Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành ngày 24/3 đã ký công điện hỏa tốc gửi các cục hải quan các tỉnh thành, Cục Quản lý rủi ro và Cục Điều tra chống buôn lậu về việc tạm dừng thông qua gạo xuất khẩu.
Theo văn bản này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3/2020.
Đối với các lô hàng xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3/2020 vẫn được giải quyết thủ tục thông quan theo quy định.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc ba phân nhóm HS là 1006.20; 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Hải quan các tỉnh, thành và cục Điều tra chống buôn lậu được chỉ đạo tăng cường đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý vi phạm theo quy định.
Trước đó, theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 2 đạt 400 nghìn tấn, trị giá 176 triệu USD, tăng 45,6% về lượng và 50,8% về giá trị.
Lũy kế hai tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 811 nghìn tấn, giá trị 372 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và 20,5% về giá trị.
Gạo cũng là 1 trong 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao trong nhóm nông sản (mặt hàng còn lại là sắn).
Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018. Gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30-40 USD/tấn, nhưng không có gạo để bán.
Giá gạo xuất khẩu tăng do các doanh nghiệp vừa nhận thêm nhiều đơn hàng từ Philippines, Malaysia… Đặc biệt, Malaysia vừa đạt thỏa thuận mua 90.000 tấn gạo của Việt Nam và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm trong thời gian tới. Philippines vẫn đang mua nhiều kể từ tháng 12/2019 đến nay. Các doanh nghiệp cũng tập trung cho các thị trường quan trọng khác.
Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận