Vừa thi công vừa chờ gỡ vướng mặt bằng
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, cùng với việc tháo gỡ vướng mắc mặt bằng, công trình cầu vượt đường sắt thuộc dự án hơn 670 tỷ đồng trơ mố hơn 10 năm nay ở Thừa Thiên - Huế đang được nhà thầu "nối nhịp" thi công sau khi có mặt bằng.
Tại đây, trên đoạn đường dẫn lên nút giao quốc lộ 1 (thuộc địa bàn thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) chạy song song với tuyến đường tỉnh lộ 9 hiện hữu, nhà thầu đào móng thi công thêm đoạn tường chắn dài vài chục mét, đào bóc phong hóa và thi công nền đường đoạn giáp quốc lộ 1 vào.
Tuy nhiên, trên đoạn đường đang thi công này, mặt bằng đang bị "gián đoạn" bởi dãy nhà tôn làm hàng quán kinh doanh của một hộ dân.
Đối với tuyến đường dẫn lên cầu vượt phía ngược lại (thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền), mặt bằng thi công đang tắc nghẽn bởi hàng loạt nhà dân chưa tháo dỡ.
Tại 2 khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường dẫn cầu vượt đường sắt trên, khu tái định cư tại thị trấn Phong Điền đang hình thành "phố mới".
Còn tại khu tái định cư xã Phong Hiền, một vài căn nhà đang xây "chạy nước rút" hoàn thiện, cạnh đó là những lô đất trống mới được người dân đặt đá động thổ để xây dựng nhà.
Đại diện nhà thầu thi công cho hay, do tính chất công trình vừa đảm bảo lưu thông trên tuyến đường tỉnh lộ 9, vừa đảm bảo an toàn chạy tàu tại đường ngang Km 622+930 đường sắt Bắc - Nam.
Do đó, phương án thi công là hoàn thành đường lên xuống của đơn nguyên cầu vượt đường sắt đã thi công cho các phương tiện lưu thông, sau đó tiếp tục thi công đơn nguyên cầu vượt đường sắt còn lại, nhưng hiện tại còn vướng mặt bằng.
Phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2024
Công trình cầu vượt đường sắt nói trên (từ Km 0+600 - Km 0+657) nằm trên đoạn tuyến từ Km 0+00 - Km 1+500, thuộc dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc, huyện Phong Điền có tổng chiều dài 16,25km, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt vào tháng 7/2010 với tổng mức đầu tư hơn 671 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2012 và dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng 3 năm.
Tuy nhiên vì nhiều lý do, những năm qua, dự án thi công cầm chừng và hiện nay vẫn còn một số đoạn chưa hoàn thành, trong đó có đoạn thuộc công trình cầu vượt đường sắt trên và đoạn cuối tuyến (thuộc xã Điền Lộc).
Tháng 6/2011, dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt điều chỉnh, những năm sau đó dự án này thêm 2 lần điều chỉnh và lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 9/2022.
Trong đó, cầu vượt đường sắt dài 66,3m trên điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng từ 1 đơn nguyên (rộng 15,5m) thành 2 đơn nguyên (rộng 31m) như quy mô được duyệt ban đầu; Quy mô sơ đồ nhịp 3x18m, dầm bản rỗng dự ứng lực, mặt cắt ngang cầu gồm 26 dầm, mố trụ bằng bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi.
Tháng 7/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phê duyệt Tiểu dự án xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án.
Trong đó, khu tái định cư tại thị trấn Phong Điền bố trí tái định cư cho 14 hộ dân đoạn đường dẫn cầu vượt đường sắt đến QL1, thuộc thị trấn Phong Điền.
Khu tái định cư tại xã Phong Hiền bố trí cho 27 hộ dân xã Phong Hiền đoạn đường dẫn cầu vượt đường sắt đến đường đôi thuộc dự án này đã hoàn thành theo quy mô được duyệt.
Ông Hồ Đôn, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc chỉ còn lại duy nhất một hộ nói trên ở thị trấn Phong Điền chưa đồng ý nhận tiền để bàn giao mặt bằng.
"Trường hợp còn lại duy nhất trên thuộc địa bàn thị trấn Phong Điền, địa phương đã đối thoại 2 lần nhưng vẫn chưa đồng ý, hiện chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền vận động, nếu vẫn không đồng ý bàn giao mặt bằng sẽ tiến hành cưỡng chế.
Đối với các nhà dân chưa tháo dỡ trên đoạn thuộc xã Phong Hiền đã nhận tiền bồi thường, một số hộ đang xây nhà, một số hộ còn lại xin ra tết Nguyễn đán Giáp Thìn sẽ dời đi để bàn giao mặt bằng thi công", Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay.
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng CTGT tỉnh Thừa Thiên - Huế (chủ đầu tư dự án), hiện nay, cùng với việc tháo gỡ số mặt bằng còn lại trên, các đơn vị đang cố gắng để hoàn thành công trình cầu vượt đường sắt cũng như toàn bộ dự án trong năm 2024.
Đối với công trình cầu vượt đường sắt, sau khi người dân tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng, nhà thầu sẽ tập trung thi công xong đường 2 đầu cầu để các phương tiện lưu thông và xin đóng gác chắn đường sắt tại đây để thi công đơn nguyên còn lại (bên trái tuyến).
Hiện nay, do đường dẫn lên xuống 2 đầu đơn nguyên cầu vượt đường sắt trên (bên phải tuyến) chưa thi công xong để thông xe, đơn nguyên cầu vượt đường sắt còn lại (bên trái tuyến) cũng chỉ mới thi công được 8/16 cọc khoan nhồi mố M1, M2 và 3/8 cọc khoan nhồi trụ T1, T2 rồi dừng.
Đơn nguyên còn lại này trùm lên đường tỉnh lộ 9, trong đó 2 trụ cầu nằm ngay rào chắn đường sắt sẽ thi công sau thông xe đơn nguyên đã thi công và xin phép đóng gác chắn đường sắt tại Km 622+930.
Tuy nhiên, để các phương tiện ô tô, xe máy lưu thông qua đơn nguyên đã thi công trên, phải hoàn thành đường 2 đầu đơn nguyên này mỗi bên ít nhất 50m, nhưng hiện nay vẫn đang vướng mặt bằng, nhất là đoạn phía xã Phong Hiền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận