Các ca dương tính với Covid-19 liên tục xuất hiện trong các doanh nghiệp lớn như Pouyuen Việt Nam, Jabil Việt Nam, Nidec Sankyo… ở các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM khiến các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và gấp rút tính toán phương án “vừa chống dịch - vừa sản xuất”. Tuy nhiên, bài toán không đơn giản chút nào.
Nỗ lực duy trì sản xuất giữa tâm dịch, hơn 500 công nhân Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM) đã được bố trí ăn ở, làm việc ngay tại khu nhà xưởng. Ảnh: Nguyên Hằng
Ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ
Tính đến sáng 13/7, qua xét nghiệm nhanh cho 40.000 công nhân của 132 doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận, ngành y tế TP HCM ghi nhận 275 ca dương tính với Covid-19.
Đến nay, toàn TP HCM có 1.800 lao động ở các doanh nghiệp dương tính với Covid-19 khiến hoạt động sản xuất xáo trộn. Hiện toàn thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với khoảng 1,6 triệu lao động.
Trước đó, Ban quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo hình thức “sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ”.
Chị Tuyết Trinh (25 tuổi, công nhân một công ty may mặc tại KCN Tân Bình, TP HCM) cho biết, để phòng ngừa tình huống F0 xuất hiện, công ty đã chuẩn bị phương án vừa cách ly vừa sản xuất. Công ty sắp xếp cho gần 200 công nhân lưu trú lại tại nhà máy, sắm màn, chiếu, vật dụng cá nhân và đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m từng người.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng suất ăn miễn phí từ 1 lên 3 bữa để công nhân yên tâm làm việc tại nhà máy.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết, hiện 500 công nhân, nhân viên của công ty đã được bố trí ăn ở, làm việc ngay tại khu nhà xưởng.
Trước đó, công ty có 200 công nhân đã ở nội trú tại khu ký túc xá của công ty. “Hiện tại, toàn bộ khối công nhân sản xuất trực tiếp gồm 700 người đều đã ở tại chỗ, chỉ còn một số cán bộ, nhân viên khối văn phòng làm việc từ xa”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, tại Công ty Alta Group (KCN Tân Bình) cũng đã dựng khoảng 100 lều trại, bố trí lại nhà xưởng trong khuôn viên công ty và sắp xếp văn phòng để công nhân lưu trú tạm thời, ăn ở và làm việc tại nhà máy.
Ông Hoàng Minh Anh Tú, Tổng giám đốc Alta Group cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp tăng gấp đôi nên việc đảm bảo an toàn trong sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phải được đặt lên hàng đầu.
Theo đó, công nhân nam ở trong các lều, công nhân nữ ở giường tầng trong khối nhà văn phòng, đảm bảo sinh hoạt tách biệt và công ty sẽ lo ăn uống. Đồng thời, doanh nghiệp cũng liên hệ đơn vị y tế để công nhân giao nhận phải test nhanh Covid-19 thường xuyên, còn công nhân khác test định kỳ.
Thiếu mặt bằng, không thể “3 tại chỗ”
Công nhân Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, quận Bình Chánh, TP HCM) làm việc và ăn, ở tại công ty
Đại diện HEPZA cho biết, đến nay đã có khoảng 100 doanh nghiệp đăng ký các phương án vừa sản xuất vừa cách ly.
Tuy nhiên, đây là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, số lượng chỉ vài trăm công nhân. Đối với các doanh nghiệp có quy mô vài nghìn lao động trở lên, việc bố trí ăn nghỉ tại chỗ không đơn giản.
Tại Khu chế xuất Tân Thuận hiện có 250 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 60.000 lao động. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đã có 31 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động từ ngày 10/7 vừa qua. Các doanh nghiệp chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng chống dịch.
Tại Long An, từ ngày 13/7, tỉnh buộc các doanh nghiệp hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” và chỉ những doanh nghiệp bảo đảm được điều này mới tiếp tục hoạt động. Theo nguyên tắc này, doanh nghiệp phải bố trí nhà ăn có vách ngăn riêng cho công nhân, bố trí 1 lều ngủ, 1 đệm, khăn mặt, chậu rửa mặt và khoảng cách tối thiểu 2m khi làm việc.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tổ chức lại sản xuất, phân luồng người lao động, đảm bảo nguyên tắc 5k sẽ giúp không bị đứt gãy dây chuyền sản xuất, đảm bảo sản xuất an toàn. Đây là bài học tại Bắc Ninh, Bắc Giang đã làm rất hiệu quả. Cách làm này không chỉ giúp sản xuất không bị gián đoạn mà người lao động vừa có việc làm và làm việc an toàn.
Ngoài 31 doanh nghiệp ngưng sản xuất tạm thời, HEPZA yêu cầu các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận tổ chức hoạt động theo hình thức sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ. Mặt khác cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người lao động bên trong nhà máy, hoặc thuê chỗ ở tập trung (khách sạn, ký túc xá...) bên ngoài.
Tại Khu công nghệ cao Thủ Đức, Công ty TNHH Jabil Việt Nam cũng có ca nhiễm và dừng sản xuất. Công ty đã lên phương án “3 tại chỗ”.
Tuy nhiên, vì không có nhà lưu trú nên công ty định mua lều, bạt cho công nhân ăn và sinh hoạt tại nhà máy hoặc thuê một phần nhà văn hóa Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, phương án này không được phía công ty mẹ bên Mỹ đồng ý. Lý do là không đảm bảo an toàn vệ sinh, đặc biệt là với lao động nữ. Vì thế, trước mắt phải tạm ngưng sản xuất.
Cũng tại Khu công nghệ cao, các công ty như Nidec Sankyo, Nidec Việt Nam, Nidec Servo đã phải dừng hoạt động vì có nhiều ca nhiễm bệnh. Việc tiếp tục tổ chức sản xuất hay thực hiện “3 tại chỗ” với các công ty này là không thể.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn của Công ty Nidec Việt Nam, một công ty còn đang duy trì sản xuất nói: “Hiện chúng tôi cũng chưa có phương án khả thi cho sản xuất nếu dịch lây nhiễm. Bởi diện tích nhà máy chỉ đủ để sản xuất, không thể bố trí cho hơn 6.000 công nhân vừa làm việc, vừa ăn, vừa ở. Nếu phát hiện cùng lúc nhiều ca nhiễm như Nidec Sankyo, nhà máy chúng tôi cũng sẽ lúng túng”, ông Hồng nói.
Tập đoàn Nidec có 4 công ty con, tổng cộng gần 14.000 công nhân và lao động thời vụ. Phía tập đoàn đã tính phương án sử dụng nhà xưởng còn trống để làm nơi lưu trú tạm cho công nhân. Tuy nhiên khi Nidec Sankyo phát hiện 238 ca F0 và hơn 1.000 F1 thì lượng nhà xưởng trống này chẳng thấm vào đâu cho công nhân diện F0, F1 cách ly, chưa nói đến “3 tại chỗ” cho hàng nghìn công nhân khác.
Đề xuất xây ngay các khu ở tạm
Xét nghiệm Covid-19 cho lao động ở KCX Tân Thuận
Trước đó, một trong những công ty đăng ký thực hiện tổ chức cho công nhân ăn nghỉ và làm việc tại nhà máy là Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận).
Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc hành chính công ty cho hay, đã kiểm tra thực tế và đối chiếu với yêu cầu của Bộ Y tế thì công ty không thể thực hiện được phương án “3 tại chỗ”.
“Chỉ có thể tận dụng một số chỗ trống như văn phòng, nhà ăn làm nơi ở cho khoảng 450 người, trong khi tổng số công nhân của chúng tôi là 2.300 người”, ông Cường nói và cho hay, phần lớn các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Tại Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi), Công ty World Việt Nam đã đưa 3.000 công nhân vào ký túc xá của đơn vị trong khuôn viên của Khu công nghiệp. Tuy vậy, đó là con số rất nhỏ so với 13.000 công nhân của công ty. Do đó, vẫn còn 10.000 người phải đi về giữa nhà xưởng và gia đình.
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao, các doanh nghiệp đang tính đến việc xây dựng một khu lưu trú biệt lập để cách ly F1 tại các nhà máy nằm trong Khu công nghiệp để khi “hữu sự” thì chỉ cách ly số này, lượng lớn công nhân và nhà máy vẫn hoạt động bình thường.
Hiện nay, diện tích đất trống ở đây còn nhiều, việc xây mới khu lưu trú cách ly là hoàn toàn khả thi và để ứng phó cho các tình huống dịch bệnh về lâu dài.
Tận dụng nhà thương mại bỏ trống
Một số doanh nghiệp khác cũng đề xuất, thành phố nên vận động và tận dụng các khu nhà xây rồi nhưng chưa bán được, chưa có người ở trong khu vực TP Thủ Đức của các tập đoàn bất động sản dọc các tuyến đường cao tốc để làm khu ở tạm thời cho người lao động trong thời gian dịch bệnh.
Nếu làm được việc này sẽ giải quyết được phần nào phương án “3 tại chỗ”, vì những nơi này nằm sát khu Công nghệ cao.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty Nidec Việt Nam cho rằng, xung quanh Khu công nghệ cao có rất nhiều trường đại học. Thời gian này các trường tạm cho sinh viên nghỉ, có thể tính thuê mượn ngắn hạn làm khu lưu trú cho công nhân để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất như yêu cầu của thành phố.
10.000 công nhân ở Bình Dương đăng ký ở lại nhà máy
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, thu hút 2.977 dự án đầu tư, gồm 2.319 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 25 tỷ 280 triệu USD và 658 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 77.300 tỷ đồng. Tổng số lao động làm việc là 485.700 người, trong đó có hơn 90% lao động là người ngoài tỉnh, gần 15.000 lao động người nước ngoài. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn được duy trì.
Từ ngày 27/5/2021 đến nay, có 43 doanh nghiệp xảy ra dịch Covid-19, với 369 ca F0; đã truy vết được 4.403 ca F1, 9.116 ca F2. Nguồn lây nhiễm chính từ các ổ dịch tại TP HCM. Có 95.141 lao động bị ảnh hưởng.
Theo thống kê, có 1.877/2.045 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, chiếm 91% số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số này có 1.366 doanh nghiệp đánh giá rất ít nguy cơ, 433 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp, 71 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm trung bình, 3 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao, 4 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã thành lập 5.013 tổ an toàn Covid-19 tại doanh nghiệp. Có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự bảo đảm sản xuất trong điều kiện có dịch. Có 46 doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị người lao động ở lại nhà máy vừa lưu trú vừa sản xuất, với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người.
P.V
Doanh nghiệp phải thực hiện tiêu chí an toàn của Bộ Y tế
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp
Sáng 13/7, đoàn công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty TNHH Rapexco Đại Nam và Công ty TNHH MTV Phát triển trang phục phụ nữ kiểu Pháp (FLD Việt Nam), nằm trong Khu công nghiệp Suối Dầu. Hiện khu công nghiệp có 45 dự án đã đi vào hoạt động với hơn 12.000 lao động.
Đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị phải điều chỉnh lại phương án sản xuất, đánh giá mức độ an toàn; nên cho công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ; phân chia công nhân theo từng nhóm cùng đi, cùng ở, cùng ăn, cùng làm; bố trí khu vực làm việc ngồi giãn cách phù hợp; hạn chế cho công nhân giao tiếp với nhau; cho khai báo y tế hàng ngày...; khu công nghiệp phải cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về Bộ Tiêu chí an toàn của Bộ Y tế để các doanh nghiệp rà soát, đánh giá và thực hiện theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận