Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam tính đến 18h chiều 20/2.
Ngày 20/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) thông tin về một trường hợp nghi mắc Covid-19. Người này tên N.B.K. (tên thường gọi N.T.T., 35 tuổi, quê huyện Châu Thành, Hậu Giang), thuê trọ ở khu dân cư Tiến Đạt, phường Ái Quốc, TP Hải Dương.
K. là nhân viên spa ở khu đô thị Việt Mỹ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, do chị T.T.D. (là F0) làm chủ.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Hải Dương cho biết kết quả xét nghiệm do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương thực hiện cho thấy nữ nhân viên này dương tính với SARS-CoV-2. CDC Hải Dương đang làm xét nghiệm khẳng định, đồng thời truy vết và phun khử khuẩn những khu vực liên quan.
Theo điều tra dịch tễ, hàng ngày, chị K. làm việc, sinh hoạt, tiếp xúc trực tiếp với F0. Khoảng 23h ngày 26/1, chị này đến nhà bạn trai V.V.H. (27 tuổi, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách).
Ngày 1/2, anh P.T.T. (chồng chủ spa) được xác định là F1 của bệnh nhân Đ.N.Đ., chị D. là F2. Do tiếp xúc với chị D., nữ nhân viên spa tự cách ly tại nhà trọ.
Ngày 13/2, anh P.V.T. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, chị N.B.K. thuộc diện F2. Thời gian này, K. có biểu hiện ho, bạn trai đi mua thuốc cho uống.
Ngày 18/2, đến lượt nữ chủ cơ sở spa có kết quả dương tính, N.B.K. thuộc diện F1. Tối 19/2, chị K. được y tế đưa cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương và lấy mẫu xét nghiệm.
Hiện cơ quan chức năng đã truy vết được 6 người tiếp xúc với chị K. gồm 4 người trong gia đình bạn trai cô này và mẹ con chủ phòng trọ nơi K. lưu trú.
Hải Dương có 6 ca nhiễm mới, đều là F1 đã cách ly
Chiều ngày 20/2, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 6 ca mắc COVID-19 đều ghi nhận tại Hải Dương, ghi nhận tại 3 ổ dịch Cầm Giàng, Chí Linh và TP Hải Dương mỗi nơi 2 ca, đều là trường hợp F1 đã cách ly
Tính đến 18h ngày 20/02, Việt Nam có tổng cộng 1469 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 776 ca.
Tính từ 6h đến 18h ngày 20/02: 6 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
6ca mắc mới (BN2363-2368) ghi nhận trong nước tại Hải Dương.
Hiện có 02 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh và 04 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 69 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 39 ca, số ca âm tính lần 3 là 55 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay. Ngoài ra, có thêm 2 bệnh nhân nặng khác đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 và BV dã chiến số 2 của Hải Dương. Hiện bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 đã can thiệp ECMO, bệnh nhân còn lại đang thở máy xâm nhập.
Mẹ, con gái của một nhân viên ngân hàng dương tính
Ngày 20/2, Ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống Covid-19 tỉnh Hải Dương thông tin, địa phương ghi nhận 2 ca nghi dương tính SARS-CoV-2 là người thân trong gia đình.
Đó là bà Đ.T.L (SN 1958) và cháu L.T.L (SN 2018, cháu ngoại bà Đ.T.L), cùng trú tại số 26 Hàn Giang, phường Quang Trung, TP Hải Dương.Bà Đ.T.L là mẹ vợ của ca bệnh N.Đ.T và là mẹ đẻ của ca bệnh N.T.M.P (SN 1993, nữ nhân viên ngân hàng chi nhánh Lê Thanh Nghị). Còn cháu L.T.L là con gái của bệnh nhân N.T.M.P.
Trước đó, ngày 30/1, gia đình anh N.Đ.T sang nhà ăn cơm với ông bà, số 26 Hàn Giang, phường Quang Trung.
Ngày 5/2, bé L.T.L được ông đưa sang nhà bác rể là N.Đ.T (F0) tại phường Nhị Châu (TP Hải Dương) chơi. Sau đó, được bà sang đón về. Tối 6/2, bé L.T.L ăn cơm cùng bác rể và mẹ tại nhà.
Ngày 10/2, bé cùng mẹ sang nhà họ hàng tại phố Tiền Phong, phường Quang Trung chơi rồi đi chúc Tết họ hàng bên ngoại. Tối 12/2, được bác gái họ đưa sang nhà chơi tại phố Trương Hán Siêu, phường Nhị Châu chơi. Tại đây, có gặp bác rể.
Ngày 13/2, đi cùng mẹ tới chùa Tre ở khu Tứ Thông rồi về nhà. Ngày 15/2, ăn cơm cùng gia đình bác rể và gia đình bạn của mẹ.
Còn bà Đ.T.L làm nghề bán bánh mỳ tại cổng trường Ngô Gia Tự. Tối 30/2, bà ăn cơm cùng vợ chồng con gái tại nhà. Trước ngày 3/2, bà đi bán bánh mỳ ở cổng trường cấp 2 Ngô Gia Tự, trên phố Nguyễn Văn Tố. Khách hàng là những người dân xung quanh, các cháu học sinh.
Từ ngày 3/2, bà nghỉ bán bánh ở nhà, hằng ngày đi chợ Con mua thực phẩm.
Nhiều ngày sau, bà thường xuyên ăn cơm, gặp vợ chồng con gái, con rể và cháu. Từ 6/2 đến 18/2, bà thường xuyên tiếp xúc với anh em, họ hàng ở cùng phường.
Lịch trình di chuyển của mẹ bệnh nhi
Bà Đ.T.L và cháu ngoại được cơ quan y tế đưa đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học Hải Dương sau đó.
Trước đó, BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương thông tin, trường hợp ông N.Đ.T (trú phố Trương Hán Siêu, phường Nhị Châu, TP Hải Dương) là F1 chị N.T.M.P (SN 1993, nữ nhân viên ngân hàng) nghi dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, UBND phường Nhị Châu đã khẩn trương thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu dân cư nơi ông N.Đ.T ở và truy vết F1, F2 liên quan.Chị N.T.M.P là nhân viên ngân hàng Techcombank chi nhánh Lê Thanh Nghị. Các ngày 1-3/2, chị đi kê khai tài sản của khách hàng ở huyện Tứ Kỳ. Có đưa khách đi công chứng tại số 38 Trần Bình Trọng, tiếp xúc trực tiếp với nhân viên phòng công chứng và khách hàng.
Ngày 4-5/2, cùng trưởng phòng đến thẩm định khách hàng tại 281 Ngô Quyền sau đó làm việc tại văn phòng. Ngày 6/2, đi mua bia, đồ tại cửa hàng tạp hóa Long Xoan tại chợ Kho Đỏ, mua hoa tại cửa hàng trên phố Nguyễn Văn Linh. Chiều, đi cùng chồng tới lễ Đình Hàn Giang, TP Hải Dương. Có tiếp xúc với chị chồng, anh rể và các cháu.
Ngày 9/2, làm việc tại phòng, báo cáo lãnh đạo phòng về trường hợp anh rể có tiếp xúc gần với F0 tại Công ty Silkroad tại khu công nghiệp Đại An. Tối cùng chồng ăn cơm tại nhà em họ ở quán trên đường Thanh niên.
Ngày 10/2, anh rể là ông N.Đ.T được chứng nhận là F2, cách ly tại nhà. Tối sang nhà họ hàng tại 36 Tiền Phong rồi về nhà. Ngày 11/2, chiều cùng chồng đi tảo mộ tại nghĩa trang Cầu Cương. Khi về 2 vợ chồng qua chợ trên đường Thanh niên mua hoa rồi về nhà.
Ngày 12/2: sáng đi sang nhà họ hàng tại 30-36 Tiền Phong chúc Tết, qua nhà cô chồng tại khu Tân Kim. Chiều cùng với chị chồng và các cháu chúc tết họ hàng bên ngoại trong xóm Hàn Giang. Ngày 13/2 làm cơm hoá vàng tại nhà sau đó cùng cả gia đình đi lễ tại chùa Tre ở khu Tứ Thông.
Chiều 15/2, ăn cơm cùng gia đình anh rể và chị chồng, gia đình 1 người bạn. Sau đó, chị N.T.M.P có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, ho, không sốt. Có đi mua thuốc cảm cúm tại hiệu thuốc ở đầu đường Lý Thường Kiệt. Chiều tối 18/2, Trung tâm y tế thành phố điều xe 115 chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Hải Dương theo dõi điều trị.
Những ai phải cách ly tập trung khi đến TP.HCM?
Ngày 20/2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, HCDC ban hành hướng dẫn tạm thời về thời gian cách ly và số lần xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly tập trung tại thành phố.
Trong đó, 4 trường hợp thuộc diện cách ly tập trung gồm:
1. Nhân viên công ty VIAGS, F1 là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, người nhà nhân viên sân bay: Cách ly 14 ngày kể từ ngày bắt đầu cách ly và xét nghiệm 4 lần vào các ngày thứ 1, 5, 10 và 14 (ngày 1 tính từ ngày bắt đầu cách ly).
2. Người cách ly là F1 không thuộc nhóm 1: Cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với F0. Xét nghiệm lần đầu khi vào khu cách ly và các lần tiếp theo tương ứng vào các ngày thứ 5, 10 và 14.
3. Người cách ly đi về từ vùng dịch: Cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày rời khỏi vùng dịch hoặc tiếp xúc cuối cùng với yếu tố nguy cơ. Xét nghiệm lần đầu khi vào khu cách ly và các lần tiếp theo tương ứng vào các ngày thứ 5, 10 và 14.
4. Người cách ly là trường hợp nhập cảnh: Xét nghiệm tối thiểu 2 lần trong vòng 14 ngày (ngày thứ 1 và 14 theo quy định của Bộ Y tế).
HCDC cho biết thành phố đã cơ bản kiểm soát chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện ngành y tế đang triển khai các hoạt động tăng cường giám sát người dân đi từ vùng dịch trong nước đến thành phố sau kỳ nghỉ Tết.
Nhiều tỉnh điều chỉnh lịch học, cho học sinh trở lại trường từ 22/2
Tính đến sáng nay, nhiều tỉnh, thành phố đã thông báo cho học sinh toàn tỉnh đi học lại từ 22/2. Để đảm bảo phòng chống dịch, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT các tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục tập trung thực hiện vệ sinh, khử khuẩn lớp, bàn, ghế, các thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em, bếp ăn, cầu thang, tay nắm khóa cửa... trước khi học sinh đi học trở lại.
Các phòng học được phun hóa chất khử trùng trước khi học sinh trở lại trường. Ảnh: Thanh Mong
Sở yêu cầu thực hiện việc đeo khẩu trang tại trường học, tổ chức đo thân nhiệt; thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, khai báo y tế, không tổ chức chào cờ để phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đồng ý cho học sinh các cấp trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 22/2.
Tại Vĩnh Long, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên các đơn vị trực thuộc sở, học viên các trung tâm GDNN- GDTX trở lại trường từ ngày 22/2.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng vừa quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 22/2. Riêng học sinh trên địa bàn huyện Xín Mần đi học trở lại từ ngày 1/3.
Tại Thái Bình, học lớp 9 THCS, lớp 12 THPT và học sinh các đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia khối 11 của trường THPT chuyên Thái Bình đi học trở lại từ ngày 22/2.
Sở GD&ĐT Lào Cai cũng ra thông báo học sinh phổ thông đến trường từ ngày 22/2. Trẻ mầm non trên địa bàn nghỉ Tết đến hết 28/2.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng vừa có quyết định cho học sinh toàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 22/2.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vừa đồng ý chủ trương cho phép học sinh, sinh viên, học viên toàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 22/2.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa ký quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên, sinh viên đi học tập trung trở lại từ ngày 22/2.
Sở GD&ĐT An Giang vừa yêu cầu các đơn vị, trường học rà soát việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường sau Tết. Theo lịch, học sinh tỉnh này đến lớp trở lại từ ngày 22/2.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đồng ý cho học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX, sinh viên, học viên các cở sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 22/2.
Sở GD&ĐT Bến Tre cũng vừa ra văn bản về đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh, học viên trên địa bàn tỉnh trở lại trường học từ ngày 22/2.
Tại Yên Bái, từ ngày 22/2, trẻ mầm non và học sinh tiểu học đi học trở lại. Trước đó, học sinh THCS, THPT đã đến trường từ 18/2.
Ngoài ra, theo thông báo trước đó, học sinh tại Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Điện Biên, Hậu Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Trà Vinh đi học trở lại từ ngày 22/2.
Theo nguồn tin Báo Giao thông, Sở Y tế TP. Cần Thơ cũng vừa có công văn khẩn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Cần Thơ cho ý kiến về thời điểm cho học sinh trên địa bàn trở lại trường.
Trong công văn, ngành y tế đề xuất Sở GD&ĐT xem xét cho trẻ mầm non, mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn TP trở lại trường từ ngày 22/2, bởi đây là nhóm có độ tuổi nhỏ, lịch trình di chuyển dễ quản lý, đồng thời chưa phù hợp học trực tuyến. Cạnh đó, việc cho các cháu đi học lại sẽ giúp tạo điều kiện cho người lao động quay lại làm việc, phù hợp chủ trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Đối với học sinh, học viên từ bậc trung học cơ sở trở lên, Sở Y tế cho rằng đây là nhóm đối tượng lịch trình di chuyển khó quản lý, có khả năng tự ôn tập, học trực tuyến tại nhà. Từ đó đề xuất cho nhóm này trở lại trường từ ngày 1/3.
Một thôn ở Bắc Giang bị phong tỏa
Sáng nay (20/2), thông tin từ Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị đang triển khai lực lượng phong tỏa tạm thời thôn Thanh Tân, xã Trù Hựu vì có 2 trường hợp là F1 của bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại Hải Dương.
Cụ thể, việc phong tỏa được thực hiện từ 15h chiều qua đối với tất cả các trục đường giao thông vào thôn đều được lập chốt kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có thông báo mới. Toàn thôn hiện có 195 hộ với hơn 800 nhân khẩu.
Lực lượng chức năng phong tỏa các tuyến đường dẫn vào thôn Thanh Tân, xã Trù Hựu. Ảnh FB.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, thôn Thanh Tân có 2 trường hợp F1 là anh V.V.T (SN 1990) và anh V.V.T (SN 1989) đã đi về từ tỉnh Hải Dương vào tối 6/2 có tiếp xúc gần với bệnh nhân V.V.C (SN 1989. ở thôn Khoa Bộ, xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Bệnh nhân C làm việc tại Phòng Kỹ thuật của Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) được công bố nhiễm Covid-19 ngày 18/2 sau 2 lần lấy mẫu xét nghiệm.
Cũng trong ngày 19/2, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 huyện Lục Ngạn đã đưa 2 trường hợp F1 trên đi cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh tỉnh Bắc Giang và lấy mẫu xét nghiệm 141 trường hợp liên quan đến 2 trường hợp này.
Đến 22h, ngày 19/2, 2 trường hợp F1 trên đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với virus SASR-CoV-2.
Bình Dương dỡ bỏ phong tỏa nơi ở của nhân viên sân bay mắc Covid-19
Vietnamnet đưa tin, UBND thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) sáng nay vừa công bố quyết định dỡ bỏ phong tỏa tại nơi ở của nam nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19 tại chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An). Đây là khu vực phong tỏa cuối cùng tại tỉnh Bình Dương.
Khu vực này được phong tỏa ngày 5/2 sau khi phát hiện 2 trường hợp mắc bệnh với hàng trăm hộ dân sinh sống.
Sáng 20/2, không có ca mắc mới Covid-19
Bản tin 6h ngày 20/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới Covid-19.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), từ ngày 27/1 (thời điểm ghi nhận ca mắc tại TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương và sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đến nay, trong nước đã ghi nhận 770 trường hợp mắc tại 13 tỉnh, thành phố.
Cụ thể, Hải Dương 590 ca, Quảng Ninh 60 ca, TP.HCM 36 ca, Hà Nội 34 ca, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Điện Biên 3 ca, Hưng Yên 3 ca, Hòa Bình 2 ca, Bắc Giang 2 ca, Hải Phòng 1 ca và Hà Giang 1 ca.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 2.362 ca mắc Covid-19, trong đó 1.430 ca do lây nhiễm trong nước; 1.627 ca đã được điều trị khỏi. 125.572 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe phòng dịch.
Đến thời điểm này, 1.605 trường hợp khỏi bệnh, ra viện (69%) và 703 trường hợp đang được điều trị. Hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 82,5%), biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và hiện nay còn 19 trường hợp tiên lượng nặng, nặng và nguy kịch.
Hai thiếu niên đi xe máy từ vùng dịch Hải Dương đến Thanh Hóa thăm bạn gái mới quen
Ngày 20/2, thông tin từ UBND xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), cho biết đơn vị này vừa phối hợp với ngành chức năng đưa hai thiếu niên bỏ trốn khỏi khu cách ly trở về khu vực cách ly y tế theo quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Được biết, trước đó, hai thiếu niên gồm N.M.H. (15 tuổi, ngụ thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) và N.T.K. (14 tuổi, ngụ huyện Gia Lâm, Hà Nội) có quen một bạn gái ở xã Cẩm Châu qua mạng xã hội Facebook. Trước Tết, hai thiếu niên này đi xe máy về xã Cẩm Châu để thăm nhà bạn gái.
Hai thiếu niên H. và K. bỏ trốn khỏi khu cách ly
Khi ở Cẩm Thủy, H. và K. đi chơi game ở một quán game trên địa bàn thị trấn Phong Sơn (huyện Cẩm Thủy). H. và K. sau đó bị lực lượng thuộc Công an thị trấn Phong Sơn phát hiện và phối hợp với lực lượng y tế tiến hành khai báo y tế. Đồng thời đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm cách ly dịch Covid-19 ở TP Thanh Hóa. Sự việc cũng đã được chính quyền địa phương thông tin đến gia đình H. và K.
Tuy nhiên, trong quá trình cách ly, đến đêm 18/2, H. và K. đã bỏ trốn khỏi trung tâm cách ly. Cả 2 bắt xe ô tô đi về xã Cẩm Châu để lấy xe máy đi về quê. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng xã Cẩm Châu "đón lõng" H. và K. đưa quay trở lại về khu cách ly. Ngoài ra cũng tiến hành truy vết những người mà H. và K. tiếp xúc trong quá trình bỏ trốn để có biện pháp phòng, chống dịch.
Bình Dương: Truy tìm 2 người Trung Quốc trốn cách ly tập trung
UBND thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đang khẩn trương truy tìm hai người quốc tịch Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly trên địa bàn.
Địa điểm khu cách ly có người bỏ trốn là một cơ sở y tế tại thành phố Dĩ An. Hai người Trung Quốc bỏ trốn sau khi đã thực hiện cách ly được 9 ngày.
Kết quả xét nghiệm lần 1 của hai người này đã âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo quy định thì phải tiếp tục xét nghiệm lại và chỉ được chấm dứt cách ly sau ít nhất 14 ngày.
Trước đó, cơ quan chức năng thành phố Dĩ An đã phát hiện 13 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép nên đã bắt buộc họ phải đi cách ly tập trung.
Ngày 26/2 tiêm thử nghiệm mũi vắc-xin đầu tiên của giai đoạn 2
Báo Tiền Phong đưa tin, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về tình hình, tiến độ sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 trong nước tại cuộc họp chiều 19/2, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 1 với cả 3 mức liều tiêm (25mcg-50mcg và 75mcg) trên 60 người tình nguyện tại Học viện Quân y (Hà Nội), vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen có kết quả an toàn, không có biến cố bất lợi, nghiêm trọng nào. Đánh giá sơ bộ, vắc-xin có tính sinh miễn dịch tốt. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, số lượng mẫu còn nhỏ, nên sự khác biệt giữa 3 mức liều chưa có số liệu chính thức.
Sau giai đoạn 1 thử nghiệm, để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn khoảng 50% thời gian, TS Quang đề xuất không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu tại 1 điểm ở Học viện Quân y mà sẽ phối hợp với Viện Pasteur TP HCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 người đăng ký tại Bến Lức, Long An.
Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vắc-xin đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nếu đúng tiến độ, mũi thứ 2 sẽ tiêm vào cuối tháng 3, đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2. Từ đó, giai đoạn 3 có thể bắt đầu trong đầu tháng 5/2021. Điều này sẽ thực hiện được nếu các dữ liệu nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn, tính sinh miễn dịch.
Hội đồng của Bộ Y tế thống nhất giai đoạn 2 vẫn triển khai ở nhóm 3 liều (25-50 và 75mcg) để đảm bảo tính khoa học; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm người không tiêm vắc-xin để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích khoa học của vắc-xin.
Hai nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TPHCM và Học viện Quân y cam kết, từ nay đến cuối tháng 4/2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5/2021 có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, có thể chuyển sang giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 với cỡ mẫu khoảng từ 10.000 - 15.000 người tình nguyện tham gia, có thể mở rộng lựa chọn đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng hay tính khoa học.
Với tiến độ triển khai như hiện nay, TS Quang hy vọng Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3. Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận