Doanh nghiệp

Công ty sở hữu sân golf Tân Sơn Nhất lên kế hoạch lỗ khủng

14/06/2017, 09:22

LoBiCo lên kế hoạch… lỗ khủng 4 năm liên tục (2014-2017) với tổng mức lỗ lên đến 1.660 tỷ đồng.

15

Tòa nhà hoành tráng này là Câu lạc bộ golf, Him Lam Palace Tân Sơn Nhất và nhà hàng Him Lam - Ảnh: Vân Trường

LoBiCo và đợt bán đấu giá lạ lùng

Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Long Biên (LoBiCo) được thành lập ngày 29/6/2006. Trên website tansonnhatgolf.vn giới thiệu LoBiCo là thành viên của CTCP Him Lam. Ngày 29/6/2014, LoBiCo khai trương sân golf Long Biên 18 lỗ cùng trung tâm hội nghị - tiệc cưới Him Lam Palace Long Biên và nhà hàng Him Lam 5 sao tại quận Long Biên, Hà Nội. Hơn một năm sau, ngày 12/8/2015, công ty khai trương sân golf Tân Sơn Nhất 36 lỗ cùng trung tâm hội nghị - tiệc cưới Him Lam Palace Tân Sơn Nhất và nhà hàng Him Lam 5 sao. Tiếp đó, ngày 2/7/2016, công ty khai trương tiếp 9 lỗ sân C thuộc dự án sân golf Long Biên 27 lỗ. Như vậy, tới nay, LoBiCo là doanh nghiệp đang quản lý hai sân golf, trong đó có sân golf đang thu hút sự chú ý của dư luận là sân golf Tân Sơn Nhất.

Hiện, trang web của LoBiCo ở trong tình trạng “không thể truy cập”. Trong khi đó, thông tin mới nhất LoBiCo xuất hiện trên truyền thông là cuộc đấu giá cổ phần (CP) được tổ chức hồi tháng 10/2014. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, đến 16h ngày 30/10/2014 (thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc) chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký đấu giá, không đủ điều kiện nên đã bị hủy.

Thị trường chứng khoán khi đó còn ồn ào về quy định lạ của LoBiCo bởi ngoài giá khởi điểm cao chót vót 90.000 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp này chỉ bán sỉ trọn lô. Được biết, số CP bán đấu giá là toàn bộ sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Trường An (6 triệu CP, tương đương 15% vốn) nhằm mục đích thoái vốn khỏi LoBiCo. Do đó, nhà đầu tư muốn mua sẽ phải bỏ ra 540 tỷ đồng. Không những thế, nhà đầu tư còn phải “chôn vốn” ở đây khi LoBiCo lên kế hoạch tài chính… lỗ “khủng” liên tục trong vòng 4 năm (từ 2014-2017), với tổng mức lỗ lên đến 1.660 tỷ đồng. Từ năm 2018, LoBiCo mới dự kiến có lãi 271 tỷ đồng bởi công ty cho biết, đối với dự án sân golf Long Biên chỉ mất hơn 6 năm để hoàn vốn trong khi với sân golf Tân Sơn Nhất sẽ mất 13 năm. Bẵng đi tới hiện nay vẫn chưa có thông tin nào về đợt đấu giá CP của LoBiCo.

Sân golf Tân Sơn Nhất bị thu hồi, ai thiệt hại?

Ở thời điểm LoBiCo công bố bán đấu giá CP, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Trường An (một đơn vị của Bộ Quốc phòng) nắm 15% vốn. Ông Trần Văn Tĩnh (thời điểm đó là Tổng giám đốc Him Lam) nắm giữ 48,5% và bà Dương Thị Liêm (em gái ông Dương Công Minh, Chủ tịch Him Lam) nắm giữ 36,5% vốn của LoBiCo. Thời điểm đó, dù Him Lam không trực tiếp sở hữu cổ phần của LoBiCo nhưng logo của LoBiCo khá giống với logo của các công ty con trong hệ thống Him Lam và tới nay logo này vẫn được giữ nguyên.

Hiện nay, trên website tansonnhatgolf.vn giới thiệu LoBiCo là thành viên của Him Lam. Trên website của Him Lam, trong bản giới thiệu cũng cho hay: “Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao về việc chơi golf, Him Lam hợp tác với một số đối tác đã đầu tư vào các dự án sân golf Long Biên (tại Q. Long Biên, TP Hà Nội), dự án sân golf Tân Sơn Nhất (tại Q. Tân Bình, TP.HCM) cùng với các tiện ích công cộng khác như: Biệt thự cho thuê, khách sạn, nhà hàng, khu liên hợp thể thao, phòng hội nghị”. Thậm chí, để tích lũy kinh nghiệm quản lý điều hành cho các dự án sân golf sau này, Him Lam đã đầu tư xây dựng sân tập golf Him Lam - Ba Son nằm bên cây cầu Thủ Thiêm nối liền trung tâm Sài Gòn với đô thị mới Thủ Thiêm.

Không chỉ dự án sân golf Long Biên mà cả dự án sân golf Tân Sơn Nhất được biết đến là thuê trên đất quốc phòng với thời hạn 50 năm. Trước tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, dư luận ủng hộ phương án thu hồi đất quốc phòng - đang là sân golf Tân Sơn Nhất - để mở rộng sân bay này.

Vậy có thể thu hồi đất quốc phòng đã cho thuê làm sân golf hay không? Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, việc một người không đủ thẩm quyền ký quyết định nhưng vẫn ký là sai. “Căn cứ theo Luật Dân sự, nếu ký sai thẩm quyền thì hợp đồng vô hiệu. Nếu cố tình làm sai thì phải chịu”, ông Kiên nói. Việc bồi thường hợp đồng kinh tế ở đây như thế nào? “Ai là người ký kết hợp đồng sân golf, người đó phải chịu trách nhiệm. Hai bên đều sai, hai bên đều chịu”, ông Kiên khẳng định.

Vậy, trong trường hợp sân golf bị thu hồi để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, LoBiCo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có quyền lợi trực tiếp của các cổ đông nói trên (nếu cơ cấu cổ đông LoBiCo chưa có sự thay đổi).

Trong cuộc họp báo về Luật Quy hoạch chiều 12/6, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nêu quan điểm: “Chúng tôi sẽ không làm quy hoạch sân golf, theo đúng tư tưởng của Luật Quy hoạch đã trình. Chúng tôi sẽ đưa ra chính sách quản lý thông qua các chính sách điều kiện tiêu chuẩn để làm sân golf”. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cũng cho hay, không quy hoạch cho mục đích khác cho đất quốc phòng, đất di tích lịch sử, bảo tồn. Còn đất nhà đầu tư đấu thầu để làm sân golf phải là đất đạt tiêu chuẩn và chính quyền địa phương quyết định, thông qua đấu thầu, không có chuyện “chạy” giấy phép hay “bán” giấy phép đầu tư.

Sân golf Tân Sơn Nhất được giới thiệu có quy mô 36 lỗ theo tiêu chuẩn PGA (Hiệp hội golf chuyên nghiệp Mỹ), được thiết kế bởi nhà thiết kế sân golf hàng đầu thế giới là Công ty Nelson & haworth Golf Course Architects. Đây là sân golf mở duy nhất trong nội thành TP HCM. Sân golf được chia thành 4 sân A, B, C, D với 9 lỗ golf/sân. Sân golf đi vào hoạt động từ tháng 8/2015, cả ngày lẫn đêm. Trong khuôn viên dự án còn có tòa nhà Clubhouse (5 sao với diện tích khoảng 10.000m2 nằm ngay chính giữa 4 sân A, B, C và D; gồm phòng tắm, nhà hàng, khu mua sắm, hầm rượu…); trung tâm hội nghị - tiệc cưới với sức chứa 2.000 khách...

Không sở hữu vốn trực tiếp tại LoBiCo nhưng người của Him Lam tham gia vào bộ máy điều hành của công ty này, các công ty thành viên của Him Lam cũng tham gia xây dựng các hạng mục của dự án. Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Him Lam được thành lập ngày 1/9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam. Sau hơn 20 năm hoạt động, từ một công ty kinh doanh địa ốc, đến nay Him Lam đã trở thành một công ty lớn với 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết. Trong đó, ngoài các công ty “họ” Him Lam và hệ thống đào tạo nhân lực phải kể tới các đơn vị “họ” Liên Việt. Theo số liệu công bố gần nhất tháng 2/2015, Công ty Cổ phần Him Lam sở hữu 14,98% vốn điều lệ của LienVietPostBank và là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Him Lam cũng trở thành Chủ tịch LienVietPostBank. Sau khi được HĐQT miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank hồi thượng tuần tháng 6, ông Dương Công Minh còn giữ chức Chủ tịch Công ty Chứng khoán Liên Việt với 89,5% vốn điều lệ của công ty này do Him Lam sở hữu.

Tính đến nay, Him Lam hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giải trí, sân golf tiêu chuẩn quốc tế…tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác. Him Lam cho biết, đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, khu đô thị mới, hầu hết các dự án đều ở vị trí gần trung tâm thành phố, có cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.