Công trình hàng chục tỷ đồng biến thành nhà dân
Công trình nằm cạnh QL37 thuộc địa phận bản Nhọt 1, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nhìn từ bên ngoài là một ngôi nhà cấp 4 được rào kín xung quanh bằng dây thép B40.
Một phần công trình nước sinh hoạt Suối Sập nằm trên địa bàn bản Nhọt 1, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La trông như ngôi nhà hoang nên người dân xung quanh tự ý vào ở và chăn nuôi gia cầm.
Theo quan sát của PV, hệ thống đường ống dẫn nước từ hệ thống lọc đã bị rêu mốc phủ kín các đường ống, sắt thép đã gỉ, hai bình lọc hoạt động một thời gian ngắn giờ thì nằm không, hàng trăm km đường ống dẫn tới từng nhà giờ khô cong.
Nhiều bộ phận kỹ thuật khác cũng đã xuống cấp trầm trọng. Vì bỏ hoang đã lâu từ nhà điều hành trở thành nơi ở và chăn nuôi lợn, gà, vịt của một số hộ dân sinh sống trong bản.
Chị Lò Thị Tắn, bản Nhọt 1, xã Gia Phù cho biết: “Tôi trước cũng có nhà ở gần đây, cách trạm nước này hơn 200 mét. Năm 2017, nhà của tôi bị sạt lở hỏng hết không còn tận dụng được nữa, vì có một mình nên tôi xuống ở nhờ nhà em trai một vài tháng. Sau tôi thấy có nhà quản lý của trạm nước bỏ hoang không ai ở đó nên tôi nhờ em trai tôi nói giúp với chính quyền bản, chính quyền xã cho tôi ở nhờ khi nào chính quyền sử dụng lại tôi sẽ chuyển đi”.
Thay vì sử dụng nước tại công trình nước sinh hoạt thì người dân ở đây đã tự bỏ chi phí để đào, khoan giếng hoặc kéo đường ống nước từ khe núi về để dùng.
Anh Lò Văn Quý, người dân bản Nhọt 1, xã Gia Phù, huyện Phù Yên cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ngay cạnh công trình nước sinh hoạt, từ ngày công trình hoàn thành chỉ sử dụng được vài ngày. Công trình xây cũng lâu rồi, bây giờ đường ống nước cũng bị hỏng, bị gỉ hết rồi không có tí nước nào. Hiện gia đình tôi phải dùng nước mó kéo từ khe núi về”.
Ông Đinh Văn Thiền, Trưởng bản Nhọt 1 cho biết: “Bản có 165 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp trồng ngô, trồng sắn và chăn nuôi.
Khi nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt để phục vụ cho nhu cầu của người dân, chúng tôi rất là mừng và mong đợi được hưởng lợi ích từ công trình, tuy nhiên công trình không phát huy hiệu quả khi vận hành để sử dụng được có vài lần, sau đó không hoạt động nữa”.
“Để có nước sinh hoạt, các hộ gia đình trong bản tự thân vận động đầu tư mua sắm đường ống để kéo từ khe núi về, cũng có những hộ tự đào hoặc khoan giếng để lấy nước sử dụng. Như gia đình tôi cũng nhờ anh em họ hàng giúp đỡ để đào giếng rồi bỏ chi phí hơn 5 triệu đồng để mua máy bơm, ống nước để bơm về nhà dùng”.
Cơ quan chức năng nói gì?
Thừa nhận thực trạng trên, ông Đinh Công Quyền, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phù cho biết: “Thực trạng công trình bỏ hoang xảy ra từ lâu, trước đây nguồn nước được dẫn từ Suối Sập theo đường ống dẫn đến bể chứa trên đỉnh đèo Nhọt xuống hệ thống lọc ở dưới bản Nhọt 1.
Tuy nhiên vào mùa mưa lượng nước đổ về nhiều không thể lọc được vì nhiều bùn. Mới đưa vào sử dụng cũng thuận lợi, nước cũng đã đến các bản và các hộ dân nhưng không dùng được vì đục.
Hơn nữa vào năm 2017 trên địa bàn xã có xảy ra lũ quét nhiều đoạn ống bằng thép của công trình bị nước lũ cuốn trôi từ đó đến nay cũng chẳng ai quan tâm đến nữa”.
“Toàn xã hiện có trên 1.700 hộ dân với trên 7.000 nhân khẩu, để có nước sinh hoạt các hộ đều phải tự lo nào là khoan giếng, nào là kéo đường ống nước từ khe núi về để sử dụng”.
Hệ thống nước sinh hoạt tại bản Nhọt 1, xã Gia Phù huyện Phù Yên thuộc Dự án Thuỷ lợi Suối Sập giai đoạn II với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng do UBND huyện Phù Yên làm chủ đầu tư. Bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng năm 2013 với mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho 3 xã: Gia Phù, Tường Phù và Tường Thượng của huyện Phù Yên.
Theo thông tin từ UBND huyện Phù Yên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trong quá trình khai thác sử dụng dự án đã cơ bản đáp ứng năng lực thiết kế tuy nhiên nguồn nước trên kênh thủy lợi suối Sập mùa mưa nước đục, lượng bùn lắng lớn vượt quá khả năng lọc của hệ thống lắng lọc áp lực.
Mặt khác do việc điều tiết nước phát điện của thuỷ lợi Suối Sập I vào mùa khô thường xuyên bị gián đoạn thời gian phát điện nước mới được cấp bổ sung về cho suối Bùa để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Năm 2017, 2018 do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm hư hỏng, cuốn trôi một số đường ống đoạn qua suối.
Ông Đinh Đức Thắng, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Phù Yên cho biết: “Để khắc phục tạm thời hệ thống nước sinh hoạt của từng điểm bản thuộc 3 xã để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Về lâu dài, UBND huyện vẫn đang tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cân đối nguồn lực để tiếp tục nâng cấp dự án phát huy tối đa hiệu quả của công trình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận