Ngang nhiên làm cột điện cao thế vi phạm hành lang an toàn đường sắt
Trao đổi với PV Báo Giao thông sáng 24/10, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Công ty CP đường sắt Hà Lạng (đơn vị quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân) cho biết, mới đây, qua công tác kiểm tra, đơn vị đã phát hiện một doanh nghiệp tự ý làm cột điện cao thế vi phạm hành lang ATGT đường sắt.
Chiếc cột điện cao thế được thi công vi phạm hành lang ATGT đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân tại Km67+107 qua địa bàn xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều
Cụ thể, ngày 9/9 vừa qua, quá trình kiểm tra tại Km67+107 trên tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân thuộc địa bàn xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều (Quảng Ninh), lực lượng chuyên trách đã phát hiện công nhân thuộc Công ty CP Mai Hoàng Gia có địa chỉ trụ sở tại số 108A Tân Hưng, phường Đông Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa dù chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng đã tự ý thi công, đào hố chôn cột điện cao thế 110KV vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
Vị trí chân cột điện cao thế do doanh nghiệp thi công cách chân nền đắp (bên phải lý trình) đường sắt là 4,5m; cách mép ray ngoài cùng là 9,5m với chiều cao cột điện là 14,m (cột điện đôi). Hành vi này đã vi phạm Nghị định số 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Lực lượng quản lý, bảo trì thuộc Công ty CP đường sắt Hà Lạng kiểm tra, xác định khoảng cách giữa cột điện với đường tàu
Một công nhân tuần đường thuộc Công ty CP Đường Sắt Hà Lạng cho biết: "Khi doanh nghiệp trồng cột điện tại vị trí vi phạm, đơn vị đã kịp thời phát hiện và báo cáo cấp trên, đồng thời giải thích rõ hành vi vi phạm cho lực lượng thi công, nhưng những người này vẫn không chấp hành. Thậm chí, công nhân tuần đường còn ngồi lên cây cột điện không cho thi công, nhưng không cản được".
Phớt lờ yêu cầu xử lý, tháo dỡ?
Điều đáng nói là, ngay trong ngày 9/9, UBND xã Hồng Thái Đông, Công ty CP đường sắt Hà Lạng đã phối hợp lập biên bản đối với vi phạm của Công ty CP Mai Hoàng Gia và yêu cầu doanh nghiệp này phải tự tháo dỡ cột điện và hoàn trả lại hiện trạng mặt bằng cho đơn vị quản lý trước ngày 11/9/2022. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp đã không ký vào biên bản vi phạm.
Đại điện đơn vị thi công đã không ký vào biên bản vi phạm
Sau ngày 11/9, Công ty CP Mai Hoàng Gia vẫn không chấp hành việc tháo dỡ cột điện vi phạm, nên ngày 12/9, 18/9, Công ty CP đường sắt Hà Lạng đã liên tiếp phát văn bản yêu cầu doanh nghiệp, UBND TX Đông Triều để đề nghị xử lý.
Trước thực trạng Công ty CP Mai Hoàng Gia vẫn "mũ ni che tai" trước vi phạm của mình và trên cơ sở báo cáo của Công ty CP đường sắt Hà Lạng, ngày 22/9, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã phải có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Cục Đường sắt Việt Nam để đề nghị xử lý vi phạm hành lang ATGT tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân.
Dù có nhiều văn bản của cấp có thẩm quyền như vậy, nhưng sau đó, Điện lực Đông Triều, chính quyền địa phương vẫn không tiến hành xử lý vi phạm đối với Công ty CP Mai Hoàng Gia.
"Đến ngày 13/10, Công ty tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh, Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh… để kiến nghị. Thế nhưng, phải đến ngày 21/10, các bên liên quan mới phối hợp đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản. Hiện nay, cột điện vẫn chưa được tháo dỡ", ông Nguyễn Đình Quyền thông tin thêm.
Đến thời điểm hiện tại, cột điện vi phạm hành lang đường sắt vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" và nguồn tin của PV thì doanh nghiệp đang xin giấy phép xây dựng.
Trao đổi qua điện thoại trưa 24/10, một lãnh đạo Điện lực Đông Triều (Quảng Ninh) cho hay: "Việc làm cột điện vi phạm hành lang lưới điện như vậy đã có cơ quan chức năng đến kiểm tra. Hiện cột điện đã được tháo dỡ hay vẫn còn thi công thì cần cho biết rõ ở chỗ nào thì mới kiểm tra được!?"
Còn khi PV Báo Giao thông điện thoại cho lãnh đạo UBND xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều để nắm thêm thông tin xử lý cũng như trách nhiệm của địa phương thì được trả lời "đang bận, sẽ liên lạc lại sau".
Nghị định 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2018, nêu rõ: Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lấn chiếm đất dành cho đường sắt; trong đó UBND cấp xã có trách nhiệm trực tiếp.
Do đó, để đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn công trình đường sắt Quốc gia, cùng với đơn vị quản lý tuyến, UBND TX Đông Triều, chính quyền xã Hồng Thái Đông, Điện lực Đông Triều phải có trách nhiệm nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận