Tin tức Covid-19 mới nhất ngày 15/8
Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 14/8 đến 18h30 ngày 15/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.580 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.574 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (4.516), Bình Dương (2.358), Đồng Nai (546), Long An (514), Đồng Tháp (271), Tiền Giang (209), Cần Thơ (170), Khánh Hòa (166), Tây Ninh (159), Đà Nẵng (83), Sóc Trăng (82), Bến Tre (60), Hà Nội (39), Bình Thuận (39), Quảng Ngãi (34), An Giang (34), Nghệ An (27), Phú Yên (27), Quảng Nam (26), Ninh Thuận (22), Bình Định (22), Bắc Ninh (21), Kiên Giang (19), Lào Cai (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Hà Tĩnh (14), Đắk Nông (13), Lâm Đồng (11), Hậu Giang (10), Thừa Thiên Huế (8 ), Quảng Trị (8 ), Gia Lai (8 ), Cà Mau (6), Hải Dương (5), Bình Phước (4), Quảng Bình (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (2), Ninh Bình (1), Hưng Yên (1), Bắc Giang (1) trong đó có 2.470 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 136 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 285 ca, Bình Dương tăng 329 ca, Đồng Nai giảm 477 ca.
Cập nhật tin tức dịch Covid-19 ngày 14/8 mới nhất
99.730 bệnh nhân đã khỏi bệnh
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.
Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
Hôm nay, có 5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15/8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 102.504 ca; 589 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
337 ca tử vong tại TP.HCM và 14 tỉnh, thành phố
Ngày 15/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 337 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (282), Bình Dương (20), Long An (9), Tiền Giang (6), Đồng Nai (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (2), Trà Vinh (2), Cần Thơ (1), Hải Phòng (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Quảng Nam (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 15/8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do COVID-19).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 157.983 xét nghiệm cho 617.513 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.151.426 mẫu cho 23.187.591 lượt người.
Trong ngày 14/8 có 612.974 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 14.434.017 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều.
Người dân TP.HCM bất ngờ kéo nhau về quê, cửa ngõ phía Đông kẹt cứng
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, sáng 15/8, hàng trăm người dân đi xe máy ùn ùn đổ về quê sau khi hay tin TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1 tháng nữa.
Đến 12h ngày 15/8, lực lượng chức năng thành phố Thủ Đức, TP.HCM vẫn đang tuyên truyền, vận động hàng trăm người dân trở về lại nơi tạm trú, không nên tự phát đi xe máy về quê.
Người dân TP.HCM ùn ùn chạy xe máy về quê
Khoảng 8h, khu vực cửa ngõ phía Đông đoạn từ Suối Tiên về đường Hoàng Hữu Nam hướng qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai bị ùn xe.
Đến nhiều chốt trên địa bàn Thủ Đức, hầu hết bị kẹt lại. Công an thành phố Thủ Đức đã huy động lực lượng có mặt giải thích, phát thông báo khuyên người dân trở về nơi tạm trú.
Hà Nội ghi nhận 35 ca dương tính Covid-19 mới, có 9 ca cộng đồng
Số ca nhiễm ở Hà Nội phân bố theo quận, huyện: Đống Đa (9), Ba Đình (8), Thanh Trì (4), Thạch Thất (3), Đông Anh (2), Thanh Xuân (1).
Phân bố bệnh nhân theo chùm ca bệnh: Sàng lọc ho sốt (1), Sàng lọc khu vực nguy cơ cao (6); Chùm ho sốt thứ phát (20).
Phân bố 7 ca bệnh ghi nhận tại công đồng theo chùm ca bệnh: Sàng lọc ho sốt (1), Sàng lọc khu vực nguy cơ cao (6); Phân bố 7 ca bệnh ghi nhận tại cộng đồng theo quận, huyện: Đống Đa (7)
Trưa nay (15/8), Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19
Trước đó, sáng nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc mới, trong đó có 2 ca tại cộng đồng, 6 ca tại khu cách ly đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát. Các quận, huyện có bệnh nhân mới là Hai Bà Trưng (03), Đống Đa (02), Đông Anh (02), Cầu Giấy (01).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.202 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.202 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.000 ca.
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng
Sáng 15/8, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm An sinh).
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu
Riêng đối với TP.HCM, tình hình dịch bệnh có lắng dịu đi phần nào nhưng vẫn còn rất phức tạp, số ca nhiễm vẫn còn cao, hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ.
Cùng đó, các tỉnh xung quanh TP có số ca nhiễm mới tăng nhanh những ngày gần đây, nguy cơ tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn nếu mất cảnh giác, chủ quan.
Vì vậy, TP.HCM sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm một tháng nữa để tập trung khống chế nguồn lây nhiễm.
Để khống chế được dịch bệnh, ông Mãi kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào TP tiếp tục đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống dịch.
Trách nhiệm đầu tiên quan trọng nhất là người dân phải chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và luôn tuân thủ thực hiện 5K.
Đối với bà con trong khu cách ly, khu phong tỏa tiếp tục thực hiện triệt để người cách ly với người, nhà cách ly với nhà.
Ủy ban MTTQ VN TP.HCM ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo ông Mãi, trong những ngày tiếp tục giãn cách sắp tới, đồng bào TP nói chung, bà con lao động nghèo nói riêng sẽ phải chịu nhiều thiếu thốn, khó khăn thêm nữa.
TP sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày cho nhân dân. Đồng thời phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân”, huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội.
Sớm triển khai các gói an sinh để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi TP chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trong đó có việc đưa vào hoạt động Trung tâm An sinh xã hội TP.
TP sẽ tập trung điều trị, giảm tỉ lệ tử vong, rà soát, mở rộng các bệnh viện dã chiến, điều chỉnh hệ thống 5 tầng điều trị phù hợp để kịp thời cấp cứu bệnh nhân trở nặng.
TP sẽ bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày cho nhân dân.
Xây dựng mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà với sự tham gia của mạng lưới thầy thuốc đồng hành của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các tình nguyện viên trong cả nước. TP cũng nỗ lực hết sức để bảo đảm yêu cầu tiêm chủng vắc xin cho nhân dân.
Việc bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng vắc xin có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch. Theo ông Mãi, mặc dù TP đã chủ động tìm mua vắc xin từ sớm và được Chính phủ chấp thuận nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thay mặt lãnh đạo TP.HCM, tha thiết kêu gọi toàn thể đồng bào cùng siết chặt tay, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn trước mắt.
Được biết, TP.HCM liên tục giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau từ 31/5 đến nay, nếu kéo dài đến 15/9 thì người dân thành phố trải qua 3,5 tháng thực hiện giãn cách xã hội.
TP.HCM có 20 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt
Tình hình dịch bệnh COVID-19, theo bản tin 10h30 sáng 15/8 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến 6h ngày 15/8, có 147.929 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó: 147.533 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 396 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 32.293 bệnh nhân, trong đó: có 2.237 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 14/8 có 3.417 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 70.727 bệnh nhân. Có 285 trường hợp tử vong trong ngày.
Điều tra, truy vết, khoanh vùng: trong ngày không phát hiện thêm ổ dịch mới. Hiện có 20 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.
Kết quả xét nghiệm phục vụ công tác điều tra, truy vết, mở rộng xét nghiệm: Từ ngày 27/4 đến 14/8, thành phố đã lấy 1.228.024 mẫu, (trong đó có 732.609 mẫu đơn, 495.415 mẫu gộp), với 4.523.793 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 6.192 mẫu, trong đó có 5.992 mẫu đơn và 200 mẫu gộp.
Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19: Nguyên tắc của tiêm vắc xin phòng COVID-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Thành phố đang triển khai tiêm chủng vắc xin Vero Cell tại các quận huyện.
Thành phố đã tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú. Giám sát, chăm sóc sức khoẻ các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người thực hiện cách ly, người sau cách ly. Triển khai lấy mẫu xét nghiệm giám sát theo quy định. Phân loại các khu vực thành 3 nhóm: nguy cơ rất cao (khu vực phong toả), nguy cơ cao, các khu vực khác. Mỗi khu vực có quy định lấy mẫu giám sát phù hợp. Các F0, F1 được lấy mẫu xét nghiệm bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR vào ngày thứ 14 từ khi được cách ly. Nếu âm tính sẽ kết thúc cách ly.
Hiện thành phố có số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.900 người, trong đó có 11.444 trường hợp F0 mới và 24.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.056 người.
Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.195 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 12.514 người.
Thái Bình phát hiện 2 ca mắc Covid-19 là lái xe tải từ miền Nam trở về
Ngày 15/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, mới đây trung tâm nhận 22 mẫu bệnh phẩm sàng lọc từ khu cách ly tập trung huyện Kiến Xương chuyển lên.
Kết quả xác định 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trú tại thôn Luật Ngoại 1 và Luật Nội Tây, xã Quang Lịch và đều là lái xe tải chở hàng thiết yếu từ khu vực Miền Nam về, đều đã cách ly tập trung ngay.
Hiện cả 2 bệnh nhân đã chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Mẫu bệnh phẩm của 2 trường hợp là lái xe tải từ miền Nam trở về cho kết quả dương tính SARS-CoV-2, đã được cách ly tập trung (Ảnh minh hoạ)
Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Kiến Xương triển khai nhanh các hoạt động phòng, chống dịch, cử đội cơ động tiến hành phun khử khuẩn tại các khu vực liên quan nơi bệnh nhân đã đến; đồng thời điều tra truy vết khẩn các trường hợp F1, F2 liên quan đến 2 ca bệnh.
Điều tra dịch tễ, ngày 12/8, các bệnh nhân này lái xe, lấy hàng Thanh Long từ Long An, Bình Thuận, qua Khánh Hòa lấy aầu riêng rồi di chuyển ra Bắc.
Khoảng 7h ngày 13/8, hai tài xế này chạy xe về đến Trạm thu phí Liêm Tuyền (Hà Nam) trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, xét nghiệm test nhanh âm tính với SARS-CoV-2.
Xe tiếp tục di chuyển về trả hàng Thanh Long tại chợ Mía (Bắc Giang) và tại thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Chiều cùng ngày, các xe trả hàng tại một số nhà tại chợ Thường Tín, ngã ba Cầu Diễn (Hà Nội).
Sau đó, họ lái xe di chuyển về Thái Bình, trong quá trình di chuyển có tiếp xúc với cán bộ trạm thu phí Ninh Bình, cán bộ tại chốt kiểm soát cầu Thái Hà. Tại chốt Thái Hà, 2 lái xe này đã khai báo đi Phủ Lý - Hà Nam về Kiến Xương - Thái Bình.
Ngay sau khi về đến bãi xe xã Đông Hoà, TP Thái Bình lúc 4h30 ngày 14/8, bệnh nhân không tiếp xúc ai, chủ động lấy xe máy về trạm y tế khai báo và chuyển cách ly tập trung.
Bước đầu, tại huyện Kiến Xương xác định được 3 trường hợp F1 (là vợ và 2 con của 1 bệnh nhân, cách đây 10 ngày bệnh nhân có về nhà và tiếp xúc), 6 F1 khác là cán bộ tại khu cách ly tập trung huyện Kiến Xương, cán bộ trạm y tế xã và 18 F2 tại xã Quang Lịch và khu cách ly tập trung.
Công tác điều tra, truy vết các F1, F2 tiếp tục được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thái Bình phối hợp với huyện Kiến Xương triển khai trên địa bàn.
Giãn cách xã hội toàn TP Vinh do chùm ca bệnh chợ đầu mối
Theo báo cáo nhanh của BCĐ phòng chống dịch TP Vinh, cả 3 ca bệnh phát hiện chiều 14/8 và 1 ca vào sáng 15/8, đều liên quan đến khu vực bán hoa quả ở chợ đầu mối Vinh và chưa xác định được nguồn lây.
Trong đó, trường hợp bệnh nhân L.T.T.X kinh doanh hoa quả tại Chợ đầu mối Vinh, là khu vực tập trung rất nhiều người kinh doanh, buôn bán trong thời gian qua.
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực chợ đầu mối Vinh từ sáng 14/8 khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Sau khi có kết quả khẳng định bệnh nhân L.T.T.X dương tính với virus SARS-CoV-2, UBND TP. Vinh đã tiến hành khoanh vùng test nhanh Covid-19 cho 678 trường hợp kinh doanh tại Chợ đầu mối Vinh, đồng thời đã thông báo khẩn đến 25 phường, xã tìm và truy vết những trường hợp đã đến Chợ đầu mối Vinh từ ngày 31/7 đến 14/8.
Hiện tại, đã có 1.150 công dân liên quan đến Chợ đầu mối Vinh khai báo với chính quyền các phường, xã. Những trường hợp này sẽ được UBND TP.Vinh tổ chức xét nghiệm ngay trong ngày 15/8.
Riêng bệnh nhân T.B.T là lái xe, thường trú tại khu đô thị Long Châu (phường Vinh Tân), thường xuyên lái xe tải đi giao, nhận hàng ở nhiều nơi, có lịch trình di chuyển rất phức tạp. Hiện tại Đội truy vết của Công an TP. Vinh cũng đã xác định được 61 trường hợp F1 của bệnh nhân T.B.T.
Riêng bệnh nhân L.T.T.X đã có 51 trường hợp F1 và bệnh nhân H.T.T.M có 7 trường hợp F1.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh đã đồng ý theo đề xuất của TP. Vinh thực hiện giãn cách xã hội toàn TP. Vinh theo Chỉ thị 15 kể từ 0h00 ngày 15/8, đồng thời thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với những khu vực sinh sống của các bệnh nhân.
UBND thành phố Vinh cũng sẽ tiến hành rà soát và xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp liên quan, sau khi xét nghiệm xong, nếu có kết quả khả quan thì có thể gỡ bỏ dần và ngược lại nếu tình hình phức tạp hơn thì có thể thực hiện phong tỏa chặt chẽ thêm nhiều khu vực hơn.
3 khu vực tại TP. Vinh thực hiện quyết định phong tỏa và cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, gồm:
1. Khu vực Chợ đầu mối Vinh
2. Ngõ 30B đường Cao Xuân Huy (khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân), khu vực nguy cơ cao.
3. Đường Đội Quyên (khối 6B, phường Cửa Nam), nơi 2 mẹ con bệnh nhân L.T.T.X và H.T.T.M sinh sống.
Chính phủ đồng ý mua bổ sung 20 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vaccine ngừa COVID-19 BNT162 của Pfizer. Đây là số vaccine mà Bộ Y tế và Pfizer thỏa thuận dành cho trẻ vị thành niên 12-17 tuổi.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer, với các điều kiện như nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18-5-2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 3-8-2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vaccine.
Với 2 thỏa thuận với nhà sản xuất, Bộ Y tế cho biết sẽ mua được tổng cộng gần 51 triệu liều vaccine Pfizer. Trong đó quý 3-2021 vaccine sẽ về hằng tuần, số lượng 3 triệu liều trong cả quý 3, quý 4, số lượng vaccine Pfizer về dự kiến lên tới 47 triệu liều, tập trung vào 2 tháng 11 và 12.
Vaccine COVID-19 thứ 3 ở Việt Nam thử nghiệm lâm sàng
Báo Sức Khỏe và Đời sống đưa tin, sáng 15/8, Trường Đại học Y Hà Nội khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, công nghệ của vaccine thử nghiêm lâm sàng là công nghệ mRNA của Arcturus. Đây là công nghệ tương tự như vaccine Pfizer, vaccine Moderna đã được phê duyệt. Bộ Y tế mong muốn quá trình nghiên cứu cố gắng cuối năm hoàn thiện cả pha 3, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine ở khu công nghệ cao Hoà Lạc.
"Tôi tin tưởng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự giúp đỡ của Hội đồng Đạo đức quốc gia, các chuyên gia trong nước và quốc tế, quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine sẽ sớm thành công và Việt Nam sẽ sớm tự chủ được vaccine phòng COVID-19", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Ngày 14/8: Cả nước ghi nhận 9.716 ca mắc mới
Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 13/8 đến 18h ngày 14/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.710 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 4.231, tiếp đến là Bình Dương (2.029), Đồng Nai (1.023), Long An (653), Tiền Giang (461), Khánh Hòa (164), Cần Thơ (164), Đồng Tháp (118), Tây Ninh (97), Đà Nẵng (87), Bà Rịa - Vũng Tàu (77), Gia Lai (70), Vĩnh Long (57), Thừa Thiên Huế (57), Bến Tre (40), Hà Nội (40), Phú Yên (40), Bình Thuận (36), Quảng Ngãi (35), An Giang (33), Kiên Giang (32), Đắk Lắk (26), Bình Định (23), Ninh Thuận (22), Sơn La (17), Trà Vinh (16), Lâm Đồng (14), Nghệ An (12), Nam Định (8 ), Bình Phước (5), Quảng Trị (4), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (3), Hải Dương (3), Lạng Sơn (2), Thái Bình (2), Lào Cai (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (1), Quảng Bình (1) trong đó có 3.510 ca trong cộng đồng.Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca.
Tại TP.HCM tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).
Ngày 14/8, 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 96.985 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 579 ca.Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Chiều 14/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 349 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (285), Bình Dương (32), Long An (10), Tiền Giang (5), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hậu Giang (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 14/8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 150.579 xét nghiệm cho 569.731 lượt người.Trong ngày 13/8 có 727.902 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.
Hà Nội khẩn tìm người liên quan lò mổ Minh Hiền
Chiều 14/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người đã đến hoặc liên quan Công ty TNHH Minh Hiền (lò mổ Minh Hiền, địa chỉ Cụm công nghiệp Bích Hòa, Thanh Oai) từ ngày 31/7 đến 13/8.
Người đã đến, liên quan địa điểm trong khoảng thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn, Trung tâm Y tế Thanh Oai (0916.874.282) hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/0949.396.115.
Cùng ngày, UBND huyện Thanh Oai cho biết, huyện nhận được thông báo kết quả dương tính với SARS-COV-2 của 2 trường hợp liên quan Công ty TNHH Minh Hiền.
Cụ thể, 1 trường hợp F0 là nữ sinh năm 1971, trú tại Thôn Mùi, Bích Hòa, Thanh Oai, (người đến mua hàng). Trường hợp thứ 2 là người đàn ông sinh năm 1979, trú tại Ngô Thì Nhậm, phường Hà Cầu, quận Hà Đông (nhân viên bảo vệ).
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Thanh Oai thông báo tìm người đi, đến, ở, về địa điểm trên trong khoảng thời gian 31/7 đến 13/8, đặc biệt những người tiếp xúc gần với 2 trường hợp trên cần liên hệ với Trạm Y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế huyện để được tư vấn, hướng dẫn và tự cách ly tại nhà.
Hà Nội cách ly 7.550 người tại 5 phường ở quận Đống Đa
Ngày 14/8, UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết quận quyết định thiết lập khu vực cách ly y tế 7.550 nhân khẩu ở địa bàn 5 phường: Văn Chương, Hàng Bột, Thổ Quan, Khâm Thiên và Văn Miếu trong 14 ngày. Thời gian từ 19h ngày 13/8 đến 19h ngày 27/8.
Người dân phường Văn Chương xếp hàng đăng ký xét nghiệm COVID-19 (ảnh chụp chiều 12/8). Ảnh: TTXVN
Khu vực cách ly y tế tại phường Thổ Quan gồm: ngách 85 ngõ Trung Tả, nhà số lẻ từ 43 đến số 73; số nhà chẵn từ 28 đến 72. Hẻm 43/85 ngõ Trung Tả, nhà số lẻ từ 03 đến 45; số nhà chẵn từ 02 đến số 10. Hẻm 47/85 ngõ Trung Tả, nhà số lẻ từ 03 đến 09; số nhà chẵn từ 02 đến số 10. Phố Hồ Văn Chương, từ số nhà 3 đến 45. Tổng số có 106 hộ gia đình với 378 nhân khẩu.
Cách ly y tế tại phường Văn Chương gồm: khu vực 1 gồm toàn bộ khu dân cư số 3 và một phần khu dân cư số 6 và số 8. Khu vực 2 gồm một phần khu dân cư số 5 và 9. Khu vực 3 gồm một phần khu dân cư số 7 và 9. Tổng số 1.460 hộ gia đình với 4.750 nhân khẩu.
Cách ly y tế tại phường Văn Miếu gồm: tại ngõ 221 Nguyễn Khuyến, gồm toàn bộ hộ dân thuộc ngõ 221 Nguyễn Khuyến. Điểm phong tỏa tại 40 Nguyễn Khuyến, từ số nhà 38 đến số nhà 42. Điểm phong tỏa tại 26 Quốc Tử Giám, từ số nhà 4 đến số nhà 34 Quốc Tử Giám. Điểm phong tỏa tại 18 Ngô Tất Tố gồm: số nhà 61, 63, 65, 67, 69, 71 ngõ 38 Ngô Sĩ Liên; toàn bộ tập thể 18 Ngô Tất Tố; số nhà 35 Ngô Tất Tố. Tổng số dân tại 4 điểm phong tỏa là 492 nhân khẩu.
Cách ly y tế tại phường Khâm Thiên gồm: khu dân cư ngõ 1 phố Khâm Thiên, dãy chẵn từ số nhà 60 đến số 64, dãy lẻ từ số nhà 129 đến số 133. Tổng số 9 hộ gia đình với 50 nhân khẩu.
Khu vực cách ly y tế tại phường Hàng Bột gồm: toàn bộ ngõ 163 Tôn Đức Thắng; từ ngách 69 đến cuối ngõ giáp ranh phường Văn Chương và khu dân cư số 14. Tổng số hộ là 511 với 1.880 nhân khẩu.
Việc cách ly y tế 14 ngày để đảm bảo yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận Đống Đa.
Thêm 23 ca dương tính, Hà Nội có 2.149 ca mắc từ 27/4
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trưa nay (14/8), thành phố ghi nhận thêm 21 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 7 ca tại cộng đồng.
Tất cả đều thuộc chùm ca bệnh ho, sốt thứ phát, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 13/8, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Các ca bệnh mới thuộc các quận, huyện: Đống Đa (5), Thường Tín (4), Thanh Xuân (2), Thanh Trì (2), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (2), Phú Xuyên (1), Thạch Thất (1), Ba Đình (1), Long Biên (1).
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội sáng 14/8 thông tin, từ 18h ngày 13/8 đến 6h ngày 14/8, thành phố ghi nhận thêm 2 ca dương tính SARS-CoV-2. Đây đều là các trường hợp đã được cách ly từ trước.Hai ca mắc mới gồm 1 trường hợp ở quận Long Biên, 1 trường hợp ở quận Ba Đình. Đây đều là trường hợp ho sốt thứ phát.
Trường hợp 1 là L.H.C, nam, sinh năm 1969, địa chỉ tại Đường Bưởi, Cống Vị, Ba Đình; là F1 của bệnh nhân 128536, được cách ly tập trung từ 29/7 và xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 10/8, bệnh nhân xuất hiện sốt ho, đau họng được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính.
Trường hợp 2 là P.Q.A, nam, sinh năm 2006, địa chỉ tại Ngọc Lâm, Long Biên; là F1 của bệnh nhân 215402, được lấy mẫu lần 1 âm tính và chuyển cách ly tập trung từ 7/8.
Ngày 9/8, bệnh nhân xuất hiện ho, sốt được chuyển cách ly tại Bệnh viện Đức Giang, xét nghiệm lần 2 âm tính. Ngày 13/8, bệnh nhân được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4 đến nay là 2149 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1185 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 964 ca.
Hà Nội đề nghị giảm 15% tiền nước cho toàn bộ người dân trong 4 tháng
UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND thành phố về việc hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân và một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Hà Nội đề xuất giảm 15% tổng hóa đơn tiền nước cho hộ dân.
Theo UBND thành phố, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Do vậy, việc hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân và một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố là một trong những nội dung rất cần thiết góp phần giảm bớt những khó khăn của người dân trong giai đoạn hiện nay.
Theo Tờ trình, thành phố đề nghị HĐND thành phố thông qua việc hỗ trợ giảm giá 100% cho các trường hợp gồm: cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố và các hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 68.690 đồng/hộ dân, áp dụng đối với 10m3/hộ dân theo giá nước sạch mức sinh hoạt 1 tại Quyết định số 38/2013 ngày 19/9/2013 của UBND thành phố.
Thành phố cũng đề nghị HĐND thành phố thông qua việc hỗ trợ giảm 15% trên tổng hoá đơn tiền nước sinh hoạt phải trả của các hộ dân ngoài các đối tượng nói trên.
Thời gian thực hiện việc giảm giá nước sinh hoạt theo đề xuất của UBND thành phố, áp dụng 4 tháng cuối năm 2021. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 165 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách thành phố.
Theo UBND thành phố, việc thực hiện hỗ trợ sẽ thông qua các đơn vị cấp nước, giảm giá trên hoá đơn tiền nước cho người dân thuộc phạm vi cấp nước của từng đơn vị.
Hà Nội hỗ trợ thêm 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH Hà Nội) đã rà soát đối tượng, tổng hợp và có tờ trình UBND TP Hà Nội về việc bổ sung chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chưa quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được Hà Nội hỗ trợ (Ảnh minh họa)
Trên cơ sở đề xuất của Sở LĐTB&XH Hà Nội, Thường trực HĐND TP đã họp và đồng ý ban hành nghị quyết quy định các chính sách đặc thù của thành phố đối với 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, gồm:
10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của TP Hà Nội, bao gồm:
1. Hỗ trợ hộ nghèo
2. Hỗ trợ hộ cận nghèo
3. Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng
4. Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa vào lại Trung tâm do ảnh hưởng của Covid-19.
5. Hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
6. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
7. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh (có ký hợp đồng lao động với người lao động và có đóng bảo hiểm xã hội) chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
8. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg.
9. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19.
10. Hỗ trợ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (có trụ sở chính tại Hà Nội và do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.
Theo rà soát của Sở LĐTB&XH, dự kiến có khoảng trên 324.000 đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù của TP Hà Nội, với tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỷ đồng.
Đà Nẵng bắt đầu 7 ngày "yên tại chỗ" từ 8h sáng 16/8
Sáng 14/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo thành phố đã thống nhất chủ trương dừng tất cả hoạt động trên địa bàn trong 7 ngày để phòng, chống dịch.
Một chốt kiểm soát dịch trên địa bàn quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Theo đó, từ 8h sáng 16/8 đến 8h sáng 23/8, dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng, thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.
Cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch).
Các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị. Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết thêm, trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp nêu trên, Sở Y tế thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, có độ bao phủ toàn thành phố để tìm và nhanh chóng đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng.
Khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố để lãnh đạo thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cung ứng đến tận các tổ dân phố, đến người dân cũng như có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, việc áp dụng biện pháp mạnh hơn ngăn chặn dịch bệnh sẽ tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, cuộc sống sẽ khó khăn hơn, việc ăn uống, sinh hoạt sẽ có nhiều bất tiện hơn.
"Trong giai đoạn khó khăn này, thành phố mong tất cả người dân thành phố cùng đồng lòng, chia sẻ và chung tay cùng chính quyền thành phố thực hiện tốt các giải pháp về phòng chống dịch trong 7 ngày đến vì mục tiêu chung, vì sức khỏe của bản thân mình và người thân", Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho hay.
Khánh Hòa: Cách ly xã hội toàn thành phố Nha Trang 1 tuần
Theo đó, thành phố Nha Trang sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 14/8 đến ngày 20/8.
Cụ thể, việc cách ly xã hội yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà, thực hiện nghiêm người cách ly người, trừ các trường hợp cần thiết. Cơ quan nhà nước sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà.
Nha Trang thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 14/8 đến ngày 20/8
Riêng đối với cơ quan phục vụ chiến đấu, trục chống dịch, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân viên y tế đảm bảo 100% quân số.
Ngân hàng, công ty chứng khoán hoạt động ở mức tối thiểu để đảm bảo cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức “3 tại chỗ" để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào đơn vị.
Việc cách ly xã hội yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà, thực hiện nghiêm người cách ly người, trừ các trường hợp cần thiết.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu y tế (trừ các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, các khu cách lỵ, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị, các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp dịch vụ logistics; các doanh nghiệp sản xuất đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm".
Việc kiểm tra giấy tờ khi lưu thông trên đường, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đăng ký hoạt động trên địa bản tỉnh; lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch; lực lượng tổ chức và phục vụ tiêm vắc xin (kể cả người đi làm bằng xe ô tô).
Các đối tượng trên phải các loại giấy tờ sau để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát: Thẻ công chức (đối với cơ quan nhà nước); Thẻ chuyên ngành; Thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, đóng giáp lại ảnh với thẻ); Văn bản xác nhận của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển thực thi công vụ hoặc di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm cấp thẻ công chức, thẻ công tác, văn bản xác nhận cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các lực lượng làm công tác, hỗ trợ phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị mình đúng quy định.
Đối với những người đi tiêm vắc xin: Xuất trình giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại hẹn lịch tiêm chủng cho lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát và tự thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo 5K trong suốt quá trình tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo báo cáo, từ 17h ngày 13/8 đến 7h ngày 14/8, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 85 ca mắc Covid-19 mới - nâng tổng số ca lên 4.234, trong đó TP Nha Trang có 2.197 ca nhiễm. Quá trình tầm soát liên tục phát hiện nhiều ca mắc mới.
Bạc Liêu sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 675.000 người
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, hiện tại các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã phổ biến kế hoạch về triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian 2021 - 2022.
Mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 chủ động cho người dân, đặc biệt là đối tượng nguy cơ cao, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Tiêm ngừa cho các đối tượng ưu tiên ở Bạc Liêu. Ảnh: Gia Minh
Tỉnh Bạc Liêu sẽ phấn đấu kể từ tháng 8/2021 đến hết quý 1/2022 sẽ tiêm cho 675.288 người (chiếm 95% người từ 18 tuổi trở lên), góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả sử dụng vaccine ngừa Covid-19.
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện lập các đội cấp cứu tại đơn vị và hỗ trợ các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở vùng đi lại khó khăn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, lũy kế đến 6h ngày 14/8/2021, toàn tỉnh ghi nhận 131 ca dương tính với Covid-19 (52 ca nhập cảnh), có 2 ca mắc mới, đang còn điều trị 63 ca, đã có 68 ca bình phục được xuất viện. Đang cách ly tập trung 806 người, đang cách ly tại nhà 1.834 người.
Hiện tại, toàn tỉnh đã phân bổ và tiêm được 83.557 liều vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng được ưu tiên.
Cà Mau: Bé trai 6 tuổi dương tính với Covid-19 ở cùng xóm với cụ bà 79 tuổi
Sáng 14/8, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, trên địa bàn khóm 4, phường 6, TP Cà Mau vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với Covid-19.
Trường hợp mới ghi nhận vào chiều tối 13/8 là bé trai tên L.C.H. (6 tuổi, ngụ khóm 4, phường 6, TP Cà Mau). Bé H. là người cùng địa phương với cụ bà T.T.Th. (mã số BN247028, 79 tuổi, ngụ khóm 4, phường 6) được phát hiện dương tính với Covid-19 vào sáng 13/8.
Một hẻm ra vào khu dân cư ở phường 6, TP Cà Mau đang được phòng tỏa để phòng, chống dịch Covid-19.
Gia đình bé H. gồm cha, mẹ, chị ở gần nhà ông ngoại.
Theo thông tin dịch tễ, mẹ bé H. là bà L.T.Ph., bán rau, cá tại khu vực khóm 4, phường 6. Hàng ngày bà đi mua cá, rau bằng xe máy, trên xe 2 người; mua cá chủ yếu ở vựa cá ở cảng cá Cà Mau (phường 8) và đi mua một vài vựa cá khác.
Ông L.T.V. (cậu của bé H.) vài ngày gần đây thỉnh thoảng có đến nhà bà Ph. chơi và bé H. thường chơi với 6 bé khác ở hàng xóm.
Khoảng 3 - 4 ngày gần đây bé H. có ra nhà bà T. (gia đình gồm 6 người) và sang nhà L.T.Th. (gia đình gồm 4 người), đều là dì bé H.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cơ quan chức năng địa phương đã chuyển bé H. và mẹ bé vào cách ly tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.
Hiện tại, các lực lượng phòng, chống dịch đã lấy mẫu đơn gồm 30 mẫu xét nghiệm âm tính.
Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm nơi phong tỏa và khu vực vùng đệm từ cây xăng Tân Hải, theo đường Lê Khắc Xương giao với đường Lý Thường Kiệt đến một phần của khóm 5, phường 6 và một phần còn sót trong khu phong tỏa (hiện đã lấy được 157 mẫu gộp gồm 557 người, vẫn còn đang tiếp tục lấy mẫu).
Đồng thời, tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2, F3 (BN247028 và bé H). Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm vùng phong tỏa, vùng đệm khu phong tỏa khóm 4, phường 6; khu cảng cá Cà Mau, chợ nông sản phường 7.
Cả nước có 251.753 ca mắc từ 27/4, gần 90.000 bệnh nhân đã chữa khỏi
Ngày 13/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.150 ca nhiễm mới trong nước, giảm 503 ca, trong đó TP Hồ Chí Minh giảm 310 ca, Bình Dương giảm 212 ca, Đồng Nai giảm 263 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 255.748 ca COVID-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 251.753 ca, trong đó có 89.964 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu.
Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (140.539), Bình Dương (39.592), Long An (13.232), Đồng Nai (12.047), Đồng Tháp (4.621).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
Cả nước đã có 92.738 ca nhiễm được điều trị khỏi. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 511 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 13/8 là 5.088 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 52 người tử vong do COVID-19).
Trà Vinh sẽ giãn cách xã hội thêm 15 ngày theo Chỉ thị 16
Tối 13/8, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất thực hiện giãn cách xã hội trong toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 thêm 15 ngày, kể từ ngày hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10 mà tỉnh đang áp dụng.
Theo đó, hết ngày 15/8 sẽ kết thúc đợt giãn cách xã hội cũ, sau đó, từ 0h ngày 16/8 tỉnh sẽ áp dụng giãn cách thêm 15 ngày - đồng nghĩa với hết tháng 8.
Hiện tình tình dịch Covid-19 ở Trà Vinh đang diễn biến phức tạp. Tính đến trưa 13/8, tỉnh này đã ghi nhận thêm 73 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều là công nhân Công ty Cắt may Sofa Hoa Sen ở khu công nghiệp Long Đức, TP. Trà Vinh, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại công ty này lên 188 ca.
Tính từ ngày bùng phát dịch lần thứ tư (27/4) đến nay, Trà Vinh đã có 820 ca nhiễm Covid-19. Trong đó 42 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại trong các khu cách ly. Tỉnh ghi nhận 150 ca khỏi bệnh; 6 ca tử vong.
Trà Vinh đang quyết liệt triển khai các giải pháp để phòng dịch, trong đó có chiến dịch tiêm vaccine cho toàn dân.
Bình Dương chỉ đạo "nóng" sau phản ánh "bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân"
VOV đưa tin, UBND tỉnh Bình Dương vừa giao Sở Y tế khẩn trương ra văn bản yêu cầu các cơ sở y tế nhà nước, tư nhân tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, không được từ chối nhận bệnh.
Động thái này được thực hiện sau khi đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương tiếp nhận nhiều cuộc gọi phản ánh của người dân về việc bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu các cơ sở y tế phải tiếp nhận cấp cứu, sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân, nếu có cơ sở nào từ chối tiếp nhận thì lập biên bản để xử lý nghiêm. Tránh trường hợp bệnh nhân Covid-19 chậm chuyển đến bệnh viện đe dọa đến tính mạng.
Gần đây, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, đặc biệt là trong các khu phong tỏa. Để mau chóng kiểm soát dịch, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh việc thực hiện giãn cách xã hội tại các khu phong tỏa, không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Trường hợp để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của địa phương đó sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định.
Bên cạnh đó, cần tận dụng “thời gian vàng” còn lại trong thời gian giãn cách để lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở, hộ gia đình ở khu vực phong tỏa. Khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 phải "bốc tách" ngay ra khỏi cộng đồng để tránh lây nhiễm chéo.
Hôm nay, Bình Dương ghi nhận thêm 2.816 ca mắc Covid-19, 787 bệnh nhân xuất viện, 25 người tử vong. Như vậy, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương có 39.592 ca mắc Covid-19. Toàn tỉnh hiện có 1.244 khu vực phong tỏa với hơn 125.000 người, gần 4.200 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 967 trường hợp F0 cách ly tại nhà.
Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới
Diễn biến dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp.
Tại Nga, ngày 13/8 đã ghi nhận “kỷ lục” mới về số ca tử vong do Covid-19: 815 người, cao hơn so với 808 người ngày hôm trước và là mức cao nhất kể từ đầu đại dịch.
Theo Ban điều hành về ngăn ngừa và chống lây lan dịch Covid-19 của Nga, trong 24 giờ qua, tại nước này đã ghi nhận thêm gần 22.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số mắc bệnh lên hơn 6.557.000 người. Đồng thời, số tử vong đã tăng lên đến 815 người, đây là mức tối đa mới kể từ đầu đại dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận