bà con các thôn: Na Hô, Na Bắc Ngam, Na Lang, thuộc xã Tà Chải và thôn Km3, xã Na Hối. Với tổng số vốn lên đến vài tỷ đồng gồm các hạng mục: Đập đầu mối, trạm lọc áp lực, bể áp lực đặt tại đầu nguồn suối thôn Km3, xã Na Hối. Đến cuối năm 2005, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng chỉ hoạt động được khoảng hai năm thì ngừng. Hiện nay, trường tiểu học cùng hàng trăm hộ dân trong các thôn trên đang phải chịu cảnh thiếu nước. Bà con đã tự tạo đường nước, dùng dây kéo ở suối bơm lên bể để dùng. Bác Sơn, sinh sống tại thôn Km3, xã Na Hối bức xúc: “Công trình của Nhà nước để như vậy lãng phí quá. Không có nước dùng, nhà tôi phải mua thêm đường ống nối từ hàng xóm dẫn từ suối lên, nhưng chỉ buổi tối mới cắm được máy để bơm nước lên téc vì ban ngày nhiều hộ dùng nên khan hiếm”. Còn cô Vinh, thôn Na Hô, xã Tà Chải cho biết: ”Dân chúng tôi không được dùng nước sạch từ hơn 5 năm nay rồi. Chúng tôi phải cùng nhau đóng góp tiền mua đường ống kéo nước suối về dùng chung, chứ đường nước sạch Nhà nước đã hỏng hết rồi”.
Chị Trần Thu Hà - nguyên trưởng thôn Km3, xã Na Hối cho biết: “Khi còn làm trưởng thôn, thấy nước sạch mất, tôi cũng hô hào bà con lao động, vét bùn, thau rửa bể, sửa chữa lại đường nước”. Tuy nhiên do thiên tai mưa lũ dẫn đến hệ thống nước hỏng nặng. “Chúng tôi đã có ý kiến đề nghị trong lộ trình xây dựng nông thôn mới phải khắc phục hệ thống cấp nước sạch, xã trả lời đầu năm 2015 sẽ sửa vì chưa có kinh phí”.
Không ai quản lý
Theo tìm hiểu và khảo sát của PV tại các công trình nước sạch kể trên, chúng tôi thấy nhiều hạng mục đã bị hư hỏng. Bể lọc áp lực bị tắc không có nước chảy vào, ống sắt hoen gỉ, hệ thống ống dẫn nước bị đứt gãy, nhiều đoạn ống nước không còn. Bể nước đầu nguồn bị phá vỡ, các rọ sắt đựng đá bị mất.
Ngoài ra, do bể bỏ hoang lâu ngày nên bên trong chứa đầy bùn, đất. Điển hình là bể tại xã Tà Chải, đất bồi lắng, mạng nhện giăng đầy thành, nắp đậy bị mất.
Trong khi đó trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Khương, Chủ tịch xã Tà Chải cũng không nắm được hồ sơ, sổ sách về các công trình nước sạch này. “Tôi mới làm chủ tịch được ba năm nên cũng không nắm rõ được”. Tuy nhiên, ông Khương khẳng định rằng, xã đã bàn giao cho từng thôn thì thôn phải có trách nhiệm hô hào bà con hàng năm phải duy tu sửa chữa. “Xã chỉ kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở. Các thôn mất nước không báo cáo lên xã nên chúng tôi cũng không biết được”. Khi PV hỏi “hàng năm xã có đi kiểm tra các công trình trên không?”. Ông Khương trả lời: “Chúng tôi đi kiểm tra cách đây… hai năm”. “Tới đây xã sẽ đi kiểm tra lại các hạng mục để duy tu sửa chữa vào năm sau, không để công trình của Nhà nước bỏ không được”, ông Khương nói.
Để tìm hiểu thêm về các công trình nước sạch bị bỏ hoang kể trên, PV cũng tìm đến UBND huyện Bắc Hà, ông Đặng Văn Khoa, Chánh văn phòng UBND huyện tiếp và cho biết, không nắm bắt được cụ thể công trình này thế nào. “Huyện đã bàn giao cho chính quyền xã quản lý, vận hành thì xã phải có trách nhiệm, tới đây huyện sẽ cho phòng, ban chuyên môn xuống kiểm tra, xử lý. Nếu hỏng nặng sẽ có báo cáo và cho sửa chữa vào năm sau”, ông Khoa nói.
Theo tìm hiểu của PV, công trình cấp nước kể trên do Công ty TNHH Bắc Hà chịu trách nhiệm thi công. Ông Tuấn Anh, Giám đốc đơn vị xây dựng nói: “Sau khi thi công bàn giao cho xã đã có nước, còn xã phải có trách nhiệm quản lý các hạng mục”.
Trong khi đó, PV làm việc với Phòng Dân tộc và Ban quản lý dự án xây dựng huyện Bắc Hà theo chỉ dẫn của Văn phòng UBND huyện thì tất cả đều khẳng định không nắm được công trình trên ai làm chủ đầu tư, bàn giao bao giờ vì lý do “quá lâu không thể tìm ra sổ sách”?! Vì thế, đến thời điểm này có thể khẳng định công trình cấp nước cho các thôn Na Hô, Na Bắc Ngam, Na Lang thuộc xã Tà Chải và thôn Km3, xã Na Hối đang rơi vào tình trạng vô chủ.
Quỳnh An
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận