Đào vàng trái phép ở Phước Sơn đang diễn ra rầm rộ hơn trước |
“Vàng tặc” bất đắc dĩ
Con đường nhựa dẫn vào thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đoạn gần nơi đặt nhà máy vàng bị băm nát, cày xới bởi hàng loạt xe ben, xe tải hạng nặng. Nhưng khung cảnh phía dưới con suối Nước Xa còn kinh khủng hơn. Từng tốp người với máy móc đào vàng đang “xẻ thịt” con suối vốn đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi nước thải của công ty vàng.
Một người dân ở đây cho biết, sau khi công ty vàng đóng cửa, nhiều công nhân thất nghiệp đã tiếp tục mưu sinh bằng cách làm thuê cho các chủ mỏ, bởi vậy, nạn đào vàng càng diễn ra tràn lan. Mỗi mỏ vàng đều có người canh giữ, phòng khi có người lạ mặt tìm đến. Tại một mỏ vàng nằm giữa con suối Nước Xa, một tốp gồm sáu phu vàng đang bươn chải tìm vàng. Họ tạo thành hố hào sâu hoắm, đất đai có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Trong khi đồ bảo hộ của họ không gì khác ngoài đôi tay trần và chiếc xà beng đào đất đá.
Những ngày này, đi dọc các con suối, triền núi ở xã Phước Đức, đều nghe thấy tiếng máy hút cát gầm rú vang động đất trời. Anh Hồ Văn Phước (28 tuổi), cho biết: “Chính quyền nhiều lần tiến hành đẩy đuổi, truy quét hoạt động đãi vàng trái phép. Nhưng họ cất giấu máy móc vào rừng rồi lẩn trốn, sau đó lại dựng lán trại ngay sát bờ suối, nấu ăn rồi ngủ nghỉ và làm việc suốt đêm”.
Nỗi niềm người lao động
Trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH vàng Phước Sơn cho biết, họ rất bức xúc về cung cách làm ăn “lạ lùng” của doanh nghiệp. Anh Đường Văn Danh (29 tuổi ở thôn 2) giãi bày: “Khi đang dưới hầm lò chui ra thì bất ngờ nhận được thông báo cho công nhân nghỉ việc. Tất cả các công nhân đều ký vào tờ đơn tạm hoãn hợp đồng công việc. Như vậy, công ty sẽ chưa phải thanh toán khoản trợ cấp thất nghiệp và chế độ BHXH cho công nhân. Giờ tất cả đang mòn mỏi chờ đợi nhận khoản tiền chính đáng do chính công sức lao động của mình làm ra”.
Như Báo Giao thông đã phản ánh trong bài viết “Vàng mắt” đòi nợ công ty vàng”, sau khi bị Cục Thuế Quảng Nam áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu của Tập đoàn Besra Việt Nam (tính đến 30/6/2014 nợ thuế 297 tỷ đồng) đã cho đóng cửa hai mỏ vàng Bồng Miêu (từ 18/7) và Phước Sơn (từ 22/7) khiến hơn 1.000 công nhân lâm vào tình cảnh khốn đốn vì phải “tạm hoãn hợp đồng lao động”. Ông Lương Đình Đường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam khẳng định, Cục Thuế Quảng Nam đã nhiều lần tạo điều kiện cho hai công ty này hoạt động, tuy nhiên, sau đó DN vẫn không thực hiện việc nộp thuế. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế là chính đáng, không thể đổ lỗi do bị cưỡng chế mà đóng cửa hai mỏ vàng được.
Lam Trình |
Anh Danh kể, anh từng làm công nhân hầm lò ở Công ty TNHH vàng Phước Sơn từ năm 2011. Đây là lần đóng cửa mỏ vàng lâu nhất, kéo dài cả tháng trời. Trước đó, công nhân được thông báo nghỉ vài ngày rồi lại kéo nhau đi làm việc trở lại. Công việc gián đoạn thường xuyên khiến tâm lý công nhân mất ổn định và hoang mang.
Anh Danh chỉ là một trong hàng ngàn các công nhân khác có chung tâm lý bức xúc và mong mỏi có công ăn việc làm ổn định. “Hy vọng công ty vàng không dùng công nhân để phục vụ cho mục đích nào khác ngoài lợi ích công việc” - anh Danh tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh, công nhân Hồ Văn Lay (24 tuổi) ở thôn 4 nói: “Bây giờ em phải cày cuốc cho các chủ mỏ để kiếm tiền nuôi gia đình. Em cũng không rõ mình sẽ thất nghiệp bao lâu nữa”. Mặc dù là công nhân lâu năm của Công ty TNHH vàng Phước Sơn nhưng anh Lay đã nhiều lần cùng với người làng ra đường lập barie chặn xe chở quặng của công ty, bởi doanh nghiệp này không nộp tiền BHYT cho công nhân và làm ô nhiễm nguồn nước sông suối.
Anh Lay cho hay: “Chuyện công ty vàng thông báo nghỉ việc từ trước đến nay diễn ra như cơm bữa. Nghe nói tháng 10 này công ty mở cửa trở lại, nhưng em và nhiều công nhân khác đang tính chuyện có nên tiếp tục cống hiến công sức lao động cho công ty nữa hay không. Bởi không chừng mới làm hôm nay, ngày sau lại nhận được tin thôi việc rồi. Ai nấy đều rất bức xúc”.
Thanh Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận