Thuyền viên tàu viễn dương Việt Nam. |
Công ước Lao động hàng hải (MLC 2006) được coi như “Bản tuyên ngôn nhân quyền của thuyền viên làm việc trên tàu biển” chính thức có hiệu lực và trở thành luật quốc tế từ tháng 8/2013. Là thành viên thứ 37/68 quốc gia phê chuẩn, MLC 2006 chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 8/5/2014.
Theo ông Đỗ Đức Tiến, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN, tính đến hết tháng 11/2015, đơn vị này đã phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải (DMLC) phần I cho 525 tàu. Cục Đăng kiểm VN đã phê duyệt DMLC phần II và cấp Giấy chứng nhận MLC cho 443 tàu là đối tượng của Công ước, thể hiện sự tuân thủ đầy đủ các quy định về lao động hàng hải.
Thực hiện nghĩa vụ kiểm tra Nhà nước cảng biển và trách nhiệm của Quốc gia đối với tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, từ tháng 8/2014, các Cảng vụ hàng hải đã thực hiện kiểm tra theo hướng dẫn, phát hiện 152 khiếm khuyết của tàu biển VN và 33 khiếm khuyết của tàu biển nước ngoài liên quan đến MLC 2006.
MLC 2006 được cho là giúp cải thiện điều kiện sống và làm việc khoảng 32 nghìn sỹ quan, thuyền viên Việt Nam. Khảo sát mới đây của thạc sỹ Phạm Ngọc Hà, Khoa Hàng hải, Đại học GTVT TP đối với thuyền viên Việt Nam đang làm việc trên các tàu biển Việt Nam và nước ngoài chạy tuyến quốc tế, kết quả cho thấy, MLC 2006 đã thực sự cải thiện đời sống thuyền viên Việt Nam chỉ sau năm đầu có hiệu lực.
Sau một năm Công ước MLC 2006 có hiệu lực, nhiều thay đổi cơ bản được thuyền viên ghi nhận như: Hợp đồng lao động của thuyền viên, ngoài những quy định tại Bộ luật Lao động, còn quy định cụ thể việc chủ tàu có trách nhiệm bố trí và thanh toán các chi phí cho thuyền viên hồi hương; thuyền viên được mua bảo hiểm tai nạn khi làm việc trên tàu; được nghỉ phép hàng năm với tối thiểu 2,5 ngày/tháng làm việc.
Số giờ làm việc tối đa được xây dựng không quá 14 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ và 72 giờ trong khoảng thời gian 7 ngày bất kỳ. Các tàu đã được cải tiến để đảm bảo các yêu cầu về kết cấu và trang thiết bị, kích thước buồng ở, các phương tiện vệ sinh, chiếu sáng và khu vực y tế. Tàu cũng được trang bị các tiện nghi, thiết bị và phương tiện giải trí như bổ sung tủ sách, tạp chí, băng đĩa, dụng cụ tập thể thao.
Sau thời gian đầu thực hiện MLC 2006 được châm chước, tới đây khi chính quyền cảng các nước kiểm tra chặt hơn, việc thiếu các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, chắc đội tàu Việt Nam đi ra quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn”. Ông Đỗ Hồng Dương, đại diện Vinalines |
Tại cuộc họp tổng kết 1 năm thực thi MLC 2006 vừa qua do Cục Hàng hải VN tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện khá nhiều văn bản do các bộ, ngành khác chịu trách nhiệm đến nay vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Đỗ Hồng Dương, đại diện Vinalines cho biết, khó khăn do phải thu xếp nguồn tài chính để trang bị, nâng cấp đội tàu hầu hết là tàu cũ, để đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt, giải trí cho thuyền viên đáp ứng được các yêu cầu của Công ước đến nay đã được các doanh nghiệp gồng mình đáp ứng.
Theo ông Dương, khó khăn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp có tàu chạy tuyến quốc tế là hệ thống VBQPPL Việt Nam còn chưa đồng bộ hoặc thiếu để bảo đảm thực thi các quy định của Công ước MLC 2006. Hiện vẫn chưa có nhiều quy định như: Cơ quan tiếp nhận khiếu nại của thuyền viên; Quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ dinh dưỡng; Quy định cơ sở khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho thuyền viên; Tiêu chỉ đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho DN cung ứng thuyền viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận