Tài chính

Công ty cho vay tiêu dùng bị tố đòi nợ kiểu “khủng bố”

26/04/2017, 09:08

Ngay cả khi nợ chưa quá hạn mà chỉ gần đến hạn thanh toán, nhân viên công ty tài chính đã gọi đòi nợ.

19

Nhiều công ty tài chính bị tố khủng bố người vay tiêu dùng qua điện thoại, facebook - Ảnh: Tạ Tôn

Dùng facebook tạo sức ép

Trao đổi bên lề tọa đàm công bố kết quả nghiên cứu về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam ngày 25/4, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, trước đây khi vay tiêu dùng hay vay trả góp mua sản phẩm như điện thoại, máy tính... khách hàng phải cung cấp số điện thoại người thân, bạn bè để công ty tài chính phòng khi không đòi nợ được “chính chủ” sẽ quay sang gọi vào những số điện thoại này.

Tuy nhiên, hiện nay có công ty tài chính yêu cầu người vay phải cung cấp tối thiểu 3 địa chỉ facebook của người thân, bạn bè khi ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Từ facebook con nợ, chủ nợ sẽ kết bạn với nhiều bạn bè khác trong danh sách. Và tới thời điểm trả nợ, con nợ không trả sẽ bị gây sức ép, rêu rao, bêu xấu ngay trên facebook. “Điều này hiệu quả hơn là đòi qua điện thoại vì qua điện thoại thì chỉ 1 người biết nhưng lên facebook thì rất nhiều người biết. Cho dù nợ 500 nghìn đồng, 1 triệu hay 5 triệu đồng thì đó là sức ép ghê gớm mà luật của chúng ta chưa điều chỉnh”, ông Trương Thanh Đức nói.

90% người đi vay tiêu dùng có thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng

Theo ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Quân đội, hành vi vay tiêu dùng của người Việt Nam hiện đã thay đổi nhiều so với trước đây. “Hiện nay, 90% người đi vay tiêu dùng có thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng. Số lượng này chiếm tỷ lệ dân số rất lớn, nhất là những người trẻ tuổi có xu hướng vay để tiêu trước, trả sau đang tăng lên. Hiện nay, thời gian phê duyệt một khoản vay tín dụng tiêu dùng cũng chỉ mất 15-30 phút”, ông Tuấn cho biết.

Theo luật sư Đức, hành vi này ở các nước sẽ bị coi là bất hợp pháp, “tại các nước, họ quy định bên đòi nợ không được đến cơ quan người vay để đòi nợ; sau 21h không được gọi điện đòi nợ, một ngày không quá bao nhiêu cuộc... Còn ở Việt Nam, thậm chí chưa quá hạn mà chỉ gần đến hạn thanh toán đã bị gọi cả chục cuộc điện thoại một ngày. Khủng bố như thế, đầu óc nào chịu nổi”, ông Đức nhận xét.

Phân tích các hành vi đòi nợ này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cũng có nguyên nhân, quy định pháp lý hiện không đảm bảo quyền lợi của chủ nợ dẫn đến các thất thoát, khách hàng trốn nợ. “Do bị vi phạm nhiều nên các đơn vị cho vay buộc phải tìm cách ứng xử khác. Trong quá trình đó, có những đơn vị đã làm quá”, ông Đức nhận xét.

Trong khi đó, đứng ở phía người cho vay, ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Ngân hàng Quân đội nêu thực trạng: “Có khách hàng nộp hồ sơ vay cùng một thời điểm 3 ngân hàng. Đây cũng là bài toán hết sức đau đầu khiến các đơn vị tài chính không thể kiểm soát được. Nếu bị “bùng” nợ, kiện ra tòa cũng phải mất mấy năm. Nhiều trường hợp người vay có tài sản có khả năng trả nợ nhưng không trả nên buộc bên cho vay phải tìm cách “hành động”.

Qua đây, ông Tuấn khuyến nghị cần xây dựng một trung tâm dữ liệu chung để hạn chế tình trạng khách hàng vụ lợi lừa đảo tổ chức tài chính tín dụng tiêu dùng.

Tín dụng đen chiếm thế thượng phong

Thông tin với PV Báo Giao thông, luật sư Đức cho hay, tín dụng đen trong nền kinh tế hiện nay rất lớn. “Ở Hà Nội có những con phố có 30 tiệm cầm đồ. Và cả Hà Nội, dư nợ quy mô cầm đồ có thể còn lớn hơn dư nợ tài chính chính thức”, ông Đức nhận định. Mặt khác, ông Đức cũng cho rằng, hiện chưa có cơ chế hiệu quả kiểm soát tín dụng đen.

Được biết, cuối năm 2016, trước vấn đề bức xúc của tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, chuyên gia để lấy ý kiến cho việc xây dựng dự thảo quy định hành lang pháp lý cho tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam. Sau đó, Thông tư 39 và Thông tư 43 đã được ban hành và áp dụng ngay đầu năm 2017.

Tuy nhiên, theo đánh giá của luật sư Trương Thanh Đức, các quy định này chủ yếu là siết lại việc cấp phép, quản trị các điều kiện an toàn của các tổ chức tài chính và mang tính chất phục vụ cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Còn điều quan trọng là hợp đồng tín dụng, mảng nghiệp vụ tín dụng tiêu dùng thì chưa có thay đổi lớn, thậm chí thông tư 43 lại nới lỏng các điều kiện so với trước đây.

Ông Đức chỉ ra, trước kia khi không có quy định riêng về cho vay tiêu dùng thì rất chặt vì phải áp dụng theo quy định chung là phải có hồ sơ vay vốn, chứng minh mục đích sử dụng vốn, lộ trình trả nợ... Còn bây giờ, quy định cơi nới ra nhiều, như khi vay chỉ cần có hóa đơn điện thoại, hóa đơn điện nước...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.