Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thông báo rằng WHO đánh giá Covid-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia nỗ lực đối phó.
"WHO lo ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan, tính chất nghiêm trọng của dịch lẫn sự thờ ơ đáng báo động của nhiều bên. Do đó, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể đã được coi là đại dịch", ông Tedros nói trong cuộc họp báo ở Thụy Sĩ hôm nay.
Ông Tedros cho biết số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua. "WHO dự đoán số ca nhiễm, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tăng lên cao hơn nữa trong vài ngày và vài tuần tới", ông Tedros cảnh báo.
Trong khi đó, ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình Phản ứng khẩn cấp của WHO, cho biết trong cuộc họp báo rằng việc tổ chức này dùng từ "đại dịch" để miêu tả Covid-19 không làm thay đổi cách đối phó của WHO.
WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1 khi có chưa tới 100 trường hợp nhiễm nCoV bên ngoài Trung Quốc.
Hiện dịch Covid-19 xuất hiện ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 122.000 người nhiễm, hơn 4.300 người tử vong và hơn 67.000 người bình phục.
Trong đó, Trung Quốc đại lục ghi nhận gần 81.000 ca nhiễm, hơn 3.100 ca tử vong và gần 62.000 người đã khỏi bệnh.
Hiện nay, WHO không còn hạng mục phân loại bệnh là "đại dịch", ngoại trừ cúm. Các quan chức WHO đã báo hiệu trong nhiều tuần rằng họ có thể sử dụng từ "đại dịch" như một thuật ngữ mô tả nhưng nhấn mạnh rằng nó không mang ý nghĩa pháp lý. Covid-19 không phải là cúm bình thường.
Trước đó, vào năm 2009, WHO từng tuyên bố dịch cúm lợn H1N1 là đại dịch, tức có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng toàn cầu. Tuy nhiên, dịch này sau đó được coi là không quá nghiêm trọng, khiến WHO hứng chỉ trích là phóng đại vấn đề.
"Đại dịch không phải là một từ có thể sử dụng dễ dàng hay bừa bãi", ông Tedros nói và nhấn mạnh rằng "việc mô tả tình hình là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus Corona chủng mới gây ra".
Hàn Quốc thêm 114 người nhiễm bệnh
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc sáng 12/3 thông báo có tất cả 114 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tại nước này lên 7.869. Số ca tử vong tăng thêm 6 người, lên 66 ca.
Ngoài ra, 45 trường hợp nhiễm đã hoàn toàn hồi phục, đưa tổng số người khỏi bệnh tại Hàn Quốc lên 333 người.
Trung Quốc có thêm 10 người tử vong
Giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc và Trung Quốc thông báo tỉnh này chỉ ghi nhận thêm 10 ca tử vong tính đến hết ngày 11/3, giảm hơn một nửa so với 22 ca của ngày 10/3.
Tổng số ca tử vong tại Hồ Bắc đến nay là 3.056 người.
Thủ tướng Đức gây hoảng loạn vì nói 70% dân sẽ nhiễm Covid-19
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11/3 đã mượn lời chuyên gia nói rằng có thể sẽ có 60-70% dân số Đức sẽ nhiễm Covid-19.
"Khi virus Covid-19 đang tồn tại, người dân không có miễn dịch và cũng không có liệu pháp điều trị lúc này, vì vậy 60-70% dân số có sẽ bị nhiễm. Hiện nay quá trình ngăn chặn phải tập trung vào việc không làm quá tải hệ thống y tế thông qua việc làm chậm sự lây lan của virus", Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Bình luận của bà Merkel phản ánh cách tiếp cận theo chiều hướng bị động của Đức đối với dịch Covid-19 vào lúc này. Có vẻ như Đức chấp nhận sẽ đối mặt với tình huống xấu nhất, và chủ trương làm chậm tốc độ lây lan để không gây áp lực quá lớn lên cơ quan y tế.
Tuy nhiên, việc bà Merkel sử dụng con số ước chừng từ 60-70% người sẽ nhiễm virus Covid-19 đã khiến Thủ tướng Cộng hòa Czech bất bình.
"Tôi không muốn bình luận về tình hình hiện nay ở Đức, mặc dù tôi tin rằng những phát biểu kiểu như vậy sẽ tạo ra hoảng loạn. Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi cũng đã áp dụng các biện pháp mạnh cho các kịch bản xấu nhất có thể vượt ngoài dấu hỏi ấy", Thủ tướng Czech Babis tuyên bố ngày 11/3.
Hiện số ca nhiễm Covid-19 ở Đức đã hơn 1.500 người. Hiện Đức xếp thứ 7 trong danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới.
Trước tình hình không mấy tốt đẹp, bà Merkel vẫn giữ lập trường của Đức về việc không đóng cửa biên giới để ngăn dịch, dù đồng ý với Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde rằng tình hình dịch bệnh hiện nay rất nghiêm trọng.
Liên quan tới tình hình dịch Covid-19 tại Đức, người phát ngôn đảng đoàn Dân chủ Tự do (FDP) trong Quốc hội Đức tối 11/3 đã chính thức xác nhận một nghị sĩ quốc hội liên bang của đảng này đã bị nhiễm Covid-19.
Những người từng tiếp xúc gần tới nghị sĩ này đã được cách ly phòng ngừa tại nhà. Trước đó, khoảng 15 nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và nhân viên làm việc trong Quốc hội Đức đã phải cách ly tại nhà phòng nguy cơ bị lây nhiễm do đã có tiếp xúc với một bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ Bộ Tư pháp liên bang.
Không có chuyện châu Âu chủ động để Covid-19 lây lan
Vài ngày gần đây, trên mạng internet xuất hiện bài viết cho rằng Anh và Đức chủ động để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng để tạo miễn dịch cộng đồng nhanh nhất.
Tuy nhiên, từ những tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Đức Merkel và cơ quan y tế Anh cho thấy đó là thông tin không đúng sự thật.
Đan Mạch đóng cửa toàn bộ trường học
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen vừa tuyên bố rằng tất cả các trường học phổ thông, mẫu giáo và đại ở nước này sẽ đóng cửa trong ít nhất hai tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các biện pháp mới cũng sẽ bao gồm cấm các sự kiện trong nhà với 100 người tham gia trở lên và cho các nhân viên dịch vụ công cộng không quan trọng được làm việc hoặc nghỉ ngơi ở nhà.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được khuyến khích cho nhân viên làm việc tại nhà, sau khi Cơ quan an toàn bệnh nhân Đan Mạch báo cáo có 44 trường hợp mới mắc Covid-19 vào hôm qua.
Mỹ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp
Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đưa ra các đề xuất chống dịch Covid-19 trong ngày 12/3 (theo giờ Mỹ), trong đó bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Luật Stafford nhằm tăng cường nguồn hỗ trợ.
Theo hãng tin CNN, nhiều bang, thành phố của Mỹ tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thống đốc bang Arizona Doug Ducey đặt bang này vào tình trạng khẩn cấp sau khi số ca nhiễm tăng lên 9.
Thị trưởng thành phố thủ phủ Washington, bà Muriel Bowser, tuyên bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19 và dự đoán số ca nhiễm sẽ tăng.
Hiện tại, đã có tổng cộng 23 bang của Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết số ca nhiễm ở nước này đã tăng lên 1.162 ca tại 41 bang và thủ đô Washington. Số ca tử vong tăng lên 37 sau khi có thêm 4 người ở bang thủ phủ Washington tử vong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận