Liên quan đến những sai phạm trong công trình khách sạn xây dựng tại đèo Mã Pì Lèng, TS. Đỗ Văn Trụ - Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã có trao đổi với Báo Giao thông về ảnh hưởng của công trình đến cảnh quan của khu danh thắng.
Theo đó, Mã Pì Lèng được công nhận là Danh thắng quốc gia năm 2009, là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Nơi đây có giá trị về mặt cảnh quan, môi trường, cảnh đẹp.
Trong ngày 5/10, Cục Di sản văn hóa đưa thông tin tòa nhà nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ I và khu vực II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Do đó, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.
“Việc xây dựng công trình tổ hợp nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại Mã Pì Lèng rất phản cảm. Về lý thuyết, khu vực xây dựng nằm ngoài khu vực I và II, nhưng đây là di sản quý do tạo hóa ban tặng được hình thành trong hàng vạn năm và là danh thắng quốc gia, có giá trị lớn về cảnh quan, môi trường, không gian. Việc xây dựng gây phá vỡ cảnh quan thì không có gì có thể bù đắp được”, TS. Đỗ Văn Trụ đánh giá.
Ông nói thêm, Nhà nước đã xếp hạng di sản nhưng chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, để xảy ra một công trình xây dựng trái phép vừa vi phạm Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Di sản là điều đáng tiếc. Điều này quy trách nhiệm cho người dân một thì trách nhiệm của cơ quan quản lý là mười.
“Người dân cứ thấy địa điểm đẹp có thể sinh lời, kinh doanh là thực hiện chứ họ không nghiên cứu, hiểu biết về di sản. Họ chỉ thấy cái lợi trước mắt là làm. Đây không phải vấn đề của riêng Mã Pì Lèng mà là vấn đề chung ở nhiều di tích. Nếu không xử lý dứt khoát thì sau này, bao nhiêu công trình khác mọc lên là không thể nói trước”, ông nói.
Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, việc để xảy ra công trình xây dựng tại Mã Pì Lèng là do chế tài xử phạt trong lĩnh vực di sản văn hóa còn yếu. Điều cần thiết lúc này là phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của địa phương, UBND huyện Mèo Vạc, Sở văn hóa địa phương và các cơ quan quản lý, không được để xảy ra tình trạng phạt rồi bỏ qua rồi theo thời gian, công trình vẫn đứng đó.
Thêm nữa, cần có đánh giá tác động của công trình tới cảnh quan. Phải có quy hoạch tổng thể, chi tiết, khu vực nào được xây dựng, kiến trúc như thế nào… Đồng thời, Bộ VH,TT&DL và huyện Mèo Vạc cần đưa ra giải pháp chính thức để xử lý trên cơ sở tình hình cụ thể của di sản.
“Một công trình lộn xộn mà người ta gọi là ‘khối bê tông xấu xí’ xây dựng tại nơi hùng vĩ như vậy dứt khoát gây ảnh hưởng xấu tới di sản dù có thể không lấn vào vùng lõi di sản. Công trình xây dựng nhiều tháng chứ không phải cây kim mà lại không ai biết. Phải kiểm điểm từ trên xuống dưới, và trong việc xử lý, nếu nhiều sai phạm và thấy ảnh hưởng di tích thì cần đập bỏ cũng phải làm”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.
Như Báo Giao thông đưa tin, một công trình tổ hợp khách sạn, nhà hàng, cafe... đã được xây dựng ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh.
Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.
Ngày 5/10, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH-TT-DL) cho biết sau khi kiểm tra hồ sơ di tích, thông tin các cơ quan báo chí nêu và trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của Sở VH-TT-DL Hà Giang, có thể thấy tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (được xếp hạng tại Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16-11-2009 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL).
Theo Luật Di sản văn hóa, tại Điều 32, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cũng như việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích được quy định cụ thể các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I… Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.
Cục Di sản văn hóa cũng khẳng định: “Cho đến hiện nay, Bộ VH-TT-DL chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận