Xã hội

Covid-19 ngày 21/7: Tối nay thêm 2.570 ca mới, cả ngày 5.357 ca

21/07/2021, 17:16

Tin tức dịch Covid-19 ngày 21/7 tại Việt Nam: Trong 2.568 ca trong nước ghi nhận tối nay, TP HCM 1.817 ca, Bình Dương 307 ca, Hà Nội 38 ca...

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h30 ngày 21/7 có 2.570 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 2.568 ca ghi nhận trong nước.

img

Thông tin diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông.

Tin tức Covid-19 hôm nay mới nhất

Các ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.817 ca), Bình Dương (307), Đồng Tháp (109), Đồng Nai (85), Long An (52), Hà Nội (38), Tây Ninh (30), Ninh Thuận (22), Phú Yên (21), Vĩnh Phúc (18), Cần Thơ (16), Trà Vinh (10), Bình Thuận (7), Bình Định (6), Sóc Trăng (6), Bắc Ninh (4), Đắc Lắc (4), Lâm Đồng (3), Quảng Ngãi (3), Nghệ An (3), Hưng Yên (3), Lạng Sơn (2), Phú Thọ (1), Thanh Hóa (1) trong đó có 688 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong ngày 21/7, cả nước ghi nhận 5.357 ca mắc mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 5.343 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (3.556), Bình Dương (964), Đồng Nai (170), Đồng Tháp (109), Tiền Giang (65), Long An (60), Hà Nội (42), Vĩnh Long (39), Khánh Hoà (38), Bến Tre (35), Cần Thơ (32), Tây Ninh (30), Phú Yên (26), Ninh Thuận (22), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Vĩnh Phúc (18), Đắk Lắk (17), Bình Phước (12), Kiên Giang (12), Trà Vinh (10), Hậu Giang (9), Bình Định (8 ), Bình Thuận (7), Hà Giang (6), Quảng Ngãi (6), Sóc Trăng (6), Nghệ An (5), Lâm Đồng (5), Đắk Nông (4), Bắc Ninh (4), Hưng Yên (3), Lạng Sơn (2), Gia Lai (1), Phú Thọ (1), Thanh Hóa (1); trong đó có 1.081 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 21/7, Việt Nam có tổng cộng 68.177 ca mắc, trong đó có 2.099 ca nhập cảnh và 66.078 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 64.508 ca, trong đó có 9.197 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 10/60 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn Trong hôm nay, có 528 bệnh nhân được công bố khỏi, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 11.971 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 123 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 93.160 xét nghiệm cho 367.291 lượt người. Trong đó, số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.754.692 mẫu cho 12.853.317 lượt người.

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.336.833 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.019.161 liều, tiêm mũi 2 là 317.672 liều.

img

Chuyên gia hội chẩn bàn phương án điều trị ca bệnh nặng.

36 ca tử vong do Covid-19 từ ngày 17 đến 20/7

Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo 36 ca tử vong do COVID-19 số 335-370. Đây là các bệnh nhân tử vong từ ngày 17-20/7/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và Long An.

Trong số 36 trường hợp Bộ y tế công bố tử vong do COVID-19 từ ngày 17-20/7 có 32 bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể các trường hợp như sau:

Tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 17-20/7/2021: 32 ca.

Tại Long An từ ngày 18-19/7/20201: 2 ca.

Tại Đồng Tháp ngày 19/7/2021: 2 ca.

Hầu hết các ca tử vong đều có bệnh lý nền nặng.

Như vậy, với 36 trường hợp tử vong này đã nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 này lên 335 trường hợp tử vong, trong đó đa phần là các ca bệnh có tuổi cao, có bệnh lý nền lâu năm như ung thư, ung thư di căn, cong vẹo cột sống, thận nhân tạo, viêm gan, bệnh lý về máu, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Đến nay, tổng số trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện là 370 trường hợp.

img

Các địa phương đang tăng cường kiểm soát người di chuyển giữa các địa phương để phòng chống dịch Covid-19.

Một gia đình 3 người về từ TP.HCM vội vã lên xe đi Hà Nội để "trốn" cách ly

Chiều 21/7, một lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết lực lượng chức năng vẫn chưa liên lạc được với 3 người về từ TP HCM nhưng không chấp hành cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19.

UBND TP Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) cũng đã có báo cáo gửi các cơ quan liên quan về việc 3 công dân (quê ở Thái Nguyên, có hộ khẩu thường trú ở TP HCM) trở về địa phương ở xã Tân Quang (TP Sông Công) nhưng không chấp hành cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, khoảng 17h chiều 19/7, Trạm Y tế xã Tân Quang tiếp nhận 3 công dân vừa di chuyển từ vùng có dịch TP HCM về địa phương là ông D.T.N. (SN 1979), bà N.T.L. (SN 1983) và D.T.B.L. (SN 2002). 3 người này là vợ chồng và con gái trong nhà.

Tuy nhiên, khi cán bộ y tế yêu cầu hoàn thiện các thủ tục để cách ly tập trung, 3 người này đã không chấp hành và tự ý lên xe ôtô mang BKS 51G-68285 rời đi.

Sau đó, khi lực lượng chức năng làm việc với bà P.T.N. (mẹ đẻ của ông N.), người phụ nữ này cho hay sau khi nghe tin phải thực hiện cách ly y tế tập trung, con trai, con dâu và cháu nội đã lên xe ôtô cá nhân di chuyển xuống Hà Nội. Bà N. không rõ 3 người này đến địa điểm nào ở Hà Nội.

Đến chiều 21/7, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 3 công dân trên để tiến hành đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

img

Ngành y tế phát hiện 5 ổ dịch không rõ nguồn lây, trong đó có những chùm ca bệnh lên đến hàng chục người.

Hà Nội ghi nhận thêm 40 ca dương tính

Trưa 21/7, Hà Nội ghi nhận 14 trường hợp mắc mới trong đó có 9 trường hợp phát hiện tại cộng đồng, 05 trường hợp tại khu cách ly.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong 14 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận trưa nay, có 4 trường hợp tại Quốc Oai phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc người ho, sốt tại cộng đồng, 04 trường hợp liên quan chùm ca bệnh tại Trại Găng, Hai Bà Trưng, 03 trường hợp người về từ TP Hồ CHí Minh, 02 trường hợp liên quan chùm ca bệnh tại Tân Mai - Hoàng Mai, 01 trường hợp tại Công ty SEI liên quan chùm ca bệnh tại Bắc Giang.

Trước đó, sáng cùng ngày, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong 26 ca mắc mới được công bố sáng 21/7 hầu hết là các trường hợp liên quan tới các chùm ca bệnh trước đó, chỉ có 3 người ho sốt tại cộng đồng và được phát hiện dương tính sau đó.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 534 ca, trong đó ghi nhận ngoài cộng đồng 321 ca, số ca là đối tượng đã được cách ly là 213 ca.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết từ ngày 5/7, ngành y tế phát hiện 5 ổ dịch không rõ nguồn lây, trong đó có những chùm ca bệnh lên đến hàng chục người.

Các trường hợp cụ thể như sau:

4 bệnh nhân thuộc chùm nhà thuốc Đức Tâm

3 bệnh nhân thuộc chùm liên quan TP HCM

3 bệnh nhân thuộc chùm Bắc Ninh

4 bệnh nhân thuộc chùm 90 Nguyễn Khuyến

2 bệnh nhân thuộc chùm Trại Găng

1 bệnh nhân thuộc chùm Bùi Thị Xuân

3 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Bắc Giang (công ty SEI)

3 bệnh nhân phát hiện qua sàng lọc cộng đồng

3 bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi đó Hà Nội là đầu mối giao thông nên nguy cơ xuất hiện ca bệnh xâm nhập là rất cao.

img

Đà Nẵng phong tỏa khu vực có ca mắc COVID-19.

Thầy cúng dương tính SARS-CoV-2, Đà Nẵng khẩn tìm người liên quan

Ngày 21/7, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thông báo về trường hợp ca bệnh mắc COVID-19 và các địa điểm liên quan đến bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Trường hợp này là T.Đ.S (nam, 43 tuổi, hộ khẩu tổ 30, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), địa chỉ tạm trú thôn Tứ Hà, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) là lao động tự do, thầy cúng, thường đi tụng kinh.

Những địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp này, gồm:

Ngày 12 đến 15h ngày 16/7, đi cúng tại địa chỉ 59 đường Phạm Ngũ Lão, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Khoảng 12h đến 18h ngày 17/7: Tụng kinh tại một gia đình tại địa chỉ đường Trần Cao Vân, Thanh Khê, Đà Nẵng.

Khoảng 14h đến 16h ngày 18/7: Đi cúng và đưa tang tại đường Trần Cao Vân, có đưa đám lên Nghĩa địa Gò Cà, xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng.

Khoảng 7h ngày 19/7: Đi cúng cho một gia đình tại địa chỉ Phòng 306, Chung cư G2, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.

Khoảng 19h ngày 14/7: Tụng kinh tại nhà nghỉ Thu Hiền (địa chỉ 113 Lý Thiên Bảo,Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Khoảng 10h đến 11h ngày 20/07: Khu khám sàng lọc TTYT Ngũ Hành Sơn.

Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn thông báo khẩn cho những người đã từng đến những địa điểm trên khẩn trương liên hệ ngay cho Trạm y tế phường, Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn và cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn.

img

Đến nay đã có 11.443 ca được điều trị khỏi bệnh, nhưng số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU vẫn còn 123 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.

Thêm 2.787 ca mắc, cả nước có 65.607 bệnh nhân

Bản tin dịch COVID-19 sáng 21/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 2.787 ca mắc, trong đó 12 ca nhập cảnh và 2.775 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.739), Bình Dương (657), Đồng Nai (85), Tiền Giang (65), Vĩnh Long (39), Khánh Hòa (38), Bến Tre (35), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Cần Thơ (16), Đắk Lắk (13), Kiên Giang (12), Bình Phước (12), Hậu Giang (9), Long An (8 ), Hà Giang (6), Phú Yên (5), Đắk Nông (4), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Nghệ An (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1) trong đó có 393 ca trong cộng đồng.

Như vậy, tính đến sáng ngày 21/7, Việt Nam có tổng cộng 65.607 ca mắc, trong đó có 63.510 ca mắc trong nước và 2.097 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 61.940 ca, trong đó có 8.669 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11/59 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Đến nay đã có 11.443 ca được điều trị khỏi bệnh, nhưng số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU vẫn còn 123 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.

Trong ngày 20/7 có 26.355 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.336.833 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.019.161 liều, tiêm mũi 2 là 317.672 liều.

img

Từ nay đến tháng 8/2021 chưa có lượng vaccine về nhiều nhưng Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp tục ưu tiên lớn nhất cho TP.HCM với mong muốn thành phố sớm vượt qua khó khăn, dịch bệnh.

Tiếp tục ưu tiên vaccine để TP.HCM nhanh chóng dập dịch

Chiều qua (20/7), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với TP.HCM về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5.

Thông tin về kế hoạch tiêm vaccine đợt 5 của TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, tổng lượng vaccine được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm 3 loại: Astrazeneca, Moderna và Pfizer. Ngoài các điểm tiêm tại các quận - huyện và TP Thủ Đức, TP triển khai tiêm tại một số bệnh viện như: BV Tri Phương, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng Thành phố.

Theo kế hoạch, mỗi phường/xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm; tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân. Đợt này, thành phố vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo thì khoảng 2 tuần sẽ tiêm xong 930.000 liều.

Trong 1-2 ngày tới, bắt đầu tổ chức tiêm vaccine đợt 5 với đối tượng ưu tiên là những người mắc các bệnh nền; người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch...

Về vấn đề vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả và cũng là mối quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mua vaccine rất dài. Theo hợp đồng đã ký, cuối năm 2021 Việt Nam có đủ lượng vaccine tiêm cho 70% người dân, tạo miễn dịch cộng đồng.

Từ nay đến tháng 8/2021 chưa có lượng vaccine về nhiều nhưng Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp tục ưu tiên lớn nhất cho TP.HCM với mong muốn thành phố sớm vượt qua khó khăn, dịch bệnh.

img

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021 Việt Nam có đủ lượng vaccine tiêm cho 70% người dân, tạo miễn dịch cộng đồng.

Quảng Bình lần đầu tiên ghi nhận ca dương tính trong cộng đồng

Vào 21h ngày 20/7, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình thông báo, 3 trường hợp ở xã Dân Hoá (Minh Hoá - Quảng Bình) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đây là những trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại Quảng Bình.

Được biết, 3 trường hợp này là người ở xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá nhập cảnh từ Liên Bang Nga về Việt Nam và được cách ly tập trung 21 ngày tại Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hoà.

Trong thời gian cách ly tập trung, họ được xét nghiệm RT-PCR 3 lần và kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.

Đến ngày 14/7, những người này về địa phương và khai báo y tế theo quy định đồng thời tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Đến 17h ngày 19/7, Trung tâm Y tế Minh Hoá lấy mẫu xét nghiệm ngày thứ 7 theo dõi sức khỏe tại nhà của 3 trường hợp kể trên. Kết quả xét nghiệm của cả 3 đều dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại ngành y tế Quảng Bình đang triển khai các biện pháp phòng dịch khẩn cấp tại khu vực xã Dân Hoá huyện Minh Hoá.

img

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm (ảnh minh hoạ).

Hơn 1.700 bệnh nhân tại BV Dã chiến số 1 TP.HCM xuất viện

Từ 27/6 đến nay, tại bệnh viện Dã chiến số 1 TP.HCM đã có hơn 1.700 bệnh nhân COVID-19 xuất viện.

BSCK2.Nguyễn Thanh Trường - Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 TP.HCM cho biết, tính đến 20/7, bệnh viện có 4.423 F0 đang điều trị. Từ 27/6 đến nay, số bệnh nhân xuất viện là 1.712 (trong đó có 190 ca vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng có chỉ số nồng độ virus thấp CT=30).

Đây là một tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng.

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 đi vào hoạt động từ 26/6, có quy mô 4.500 giường đặt tại Ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (số 1 Lê Quý Đôn, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Theo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện dã chiến số 1 là loại hình cơ sở thu dung điều trị tầng 1 của mô hình "tháp 4 tầng". Theo đó, Bệnh viện có nhiệm vụ thu dung điều trị toàn bộ số ca mắc mới và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các khu cách ly tập trung (F1 chuyển sang F0).

Đồng thời chủ động phân loại độ nặng của bệnh để kịp thời chuyển tuyến, giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng hơn COVID-19, để các bệnh viện này tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.

img

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 tại TP Thủ Đức khu vực II (Văn Tùng - Trung tâm Y tế TP Thủ Đức).

Đà Nẵng phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm mới chưa rõ nguồn lây

Đà Nẵng phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm mới chưa rõ nguồn lây là tiểu thương buôn bán tại cảng cá và nam nhân viên bảo vệ siêu thị điện máy.

Chiều 20/7, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cho biết, thành phố ghi nhận thêm 29 ca dương tính nCoV.

Trong số này có 16 trường hợp liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Công ty Điện tử Việt Hoa, nâng tổng số ca lên 100.

Thành phố cũng phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm mới chưa rõ nguồn lây đó là một tiểu thương ở cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) và nhân viên bảo vệ tại Điện máy xanh số 339 đường Tôn Đức Thắng (phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu). Hiện nay đã ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính nCoV liên quan đến 2 chuỗi lây nhiễm này.

img

Nhân viên y tế lấy mẫu XN Covid-19

Việt Nam ghi nhận 4.795 ca mắc COVID-19 trong ngày 20/7

Ngày 20/7/2021, Việt Nam ghi nhận thêm 4.795 ca mắc mới, trong đó có 6 ca nhập cảnh và 4.789 ca ghi nhận trong nước. TP.HCM tiếp tục là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất cả nước với 3.322 ca, tiếp theo là Bình Dương 578 ca, Đồng Nai 162 ca, Tiền Giang 133 ca, Đồng Tháp 66 ca....

Tính đến chiều ngày 20/7, Việt Nam có tổng cộng 62.820 ca mắc, trong đó 60.735 ca trong nước và 2.085 ca nhập cảnh.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 59.165 ca, trong đó có 8.669 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Cũng trong ngày hôm nay, có 396 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 11.443 ca.

Sở LĐTB&XH TP.HCM đề xuất hỗ trợ thêm 9 nhóm lao động tự do, trong đó có giúp việc gia đình, xe ôm công nghệ... Các nhóm này chưa được nhận hỗ trợ từ gói 886 tỷ đồng trước đó.

img

Chợ Tân An (phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) bị phong tỏa sau khi nơi này ghi nhận 1 trường hợp tiểu thương mắc Covid-19.

Cần Thơ ghi nhận 29 ca nhiễm mới, 2 bệnh nhân tử vong

Ngày 20/7, Sở Y tế TP Cần Thơ vừa có báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, tính đến 16h cùng ngày, Cần Thơ phát hiện 29 ca nhiễm mới, trong đó có 13 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc, 8 trường hợp là F1 của các ca bệnh đã công bố trước đó, 8 trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa.

Ngành y tế Cần Thơ đã tiến hành truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, 24 F1, 12 F2 liên quan, tiến hành phun khử khuẩn các địa điểm liên quan theo quy định.

Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được chuyển đến các cơ sở y tếcách ly và điều trị. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, TP. Cần Thơ ghi nhận 199 trường hợp mắc Covid-19.

Cũng theo báo cáo Sở Y tế, sáng cùng ngày, có 2 trường hợp bệnh nhân Covid-19 đã tử vong. Được biết, trong hai trường hợp nói trên, có 1 trường hợp 91 tuổi, mắc nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận giai đoạn cuối.

img

Công điện 15 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu dừng hết các hoạt động không thiết yếu.

Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội rất cao

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ 120 với các quận, huyện, xã, phường đã nhấn mạnh: “Phải nhìn nhận rõ nguy cơ hiện nay rất cao. Chúng ta phải kiên định các phương châm, cách làm thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Yêu cầu hiện nay cao nhất là thực hiện và thực sự đưa các nội dung của Công điện 15 vào cuộc sống. Cấp cơ sở phải vào cuộc kịp thời, kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định chứ không để tình trạng chợ cóc, chợ tạm đã cấm từ trước Công điện 15 nhưng vẫn còn một số nơi hoạt động.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết từ ngày 5/7, ngành y tế phát hiện 5 ổ dịch không rõ nguồn lây, trong đó có những chùm ca bệnh lên đến hàng chục người.

Chùm ca bệnh huyện Đông Anh đã ghi nhận 61 ca mắc (chủ yếu tại Khu công nghiệp Thăng Long), xác định được 345 F1 và 3.882 người liên quan.

Chùm ca bệnh tại 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa, liên quan đến nhân viên ngân hàng tại 25 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm. Bà lưu trú tại Chung cư Sunshine, quận Hoàng Mai. Hiện tại, TP đã ghi nhận 50 ca mắc tại ổ dịch này, chưa xác định nguồn lây.

img

Hà Nội liên tiếp có thêm các trường hợp dương tính với nCoV liên quan đến ổ dịch Nhà thuốc Đức Tâm.

Chùm ca bệnh tại Tân Mai, Hoàng Mai, liên quan lái xe và chủ cửa hàng bán Vietlott tại 58 Lĩnh Nam, Hoàng Mai. Trong 2 tuần gần đây bệnh nhân không đi đâu khỏi thành phố, cũng chưa xác định chính xác nguồn lây. Đến sáng 20/7, TP ghi nhận 22 trường hợp mắc thuộc chùm ca bệnh này.

Tại quận Hai Bà Trưng, chùm ca bệnh tại B6 Trại Găng, Thanh Nhàn, có ca mắc chỉ điểm là 2 người cùng gia đình. Trong một tháng qua, 2 người không đi đến tỉnh thành khác. Hiện, 6 ca mắc đã được phát hiện liên quan chùm ca bệnh này và chưa xác định được nguồn lây.

Mới đây, chùm ca bệnh liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm, Láng Hạ, Đống Đa, được phát hiện tối 19/7. Ca bệnh chỉ điểm là 3 nhân viên nhà thuốc tại cửa hàng số 95 Láng Hạ. Ngành y tế cũng chưa xác định được nguồn lây của 3 bệnh nhân này.

Ngoài ra, chùm ca bệnh tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - 565 Nguyễn Trãi liên quan tỉnh Bắc Ninh đã có 7 trường hợp mắc.

Chùm ca bệnh tại Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, chưa xác định chính xác nguồn lây. Sở Y tế đã ghi nhận 23 người mắc Covid-19 thuộc ổ dịch này.

Chùm ca bệnh tại An Mỹ, Mỹ Đức (liên quan đến tỉnh Nghệ An) đến nay đã ghi nhận 9 người dương tính. Ổ dịch này đã được khống chế, 6 ngày qua không có ca mắc mới.

Theo ông Cương, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi đó Hà Nội là đầu mối giao thông nên nguy cơ xuất hiện ca bệnh xâm nhập là rất cao.

img

Phun khử khuẩn tại khu xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp chưa xác định được nguồn lây.

Hưng Yên phát hiện 2 lái xe đường dài dương tính

Sáng 20/7, tỉnh Hưng Yên vừa phát hiện 3 ca dương tính mới, trong đó có 2 lái xe đường dài nâng tổng số ca mắc tại tỉnh này lên 214 trường hợp, tính từ 21/6 đến nay. Các ca mắc mới gồm: 1 ca ở xã Thanh Long, Yên Mỹ, đã được cách ly tập trung từ trước

2 ca ở thị trấn Vương, Tiên Lữ lái xe từ Bến Tre về đêm 17/7, ngày 19/7 đi test nhanh tại BV Hưng Hà kết quả dương tính. Sau đó chuyển mẫu cho CDC Hưng Yên xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, tối 19/7, Sở Y tế Hưng Yên thông tin 4 ca mắc COVID-19 được ghi nhận, gồm: Trần Tiến Đ., sinh năm 2005, địa chỉ tại xã An Viên (Tiên Lữ); Lương Thị H., sinh năm 1994, địa chỉ tại thị trấn Vương (Tiên Lữ); Nguyễn Văn Kh., sinh năm 2004, địa chỉ tại xã Trung Hưng (Yên Mỹ); Đào Minh Đ., sinh năm 2015, địa chỉ tại xã Thanh Long (Yên Mỹ).

Các trường hợp này đều được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của tỉnh, của huyện từ ngày 22 - 29/6.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Hưng Yên hiện đang khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Video: Doanh nghiệp gấp rút chuẩn bị “3 tại chỗ” để phòng chống dịch | Nguồn: BRTgo

Bà Rịa - Vũng Tàu vượt mốc 200 ca dương tính

Số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tính từ ngày 28/6 đến nay là 237 ca. Số ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh là 140 ca.Nhiều ca trong khu vực phong tỏa

Sáng 20/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 19/7 đến 6h ngày 20/7, tỉnh này ghi nhận 43 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 2 ca đã được Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân (BN 58155 và BN 58171) và 41 ca đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.

Cụ thể, 1 ca ghi nhận ngoài cộng đồng tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc là BN 58155; 1 ca tại căn hộ Aria, phường 7, TP.Vũng Tàu, là BN 58171; 4 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung, liên quan BN 37058 (phường 11, TP.Vũng Tàu); 3 ca trong khu cách ly tập trung, liên quan BN 37514 (phường 12, TP. Vũng Tàu); 2 ca trong khu cách ly tập trung, liên quan BN 37521 (Vạn Hạnh, thị xã Phú Mỹ); 3 ca trong khu cách ly tập trung, liên quan BN 48593 (ấp Thanh Bình, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc); 1 ca trong khu cách ly tập trung, liên quan BN 48594 (Hải Sơn, Long Hải, huyện Long Điền);

Ngoài ra còn có 1 ca ghi nhận tại khu vực phong tỏa Cảng cá Cát Lở, TP.Vũng Tàu; 20 ca ghi nhận tại khu vực phong tỏa xã Bàu Lâm, Xuyên Mộc; 5 ca phát hiện trong khu vực phong tỏa xã Hòa Hưng, Xuyên Mộc; 2 ca ghi nhận ngoài cộng đồng, phát hiện tại Bệnh viện Bà Rịa, thường trú tại Long Điền. Hiện tại, lực lượng chức năng đang tiến hành khẩn trương truy vết các F1, F2, F3.

Như vậy, số lượng ca mắc ghi nhận tính từ ngày 28/6 đến nay là 237 ca. Số ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh là 140 ca. Số người đang cách ly tập trung là 2.294 trường hợp, lũy kế (từ ngày 1/1/2021 đến nay) là 16.442 trường hợp.

img

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Haxby, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN.

Biến thể Delta 'đẩy' châu Âu vượt qua mốc 50 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 21/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 191.897.948 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.116.137 ca tử vong. 174.697.664 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 13.084.147 bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.018.753 ca, trong đó 624.983 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 31.181.493 ca mắc và 414.657 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 19.391.845 ca mắc, trong đó có 542.877 ca tử vong.

Biến thể Delta là nguyên nhân chính khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Âu trở nên phức tạp. Châu lục này trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới vượt qua mốc 50 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu hiện ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới sau mỗi giai đoạn 8 ngày và đã có tổng cộng 1,3 triệu ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca nhiễm của châu Âu đã chiếm 27% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu và chiếm 31% số ca tử vong. Nga là nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất và sắp vượt mốc 6 triệu ca nhiễm.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Pháp cho biết nước này đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 4. Động thái của Chính phủ Pháp diễn ra trong bối cảnh nước này có ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca mới trên 10.000 ca do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Kế hoạch mới của Pháp có thể bao gồm một số biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh nghiêm khắc nhất tại châu Âu, như yêu cầu phải có chứng nhận y tế đối với những người đến các địa điểm tập trung đông người gồm nhà hàng và rạp chiếu phim, yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên y tế.

img

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York City, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN.

Còn tại Anh, chính phủ nước này khẳng định sẽ không tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi mà chỉ tiêm cho những em có bệnh lý đặc biệt và dễ bị tổn thương. Lý do là các chuyên gia y tế vẫn đang xem xét các tác dụng phụ tiềm ẩn của chế phẩm này đối với trẻ em.

Tới nay, gần 70% dân số trưởng thành ở Anh đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, Anh đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh. Chiến dịch tiêm chủng gần đây có dấu hiệu chững lại khi những người trẻ tuổi có tâm lý không muốn tiêm vaccine.

Còn tại châu Á, Indonesia vẫn là điểm nóng của dịch bệnh. Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận 38.325 ca mắc mới và 29.791 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Bất chấp các nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 liên tục "lập đỉnh", ngày 20/7, người dân Indonesia vẫn cầu nguyện bên ngoài các thánh đường cũng như tổ chức các sự kiện truyền thống để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha.

Tính đến nay, Indonesia ghi nhận trên 2,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 75.000 người không qua khỏi. Do tỷ lệ xét nghiệm và truy vết ở nước này còn thấp, nên giới chuyên gia cho rằng số người mắc và tử vong do COVID-19 trên thực tế còn cao hơn nhiều. Cùng ngày, Tổng thống Joko Widodo thông báo chính phủ nước này sẽ dần nới lỏng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 26/7 tới nếu số ca mắc COVID-19 sụt giảm.

Còn tại Lào, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 170 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay tại Lào. Ngày 20/7, ngày đầu tiên Lào thực hiện đợt phong tỏa lần thứ 6, nước này không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

img

Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN.

Iran cũng vật lộn với số ca mắc mới tăng nhanh. Bộ Y tế Iran cho biết đã ghi nhận thêm 27.444 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.576.148 ca. Iran cũng ghi nhận thêm 250 ca tử vong, đưa số bệnh nhân không qua khỏi do dịch bệnh này lên 87.624 ca.

Cùng ngày, Nội các Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng cho tới cuối tháng 9 nhằm ứng phó với tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là cần thiết để tạo điều kiện cho việc triển khai nhanh chóng và tích hợp các biện pháp kiểm soát COVID-19 vì lợi ích an toàn cộng đồng. Quyết định này là để ứng phó với việc hàng nghìn ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận hàng ngày ở vùng Bangkok mở rộng.

Quốc gia Đông Nam Á này ngày 20/7 ghi nhận thêm 11.305 ca mới cùng 80 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 426.475 ca, trong đó có 3.502 người không qua khỏi. Vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận có nhiều ca mới nhất, với 5.468 ca nhiễm cùng 45 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Cùng ngày, hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ thông báo Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.

Trong tuyên bố, Roche cho biết Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã phê chuẩn loại thuốc này. Việc phê chuẩn được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, theo đó hỗn hợp kháng thể trong thuốc (gồm bộ đôi 2 kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) giúp giảm đáng kể nguy cơ các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ tới trung bình diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong.

Thuốc Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.