Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp, việc đề ra chính sách hỗ trợ để giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh là rất cần thiết. Cùng với những chính sách trước đó, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất hợp lý.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải cần phân biệt các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và doanh nghiệp không ảnh hưởng. Ví dụ như những ngành, lĩnh vực ít hoặc không chịu ảnh hưởng như sản xuất trang thiết bị y tế, ở góc độ nào đó những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn ăn nên làm ra hơn trước khi có dịch Covid-19 thì không nhất thiết phải hỗ trợ.
Những ngành khác khó khăn hơn như du lịch, hàng không, vận tải, dệt may, da giày… thì cần phải hỗ trợ ở mức cao hơn.
Ngoài hỗ trợ về mặt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì cần phải có những chính sách hỗ trợ trực tiếp. Bởi, có nhiều doanh nghiệp khó khăn đến mức không thể hoạt động, không có thu nhập trong đại dịch Covid-19. Nếu không có lãi thì hỗ trợ về giảm thuế thu nhập là không có tác dụng.
Chúng ta đưa ra những tiêu chí cụ thể đối với doanh nghiệp được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là điều đáng ghi nhận. Tuy vậy, không phải không còn những băn khoăn. Việc chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng, có dưới 100 lao động thì đã hợp lý hay chưa? Bởi doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng mà số lao động trên 100 người còn khó khăn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, chỉ có 3% còn lại là doanh nghiệp lớn. Vậy, doanh nghiệp có 100 lao động đã được giảm thuế 30%, trong khi các doanh nghiệp lớn sử dụng tới 200.000 - 300.000 lao động lại không được miễn giảm gì liệu có công bằng?
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã được ban hành như: Cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi, giảm phí; gia hạn thời gian nộp thuế tiền sử dụng đất; hỗ trợ an sinh xã hội… Tuy nhiên, công tác triển khai và hướng dẫn gây khó khăn cho đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, khi triển khai vào thực tế mới thấy hết được những bất cập.
Một thí dụ điển hình là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp là một trong những nhóm được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, ít nhất là tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp làm thủ tục để người lao động được hưởng hỗ trợ này còn rất hạn chế. Bất cập đó khiến 20-30% người lao động nghỉ việc không được hưởng chính sách từ gói 62.000 tỷ đồng.
Do đó, với các chính sách được đưa ra, cần tính toán, đánh giá rất kỹ tác động, đưa ra những điều kiện cụ thể, thủ tục đơn giản để các chính sách sớm đi vào cuộc sống, để làm sao ý nghĩa tốt đẹp của chính sách được phát huy, tránh việc hỗ trợ “trên giấy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận