Bản tin 6h ngày 17/2 - tức sáng mùng 6 Tết của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19, gần 146.000 người cách ly chống dịch.
Hà Nội xét nghiệm toàn bộ người về từ Hải Dương
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội đã đưa ra quyết định trên chiều 17/2.
Theo đó, tất cả người về từ Hải Dương từ ngày 2 đến 16/2 sẽ được ngành y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và giám sát sức khỏe tại nhà.
Thành phố cũng lập danh sách và lấy mẫu xét nghiệm với những người về từ các ổ dịch khác (chưa qua 14 ngày).
Các đơn vị liên quan sẽ rà soát, thống kê toàn bộ trường hợp từ Hải Dương về trong thời gian trên, hoàn thành trong 3 ngày để lấy mẫu xét nghiệm.
Xét nghiệm diện rộng được xem là biện pháp quyết liệt hơn của Hà Nội trước bối cảnh Covid-19 của Hải Dương diễn biến phức tạp. Ngày 15/2, Hà Nội chỉ yêu cầu người đến từ Hải Dương khai báo y tế, tự cách ly tại nhà; chỉ trường hợp đến từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) mới phải lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bắt buộc.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến 14h ngày 17/2, thành phố ghi nhận 35 bệnh nhân Covid-19; rà soát được hơn 1.500 người trở về từ huyện Cẩm Giàng, đã lấy mẫu hơn 1.150 người, kết quả hơn 400 trường hợp âm tính, số còn lại chưa có kết quả.
Được chi viện, công suất xét nghiệm tăng lên 4 lần
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid, ngày 17/2 có 7 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đó là BN1535, BN1848, BN1698, BN1855, BN1699, BN1555, BN1559.
Được sự chi viện của BV Bạch Mai, công suất xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2 của Bệnh viện Dã chiến số 2 ở Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tăng lên 4 lần.
BV Bạch Mai chi viện về máy móc, trang thiết bị, máy xét nghiệm, máy tách chiết, một số máy móc hỗ trợ khác cùng 5 cán bộ kỹ thuật của Khoa Vi sinh để trực tiếp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 2.
Các phòng xét nghiệm được thay đổi hoàn toàn giúp quy trình công việc được thuận lợi, đảm bảo an toàn sinh học, kết quả xét nghiệm nhanh, chính xác và hiệu quả.
ThS.BS Trương Thái Phương, Trưởng Khoa vi sinh- Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Việc nâng cấp phòng xét nghiệm được hoàn thành trong một ngày nhờ chuyển trực tiếp máy móc từ BV Bạch Mai xuống. Hơn nữa các kỹ thuật viên của BV Bạch Mai đều là người có nhiều năm kinh nghiệm nên việc chuyển giao kỹ thuật nhanh, cán bộ kỹ thuật của Bệnh viện Dã chiến số 2 đã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ”.
Trước khi Bệnh viện Bạch Mai chi viện, công suất xét nghiệm của Bệnh viện Dã chiến số 2 chỉ đạt 200-250 mẫu bệnh phẩm/ngày, sau khi được nâng cấp công suất xét nhiệm sẽ tăng gấp 4 lần, tức 1.000 mẫu/ngày.
Đề xuất hỗ trợ phí cách ly cho 4 người Trung Quốc
4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện ở Quảng Trị
Ngày 17/2, tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đã có văn bản đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị trích kinh phí để chi trả mọi chi phí cho việc cách ly và xét nghiệm Covid-19 cho 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ chi phí cho việc thực hiện áp giải trao trả những người này về nước.
Cụ thể, 4 người Trung Quốc gồm Li Zi Jian, Jiang Shu Fa, Meng Shuai, Chang Biao nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện, bắt giữ vào ngày 1/2 tại thôn Tân Định, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Những người này được đưa đi cách ly y tế tại Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Quảng Trị từ ngày 1/2 đến 21/2.
Tiến hành khai thác thông tin, được biết 4 người trên không có khả năng tài chính để thực hiện việc chi trả kinh phí cho việc cách ly và xét nghiệm ở trung tâm này.
Công an tỉnh Quảng Trị thông tin rằng, hiện Phòng quản lý xuất nhập cảnh đã hoàn tất thủ tục dẫn giải 4 người này đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để trao trả cho Trung Quốc vào ngày 22/2.
Trước đó, vào 18h ngày 1/2, lực lượng chức năng Quảng Trị bắt giữ 5 đối tượng. Trong đó, có 4 đối tượng người Trung Quốc kể trên. Qua đấu tranh khai thác bước đầu, được biết 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua biên giới tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và tỉnh Lạng Sơn vào ngày 24/1. Tiếp đó, họ được một người Việt Nam dùng xe ô tô đón và bố trí nơi nghỉ.
Đến ngày 1/2, cả nhóm trên đường di chuyển đến địa phận tỉnh Quảng Trị thì gặp chốt kiểm dịch của tỉnh này ở xã Vĩnh Chấp nên đã rẽ vào đường thôn Tân Định để trốn kiểm tra. Sau đó, cả nhóm bị phát hiện và đưa đi cách ly.
Hà Nội: Phát hiện 4 trường hợp dương tính trong số người về từ vùng dịch
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến 12h trưa nay 17/2, Hà Nội đã rà soát lấy mẫu xét nghiệm người về từ Hải Dương, Quảng Ninh là 18.286/18.286 trường hợp. Trong đó, số người về từ TP Chí Linh (Hải Dương) là 17.391; huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) là 262; từ các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh là 633, báo Đại Đoàn Kết đưa tin.
Kết quả, phát hiện 4 trường hợp dương tính (là BN1694, BN1814, BN1815, BN1819), còn lại đều âm tính.
Hiện Hà Nội đã lấy 402 mẫu xét nghiệm cho người tại thôn Do Hạ, Tiền Phong, Mê Linh, kết quả tất cả đều âm tính.
Tại các địa điểm liên quan đến BN2229 và toà KS Sommerset WestPoint đã lấy 585 mẫu trong đó có 2 ca dương tính (BN2234, BN2240), còn lại 583 mẫu âm tính.
Khu chung cư Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn) có người Hàn Quốc tử vong ngày 17/2.
Phong tỏa tòa nhà tại quận Bắc Từ Liêm có người ngoại quốc tử vong
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trường hợp người Hàn Quốc tử vong tại khu chung cư Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn) đã có kết quả âm tính với Covid-19.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Thế Cương, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) xác nhận, sáng nay (17/2) trên địa bàn xuất hiện trường hợp người nước ngoài tử vong.
Cụ thể, trường hợp này là nam giới, sinh năm 1974, quốc tịch Hàn Quốc, sống tại khu chung cư Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn).
"Khi biết tin có người nước ngoài tử vong, quận đã triển khai lực lượng đến hiện trường để khử khuẩn và cách ly khu vực này theo đúng quy trình kiểm soát, phòng dịch", ông Cương nói.
Theo ông Cương, ngành chức năng đang điều tra nguyên nhân tử vong của nạn nhân và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
"Chúng tôi đã yêu cầu phong tỏa tòa nhà nơi người nước ngoài này sinh sống, không ai được đi ra và vào cho đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với người tử vong", ông Cương nói.
Ổ dịch mới tại TP Hải Dương rất phức tạp
"Thời gian ủ bệnh khá lâu, các trường hợp F0 đã tiếp xúc nhiều người, việc truy vết gặp khó khăn vì vào đúng dịp Tết", Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương đánh giá.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương, đến 6h ngày 17/2, tỉnh này ghi nhận 539 ca bệnh, tăng 40 ca. Dịch đã lan rộng ra 12/12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương.
Theo đánh giá của cơ quan này, Hải Dương đang có 5 ổ dịch lớn, gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Trong đó, ổ dịch mới tại TP Hải Dương đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19.
Từ ngày 9/2 trở về trước chỉ có 4 ca mắc. Tuy nhiên, trong 7 ngày gần nhất, TP Hải Dương xuất hiện 19 ca mắc, trong đó có 8 ca mắc trong cộng đồng. Đây là ổ dịch có tính chất phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hải Dương đã thiết lập 11 vùng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 16/2, ngành chức năng phát hiện 4 ca bệnh sống trong một gia đình ở phố Trần Sùng Dĩnh (phường Hải Tân, TP Hải Dương) thông qua giám sát sốt, ho cộng đồng.
Ngay sau đó, CDC Hải Dương đã chỉ định lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp tiếp xúc gần liên quan đến chùm ca bệnh nói trên.
Đình chỉ phòng khám liên quan bệnh nhân COVID-19 người Nhật
Sở Y tế TP Hà Nội đã quyết định đình chỉ Phòng khám đa khoa Raffles Medical (nơi BN2229 là chuyên gia Nhật đến thăm khám) do chưa thực hiện đúng các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19.
Tại quyết định số 2137/QĐ-SYT, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Phòng khám Raffles Medical do chưa thực hiện đúng hướng dẫn Bộ Y tế về việc sàng lọc và chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Phòng khám Raffles Medical trực thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Sức khỏe trọn đời tại TP Hà Nội (địa chỉ tại 51 Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Sở Y tế TP Hà Nội yêu cầu phòng khám này chỉ được tiếp tục hoạt động khi khắc phục được các tồn tại và đảm bảo về công tác an toàn phòng chống dịch, có báo cáo bằng văn bản và được kiểm tra, giám sát, cho phép tiếp tục hoạt động của Sở Y tế.
Trước đó vào sáng ngày 15/2 (sáng mùng 4 Tết), Bộ Y tế công bố ca bệnh có mã số 2229. Bệnh nhân là nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tử vong tại khách sạn Somerset West Point, số 2 đường Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Một khu vực bị cách ly chống dịch do có liên quan đến BN2229.
TP.HCM cách ly tập trung 60 người tới từ địa phương khác sau Tết
Sáng 17/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đã tiếp nhận 2.134 trường hợp khai báo tới từ các tỉnh, thành khác tại sân bay, nhà ga, bến xe và trạm y tế. Trong đó, 60 người được chuyển cách ly tập trung, 10 trường hợp cách ly tại nhà và 2.064 người tự theo dõi sức khỏe.
"Số mẫu khai báo trên được tiếp nhận từ ngày 16/2 tới nay. Kết quả lấy mẫu cho thấy 1.350 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả", đại diện HCDC cho hay.
Theo kế hoạch, từ 17/2, HCDC sẽ mở rộng lấy mẫu tầm soát ngẫu nhiên hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, Ga xe lửa Sài Gòn và các bến xe quận 12, bến xe Miền Đông cũ, bến xe Miền Đông mới.
Cụ thể, lực lượng y tế sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 10-20% lượt khách tới sân bay Tân Sơn Nhất từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tại Ga xe lửa Sài Gòn và các bến xe quận 12, Miền Đông cũ, Miền đông mới, HCDC sẽ thực hiện lấy 100 mẫu mỗi ngày tại từng địa điểm.
Cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), để kiểm soát chuỗi lây nhiễm ở sân bay, thành phố áp dụng theo đúng phương châm "truy vết thần tốc, khống chế nhanh" thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng phạm vi tiếp xúc và đặc biệt là mở rộng xét nghiệm cả về không gian và thời gian.
Cụ thể, khi nhận thông tin có một số mẫu gộp của nhóm nhân viên bốc xếp nghi nhiễm, dù chưa xác định chính xác cá nhân nhiễm là ai, thành phố đã lập tức truy vết, khoanh vùng tất cả trường hợp liên quan, không để sót bất cứ trường hợp nguy cơ nào. Nhờ đó đã lần ra được một chuỗi lớn ca nhiễm.
"Chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công", đại diện HCDC cho biết.
Đến nay, chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất đã dừng lại ở con số 35, sau 10 ngày phát hiện người đầu tiên nhiễm nCoV - "bệnh nhân 1979".
Chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất đã dừng lại ở con số 35 sau 10 ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên.
"Quân đội kích hoạt trạng thái như thời chiến để phòng, chống Covid-19"
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch toàn quân, triển khai nhanh, bảo đảm ứng phó với mọi tình huống, kể cả cấp độ cao nhất; đưa các đơn vị quân đội vào trạng thái như thời chiến, hoàn thành nhiệm vụ phòng chống Covid-19.
Tất cả hệ thống chỉ huy, từ sở chỉ huy Bộ Quốc phòng đến tất cả đơn vị đầu mối toàn quân, trung tâm phòng chống dịch cũng như các cơ quan tác chiến phải duy trì hệ thống trực ban, trực dịch 24/24h; báo cáo kịp thời, hàng ngày và đột xuất về Bộ Quốc phòng để chỉ đạo. Phương tiện, thuốc men, vật tư... phòng chống Covid-19 đảm bảo như thời chiến, nghĩa là phải tăng lên 2-3 cơ số.
Kiểm tra giám sát các khu cách ly ở Hải Dương.
Covid-19 lan đến huyện cuối cùng của Hải Dương
Thanh Miện là huyện cuối cùng của tỉnh Hải Dương đã ghi nhận bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch từ ngày 28/1. Nữ bệnh nhân 51 tuổi, trú thôn Tiên Động, xã Hồng Phong, giúp việc cho một gia đình ở phố Trần Sùng Dĩnh, phường Hải Tân, TP Hải Dương. Gia đình chủ nhà sau đó được xác định là chùm ca bệnh trong cộng đồng.
Với ca bệnh mới ở Thanh Miện, đến nay toàn bộ 12 đơn vị hành chính cấp huyện của Hải Dương đã xuất hiện bệnh nhân Covid-19. Riêng ngày 16/2, Bộ Y tế ghi nhận thêm 40 ca, nâng tổng số từ ngày 28/1 đến nay là 539.
Trước đó Hải Dương yêu cầu các nhà thuốc khi phát hiện người mua thuốc có triệu chứng nghi ngờ Covid-19 như ho, sốt, phải thông báo cơ quan y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm. Được biết, 4 ca nhiễm trong cùng gia đình này đã được phát hiện thông qua giám sát ho, sốt cộng đồng.
32 tỉnh, thành cho học sinh ngừng đến trường sau Tết
Đến tối 16/2, Phú Yên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Nam cùng nhiều tỉnh, thành cho học sinh ở nhà sau Tết để phòng chống Covid-19 (cập nhật).
Các địa phương này cho toàn bộ học sinh các cấp ngừng đến trường, nhưng yêu cầu nhà trường tổ chức dạy và học theo đúng chương trình năm học 2020-2021 với hình thức phù hợp, trong đó chủ yếu chuyển sang dạy trực tuyến.
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 chiều 15/2, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết cả nước có 9 học sinh, sinh viên và một giáo viên mắc Covid-19.
Việc cách ly F1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo bám sát, địa phương chỉ đạo sát sao và phụ huynh, nhà trường phối hợp chặt chẽ. Hiện, học sinh phải cách ly tập trung ở hai trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) và Mầm non Bạch Đằng (Hải Dương) đã về tự cách ly tại nhà sau ba lần xét nghiệm âm tính với nCoV.
Nhiều trường khác như THCS Sao Đỏ và Tiểu học thị trấn Lai Cách (Hải Dương) vẫn phải cách ly tập trung.
Khách sạn nơi bệnh nhân người Nhật Bản 2229 tử vong được phong tỏa từ ngày 14/2.
Bí thư Hà Nội: "Nếu cần thiết, có thể giãn cách xã hội một số khu vực"
Chiều 16/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực khách sạn Somerset WestPoint ở phường Quảng An, nơi đang được phong tỏa do phát hiện 2 người Nhật Bản mắc Covid-19 (bệnh nhân số 2229 và 2240).
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Y tế và quận Tây Hồ phối hợp, rà soát quy trình cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh nhân số 2229 để xác định nguyên nhân tử vong cũng như nguồn lây; tiếp tục thực hiện nghiêm công tác khoanh vùng, cách ly, xác định các trường hợp tiếp xúc F1, F2...
Nhấn mạnh ca bệnh 2229 chưa xác định được nguồn lây, ông Huệ yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố phải liên hệ chặt chẽ với Bộ Y tế, TP.HCM khẩn trương truy vết, tìm bằng được nguồn lây của bệnh nhân này.
"Trong khi chưa xác định được chính xác nguồn lây, Ban Chỉ đạo thành phố phải dự liệu ở trường hợp xấu nhất là lây trong địa bàn thành phố để có các giải pháp phòng ngừa kịp thời, chặt chẽ", Bí thư Vương Đình Huệ cho biết.
Các đơn vị thực hiện nghiêm quy định đã có, phạt trường hợp cố tình vi phạm; truy vết nhanh F1, F2, F3; khẩn trương giải mã gen các trường hợp nhiễm Covid-19 vừa qua.
Người dân Hà Nội bái vọng trước cửa chùa sau lệnh đóng cửa đền chùa, các nhà hàng, quán ăn ...
TP.HCM còn 12 điểm phong tỏa
Tối 16/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo có thêm 9 địa điểm liên quan các ca bệnh COVID-19 được gỡ bỏ phong tỏa. Như vậy hiện thành phố còn 12 nơi phải phong tỏa phòng dịch gồm:
Quận 3: Một phần hẻm 79 Trần Văn Đang thuộc Phường 9.
Quận Tân Bình: Hẻm 60, khu phố 5, Nguyễn Văn Cự thuộc phường Tân Tạo và hẻm 67 Nguyễn Thị Tú, phương Bình Hưng Hòa.
Quận Gò Vấp: Chung cư Felix Home, 44 Nguyễn Văn Dung, Phường 6 và hẻm 251 Quang Trung, Phường 10.
TP Thủ Đức: Hẻm 441 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú và quán Vườn nước mái đỏ, 146 Tây Hòa, phường Phước Long.
Quận Tân Bình: 5 điểm phong tỏa, gồm: Hẻm 90 Nguyễn Phúc Chu, Phường 15; Lô F, Chung cư Carillo số 1 Trần Văn Danh, Phường 13; Mắt Bảo BPO, 12 Núi Thành, Phường 13; Công ty TNHH Dịch vụ Việt Trung Sơn, 24 Tân Canh, Phường 1 và Bún chả Hoàn Kiếm Hà Nội, 1 Phạm Văn Hai, Phường 1.
Thành phố Chí Linh phát thẻ đi chợ cho dân
Ngày 16/12, UBND thành phố Chí Linh (Hải Dương) yêu cầu cơ quan chức năng địa phương triển khai một số giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, TP Chí Linh giao UBND các xã, phường có chợ chủ trì, phối hợp với Ban quản lý chợ và phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ các hộ kinh doanh trong chợ.
Lực lượng chức năng chỉ cho phép các hộ kinh doanh buôn bán mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu được mở cửa. Các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tạm thời đóng cửa đến khi có thông báo mới. Xã, phường cấp thẻ ra vào chợ cho các hộ kinh doanh cố định và bán cố định. Đối với hộ kinh doanh bán cố định, cấp thẻ ra vào chợ có thời hạn cụ thể (dựa vào tình hình thực tế tại các chợ có thể cho phép bán hàng 2-3 ngày luân phiên trong tuần).
Thẻ dùng cho người dân sẽ ghi tên UBND xã, phường, đi theo ngày chẵn và lẻ, đại diện hộ gia đình, địa chỉ và số điện thoại. Mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ/15 ngày, cứ 3 ngày đi chợ một lần và tự điền thông tin vào thẻ. Thẻ có giá trị sử dụng một lần/chợ bất kỳ tại TP Chí Linh.
Nhân viên y tế khử trùng tại Bệnh viện dã chiến số 3, TP Chí Linh.
Một người ở Quảng Ninh dương tính sau 3 lần xét nghiệm
Theo nguồn tinh của Báo Giao thông, trưa 16/2, trên địa bàn đã phát hiện một trường hợp dương tính với Covid-19 sau 3 lần xét nghiệm.
Bệnh nhân 21 tuổi, trú tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương, là F1 của BN số 2092, có liên quan ổ dịch ở Hải Dương.
Bệnh nhân này được cách ly tại nơi làm việc từ ngày 27/1 đến 9/2 cùng với BN2092. Ngày 9/2, BN2092 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nên bệnh nhân được đưa đi cách ly tại Khu cách ly tập trung Gate - Tx Đông Triều. Kết quả xét nghiệm ngày 16/2 cho kết quả dương tính với với virus SARS-CoV-2.
Đáng chú ý, hai lần lấy mẫu và xét nghiệm trước đó người này có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Đến chiều ngày 16/2, bệnh nhân đã được chuyên về điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.
Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch liên quan đến bệnh nhân này.
Đến ngày 16/2, Quảng Ninh đã ghi nhận tổng cộng 60 người nhiễm SARS-CoV-2, tính từ 27/1, gồm có Hạ Long (9); Đông Triều (31 và một bệnh nhân làm tại Công ty Than Vàng Danh - Uông Bí); Vân Đồn (18); Cẩm Phả (1).
Xét nghiệm nhằm phát hiện sớm Covid-19
Kết quả xét nghiệm 500 người liên quan bệnh nhân người Nhật tử vong
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến đầu giờ chiều 16/2, Hà Nội đã rà soát, xét nghiệm 517 mẫu F1, F2, liên quan tới 3 bệnh nhân của Công ty TNHH Mitsui. Đó là BN 2234, BN 2229, BN 2240 (trong đó, có 2 bệnh nhân người Nhật Bản).
Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả 517 mẫu xét nghiệm lần 1 đều âm tính với Covid-19.
Trước đó, ngày 15/2, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Đó là bệnh nhân N.T.H. (nữ, 25 tuổi (BN 2234), trú tại phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) là nhân Công ty TNHH Mitsui Việt Nam tại Hà Nội (23 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm). Bệnh nhân được xác định là trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp F0 người Nhật Bản (BN 2229) tại Công ty TNHH Mitsui.
Bệnh nhân được lấy mẫu và đưa đi cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai ngày 14/2.
Chiều 15/2, Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, Bệnh nhân được xác định là tiếp xúc gần với BN 2229 và BN 2234 (họp cùng ngày 2-2). Bệnh nhân là nam, quốc tịch Nhật Bản, 43 tuổi, là nhân viên công ty Mitsui tại 23 Phan Chu Trinh Hoàn Kiếm, trú tại Khách sạn Somerset West Point, quận Tây Hồ.
Bệnh nhân được Trung tâm y tế Tây Hồ lấy mẫu xét nghiệm ngày 14/2, kết quả dương tính với SAR-CoV-2 ngày 15/2.
Phương pháp gộp mẫu tăng năng lực sàng lọc số lượng người xét nghiệm.
Hà Nội thêm ca nhiễm mới ở Cầu Giấy liên quan Hải Dương
Cụ thể, đó là bệnh nhân Đ.B.P., nam, 50 tuổi, địa chỉ: 51/49 Dịch Vọng, Cầu Giấy.
Bệnh nhân là chồng của BN1819 được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 1/2 kết quả âm tính; được chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Thành An - Thanh Trì lúc 1h30 ngày 2/2/2021.
Tại khu cách ly bệnh nhân ở cùng phòng với BN1866 từ 1h30 đến 9h ngày 2/2; lúc này BN1866 đang được xác định là F1 của BN1814 (về từ Hải Dương); BN1866 được chuyển bệnh viện lúc 9 giờ ngày 2/2 do có kết quả dương tính.
Bệnh nhân Đ.B.P. được Trung tâm y tế huyện Thanh Trì lấy mẫu xét nghiệm lần 2 ngày 15/2, kết quả dương tính ngày 16/2/2021.
Như vậy, từ ngày 27/1 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc tại 8 quận, huyện: Nam Từ Liêm (có 13 ca); Đông Anh (5 ca); Cầu Giấy (6 ca); Mê Linh (5 ca); Hai Bà Trưng (2 ca); Tây Hồ (2 ca); Đống Đa (1 ca); Ba Đình (1 ca) và 1 trường hợp liên quan đến tỉnh Hưng Yên.
Ngày 13/2, dịch Covid-19 tại thủ đô thành "điểm nóng" trở lại sau khi một người Nhật Bản được xác định dương tính SARS-CoV-2 sau khi tử vong. Sau đó, ngành y tế ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc Covid-19 (BN2234 và 2240) là những trường hợp đã tiếp xúc với nam bệnh nhân người Nhật Bản.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, thành phố vẫn ghi nhận thêm các ca mắc ở ngoài cộng đồng và các ca bệnh là những trường hợp F1 được cách ly tập trung.
Nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn mức cao, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết khi người dân từ các tỉnh, thành khác trở lại Hà Nội sinh sống, làm việc. Hà Nội nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi có môi trường phức tạp là các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công sở...
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chiều 15/2, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu đóng cửa tất cả quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê và tạm thời dừng việc mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo từ 0h ngày 16/2.
Nữ công nhân từ Hải Dương thuê đò qua sông vào Quảng Ninh, trốn khai báo y tế. Ảnh: CACC.
Nữ công nhân ở Hải Dương vượt sông vào Quảng Ninh bị phạt 25 triệu
Khoảng 16h30 ngày 15/2 (mùng 4 Tết), tại khu vực sông Kinh Thầy, TX Đông Triều (Quảng Ninh), tổ trạm chốt khu Vĩnh Hồng, phường Mạo Khê phát hiện một phụ nữ vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa về trụ sở Công an phường Mạo Khê để phối hợp với xử lý.
Tại đây, người vi phạm khai nhận là N.T.P.T (SN 2002, trú tại thôn Thanh Bình, xã Việt Dân, TX Đông Triều, làm việc tại Công ty Sumidenso, Hải Dương). Theo tường trình, khoảng 15h ngày 15/2, nữ công nhân được bạn chở bằng ô tô đến phường Minh Tân, TX Kinh Môn, Hải Dương và thuê đò với giá 100 nghìn đồng để chở qua sông đến địa phận phường Mạo Khê, Tx Đông Triều, Quảng Ninh. Vừa lên bờ, T. bị tổ tuần tra phát hiện.
T. khai nhận mặc dù đã nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh nhưng do công ty tại Hải Dương cho nghỉ làm và có nhu cầu về quê giải quyết việc riêng, nên đã cố ý xâm nhập trái phép từ vùng dịch vào địa bàn TX Đông Triều.
Với hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, N.T.P.T đã bị xử phạt 25 triệu đồng và cưỡng chế cách ly tự trả phí.
Hải Phòng chỉ tiếp nhận công nhân khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 bằng phương pháp PCR.
Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận công nhân từ Hải Dương
Hải Phòng tăng cường kiểm soát đối với công dân Hải Dương và Hà Nội, tạm dừng tiếp nhận công nhân từ Hải Dương sang làm việc. Đó là một trong những nội dung trong thông báo chiều ngày 15/2 (mùng 4 Tết) mà Hải Phòng đưa ra.
Theo đó, Hải Phòng quyết định siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bằng các hình thức tạm dừng hoạt động các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các vườn hoa, công viên trên địa bàn từ 20h ngày 15/2.
Các doanh nghiệp tại Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận công nhân từ tỉnh Hải Dương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đối với các địa phương đang có ca dương tính ngoài cộng đồng, Hải Phòng chỉ tiếp nhận công nhân khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 bằng phương pháp PCR.
Các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố Hải Phòng tăng cường kiểm soát đối với công dân từ các địa phương có dịch bệnh đến thành phố, đặc biệt là từ tỉnh Hải Dương và thành phố Hà Nội. Trường hợp cần thiết vào Hải Phòng thì bố trí vào cơ sở cách ly tập trung của thành phố và phải tự trả chi phí cách ly.
Số ca tử vong tại nhà ở Nhật Bản tăng đột biến.
Trong một diễn biến liên quan, số ca Covid-19 tử vong tại nhà ở Nhật tăng đột biến
Đài NHK đưa tin, cảnh sát Nhật Bản cho biết số bệnh nhân tử vong do Covid-19 ngoài bệnh viện tăng hơn gấp đôi trong tháng 1 so với những tháng trước.
Theo cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, hơn 250 người mắc Covid-19 tử vong tại nhà hoặc những nơi khác không phải cơ sở y tế do sức khỏe đột ngột chuyển biến xấu. Ít nhất 254 trường hợp tử vong tại gia đình do nhiễm nCoV được xác nhận từ đầu tháng 3/2020 đến cuối tháng 1/2021.
Chỉ tính riêng tháng 1, 132 trường hợp tử vong như vậy đã được báo cáo. Đây là mức tăng kỷ lục so với con số 56 trong tháng 12/2020.
Đứng đầu danh sách địa phương nhiều ca Covid-19 chết tại nhà là Tokyo. Thủ đô Nhật Bản ghi nhận 46 ca tử vong trong tháng 1, đứng thứ hai là tỉnh Kanagawa với 19 người. 15 người ở tỉnh Chiba và 10 người ở tỉnh Osaka đã chết vì Covid-19 tại những nơi không phải cơ sở y tế.
Theo báo cáo, người già chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. Cụ thể, trong số 132 ca tử vong, tới 114 người trong độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 86% trường hợp.
Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản khẳng định nhiều trường hợp nhiễm virus chỉ được xác nhận sau khi người bệnh đã tử vong. Ngay cả khi tình trạng xấu đi, bệnh nhân cũng không thể kịp đến khám tại các cơ sở y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận