Khu đất mà Công ty Phương Trang trúng đấu giá suốt 8 năm qua nhưng không được bàn giao hiện vẫn do chủ cũ kinh doanh buôn bán |
Ngày 19/9, ông Nguyễn Hữu Luân, Giám đốc Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt cho biết, đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đây đã lần thứ 45, doanh nghiệp này gửi đơn kêu cứu về việc suốt 8 năm qua, công ty không được bàn giao tài sản trúng đấu giá, dù đã nộp tiền đầy đủ, được cấp sổ đỏ.
Không giao tài sản trúng đấu giá là trái pháp luật
Theo hồ sơ vụ việc, Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt mua mảnh đất bán đấu giá hơn 37 tỷ đồng, tiền đã trả và sổ đỏ cũng đã sang tên nhưng 8 năm qua doanh nghiệp này chưa nhận được tài sản. Trong khi đó, người phải thi hành án vẫn tiếp tục sử dụng tài sản đó (đã được kê biên, định giá, bán đấu giá) để ở và kinh doanh cho thuê một cách công nhiên suốt những năm qua (Báo Giao thông số 136 ra thứ năm 24/8 đã phản ánh trong bài “Kỳ lạ 8 năm không được trả tài sản mua thi hành án”).
Theo luật sư Nguyễn Duy Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), theo quy định pháp luật về thi hành án, việc truy tố Nguyễn Long Vân (chấp hành viên, chủ tịch Hội đồng định giá tài sản tiến hành kê biên nhà, đất tại số 357 Phan Đình Phùng, P.2, TP Đà Lạt) và việc giao tài sản cho người trúng đấu giá là độc lập với nhau. Dù ông Vân có tội hay không thì việc giao tài sản trúng đấu giá vẫn phải thực hiện. Việc cơ quan thi hành án không giao tài sản cho người mua trúng đấu giá là trái pháp luật, gây thiệt hại cho người trúng đấu giá và tạo sự suy diễn bất lợi cho ông Vân theo hướng việc bán đấu giá là trái luật, là hậu quả từ hành vi của ông Vân.
Luật sư Đỗ Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích, Điều 103 Luật Thi hành án dân sự nêu rõ: Người mua được tài sản bán đấu giá được bảo vệ quyền sở hữu, quyền sử dụng với tài sản đã trúng đấu giá. Ngay cả khi bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị huỷ thì cơ quan thi hành án vẫn phải tiếp tục giao tài sản. Bộ luật Dân sự, các quy định pháp luật có liên quan cũng không có bất cứ quy định nào để cơ quan thi hành án trì hoãn, tạm dừng bàn giao tài sản trúng đấu giá cho Công ty Phương Trang Đà Lạt. Ngay cả khi CHV bị truy cứu trách nhiệm hình sự về thi hành án đi nữa thì đây cũng là việc độc lập. Không có quy định nào quy định việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá phải chờ quá trình xử lý sai phạm của chấp hành viên cả.
Yêu cầu Bộ Tư pháp tuân thủ pháp luật
Theo hồ sơ, trước khi ông Nguyễn Long Vân bị khởi tố, trong hai năm 2009-2010, có gần 10 lần Chi cục Thi hành án TP Đà Lạt lên kế hoạch cưỡng chế buộc bà Hồng giao tài sản nhưng đều bị gác lại. Nguyên nhân do UBND TP Đà Lạt chưa phê duyệt phương án cưỡng chế với lý do bà Hồng đang khiếu nại và cưỡng chế sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị địa phương… Đến năm 2011, ông Vân bị khởi tố nhưng sau đó Chi cục Thi hành án TP Đà Lạt cũng không thể cưỡng chế giao tài sản dù có nhiều cuộc họp để tìm hướng giải quyết. Thời điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng là Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án tỉnh có công văn gửi VKSND Tối cao đề nghị có ý kiến thống nhất về việc giao tài sản bán đấu giá.
Chiều 19/9, khi PV Báo Giao thông liên hệ với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Đình Long để tìm hiểu về việc Công ty Phương Trang Đà Lạt nhiều lần gửi đơn kêu cứu Bộ trưởng Tư pháp về việc 8 năm không được bàn giao tài sản trúng đấu giá, Bộ trưởng Lê Thành Long nói cần thời gian để giao cho các đơn vị rà soát lại. Cùng với đó, Bộ trưởng Long hướng dẫn PV liên hệ trực tiếp với đơn vị trực tiếp giải quyết là Tổng cục Thi hành án dân sự. Trả lời PV, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, về việc này, Bộ đã có văn bản đề nghị VKSND Tối cao và TAND Tối cao sớm đưa ra phương án để xử lý vụ việc. “Bộ Tư pháp đang hết sức chủ động và tích cực trong việc này, và sẽ tiếp tục có văn bản trả lời rõ hơn cho PV”, ông Khôi nói. Hoài Thu |
Tháng 4/2016, UBND tỉnh lại có công văn gửi VKSND Tối cao và TAND Tối cao với nội dung: “Việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp vì dư luận chưa đồng thuận do chưa xét xử đối với sai phạm của ông Vân. Nếu cưỡng chế sẽ gặp sự chống đối quyết liệt từ phía gia đình bà Hồng”. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị hai cơ quan này chỉ đạo việc xét xử đối với sai phạm của CHV để có cơ sở giao tài sản đấu giá. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng trình ý kiến lên Chính phủ xin chỉ đạo thực hiện.
Quá bức xúc trước vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Luân, Giám đốc Công ty Phương Trang Đà Lạt cho biết, mới đây ngày 14/9, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp khi trả lời công ty lại đưa trích dẫn Văn bản 9548/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc không giao tài sản để chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự ông Vân. “Vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án xác định rõ căn cứ pháp lý để không giao tài sản trúng đấu giá cho công ty. Dựa vào căn cứ quy định luật pháp nào để trì hoãn bàn giao tài sản cho chúng tôi? Khi Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án chưa chỉ ra được bất cứ căn cứ pháp lý nào để không giao tài sản trúng đấu giá, chúng tôi cho rằng chính cơ quan thi hành án đang không thực hiện đúng pháp luật, không tôn trọng pháp luật và đang đẩy trách nhiệm lên Chính phủ. Chưa kể việc văn bản này trích dẫn tài sản trúng đấu giá được coi là vật chứng của vụ án, vậy tại sao vật chứng của vụ án không được niêm phong mà lại cho bà Hồng sử dụng kinh doanh suốt 8 năm qua?” ông Luân nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận