Thông tin diễn biến tình hình Covid-19 tại Việt Nam và thế giới liên tục được cập nhật trong ngày.
Tin tức Covid-19 hôm nay mới nhất
Bản tin dịch COVID-19 tối 19/6 của Bộ Y tế cho biết, tính từ 12h đến 18h ngày 19/6, cả nước có 102 ca mắc mới (BN12621-12900). Trong đó, 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Ninh Bình (8 ), Đà Nẵng (2), An Giang (1), Quảng Nam (1).
90 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (31), Bắc Giang (18), Bình Dương (18), Bắc Ninh (7), Đà Nẵng (5), Long An (3), Lạng Sơn (2), Đồng Nai (2), Hà Tĩnh (2), Nghệ An (1), Nam Định (1); trong đó 81 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Theo đó, trong ngày 19/6, Việt Nam ghi nhận thêm 308 ca mắc mới, trong đó 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Ninh Bình (8 ), Đà Nẵng (2), Thanh Hoá (1), Hà Nam (1), Tây Ninh (1), An Giang (1), Quảng Nam (1).
293 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (135), Bắc Giang (49), Bắc Ninh (36), Bình Dương (30), Nghệ An (16), Đà Nẵng (6), Long An (6), Tiền Giang (3), Hà Tĩnh (3), Hoà Bình (2), Lạng Sơn (2), Đồng Nai (2), Lào Cai (1), Hà Nội (1), Nam Định (1); trong đó 258 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
TP.HCM ngưng các chợ tự phát, dừng toàn bộ xe công nghệ, taxi, buýt
Tối 19/6, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cho biết: thành phố không áp dụng chỉ thị 16 một cách cứng nhắc mà sử dụng nền các giải pháp trong chỉ thị 15, 16 để ban hành chỉ thị riêng cho TP về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo ông Lương, thời gian qua khi tổ chức thực hiện việc giãn cách theo chỉ thị 15 có nơi chưa nghiêm túc, vì vậy sẽ bổ sung biện pháp mạnh cho những địa bàn có ca nhiễm nhiều, tăng cao.
Cụ thể, chỉ thị mới của Chủ tịch UBND thành phố gồm: tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết và ngưng hoạt động chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống sẽ giao Sở Công thương hướng dẫn các quận huyện áp dụng các biện pháp giãn cách hợp lý để đảm bảo an toàn.
Đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động xe taxi, xe công nghệ, xe buýt và xe liên tỉnh.
Chỉ thị mới cũng yêu cầu không tụ tập 3 người ở nơi công cộng ngoài công sở, bệnh viện, trường học (hiện nay quy định 5 người), yêu cầu giữ khoảng cách giãn cách tối thiểu 1,5m (hiện nay quy định 2m).
"Yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp đặc biệt khác.
Cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy phân xưởng hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau tối thiểu 1,5m, thực hiện 5K.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở của mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc; các công ty, tập đoàn ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thực sự cần thiết và tuyệt đối thực hiện quy định 5K của ngành y tế.
Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp phải tổ chức hội họp, không được tập trung quá 10 người trong 1 phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của ngành y tế", chỉ thị mới của Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ.
TP.HCM phong tỏa 3 ấp của huyện Hóc Môn từ 0h ngày 20/6
Tối 19/6, UBND TP.HCM có văn bản về thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
Thời gian thực hiện 14 ngày, kể từ 0h ngày 20/6.
UBND huyện Hóc Môn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo công tác phòng chống dịch; an ninh trật tự, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra, vào các khu vực thực hiện phong tỏa; đảm bảo cung ứng đầy đủ các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa.
Cũng trong chiều tối 19/6, thành phố có văn bản khẩn về việc thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Bình Tân từ 0h ngày 20/6.
TP.HCM sẽ triển khai thiết lập vùng phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân trong thời gian 14 ngày.
Tối 19/6, TP.HCM công bố 31 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 lây trong cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 1.481. Đây là ngày số ca nhiễm TP.HCM cao thứ ba, tính từ khi dịch xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, với 135 trường hợp. Số ca nhiễm bệnh của TP.HCM những ngày qua liên tục lập kỷ lục, với 417 ca trong ba ngày.
TP.HCM thiết lập vùng phong tỏa tại quận Bình Tân
Chiều 19/6, UBND TP.HCM ra văn bản khẩn về việc "thiết lập vùng phong toả 1" để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế, Sở GTVT TP, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Công an TP, Bộ Tư lệnh TP, UBND Q. Bình Tân triển khai thiết lập vùng phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 đối với các Khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân. Thời gian thực hiện là 14 ngày, kể từ 0h ngày 20/6.
Trước đó, ba khu phố này đến nay đã ghi nhận 127 ca nhiễm Covid-19. Trên ba khu phố này có gần 60.000 người và 306 doanh nghiệp.
Thành phố yêu cầu UBND quận Bình Tân chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo công tác phòng, chống dịch; an ninh trật tự, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra, vào các khu vực thực hiện phong toả; đảm bảo cung ứng đầy đủ các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa.
Tại TP.HCM hiện đã xuất hiện nhiều ổ dịch, chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây khác với hàng trăm ca nhiễm như: chung cư Ehome 3, quận Bình Tân và Khu tái định cư phường 16, quận 8 (93 ca); Công ty TNHH Thực phẩm Vạn Đức, KCN Vĩnh Lộc B, Bình Chánh (12 ca); Hnam Mobil (51 ca); Công ty Kim Minh, phường 13, quận 5 (41 ca); Bệnh viện Xuyên Á (22 ca); ấp Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn (21 ca); xưởng Cơ khí Hóc Môn (57 ca); Công ty Minh Thông, huyện Hóc Môn (5 ca); Công ty HANJOO TRADE (4 ca)...
Từ ngày 30/5 đến nay, TP.HCM vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Mua 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất
Hôm nay 19/6, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) với các điều kiện sau đây:
Chấp nhận mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 của Công ty VNVC đã mua của AZ (bao gồm cả số lượng vaccine mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vaccine của công ty VNVC).
Chấp nhận giá mua vaccine theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với Công ty, trong đó:
Giá mua vaccine là giá tạm tính, trường hợp AZ giảm giá bán cho Công ty VNVC thì Công ty phải giảm giá tương ứng cho Bộ Y tế; trường hợp AZ tăng giá bán cho Công ty VNVC thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho VNVC theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng.
Thanh toán chi phí vận chuyển vaccine về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế do AZ cung cấp cho VNVC theo các điều khoản trong hợp đồng giữa AZ và công ty VNVC.
Thanh toán các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng theo số tiền Công ty VNVC phải thanh toán thực tế cho ngân hàng.
Chấp nhận các nội dung sau: Điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine hoặc việc sử dụng vaccine cho AstraZeneca và Công ty VNVC; Công ty VNVC có thể giao hàng không đúng tiến độ; Bộ Y tế chịu trách nhiệm về đơn giá, số lượng trên cơ sở kết quả đã đàm phán với công ty VNVC.
Thêm hai bệnh nhân tử vong ở Bắc Giang và Thanh Hóa
Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo các ca tử vong 63 và 64.
CA TỬ VONG 63: BN12151, nữ, 90 tuổi, có địa chỉ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 12/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được điều trị tại cơ sở thu dung bệnh nhân COVID-19 đặt tại Công ty CP Đầu tư phát triển Fuji Bắc Giang.
Ngày 14/6, bệnh nhân ho có đờm, tức ngực, khó thở nhẹ, người mệt mỏi, được hội chẩn và chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực tại BV Tâm thần Bắc Giang.
Ngày 16/6: Bệnh nhân mệt mỏi, sốt 39°C, thở oxy dòng cao FiO2 90%, xuất hiện phù căng cứng cẳng tay trái, xuất huyết dưới da thành mảng, được đặt catheter tĩnh mạch trung tâm bù dịch, dùng thêm kháng sinh Linezolid, Meropenem.
Ngày 17/6: Bệnh nhân mê sâu, thở gắng sức, được đặt nội khí quản thở máy hỗ trợ, đặt catheter động mạch theo dõi huyết động, lọc máu liên tục, dùng vận mạch noradrenalin, giãn cơ, an thần, bù dịch, albumin, nhưng tình trạng bệnh quá nặng, sốc không hồi phục, bệnh không đáp ứng điều trị.
Bệnh nhân tử vong lúc 03 giờ 44 phút ngày 18/06/2021.
Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan trên bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hoại tử cẳng tay trái, lão suy.
• CA TỬ VONG 64: BN3866, nam, 67 tuổi, có địa chỉ tại Hà Trung, Thanh Hoá. Tiền sử: Ung thư phế quản (T), di căn xương và màng phổi, theo dõi di căn dưới nhện.
Bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại tại khoa Nội 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày 15/5 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được điều trị và theo dõi tích cực, sử dụng thuốc chống viêm, điều chỉnh rối loạn đông máu và kháng sinh phổ rộng điều trị bội nhiễm.
Tuy nhiên bệnh nhân đáp ứng điều trị kém, tình trạng suy hô hấp tiến triển tăng, phải tiến hành can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy ngày 31/5. Bệnh nhân tuy được hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện, nhưng tình trạng tổn thương phổi không cải thiện, nhiễm trùng tiến triển nặng dần, rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn.
BN tiên lượng nguy cơ tử vong cao, được hội chẩn bệnh viện và trao đổi với người nhà tình trạng bệnh, gia đình xin chăm sóc giảm nhẹ. Bệnh nhân tử vong hồi 0 giờ 45 phút ngày 19/06/2021.
Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm candida xâm lấn, trên bệnh nhân ung thư phế quản trái giai đoạn IV, di căn màng phổi và xương.
Hà Nội tìm người trên chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Thọ Xuân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội có thông báo tìm người trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đi trên chuyến bay VN1274 của hãng hàng không Vietnam Airlines từ sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) về sân bay Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), hạ cánh khoảng 13h ngày 15/6/2021.
Theo CDC Hà Nội, những người đi chuyến bay trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/0949.396.115.
Trước đó, CDC Hà Nội nhận thông tin từ CDC tỉnh Thanh Hóa vừa ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (nữ, sinh năm 1992). Người này vừa hết thời hạn cách ly tập trung tại tỉnh Tiền Giang sau khi trở về từ Malaysia.
Ngày 15/6, người này từ thành phố Hồ Chí Minh về Thanh Hóa trên chuyến bay VN1274, số ghế 44D của Vietnam Airlines, hạ cánh tại sân bay Thọ Xuân lúc 13h cùng ngày. Sau đó, người này đến khai báo y tế tại Trạm Y tế xã Vạn Xuân và được hướng dẫn cách ly tại nhà.
Đến ngày 16/6, người này có biểu hiện sốt và đến tối 17/6 sốt cao kèm theo ho, mệt mỏi. Ngày 18-6, người này liên hệ với Trạm Y tế xã Vạn Xuân và được đưa đi cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, được lấy mẫu xét nghiệm và đến tối 18/6 cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. T
rước đó, chiều 17/6, CDC Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn thành phố đã đi trên chuyến bay QH0224 của hãng hàng không Bamboo Airways từ thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội, hạ cánh tại sân bay Nội Bài khoảng 12h30 ngày 14/6.
Ca dương tính trên chuyến bay này là bệnh nhân nữ 45 tuổi, nhập cảnh từ Malaysia về đến sân bay Cần Thơ và được đưa đi cách ly tập trung tại Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang vào ngày 6-5. Ngày 14/6, người này hết thời gian cách ly 21 ngày, được Bệnh viện dã chiến Long Định chở ra sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, bệnh nhân về đến nhà tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Ngày 16/6, bệnh nhân xuất hiện sốt (ở nhà đo nhiệt độ sốt 38 độ C). Sau đó, bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc để khám, được làm test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Thanh Hóa dừng hoạt động vận tải hành khách đi Nghệ An, Hà Tĩnh
UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với phương án hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Thanh Hóa đi Nghệ An, Hà Tĩnh và ngược lại do Sở GTVT Thanh Hóa trình trong bối cảnh dịch Coid-19 đang diễn ra phức tạp tại hai tỉnh lân cận Nghệ An và Hà Tĩnh.
Các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến đường của Thanh Hóa được kích hoạt để kiểm soát chặt người và phương tiện qua lại
Theo đó, sẽ tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Thanh Hóa đi, đến tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và ngược lại, gồm: Xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết hạn cách ly; chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyên phục vụ phòng chổng dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phâm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa nhưng phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa).
Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh có hành trình đi qua các địa bàn (vùng có dịch) của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh theo thông báo của Bộ Y tế thì không được dừng, đỗ, đón, trả khách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thời gian áp dụng từ ngày 19/6 cho đến khi có thông báo mới.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở GTVT Thanh Hóa thông báo, hướng dẫn đến đơn vị kinh doanh vận tải và các đơn vị có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Thêm 112 ca mắc mới, Việt Nam có 12.620 bệnh nhân
Bản tin trưa ngày 19/6 của Bộ Y tế cho biết, có thêm 112 ca mắc COVID-19 trong đó 3 ca nhập cảnh cách ly ngay, 109 ca trong nước. TPHCM vẫn chiếm nhiều nhất với 64 ca. Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 12.620 bệnh nhân COVID-19.
Tính từ 6h đến 12h ngày 19/6 có 112 ca mắc mới (BN12509-12620), trong đó 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thanh Hóa (1), Hà Nam (1), Tây Ninh (1). 109 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (64), Bắc Giang (22), Bắc Ninh (14), Long An (3), Hòa Bình (2), Nghệ An (2), Lào Cai (1), Hà Nội (1); trong đó 91 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 12h ngày 19/6, Việt Nam có tổng cộng 10.945 ca ghi nhận trong nước và 1.675 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 9.375 ca, trong đó có 1.938 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
23 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Thái Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.311.345 xét nghiệm cho 5.147.851 lượt người.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 12.620 bệnh nhân COVID-19.
Đà Nẵng thêm 5 người dương tính với SARS-CoV-2 liên quan Công ty Nhựa Duy Tân
Sáng 19/6, lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng xác nhận địa phương có thêm 5 người dương tính với SARS-CoV-2 gồm người thân và bạn của nhân viên bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân.
Họ đều liên quan đến bệnh nhân N.V.H. (59 tuổi, nhân viên bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân, trụ sở ở số 145 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê).
Ngày 18/6, sau khi xác định ông H. dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng chức năng đã truy vết các F1, đưa những người tiếp xúc gần đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
"Đến sáng 19/6, kết quả xét nghiệm RT-PCR cho thấy một trường hợp là bạn của bệnh nhân N.V.H. và 4 người thân của ông, gồm vợ, con và cháu đã dương tính với nCoV", đại diện Sở Y tế Đà Nẵng thông tin.
Liên quan vụ việc, UBND quận Thanh Khê đã thiết lập khu vực cách ly kiệt 407, đường Lê Duẩn (nơi ông H. cư trú), đồng thời truy vết những người tiếp xúc gần trong khu vực dân cư.
CDC Đà Nẵng đã tiến hành lấy mẫu gộp cho người dân. Kết quả xét nghiệm có 7 mẫu gộp (10 người/mẫu) dương tính với SARS-CoV-2.
Ngành y tế đang tách 7 chùm mẫu gộp này ra để xét nghiệm đơn lẻ để tìm người dương tính nCoV.
Liên quan đến một người Nghệ An mắc Covid-19, ngành chức năng Đà Nẵng xác định có 67 F1. "Hiện 67 trường hợp này đã được xét nghiệm và tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2", lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng thông tin.
5 người xác định dương tính với SARS-CoV-2 gồm người thân và bạn của nhân viên bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân.
Bộ Y tế thông tin về vaccine Trung Quốc được phê duyệt
Sáng 19/6, Bộ Y tế đã thông tin về quá trình phát triển vaccine Sinopharm Trung Quốc được WHO phê duyệt.
Trước đó, năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, tháng 2/2020 Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm CNBG đã tiến hành nghiên cứu vaccine COVID-19 bằng công nghệ bất hoạt. Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020 vaccine này đã được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn tiến hành thử nghiệm trên người.
Ngày 23/6/2020, vaccine bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.
Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vaccine COVID-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%.
Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vaccine này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79.34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.
Ngày 1/4/2021, Bộ Y tế Hungary cấp giấy chứng nhận GMP EU, Sinopharm là doanh nghiệp vaccine đầu tiên của Trung Quốc được cấp chứng nhận này.
Ngày 7/5/2021, vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%, trở thành vaccine thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này. Đây cũng là vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.
Ngày 31/5/2021, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vaccine một cách công bằng.
Ngày 3/6/2021, vaccine Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.
Tới nay, Sinopharm đã sản xuất hơn 450 triệu liều vaccine, trong đó 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp. Vaccine Sinopharm đã cung cấp tới hơn 70 quốc gia. Hiện tại đã có hơn 100 quốc gia có nhu cầu đặt mua vaccine của Sinopharm.
Vaccine Sinopharm được bảo quản trong điều kiện từ 2-8 độ C, thời hạn sử dụng là 2 năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho của vaccine này.
Sinopharm là đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất tại Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, Sinopharm đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất vaccine COVID-19, mục tiêu trở thành nhà cung cấp vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới, để vaccine này được phổ cập rộng rãi hơn tới người tiêu dùng.
Ngày 3/6/2021, vaccine Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.
Thêm 4 ca nhiễm mới, Nghệ An đã xác định 5 nguồn lây
Thông tin từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Nghệ An cung cấp, sáng 19/6, tỉnh Nghệ An ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 3 trường hợp tại TP Vinh và 1 ca tại Diễn Châu. Bao gồm: H.V.V (SN1959); N.T.B.H (SN 1961); H.T.B.T (SN 2013) ở khối 6, Hà Huy Tập. Ba trường hợp này là F1 của bệnh nhân N.T.H.N
Trường hợp còn lại là Đ.C.M (SN 1991) ở xã Minh Châu, Diễn Châu, là F1 của L.Đ.Đ. Hiện tất cả các F1 của 4 ca bệnh này đã được cách ly. Như vậy tính đến ngày 19/6 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 24 ca nhiễm Covid-19.
PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, hiện trên địa bàn đã phát hiện 5 nguồn lây nhiễm. Nguồn thứ 1 từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thông qua ca bệnh 10732 làm nghề gội đầu ở trọ tại phường Hà Huy Tập (TP. Vinh). Nguồn thứ 2 là ca bệnh 11440 nhân viên ngân hàng tại phường Hưng Dũng; nguồn thứ 3 là ổ dịch tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu; nguồn thứ 4 là ca bệnh nhân viên y tế Bệnh viện Tâm Thần; nguồn thứ 5 là 2 ca bệnh từ Bắc Giang về trên địa bàn huyện Quỳ Hợp và Tân Kỳ.
Để đảm bảo phòng dịch, ngoài việc truy vết, tăng tốc xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ca mắc, chiều ngày 18/6, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định cách ly xã hội toàn bộ TP Vinh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, bắt đầu từ 0h ngày 19/6. Lực lượng quân đội cũng được huy động để tốc chức phun hóa chất khử trùng toàn thành phố khi lệnh cách ly có hiệu lực.
Bộ đội Quân khu 4 sẽ đảm nhiệm việc phun hóa chất khử khuẩn toàn thành phố Vinh bắt đầu từ sáng nay 19/6.
Thêm 2 ca nhiễm cộng đồng, Đồng Nai phong tỏa nhiều khu vực
Ngày 19/6, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn vừa phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2 tại TP Long Khánh và huyện Vĩnh Cửu. Bệnh nhân tại TP Long Khánh là ông N.D.T. (47 tuổi, ngụ phường Bảo Vinh). Theo thông tin điều tra, từ ngày 1 đến 13/6, ông T. phụ mua chôm chôm cho ông V.V.D. (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) tại ngã 3 nhà thờ, khu phố Bảo Vinh, TP Long Khánh.
Ngày 15/6, ông D. thấy mệt trong người và đến Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi) xét nghiệm thì phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Khi biết bạn hàng bị mắc Covd-19, ông T. đi xét nghiệm và cũng có kết quả dương tính. Theo lời khai của ông T., do phụ mua chôm chôm nên ông tiếp xúc nhiều người.
CDC Đồng Nai nhận định ca dương tính tại TP Long Khánh di chuyển nhiều, có thể đã nhiễm SARS-CoV-2 từ ngày 1 đến 13/6. Lực lượng chức năng đã truy vết, xác định bệnh nhân này có khoảng 50 F1, F2. Các vùng phong tỏa dự kiến khoảng 500-1.000 người.
Theo CDC Đồng Nai, có 15 trường hợp F1 nguy cơ dương tính cao (gồm vợ, con ông T., đồng nghiệp, chủ nhà, chủ thầu xây dựng) liên quan đến bệnh nhân. Ca bệnh ở huyện Vĩnh Cửu là anh N.T.N. (18 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú). Người này làm việc tại một công ty ở đường số 62, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Từ ngày 1 đến 12/6, anh N. đi làm bằng xe máy từ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu đến công ty. Nơi anh N. làm việc có 8 người, trong đó 3 người đã được xác định mắc Covid-19.
Lực lượng y tế đã cách ly tập trung 11 trường hợp F1 là bố, mẹ, vợ, chồng chủ quán tạp hóa khu nhà trọ và tất cả người cùng chung dãy trọ. Khu vực nhà trọ thuộc xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) liên quan ca bệnh này cũng được phong tỏa.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại khu dân cư ở TP.HCM.
Sau một đêm, TP.HCM thêm nhiều bệnh nhân nhất cả nước
94 ca mắc mới trong nước là các bệnh nhân mang số hiệu từ BN12415 đến 12508. Cả 94 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh (40), Bắc Ninh (15), Nghệ An (13), Bình Dương (12), Bắc Giang (9), Tiền Giang (3), Hà Tĩnh (1), Đà Nẵng (1); 86 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 19/6, Việt Nam có tổng cộng 10.836 ca ghi nhận trong nước và 1.672 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 9.266 ca, trong đó có 1.938 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
- CA BỆNH BN12415-BN12419, BN12425, BN124330-BN12432, BN12434, BN12436, BN12438-BN1239 ghi nhận tại tỉnh Nghệ An: 1 ca liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang, 3 ca là các trường hợp F1, 4 ca liên quan đến huyện Diễn Châu, 5 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 17-18/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12420-BN12423, BN12426-BN12429, BN123433, BN12435, BN12440-BN12444 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 3 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 5 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 5 ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc, 1 ca là F1, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 17-18/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12424 ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh: nam, 61 tuổi, địa chỉ tại TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; là F1 của BN8425, BN8427, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 18/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
- CA BỆNH BN12437 ghi nhận tại TP. Đà Nẵng: nam, 59 tuổi, địa chỉ tại quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng; đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 18/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12445-BN12453 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12454-BN12462, BN12464-BN12465, BN12467 ghi nhận tại tỉnh Bình Dương: là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12463, BN12466, BN12468 ghi nhận tại tỉnh Tiền Giang: trong khu vực phong tỏa, liên quan đến BN10630. Kết quả xét nghiệm ngày 17/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Tiền Giang.
- CA BỆNH BN12469-BN12508 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 38 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 1 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 1 ca liên quan đến trụ sở UBND Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Cận cảnh triển khai tiêm vaccine 500 công nhân đầu tiên tại TP.HCM trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử.
TP.HCM bác thông tin cách ly xã hội từ 19/6
Trung tâm Báo chí TP.HCM đã phát đi thông báo bác bỏ thông tin TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 19/6. Cụ thể, chiều 18/6, mạng xã hội lan truyền thông tin từ 19/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP, khẳng định đây là thông tin sai sự thật bởi dù dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Thành phố khẳng định đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, đồ tiêu dùng thiết yếu cho người dân, vì vậy việc tích trữ là không cần thiết.
Ban chỉ đạo đề nghị người dân tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật và bình tĩnh thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Người dân khi tiếp nhận thông tin cần chọn lọc từ nguồn chính thức, không lan truyền thông tin chưa xác thực, thông tin sai sự thật, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 1.346 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai điểm nóng Bắc Giang và Bắc Ninh. Ổ dịch lớn nhất liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch có diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập nhiều cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn...
Ngày 14/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ra quyết định nới lỏng giãn cách xã hội tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), giảm từ áp dụng Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Toàn thành phố tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15 trong 2 tuần.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 1.346 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai điểm nóng Bắc Giang và Bắc Ninh.
500 công nhân ở TP.HCM được tiêm vaccine vào sáng nay
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ 7h30 ngày 19/6, tại Công ty FPT Software TP.HCM, địa chỉ lô E3 - 2.34.5, đường D2, Khu công nghệ cao TP.HCM, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất từ đầu mùa dịch đến nay.
Phía Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức xác nhận, dự kiến số lượng công nhân Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm vaccine đợt này khoảng 400 - 500 người. Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng an toàn, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức huy động 5 đội tiêm chủng, mỗi đội 5 người và dự kiến tiêm trong vòng một buổi là hoàn tất.
Cũng trong tối 18/6, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn gửi Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM để lập danh sách chuẩn bị tiêm vaccine cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người làm việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều người tại các cơ sở, các trung tâm do sở quản lý.
Theo thống kê, sẽ có khoảng 290.000 người là người khuyết tật nặng, người già trên 80 tuổi, người có công và thành viên các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được tiêm vaccine miễn phí.
Lực lượng chức năng phong tỏa một tuyến đường ở TP Vinh khi phát hiện ca nhiễm Covid-19.
Giãn cách xã hội TP Vinh theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 19/6
Trước diễn phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã ra quyết định cách ly xã hội toàn TP Vinh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 19/6.
Trước đó, trong chiều 18/6, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này - đã chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng, địa phương liên quan để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, PGS-TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết trên địa bàn tỉnh ghi nhận 20 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, TP Vinh là nơi có nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây.
Theo ông Chỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 5 nguồn lây. Nguồn thứ 1 từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thông qua ca bệnh làm nghề cắt tóc ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Nguồn thứ 2 là ca bệnh nhân viên ngân hàng tại phường Hưng Dũng; nguồn thứ 3 là ổ dịch tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu; nguồn thứ 4 là ca bệnh nhân viên Bệnh viện Tâm thần; nguồn thứ 5 là các ca bệnh từ Bắc Giang về trên địa bàn huyện Quỳ Hợp và Tân Kỳ.
Sau khi diễn ra cuộc họp, UBND tỉnh Nghệ An đã ra văn bản hỏa tốc quyết định từ 0 giờ ngày 19/6 thực hiện cách ly xã hội toàn TP Vinh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, cách ly tại nhà những công dân TP Vinh trở về trên địa bàn từ ngày 18/6/2021.
TP Vinh có dân số khoảng 500.000 người, cư trú tại 25 phường, xã. Trước đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên từ 0 giờ ngày 17/6, TP Vinh đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Phong tỏa kiệt 407 Lê Duẩn sau khi có ca nghi mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Đà Nẵng phát hiện ca nghi nhiễm cộng đồng sau gần 1 tháng bình yên
Chiều 18/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý trường hợp bệnh nhân nghi mắc Covid-19 trên địa bàn. Cụ thể, người này tên N.V.H (nam, 59 tuổi, sống tại quận Thanh Khê), là bảo vệ tại Công ty Nhựa Duy Tân (Thanh Khê), có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 sáng 18/6 khi cùng nhân viên công ty lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Theo lịch sử dịch tễ, ngày 6 và 10/6, ông H. có tiếp nhận 2 xe nhập hàng từ TP.HCM đến Đà Nẵng (trên mỗi xe có 3 người đến từ TP.HCM) đến nhập hàng vào kho trong công ty. Tại đây, ông H. có hướng dẫn chỉ vị trí cho lái xe và công nhân bốc xếp hàng vào kho.
Ngày 10/6, trong số 3 người từ vận chuyển hàng từ TP.HCM ra công ty ông H. làm việc có 1 tài xế được xác định mắc Covid-19 (BN 12190). Các ngày 11,13,15,17/6, ông H. ở nhà phụ bán cơm với vợ, không đi đâu. Ngày 17/6, ăn sáng gần kiốt 407 Lê Duẩn, mua đồ tại cửa hàng nhôm Trọng Đại đường Hoàng Hoa Thám, mua đồ điện nước góc đường Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn.
Ngày 12,14,16,18/6, ông H. đi làm ở công ty, thường xuyên uống cà phê chị Th. trước cổng Công ty. Ông H. cũng thường ăn tại quán mì Quảng Phú Chiêm (đường Lê Huy Đình giao Bế Văn Đàn) và ăn tại quán Bún (ki ốt 421, Lê Duẩn). Riêng ngày 14/6, ông H. có triệu chứng mệt mỏi, ngạt mũi, rát họng nên vợ ông đi mua thuốc tại quầy thuốc trước nhà.
Được biết, tính đến sáng 18/6, Đà Nẵng đã có gần 1 tháng không phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng sau gần 1 tháng bình yên.
Một khu dân cư trên địa bàn tỉnh Long An được phong tỏa. Ảnh: A.L.
3 tài xế giao hàng giữa Long An và TP.HCM mắc Covid-19
Tối 18/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Long An cho biết các bệnh nhân là tài xế Công ty TNHH TM DV XNK Lâm Minh Trí, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Hải Sơn, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An.
Trước đó, 3 tài xế đi giao hàng thường xuyên giữa Long An và TP.HCM. Để được đi qua các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh, 3 tài xế đi xét nghiệm và có kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 18/6.
Tối cùng ngày, ngành y tế Long An xác định được 16 F1 là đồng nghiệp của 3 tài xế. Trong đó, một người ở huyện Bến Lức, đã được đưa đi cách ly tập trung, 15 trường hợp còn lại ngụ ở TP.HCM. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đưa một người bán cơm và một người bán nước trước cổng Công ty TNHH TM DV XNK Lâm Minh Trí đi cách ly tập trung vì tiếp xúc với các tài xế. Công ty này đã được phong tỏa, khử khuẩn.
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết từ 0h ngày 19/6, địa phương kết thúc cách ly xã hội theo Chỉ thị 15 đối với các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An.
Tuy nhiên, nhiều dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa được hoạt động như karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage, xông hơi, phòng tập thể hình, yoga, biểu diễn nghệ thuật, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim… Các hoạt động, sự kiện tập trung trên 30 người cùng một thời điểm tiếp tục bị cấm đến khi có thông báo mới.
Người dân tại một khu vực bị phong toả trên địa bàn TP.HCM xếp hàng chờ xét nghiệm.
Thêm 3 bệnh viện ở TP.HCM tạm ngưng hoạt động
Theo Sở Y tế TP.HCM, có thêm 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện quận 4 và Bệnh viện Quận 10 thông báo tạm ngưng hoạt động.
Tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, trong ngày một nam điều dưỡng ở Khoa Chấn thương chỉnh hình có kết quả dương tính với Covid-19. Nam điều dưỡng được phát hiện thông qua lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên. Cũng trong ngày 18/6, bệnh viện Trưng Vương đã hoàn thành 100% mũi tiêm vắc xin thứ 2 cho cán bộ nhân viên.
Bệnh viện Quận 10 (517 Sư Vạn Hạnh, phường 13) cũng đã ngưng tiếp nhận bệnh nhân do phát hiện có một ca bệnh đến khám được xác định dương tính với Covid-19. Trung tâm y tế quận 10 khẩn tìm những người tới bệnh viện khung giờ từ 8h47 đến 11h30 phút ngày 16/6.
Tại Bệnh viện quận 4 cũng đã thông báo tạm ngưng khám chữa bệnh để phục vụ công tác phòng chống Covid-19. Tại đây trước đó có một bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt... được khám sàng lọc, test nhanh âm tính nên được cho về. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm RT-PCR sau đó đã khẳng định bệnh nhân này dương tính với Covid-19.
Theo thống kê từ Trung tâm Bệnh tật TP.HCM, dịch Covid-19 đã xâm nhập các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. Như vậy tính đến ngày 19/6, dịch Covid-19 đã xâm nhập 9 bệnh viện ở TP.HCM và có 64 nhân viên y tế mắc Covid-19.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp có ca nghi nhiễm.
TP.HCM ghi nhận số lượng bệnh nhân mới cao kỷ lục
Tổng hợp ngày hôm qua 18/6, đã có 149 ca bệnh được ghi nhận và xác định đây là ngày có số bệnh nhân mới cao nhất được công bố ở TP.HCM.
Trước đó, tối 18/6, Bộ Y tế cho hay 59 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận tại TP.HCM (30), Bắc Giang (19), Bắc Ninh (6), Hà Tĩnh (3), Hòa Bình (1). Trong đó, 46 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc địa điểm đã được phong tỏa. Ngoài ra, Việt Nam có thêm 3 ca mắc Covid-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (2), Quảng Nam (1).
Như vậy, trong ngày 18/6, Việt Nam ghi nhận thêm 259 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (149), Bắc Giang (76), Bắc Ninh (16), Bình Dương (12), Hà Tĩnh (3), Hòa Bình (2), Lào Cai (1). Riêng TP.HCM, đây là ngày có số bệnh nhân mới cao nhất từ trước đến nay.
Nhận định về tình hình dịch hiện tại, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết biến chủng SARS-CoV-2 của làn sóng thứ 4 lây lan nhanh. Do đó, các biện pháp hiện nay cần phải nâng cao hơn, cảnh giác hơn một mức.
Theo ông Khuê, đặc tính của những biến chủng virus đang được ghi nhận là làm cho người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh hơn. Nhiều người trẻ tuổi cũng chuyển nặng nhanh hơn. Nếu như ở những đợt dịch trước, 80% người mắc có tình trạng nhẹ, ít triệu chứng, hiện, tỷ lệ này chỉ còn 65-70%.
Do bệnh nhân Covid-19 tại các tỉnh tăng nhanh, chúng ta không thể chuyển hết về các trung tâm lớn vì vừa không an toàn vừa gây quá tải cục bộ. Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế là không chuyển bệnh nhân nhiều mà phải tổ chức đáp ứng 4 tại chỗ.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho người dân. (Ảnh: HCDC)
Video: Bộ Y tế cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
Châu Âu tiếp tục nới lỏng phòng dịch; WHO cảnh báo sự nguy hiểm của biến thể Delta
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 381.726 trường hợp mắc COVID-19 và 7.810 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu trên 178,5 triệu ca bệnh, trong đó gần 3,87 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 178.568.947 ca, trong đó có 3.865.953 người tử vong.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.390.696 ca mắc và 616.867 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt.
Tại Ấn Độ, đã có thêm 60.798 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, số ca mắc mới trong ngày của Ấn Độ dưới mốc 70.000 ca. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á đã vượt mốc trên 29,8 triệu ca trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã lên mức 385.167 ca.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại khu vực biên giới Pháp và Đức. Ảnh- AFP/TTXVN.
Australia cũng đang điều chỉnh chính sách chống dịch khi tình hình thuyên giảm. Nhằm giúp các sinh viên quốc tế hiện đang “mắc kẹt” ở nước ngoài có thể quay lại học tập trong thời gian tới, Chính phủ Australia đã chính thức phê duyệt đề án thiết lập trung tâm cách ly tập trung dành riêng cho sinh viên quốc tế tại bang Nam Australia.
Tại châu Âu, trong khi tình hình dịch bệnh nhiều nước có xu hướng giảm và đã bắt đầu mở cửa trở lại, thì dịch bệnh tại Anh và Nga vẫn diễn biến phức tạp.
Theo các số liệu thống kê của Chính phủ Nga, trên cả nước có 17.262 ca mắc mới - cao chưa từng có kể từ ngày 1/2/2021 đến nay, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 5.281.309 ca. Cũng trong 24 giờ qua, thủ đô Moskva ghi nhận 9.056 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới cao nhất trong một ngày ghi nhận tại Moskva kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay.
Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) của Anh công bố các số liệu cho thấy số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tính theo tuần tiếp tục tăng mạnh tại nước này. Cụ thể, trong tuần (tính đến ngày 16/6), đã có 33.630 ca mới nhiễm biến thể Delta, đưa tổng số ca nhiễm lên 75.953, tăng 79% so với mức tổng ghi nhận trong tuần trước đó. Hiện biến thể Delta chiếm 91% số ca nhiễm. Tính đến ngày 14/6, tổng cộng 806 ca nhập viện vì nhiễm biến thể này, tăng gần gấp đôi so với con số 423 ca trong tuần trước.
Tỷ lệ biến thể Delta gần đây tại Đức đã tăng lên đáng kể, mặc dù vẫn ở mức thấp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ nhiễm biến thể này là 6,2% trong tuần từ 31/5 đến 6/6, trong khi tuần trước đó, tỷ lên này là 3,7%. Từ tháng 5, Chính phủ Đức đã đưa Anh vào danh sách khu vực biến thể mới của virus. Do đó, người hâm mộ bóng đá nếu đến dự khán các trận đấu tại London, khi trở về Đức sẽ phải cách ly 2 tuần.
Italy cũng quyết định siết chặt quy định nhập cảnh đối với những người đến từ Anh, theo đó, những người đến từ nước này sẽ vẫn phải trải qua 5 ngày cách ly bắt buộc.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh- THX/TTXVN.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 30.715 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 87.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Tại ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 18/6 cũng đứng thứ ba toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.
Ngày 18/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 74 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia. Ảnh- THX/TTXVN.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 18/6 ghi nhận thêm trên 3.058 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 22 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 799 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 87.047 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 512 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.479.776 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.077.560 trường hợp.
Hiện WHO phân loại biến thể Delta ở mức "biến thể đáng lo ngại". Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 ở Anh, Đức và Nga.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận