Thông tin từ Bộ Y tế, đến 18h ngày 14/5, Việt Nam không không có ca mắc mới. Trong ngày hôm nay có 8 bệnh nhân ra viện.
Về tình hình điều trị các bệnh nhân nặng, đối với BN91, hội chẩn liên viện ngày 12/5 đã chỉ định ghép phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người khởi động tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép.
Các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép: tổn thương phổi không hồi phục và tình trạng nhiễm trùng cần được tiếp tục điều trị, thay các catheter, kiểm soát các nguồn nhiễm trùng vào người bệnh; Thực hiện làm nuôi cấy để khẳng định không còn SARS-CoV-2, khi khẳng định âm tính mới tiến hành chuyển bệnh viện Chợ Rẫy; Tiếp tục hồi sức cho bệnh nhân thật tốt để đảm bảo đủ điều kiện ghép.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ. Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị tiếp nhận điều trị, hồi sức cho người bệnh; chuẩn bị ghép khi đủ điều kiện. Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tìm kiếm nguồn cho tạng và chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị phục vụ ghép.
Về BN278, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết ói, còn ho, không sốt.
Hai người gọi điện tình nguyện hiến phổi để cứu bệnh nhân người Anh
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, vừa chia sẻ việc có 2 người gọi điện tới trung tâm tình nguyện hiến phổi khi thông tin bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi) đang trong tình trạng nguy kịch và có chỉ định ghép phổi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đó là cuộc gọi của một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, chị cho biết không hề quen biết nam phi công. Lý do chị muốn tặng phổi để cứu bệnh nhân này là bản thân đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn trong suốt những năm vừa qua. Chị muốn tình thương tiếp tục lan toả để giúp đỡ lại những người khác.
Ông Phúc cho biết thêm, trước đó có một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi ở Đắk Nông đã xin số điện thoại của Trung tâm qua Hội chữ thập đỏ. Ông đã 2 lần gọi điện đến trung tâm tha thiết xin được hiến một phần phổi cho bệnh nhân 91 khi nghe thông tin bệnh nhân này có thể được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để ghép phổi.
Tuy nhiên, theo quy định hiện tại không cho phép nhận tạng từ người ngoài 70 tuổi.
Phổi bệnh nhân 91 đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động
Ngày 13/5, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết kết quả CT scan phổi bệnh nhân 91 cho thấy toàn bộ 2 lá phổi đã xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động.
Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ chết nếu dứt ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể), vì vậy cách duy nhất để cứu bệnh nhân là ghép phổi.
Chiều 12/5, Bộ Y tế tiếp tục hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn từ 3 miền. Sau khi xem xét tình hình, các chuyên gia có chỉ định ghép phổi cho nam phi công.
Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục điều trị hồi sức cho bệnh nhân, chuẩn bị các điều kiện trước khi ghép phổi (hoàn toàn sạch virus corona, điều trị nhiễm trùng tích cực). Sau khi có nguồn tạng cho và đủ thủ tục pháp lý thì chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để ghép phổi.
Trong khi đó bệnh nhân 278 (nữ, 50 tuổi), kết quả X-quang phổi tổn thương có tăng hơn sau 3 ngày từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị.
Hiện bệnh nhân tỉnh, sinh hoạt bình thường, còn ho, không sốt, mạch, huyết áp bình thường, tiếp tục thở oxy mũi. Xét nghiệm virus corona ngày 12/5 cho kết quả dương tính.
Hôm nay không có ca mắc mới, chỉ còn 19 bệnh nhân dương tính đang điều trị
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến 18h ngày 13/5 không có ca mắc mới. Đến nay đã 27 ngày Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng. Hiện chỉ còn 19 bệnh nhân đang điều trị dương tính với virus gây Covid-19.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.
Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến...
Đã 27 ngày Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến sáng nay (13/5) đã 27 ngày Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng. Hiện có hơn 12.000 người đang cách ly chống dịch.
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 13/5: Việt Nam dã bước sang ngày thứ 27 bảo vệ được thành quả bước đầu trong chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 13/5: Việt Nam có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 12/5 đến 6h ngày 13/5: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.634, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 322
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.819
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.493
Thêm 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Ngày 12/5, thông tin từ Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, có 3 bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.HCM) được công bố khỏi bệnh. Cả 3 bệnh nhân này đều là những bệnh nhân dương tính lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh trước đó. Cụ thể:
1. BN 151 (nữ, 45 tuổi, quốc tịch Braxin) là bệnh nhân dương tính lại sau khi được công bố khỏi bệnh ngày 18/4.
- Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm với SARS-CoV-2 và liên tục các lần xét nghiệm từ ngày 27/4 đến ngày 10/5 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
2. BN 207 (nam, 49 tuổi, quốc tịch Braxin) là bệnh nhân dương tính lại sau khi được công bố khỏi bệnh ngày 18/4.
- Quá trình điều trị và theo dõi tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 liên tục từ ngày 27/4 đến ngày 10/5.
3. BN 224 (nam, 39 tuổi, quốc tịch Braxin) là bệnh nhân dương tính lại sau khi được công bố khỏi bệnh ngày 20/4.
- Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm nhiều lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2, các kết quả xét nghiệm từ ngày 27/4 đến ngày 10/5 cũng đều âm tính với SARS-CoV-2 .
Hiện tại các bệnh nhân trên sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở và sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Thanh Hóa "cấm" vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ Covid-19
Sáng 13/5, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm ký về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo Công điện, thông tin từ tổng đài 111 (tổng đài hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do Covid-19) phản ánh có tình trạng một vài nơi trên địa bàn tỉnh được vận động không nhận kinh phí hỗ trợ, không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trước sự việc này, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định; chỉ đạo các cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ.
Công văn cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nếu có. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể với những trường hợp người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn quản lý đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định của pháp luật...
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, những ngày vừa qua, tại huyện Thọ Xuân và Quảng Xương có tới hàng nghìn người dân thuộc diện được thụ hưởng từ gói chính sách 62.000 tỷ đồng hỗ trợ do dịch Covid-19 đã viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để chia sẻ khó khăn của chính phủ, nhường lại cho những trường hợp khó khăn hơn.
Nam thanh niên trốn khỏi khu cách ly tập trung ở An Giang
Ngày 13/5, ông Đoàn Bình Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, ngành chức năng đang truy tìm một trường hợp trốn khỏi khu cách ly.
Theo thông tin ban đầu, chiều 10/5, Khu cách ly Trường THPT Lương Thế Vinh có tiếp nhận anh Trần Văn Nam (SN 1992, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Nam đi từ Campuchia bằng xuồng gỗ qua xã Khánh An bị lực lượng bộ đội Biên phòng Long Bình giữ lại và giao cho Trạm Y tế Long Bình chuyển về khu cách ly Trường THPT Lương Thế Vinh tiếp nhận.
Tuy nhiên, rạng sáng 11/5, anh Nam đã trốn khỏi khu cách ly khi chưa lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Hiện, UBND huyện An Phú đã chỉ đạo lực lượng công an tỏa xuống các địa bàn nơi anh Nam cư trú để tìm kiếm, đưa về cách ly theo quy định.
Hết hôm nay (13/5), Hà Nội không còn ổ dịch COVID-19
Theo kế hoạch dự kiến của huyện Thường Tín, khoảng 23h30 ngày 13/5, huyện sẽ ra quyết định kết thúc cách ly ổ dịch COVID-19 thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến). Đây là ổ dịch cuối cùng của Hà Nội.
Chiều 12/5, đại diện lãnh đạo UBND xã Dũng Tiến cho biết, theo quy định, đến hết ngày 13/5, ổ dịch COVID-19 tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến) sẽ hết hạn cách ly 28 ngày. “Chúng tôi đang chờ quyết định của UBND huyện cụ thể như thế nào để triển khai”, lãnh đạo xã Dũng Tiến cho biết.
Xác nhận với Báo Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, theo kế hoạch, khoảng 23h30 ngày 13/5 sẽ triển khai quyết định kết thúc cách ly tại xóm Trên, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến.
Về đời sống của bà con khu vực ổ dịch COVID-19, lãnh đạo xã Dũng Tiến cho biết, về cơ bản ổn định.
Trước đó, tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) phát hiện ca bệnh số 266 tên L.M.H có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (lên chăm mẹ đẻ điều trị tại Khoa phục hồi chức năng).
Từ ngày 15/4, UBND huyện Thường Tín đã lập các chốt khoanh vùng, cách ly toàn bộ khu vực thôn Đông Cứu để xử lý ổ dịch với 572 hộ, 1.896 nhân khẩu.
Rất may, tất cả các trường hợp liên quan đến bệnh nhân số 266 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Với việc thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến) được gỡ bỏ lệnh cách ly, Hà Nội hiện không còn ổ dịch nào liên quan đến COVID-19.
Nam phi công sốt cao liên tục, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu
Đối với BN91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã tiến hành hội chẩn 3 miền Bắc- Trung-Nam liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi và đề xuất xem xét khả năng chuyển BN91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi.
Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. BN91 xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi)
Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, xong hiện giờ tình trạng này đã xuất hiện ở cả hai bên phổi. Sau 55 ngày điều trị, 36 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 17. Hiện bệnh nhân đang nằm yên/an thần và tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Diễn biến nặng, bệnh nhân 278 được chuyển lên tuyến trên điều trị
Ngày 11/5, bác sĩ Nguyễn Ích Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu xác nhận, có một bệnh nhân dương tính với Covid-19 vừa được Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM) để tiếp tục điều trị.
Theo đó, bệnh nhân được chuyển đi là BN278 là nữ (50 tuổi, ngụ TP.HCM). Đây là một trong 17 bệnh nhân người Việt Nam được ghi nhận mắc Covid-19 trên chuyến bay từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) về nước cách nay hơn 1 tuần...
BN278 được chuyển lên tuyến trên điều trị do viêm phổi, suy hô hấp, có diễn biến nặng.
Trước đó, vào ngày 3/5, BN278 cùng với 296 công dân Việt Nam được các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại UAE và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam tổ chức đưa trở về nước trên chuyến bay VN0088.
Sau khi máy bay hạ cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, toàn bộ 297 công dân được đưa về cách ly tập trung tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu. Tại đây tất cả các công dân này đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Đến ngày 7/5, Viện Pastuer (TP.HCM) đã thông báo kết quả xét nghiệm và ghi nhận có 17 ca dương tính và 280 ca âm tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, 17 ca mắc bệnh Covid-19 được ghi nhận từ số 272 đến 288, gồm 6 nam, 11 nữ. Trong số này có một bé trai sinh năm 2020, những người còn lại đều trong độ tuổi từ 20 đến 58. Sau đó, 17 bệnh nhân này được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Theo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, qua rà soát, có 35 người tiếp xúc gần với 17 bệnh nhân nói trên đang được quản lý cách ly riêng biệt tại tầng trên cùng của khu Ký túc xá Sinh viên Bạc Liêu (TP Bạc Liêu). Đồng thời, lấy mẫu lần 2 đối với 35 người này.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, giám sát 280 người còn lại và những nhân viên y tế tiếp xúc với các trường hợp nói trên. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các trường hợp còn lại ở khu cách ly, hướng dẫn họ tự vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
Diễn biến liên quan, theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 13/5, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 4.335.169 trường hợp, trong đó 292.271 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 1.580.842 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 212 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 20.973 ca mắc và 1.489 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.406.807 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 83.284 trường hợp.
Tại Tây Ban Nha, tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 269.520 sau khi ghi nhận thêm 1.377 trường hợp. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 26.920 sau khi ghi nhận thêm 176 trường hợp trong ngày 12/5.
Số ca mắc Covid-19 tại Nga vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ngày 12/5, Nga ghi nhận thêm 10.89 ca mắc và 107 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 232.243 trường hợp, trong đó 2.116 trường hợp tử vong. Nga hiện đã vượt Anh, trở thành nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 thế giới.
Anh ghi nhận thêm 3.403 ca mắc và 617 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 12/5. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 226.463 trường hợp, trong đó có 32.692 ca tử vong.
Italy ghi nhận thêm 1.402 ca mắc mới và 172 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 211.216, trong đó có 30.911 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 5 thế giới.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 12/5 là 178.225 sau khi ghi nhận thêm 802 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong ghi nhận trong ngày là 348, nâng tổng số ca tử vong lên 26.991.
Đức này ghi nhận thêm 595 ca mắc mới và 77 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 173.171 trong đó có 7.738 ca tử vong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận