Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết vừa triển khai chương trình hợp tác đào tạo với công ty Tokyo Metro (Công ty tàu điện ngầm của Nhật Bản) để phục vụ nghiệm thu hoàn thành dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án Nhổn - ga Hà Nội dự kiến hoàn thành, khai thác 8,5km trên cao vào cuối năm 2022
“Tokyo Metro hỗ trợ MRB về đào tạo về các nội dung: nghiệm thu công trình xây dựng, kiến trúc, hệ thống điện; đầu máy, toa xe; kiểm tra liên động toàn hệ thống trước khi đưa dự án Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác vận hành thương mại. Cùng đó, chia sẻ kinh nghiệm thực tế quản lý dự án đường sắt đô thị, tiên lượng những khó khăn, vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác vận hành hệ thống. Thời gian đào tạo kéo dài đến tháng 9/2022 và do chuyên gia của Tokyo Metro trực tiếp đào tạo”, lãnh đạo MRB thông tin.
Theo MRB, dự án Nhổn - ga Hà Nội sẽ được nghiệm thu hoàn thành theo tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, phù hợp với hợp đồng đã ký với nhà thầu.
Quá trình nghiệm thu hoàn thành gồm 8 giai đoạn: nghiệm thu thử nghiệm và hiệu chỉnh các hệ thống thành phần và toàn hệ thống dự án; Kiểm tra, nghiệm thu các công trình chuyên biệt trên tuyến; Kiểm tra chạy thử và cấp chứng chỉ nghiệm thu chạy thử để bàn giao vận hành chạy thử.
Tiếp theo, đơn vị tư vấn đánh giá, cấp chứng nhận an toàn hệ thống lần 1 và cấp chứng chỉ nghiệm thu chạy thử hệ thống truyền dẫn tín hiệu tổng thể (CAC); Vận hành, chạy thử hệ thống; Tiếp tục vận hành, chạy thử hệ thống để cấp chứng nhận an toàn hệ thống lần 2; Thẩm định chứng nhận an toàn hệ thống; Nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.
Thành phần tham gia nghiệm thu hoàn thành công trình gồm chủ đầu tư dự án, các nhà thầu, đơn vị tiếp nhận dự án và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan (Bộ GTVT, Xây dựng, Môi trường, cơ quan cảnh sát về phòng cháy, chữa cháy). Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng thực hiện nghiệm thu cuối cùng trước khi đưa dự án vào khai thác thương mại.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được triển khai từ năm 2009, với thiết kế tuyến đường sắt có chiều dài 12,5km (gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm) và sử dụng 10 đoàn tàu.
Tổng mức đầu tư dự án 1,176 tỷ Euro, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ và được tách thành hai giai đoạn hoàn thành. Dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thàn, đưa vào khai thác trước 8,5km trên cao và toàn tuyến vào khoảng năm 2025. Theo MRB, đoạn trên cao hiện đạt gần 95% tiến độ tổng thể (toàn dự án đạt hơn 74%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận