Chiều 21/5, thêm 2 ca Covid-19 xuất viện, chuyển BN 91 sang BV Chợ Rẫy
Ngày 21/5, BV Bệnh Nhiệt đới thông tin, chiều nay sẽ công bố khỏi bệnh cho 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đó là BN 188, nữ nhân viên căng-tin BV Bạch Mai, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội. Bệnh nhân này tái nhiễm sau khi được công bố khỏi bệnh lần 1 ngày 16/4. Và BN 261, nữ, 60 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội.
Cả hai bệnh nhân này sẽ tiếp tục được cách ly thêm 14 ngày ở địa phương.
Thêm 2 ca này, tổng cộng đến nay Việt Nam ghi nhận 268/324 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh.
Cũng trong sáng ngày 21/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban điều trị Covid-19 cho biết: "Đến nay, tất cả các bệnh nhân nặng Covid-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi. Nam phi công người Anh là BN 91 cũng đã 6 lần xét nghiệm âm tính, nuôi cấy virus không phát triển, cho thấy bệnh nhân đã khỏi Covid-19. Bệnh nhân này được chuyển sang BV Chợ Rẫy trong sáng nay để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, điều trị bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn tiến tới ghép phổi".
BN 91 là ca nặng nhất, đến nay đã trải qua hai tháng 4 ngày điều trị Covid-19, với 46 ngày chạy ECMO vô cùng nguy kịch; Phổi đông đặc 90% nay đang có những tiến triển tích cực. Kết quả CT-Scan phổi lần 2 cho thấy, phần phổi phục hồi đã chiếm khoảng 20 đến 30%, chức năng phổi đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định, siêu âm tim ghi nhận thất trái co bóp tốt, đồng bộ, dịch màng ngoài tim lớp mỏng.
Bệnh nhân này vẫn sẽ tiếp tục được hội chẩn trực tuyến liên tục, nắm chặt diễn biến của người bệnh để tiến tới ghép phổi.
Đã 35 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 21/5: Đã 35 ngày Việt Nam bảo vệ đựơc thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6h ngày 21/5: Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính đến sáng nay cũng bước vào ngày thứ 3, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trở về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5
Tính từ 18h đến 6h ngày 21/5: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.987, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 307; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.633; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.047
Đến thời điểm này có 264 ca bệnh/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta. 60 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều nhất với 27 ca; Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu là 17 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình là 6 ca...
Tính đến sáng ngày 21/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 5 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân phi công Anh vẫn chưa đủ điều kiện ghép phổi
Ngày 20/5, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, qua CTScan phổi lần 2, phần phổi bệnh nhân 91 (phi công Anh) hồi phục chiếm khoảng 20-30%. Tuy nhiên, tiên lượng tình trạng còn nặng.
Hiện tại, bệnh nhân 91 không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện và hồi phục chiếm khoảng 20-30%. Bệnh nhân vẫn còn nằm yên, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ. Chức năng phổi đã có cải thiện đáng kể và không ghi nhận xuất huyết. Kết quả siêu âm, tim thất trái co bóp tốt, đồng bộ, dịch màng ngoài tim lớp mỏn; phổi phải tràn dịch màng phổi nhưng rất ít; thùy dưới phổi trái vẫn đông đặc, không dịch màng phổi, không tràn khí.
Bệnh nhân phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là bệnh nhân nặng nhất trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại Việt Nam.
Theo bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ ngày 7/5 đến nay, bệnh nhân 91 đã 5 lần liên tiếp có kết quả âm tính SAR-COV-2. Qua cuộc hội chẩn trực tuyến với Bộ Y tế ngày 19/5, nhận định thời gian tới bệnh nhân 91 sẽ được chuyển tới bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa tích cực và phối hợp ngoại lồng ngực, thần kinh, thận và chuẩn bị ghép phổi nếu bệnh nhân còn lệ thuộc vào ECMO.
Một chuyên gia của hội đồng chuyên môn cho biết, bệnh nhân đang có tới ba chống chỉ định ghép phổi trong đó có nhiễm trùng phổi, suy đa tạng. Nếu ghép ngay có thể thành công về mặt kỹ thuật nhưng tỷ lệ hồi phục rất thấp, do đó cần tiếp tục chờ đợi quá trình điều trị nội khoa.
“Qua hội chẩn và tình hình sức khỏe của bệnh nhân hiện nay thì vẫn chưa đủ điều kiện để ghép phổi”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, mở khí quản, ECMO, lọc máu, tiên lượng còn nặng.
Thử nghiệm đợt 2 vắcxin Covid-19 của Việt Nam
Thông tin từ Công ty TNHH vắcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) cho biết, trong vài ngày nữa, nhóm nghiên cứu vắcxin Covid-19 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắcxin đợt 2.
Trong đợt này sẽ có 30 con chuột được tiêm vắcxin và mục đích để dò liều vắcxin hiệu quả nhất.
Trước đó, ngày 26/4, đã có 50 con chuột được tiêm vắcxin này để đánh giá tính an toàn và hiệu quả sinh kháng thể miễn dịch.
Đến nay, tính an toàn đã được khẳng định, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu chuột được tiêm để đánh giá hiệu quả sinh kháng thể.
Diễn biến liên quan, theo dữ liệu được cập nhật liên tục của Đại học John Hopkins, toàn cầu đã ghi nhận gần 5 triệu ca nhiễm virus corona, trong đó hơn 326.000 người đã tử vong. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu cả về số ca nhiễm - hơn 1,5 triệu, lẫn cố ca tử vong - hơn 93.000.
Đáng chú ý, Nga mới đây đã trở thành nước đứng thứ hai về số ca nhiễm - hơn 308.000, dù chỉ vài tuần trước đó thậm chí còn không có mặt trong top 20 của danh sách. Brazil cũng leo lên nhanh chóng trong bảng xếp hạng, đứng thứ ba về số ca nhiễm - hơn 271.000.
Anh đang xếp thứ hai về số ca tử vong - hơn 35.000, tiếp theo là Italy - hơn 32.000, Pháp - hơn 28.000, Tây Ban Nha - hơn 27.000.
WHO ghi nhận 106.000 ca nhiễm trong 24 giờ, kỷ lục ngày từ khi dịch bệnh bùng phát, với hai phần ba số ca nhiễm này được ghi nhận ở chỉ 4 nước.
Ông Tedros Adhanom-Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 20/5 cho biết số ca nhiễm virus corona được báo cáo cho cơ quan này trong 24 giờ qua nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào từ khi dịch bệnh bùng phát, theo CNN.
"Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi trong đại dịch này", ông Tedros nói trong một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. "Trong 24 giờ vừa qua, đã có 106.000 ca nhiễm được báo cáo cho WHO - mức cao nhất theo ngày từ khi dịch bệnh xảy ra".
Ý sẽ bắt đầu cho mở cửa lại tất cả sân bay từ ngày 3/6, Bộ trưởng Giao thông Ý Paola De Micheli tuyên bố tại một phiên họp Quốc hội ngày 20-5.
"Chúng ta có thể tiến hành mở cửa trở lại tất cả sân bay từ ngày 3-6, khi mọi người được phép đi lại như trước đây" - Bộ trưởng De Micheli nói.
Tính đến sáng 21/5, Ý ghi nhận thêm 665 ca nhiễm COVID-19 và 161 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong của nước này lần lượt lên 227.364 và 32.330.
Brazil ghi nhận con số kỷ lục là gần 20.000 trường hợp nhiễm COVID-19 trong một ngày, Bộ Y tế nước này thông báo hôm 20-5.
Cụ thể, Brazil báo cáo 19.951 trường hợp mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này lên 291.579. Số ca tử vong cũng tăng thêm 888, đưa tổng số người chết vì đại dịch lên 18.859, Bộ Y tế nước này cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận