Thị trường

Công ty duy nhất trên sàn sản xuất thuốc trị Covid-19 làm ăn ra sao?

23/02/2022, 19:46

Công ty duy nhất trên sàn chứng khoán có thuốc điều trị Covid-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có “hốt bạc” khi dịch bệnh hoành hành?

Giá cổ phiếu MKP đã tăng hơn 50%

Phiên giao dịch ngày 23/2, cổ phiếu MKP của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar tiếp tục tăng thêm gần 9%.

Sau khi tăng liên tục 4 phiên kể từ thời điểm có tin tốt, trong đó có 3 phiên liên tục tăng trần, MKP đã tăng 54% lên 70.500 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên giao dịch ngày 23/2.

img

Giá cổ phiếu MKP tăng mạnh lên hơn 70.000 đồng

Tin tốt đẩy giá cổ phiếu MKP tăng mạnh là Hóa - Dược phẩm Mekophar là 1 trong 3 doanh nghiệp sản xuất thuốc trị Covid-19 trong nước vừa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chiều 17/2 với thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg. MKP cũng là doanh nghiệp duy nhất trong 3 doanh nghiệp trên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Đà tăng này cả MKP cũng kéo theo nhiều cổ phiếu ngành dược khác phủ sắc xanh như: DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP, DHG của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, DBT của Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre…

Phú quý giật lùi

Mekorphar tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 24 – đơn vị thành viên của Tổng công ty Dược Việt Nam. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm, dược liệu, hóa chất…

Mekorphar được cổ phần hóa từ 2001, niêm yết cổ phiếu năm 2010 với mã chứng khoán MKP. Đến năm 2012, MKP hủy niêm yết do muốn mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dược phẩm nhưng lại có 4,7% vốn do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu.

Sau khi rời sàn để thực hiện tái cơ cấu cổ đông, năm 2017 MKP đã đăng ký giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.

Trong vòng hơn 10 năm từ 2010 khi công ty niêm yết cổ phiếu đến 2021, doanh thu của MKP không có đột phá, chỉ loanh quanh 1.000-1.200 tỷ đồng. Công ty chỉ đột phá doanh thu trong năm 2017 với 1.367 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của MKP cũng loanh quanh trong khoảng 50-100 tỷ đồng. Riêng năm 2014, MKP đột phá với lợi nhuận sau thuế 162 tỷ đồng.

Nhưng sau đó lợi nhuận của công ty lại liên tục sụt giảm, nhất là trong 5 năm gần đây lợi nhuận công ty liên tục giảm từ 115 tỷ đồng về còn 16 tỷ đồng năm 2021, bất chấp các kỳ vọng vào ngành dược tăng trưởng trong bối cảnh Covid-19.

Mekorphar lý giải về tình hình sa sút nói trên là do phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong ngành trong khi không chủ động được nguyên liệu mà phải nhập khẩu tới 90% với giá cao ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, MKP cho biết, giá thầu thuốc quá thấp nên công ty không thể trúng thầu thuốc vào các bệnh viện trong khi đó xuất khẩu thuốc bị cạnh tranh với thuốc rẻ sản xuất từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Các cổ đông của MKP kỳ vọng, với bước ngoặt thuốc điều trị Covid-19 được cấp phép lưu hành, kết quả kinh doanh và lợi nhuận của MKP sẽ có đột phá.

Trong Báo cáo triển vọng ngành dược phẩm của Công ty chứng khoán SSI, lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Đặc biệt, nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị Covid (do Pfizer và MSD chuyển giao) và có thể sớm thương mại hóa trong năm 2022.

SSI ước tính lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe tăng 15% so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng trưởng 12% và tăng giá dự kiến từ 4-6% đối với cả thuốc và các dịch vụ y tế.

Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022, SSI cho rằng ngành chăm sóc sức khỏe sẽ có cơ hội tăng giá khá tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty dược phẩm tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.