Số liệu của Bộ Y tế về tình hình Covid-19 tính đến 6h ngày 2/2/2021 tại Việt Nam và thế giới
9 khu vực tại Hà Nội đang bị phong tỏa do có ca COVID-19
Theo thống kê trên báo Sức khỏe và Đời sống, tính tới 18h chiều ngày 2/2, Hà Nội ghi nhận 20 ca COVID-19. Hiện tại, hàng nghìn người liên quan tại 9 khu vực của Hà Nội đang cách ly trong các tòa nhà, trường học.
Gồm: Tòa nhà T6, khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng
1h ngày 29/1, UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng quyết định cách ly toàn bộ tòa nhà T6, khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng sau khi ghi nhân BN1581 , trú tại tòa nhà T6, khu đô thị Times City.
Ngõ 92 đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy
Cũng trong đêm 28/1, Hà Nội ghi nhận BN1654, trọ tại ngõ 92 đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy. Khoảng 200 m con ngõ này bị phong toả. Hơn 40 người cùng khu trọ với bệnh nhân được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Ngõ 49 phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy
Tối 31/1, lực lượng chức năng phong tỏa ngôi nhà số 51 ngõ 49 phố Dịch Vọng sau khi xác định BN1819 cư trú tại đây. Khu vực ngõ 49 gần nhà bệnh nhân được phun khử khuẩn. Qua điều tra dịch tễ, có 4 F1, 90 F2 của ca bệnh này.
Trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm
Ngày 29/1, thành phố ghi nhận BN1694, nam 41 tuổi, trú tại 479 Phúc Diễn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Ngày 16/1, bệnh nhân về quê ở Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương tiếp xúc gần với một ca mắc COVID-19. Sau đó bệnh nhân trở về Hà Nội làm việc tại nhà máy Z153 (Đông Anh).
Nhà máy Z153, huyện Đông Anh
Chiều 30/1, UBND huyện Đông Anh quyết định phong tỏa toàn bộ nhà máy Z153, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng sau khi xác định BN1695 - đồng nghiệp của BN1694 làm việc tại đây. Hơn 300 công nhân được yêu cầu ở cách ly ngay tại nhà máy, 57 người phải đi cách ly tập trung.
Đại học FPT, huyện Thạch Thất
Tối 31/1, Đại học FPT phong tỏa tạm thời toàn bộ khuôn viên trường tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, do có BN 1815 là nam sinh viên 21 tuổi, khoa Kỹ thuật phần mềm, Đại học FPT. Ngày 23 đến 24/1, nam sinh về thị trấn Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ăn cưới.
Chung cư Dream Land, quận Nam Từ Liêm
BN1815 và mẹ là BN1814 đều mắc COVID-19. Căn hộ của bệnh nhân ở tầng 10 chung cư Dream Land, 23 Duy Tân, đang được phong tỏa.
Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh
Trưa 1/2, UBND huyện Mê Linh quyết định phong tỏa thôn Bạch Trữ, sau khi CDC Hà Nội xác định thêm 2 ca nhiễm là bố mẹ của BN1725. Công an đã lập chốt chặn trên các tuyến đường ra vào thôn, kiểm soát người qua lại.
Ngõ 86 phố Duy Tân và phòng Công chứng số 3, quận Cầu Giấy
9h sáng 2/2, UBND quận Cầu Giấy quyết định cách ly khu ngõ 86 Duy Tân và phòng Công chứng số 3, phố Duy Tân, sau khi xác định một người dương tính với nCoV, do tiếp xúc với BN1814.
Chiều 2/2, thêm 31 ca mắc mới Covid-19
Bộ Y tế thông tin, tính đến 18h ngày 2/2, cả nước có 31 ca mắc mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam có tổng cộng 994 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó 301 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 8 bệnh nhân (BN1852-1867, BN1873-1874): 5 F1 liên quan ổ dịch Công ty POYUL, tỉnh Hải Dương; 3 F1 liên quan ổ dịch Sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.
Tỉnh Hải Dương ghi nhận 18 bệnh nhân (BN1858-1865, BN1868-1872): 18 F1 liên quan ổ dịch Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Gia Lai ghi nhận 3 bệnh nhân (BN1875-1877): 3 F1, liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Thành phố Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân (BN1866): nam, 51 tuổi, có địa chỉ tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. F1 BN1814 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thành phố Hà Nội (BN1857): nam, 43 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Nga.
Ngày 1/2, bệnh nhân từ Nga nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay ZF2074/2078, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm ngày 2/2, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Theo thống kê, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 27.714.
Chủng Covid-19 tìm thấy ở Anh biến đổi, có khả năng kháng vaccine
Biến chủng Covid-19 phát hiện ở Anh đã xuất hiện biến đổi, thậm chí có thể kháng các loại vaccine vừa được đưa vào sử dụng. Nghiên cứu của cơ quan Y tế công cộng Anh cho thấy virus SARS-CoV-2 trên thế giới đang xuất hiện nhiều đột biến đáng lo ngại.
Biến chủng Covid-19 phát hiện ở Anh được gọi là B.1.1.7. Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết đột biến có khả năng kháng vaccine của B.1.1.7 được gọi là E484K. Tập đoàn Moderna và nhiều công ty dược phẩm khác đang chuẩn bị cải tiến vaccine Covid-19 để chống lại đột biến E484K.
Kristian Andersen, chuyên gia về virus học tại viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, cho biết cần thêm dữ liệu nghiên cứu để hoàn toàn xác định đột biến của B.1.1.7 có thể kháng vaccine hay không.
Tuần trước, các nghiên cứu các mẫu vật nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Anh cho thấy 11 đột biến khác thuộc biến chủng B.1.1.7 cũng có dấu hiệu đáng lo ngại.
Biến chủng B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Vương quốc Anh hồi tháng 12/2020. Loại biến chủng này khiến số người mắc Covid-19 ở Anh tăng mạnh. Các nhà nghiên cứu xác nhận B.1.1.7 có khả năng lây lan mạnh hơn các chủng virus khác, do một số đột biến giúp virus SARS-CoV-2 tăng khả năng bám vào tế bào.
Từ tháng 12/2020 đến nay, biến chủng B.1.1.7 nhanh chóng lan rộng trên thế giới. Có tới 72 quốc gia đã phát hiện loại biến chủng này trên người mắc Covid-19. Hôm 29/12, Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm B.1.1.7, tiếp đó trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ liên tiếp ghi nhận 467 mẫu xét nghiệm có chứa biến thể này ở 32 tiểu bang.
Cơ quan Y tế công cộng Anh ước tính tỷ lệ lây nhiễm của biến chủng B.1.1.7 cao hơn từ 25 - 40% so với các dạng khác của virus SARS-CoV-2. Một số bằng chứng sơ bộ cho thấy B.1.1.7 cũng có thể khiến nhiều người chết hơn.
Gần 40 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học
Đến chiều 2/2 trên cả nước đã có gần 40 tỉnh, thành phố thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.
Theo thông tin mới nhất, nhiều tỉnh, thành tiếp tục quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 3 và 4/2.
Chiều nay 2/2, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc cho học sinh nghỉ học từ ngày 4/2.
Tương tự, Đồng Nai cũng vừa quyết định cho học sinh Đồng Nai nghỉ học từ 4/2.
Học sinh Hà Nam nghỉ học từ ngày 3/2 đến hết ngày 16/2.
Học sinh Ninh Bìnhnghỉ từ 4/2 đến 16/2.
Học sinh Đăk Lắk nghỉ từ 3/2.
Học sinh Ninh Thuận nghỉ từ 3/2 đến 16/2.
Học sinh Tiền Giang nghỉ học từ 3/2.
Học sinh Phú Thọ nghỉ học từ 3/2.
Học sinh Bình Định nghỉ học từ 3/2.
Học sinh Hậu Giang nghỉ học từ 3/2.
Học sinh Vĩnh Long nghỉ học từ ngày 3/2.
Từ 2/2, học sinh Phú Yên cũng chuyển sang học trực tuyến để phòng dịch Covid-19.
Cần Thơ cũng quyết định cho học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Học sinh Cần Thơ nghỉ học từ 2/2.
Học sinh Thanh Hóa nghỉ học từ 2/2 cho đến khi có thông báo trở lại.
Học sinh Long An nghỉ học từ ngày 2/2 đến 21/2/2021.
Học sinh Đồng Tháp nghỉ học từ 2/2.
Trưa 1/2, UBND TP.HCM đã đồng ý đề xuất cho học sinh TP.HCM nghỉ học từ 2/2. Đồng thời, các cơ sở giáo dục thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức dạy – học trên internet, đảm bảo kế hoạch thời gian năm học theo quy định.
Sáng 1/2, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã có văn bản về việc thay đổi thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, học sinh An Giang nghỉ Tết từ ngày 2/2.
Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đồng ý cho học sinh Thái Nguyên nghỉ học từ ngày 1/2/2021 đến hết thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (hết ngày 16/2/2021).
Học sinh các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu cũng được nghỉ học từ 1/2 để phòng dịch.
Tối 31/1, Sở GD-ĐT Bình Phước đã có thông báo khẩn về việc cho học sinh nghỉ học. Theo đó, học sinh Bình Phước nghỉ học từ ngày 1/2 đến khi có thông báo đi học trở lại.
Tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La cho biết, học sinh Sơn La được nghỉ học từ 1/2 đến hết ngày 16/2.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã có văn bản về việc cho phép học sinh nghỉ học, phòng chống dịch Covid-19. Học sinh Tuyên Quang nghỉ học từ 1/2 cho đến khi có thông báo mới.
Học sinh Vĩnh Phúccũng nghỉ học từ 1/2. Tuy nhiên, học sinh lớp 9, lớp 12 ở Vĩnh Phúc sẽ học trực tuyến.
Bình Dương cho toàn bộ học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, nhóm trẻ mầm non tư thục nghỉ học từ ngày 1/2. Học sinh Bình Dương nghỉ học từ 1/2 đến hết 16/2.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 1/2, sớm 4 ngày so với lịch trước đó của Sở GD-ĐT.
Học sinh Hưng Yên nghỉ học từ ngày 1/2 đến khi có thông báo đi học trở lại.
Sáng 31/1, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc cho học sinh nghỉ học sớm 1 tuần. Theo đó, học sinh Hà Nội nghỉ học từ 1/2 đến hết 16/2.
Trước đó, trong đêm 30/1, sau khi Hoà Bình phát hiện có bệnh nhân mắc Covid-19, UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT thông báo khẩn tới tất cả phụ huynh cho học sinh Hòa Bình nghỉ học từ ngày 1/2.
Tại Bắc Kạn: UBND đã quyết định cho học sinh Bắc Kạn nghỉ học từ ngày 30/1 đến hết ngày 16/2/2021 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán).
Chiều ngày 30/1, Sở GD-ĐT Gia Lai có văn bản cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.
Học sinh Gia Lai nghỉ học từ ngày 30/1 đến hết ngày 16/2/2021 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán). Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục cấm việc dạy thêm, học thêm.
Trẻ mầm non, học sinh Thái Bình nghỉ học từ ngày 1/2 đến khi có thông báo mới.
Từ ngày 28/1, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở GD-ĐT, cho phép học sinh Hải Phòng nghỉ học từ ngày 29/1 đến khi có thông báo mới để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cũng trong sáng 28/1, Hải Dương và Quảng Ninh quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học phòng Covid-19 do ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Đến tối muộn ngày 28/1, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 29/1.
Hải Dương: Tạm dừng hoạt động Công ty TNHH Michigan
Ngày 2/2, UBND tỉnh Hải Dương đã đồng ý với đề xuất của UBND thành phố Chí Linh về tạm dừng hoạt động Công ty TNHH Michigan Hải Dương ở phường Tân Dân (Chí Linh) để bảo đảm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.
Công ty TNHH Michigan Hải Dương chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc với 2.100 công nhân.
Theo UBND TP Chí Linh, trên địa bàn phường Tân Dân hiện có 1 ca nhiễm Covid-19 và 11 trường hợp F1. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong công nhân của công ty TNHH Michigan Hải Dương rất lớn. Công ty phải tạm dừng hoạt động từ ngày 2/2 đến hết ngày 9/2. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND thành phố Chí Linh hướng dẫn công ty này triển khai các thủ tục tạm dừng hoạt động theo quy định.
8 ca nhiễm mới, thêm 100 học sinh cách ly tập trung
Chiều 2/2, ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương (CDC), cho biết, kết quả xét nghiệm PCR ngày 2/2 cho thấy, có thêm 8 người dương tính Covid-19.
Trong số các ca bệnh mới, ở TP Chí Linh có 3 trường hợp, 3 ngụ tại Kinh Môn và 3 người ở TP Hải Dương. Bộ Y tế chưa công bố 8 ca Covid-19 mới này.
Ông Tuyến cho biết, lực lượng chức năng đang truy vết lịch sử di chuyển, tiếp xúc và cách ly các trường hợp liên quan đến 8 ca bệnh này.
Như vậy, tổng số ca Covid-19 tính từ ngày 28/1 đến nay tại Hải Dương là 215 (Bộ Y tế đã công bố 207 ca). Toàn tỉnh ghi nhận 32 ổ dịch, tập trung ở TP Chí Linh, Kim Thành, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương, Ninh Giang, Cẩm Giàng.
Trong đêm 1/2 và sáng 2/2, hơn 100 học sinh khối lớp 4, cùng khối với em Đ.G.B (SN 2011), con của bệnh nhân 1851 được cách ly tập trung tại trường Tiểu học thị trấn Lai Cách.
Ngoài Trung tâm Y tế, huyện bố trí thêm 1 khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Cao đẳng Du lịch và công thương (thị trấn Lai Cách) có thể thu dung 96 người.
Huyện Cầm Giàng chỉ đạo mỗi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã thành lập 1 tổ truy vết trực thuộc Ban Chỉ đạo với thành phần là lực lượng công an, y tế, quân sự, thanh niên, phụ nữ, các đoàn thể và trưởng thôn hoặc khu dân cư.
Gia Lai có 10 bệnh nhân Covid-19, hỏa tốc khử khuẩn 2 huyện
Sáng 2/2, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai vừa ký văn bản hoả tốc gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị hỗ trợ lực lượng, phương tiện phun thuốc khử khuẩn trên địa bàn huyện Phú Thiện và Krông Pa.
Trong văn bản nêu trên, bà Lịch cho biết, tính đến 10h30 ngày 2/2, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 1 trường hợp nghi ngờ tại huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa. Trong số này có 1 trường hợp đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Trong một diễn biến khác, ca dương tính mới nhất được phát hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai là trường hợp trú tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch xác nhận tại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có trường hợp được xét nghiệm dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Hiện bệnh viện này đang được tỉnh Gia Lai phong tỏa.
Ngay trong đêm 1/2, Quân đoàn 3 đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng toàn bệnh viện.Như vậy đến hiện tại, Gia Lai có tổng cộng 10 ca dương tính lần 1 với với SARS-CoV-2.
2 cô giáo và 25 học sinh lớp 5 ở Hà Nội phải cách ly vì phụ huynh dương tính
Chiều 1/2, Trường tiểu học dân lập Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhận được kết quả xét nghiệm của phụ huynh lớp 5A5 dương tính với Covid-19.
Trước đó, người này dự họp phụ huynh tại trường và có tiếp xúc với 2 cô giáo. Phụ huynh của em P.C.M. lớp 5A5 có tham gia cuộc họp và tiếp xúc với cô chủ nhiệm và cô chăm sóc bán trú.
Đến 28/1, khi ghi nhận ca bệnh 1553 (nhân viên sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh), phụ huynh kể trên - cũng làm việc tại sân bay Vân Đồn - đã thông báo cho nhà trường và cho biết có tiếp xúc với bệnh nhân 1553.
Ngày 28 và 30/1, phụ huynh này làm xét nghiệm 2 lần và đều cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên kết quả xét nghiệm ngày 1/2 cho kết quả dương tính, phụ huynh này trở thành F0, hai cô giáo thành F1 và phải đi cách ly tập trung. 25 học sinh lớp 5A5 là F2 sẽ cách ly tại nhà.
Trong vài ngày qua đã có nhiều học sinh và cô giáo ở Hà Nội và Hải Dương phải đi cách ly do có học sinh và phụ huynh dương tính với COVID-19.
4 người Trung Quốc bị phát hiện tại Quảng Trị
Đưa 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đi cách ly tập trung
Ngày 2/2, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, Công an huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vừa phát hiện và đưa đi cách ly tập trung một nhóm đối tượng, trong đó có 4 người Trung Quốc để phòng chống Covid-19.
Theo đó, vào khoảng 14h ngày 1/2, tại một quán tạp hoá ở Tân Định (Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh) có 5 người lạ mặt vào uống nước. Thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn, chủ quán đã trình báo sự việc lên cơ quan công an. Khi lực lượng chức năng có mặt, cả 5 đối tượng liền bỏ chạy.
Đến 18h cùng ngày, lực lượng chức năng đã bắt giữ được 5 đối tượng trên. Trong đó, có 4 người Trung Quốc gồm Lizijian (SN 1993), Jiang Sufa (SN 2000), Meng Shliai và Chan Biao (cùng SN 1999); 1 người Việt Nam là Lê Minh Xuyên (SN 1990, quê quán ở Long Thạch, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Tất cả đều không có hộ chiếu và giấy tờ tuỳ thân.
Qua đấu tranh khai thác, 4 đối tượng cho biết nhập cảnh trái phép qua biên giới tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và tỉnh Lạng Sơn vào ngày 24/1. Tiếp đó, họ được một người Việt Nam dùng xe ô tô biển số 51A-89236 đón và bố trí nơi nghỉ.
Đến ngày 1/2, cả nhóm di chuyển đến địa phận tỉnh Quảng Trị thì gặp chốt kiểm dịch của tỉnh này ở xã Vĩnh Chấp nên đã rẽ vào đường thôn Tân Định để trốn. Hiện, lái xe đã bỏ trốn, không rõ tung tích.
Ngành chức năng tiến hành điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn
An Giang: Bác thông tin có trường hợp dương tính với Covid-19
Sáng 2/2, liên quan đến thông tin cho rằng trường hợp anh T.Đ.N trở về từ Hải Dương, dương tính với Covid-19, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, thông tin nói trên là không đúng.
“Khẳng định trường hợp này là âm tính. Nói chung đến giờ phút này toàn bộ bà con đi về từ vùng dịch Hải Dương và Quảng Ninh, tất cả là 76 ca đều âm tính”, ông Phước nhấn mạnh.
Theo thông tin từ UBND tỉnh An Giang, kết quả điều tra dịch tễ của ông T.Đ.N như sau: ngày 23/1, ông N. từ TP. Long Xuyên đón xe taxi đi Cần Thơ bay ra Hà Nội và tiếp tục bắt taxi di chuyển về TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương).
Đến ngày 27/1, ông N. trở về TP Long Xuyên
Chiều 30/1, ông N. đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang khai báo.
Ngày 1/2 , ông N. có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với Covid-19.
Theo thông tin của Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên, hiện tại trường hợp ông T.Đ.N. sức khỏe bình thường, không ho, không sốt, không khó thở, nhiệt độ 37 độ C và đang được cách ly tập trung Khu Công vụ phà Vàm Cống.
Thêm 1 ca lây ngoài cộng đồng là người Hải Dương
Tính đến 6 giờ ngày 2/2, Việt Nam có tổng cộng 964 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 271 ca.
Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 27.714 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 227 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.917 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 6.570 người.
Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 20
Sáng nay (2/2), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông báo về một ca dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại quận Cầu Giấy.
Theo đó, trường hợp này là T.N.M, nam, 51 tuổi, có địa chỉ tại số 12 khu 18-4 ngõ 86 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trường hợp này là F1 của ca bệnh 1.814 (nữ, SN 1971, giáo viên của Trường THCS Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ở tại 23 Duy Tân, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Ngày 27/1, anh M. và vợ có đến Văn phòng công chứng số 3 (số 6 phố Duy Tân) để làm hợp đồng mua nhà từ 8h30 đến 9h40 và tiếp xúc với ca bệnh 1.814. Sau đó, anh này về nhà có tiếp xúc với 2 con.
Người đàn ông này được Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sau khi xác định là F1 của ca bệnh 1.814 vào ngày 1/2 và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 do CDC Hà Nội thực hiện.
Như vậy, tính đến 7h ngày 2/2, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 20 mắc Covid-19 và dương tính SARS-CoV-2 tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Mê Linh.
Thêm 1 ca lây ngoài cộng đồng là người Hải Dương
Bộ Y tế thông tin, phát hiện thêm 1 ca mắc mới Covid-19 ở Cẩm Giàng, Hải Dương, nâng tổng số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng lên 271 ca.
BN 1851: Nam, 44 tuổi, có địa chỉ tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, TP. Hải Dương. Ngày 31/1/2021, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt, ho, đau rát họng và khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, được lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả xét nhiệm ngày 1/2/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Thông tin dịch tễ đang tiếp tục được điều tra.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 27.714, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 227, cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.917 và 6.570 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Cảng HKQT Nội Bài đã có 16 trường hợp F1 liên quan đến hành khách là bệnh nhân F0 đi Nhật Bản qua sân bay Nội Bài và bệnh nhân là nhân viên an ninh hàng không tại sân bay Vân Đồn.
Lo đóng cửa sân bay, Nội Bài đề xuất xét nghiệm Covid-19 cho 3.200 người
Ông Tô Tử Hà - quyền giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vừa có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ GTVT, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP. Hà Nội đề nghị xét nghiệm Covid19 cho khoảng 3.200 người đang trực tiếp làm việc tại đây.
Theo ông Hà, tuy đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, nhưng với diễn biến dịch hiện nay, nguy cơ lây nhiễm trong cán bộ công nhân viên làm việc tại đây là rất lớn.
Đến thời điểm hiện tại, riêng Cảng HKQT Nội Bài đã có 16 trường hợp F1 liên quan đến hành khách là bệnh nhân F0 đi Nhật Bản qua sân bay Nội Bài và bệnh nhân là nhân viên an ninh hàng không tại sân bay Vân Đồn; hàng trăm nhân viên đang là F2.
"Nếu có trường hợp bị nhiễm Covid-19 tại Cảng hàng không Nội Bài, nguy cơ đóng cửa sân bay là hiện hữu và rất có thể xảy ra" - ông Tô Tử Hà nói.
Do vậy, nhằm đảm bảo cho lực lượng lao động phục vụ liên tục 24/7 tại sân bay Nội Bài, Cảng HKQT Nội Bài đề nghị Bộ Y tế, Bộ GTVT, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP. Hà Nội, Cục Hàng không VN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xét nghiệm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ hành khách tại sân bay Nội Bài với khoảng 3.200 cán bộ, nhân viên (bao gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước) tại sân bay Nội Bài.
"Việc xét nghiệm Covid-19 cho lực lượng làm việc tại cửa khẩu Cảng HKQT Nội Bài là vô cùng cần thiết và cấp bách, đem lại sự an tâm và đảm bảo an toàn cho hành khách cả nước đi lại bằng đường hàng không" - ông Hà khẳng định.
Hà Nội có thể tính đến giãn cách xã hội một số khu vực
Chiều nay (1/2), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, các trường hợp lây nhiễm hiện nay đều rất nhanh, có trường hợp tiếp xúc ngắn nhưng đã dương tính. Các trường hợp mắc của Hà Nội đều liên quan đến nguồn lây từ Hải Dương.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Bộ rất quan tâm tới tình hình dịch tại Hà Nội". Vì vậy Bộ Y tế muốn làm việc với Hà Nội trên quan điểm bảo vệ Thủ đô để người dân hưởng Tết an lành.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hà Nội phải vừa truy vết vừa khoanh vùng, lấy mẫu triệt để các trường hợp tiếp xúc; phong tỏa các khu vực có ca bệnh và chỉ dỡ dần phong tỏa sau khi có kết quả âm tính. Các quận, huyện, thị xã chưa có ca bệnh hay trường hợp tiếp xúc vẫn cần áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ ở mức độ thấp.
"Phải thay đổi chiến thuật, đeo khẩu trang bắt buộc toàn thành phố, không đeo phải xử phạt, lấy mẫu và xét nghiệm thật nhanh. Có thể tính đến giãn cách xã hội một số khu vực", ông Long đề nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, với đợt dịch lần này, Hà Nội phải thay đổi chiến thuật. Cụ thể cần coi tất cả các F1 là trường hợp nghi nhiễm. Truy vết đồng thời cả trường hợp F1 và trường hợp F2… Bộ Y tế sẽ tập huấn cho đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm.
Tốc độ lây nhiễm cao khác hẳn trường hợp Đà Nẵng
Tình hình hiện nay khó khăn, phức tạp hơn và khác hẳn trường hợp Đà Nẵng do tốc độ lây nhiễm cao. Bộ trưởng cũng lưu ý chu kỳ lây nhiễm của virus trước đây từ 4-5 ngày nhưng hiện nay chỉ từ 1-2 ngày.
“Nguy cơ rất cao nên chúng ta phải có hành động quyết liệt và phải rất nhanh", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Hà Nội phải vừa truy vết vừa khoanh vùng, lấy mẫu triệt để các trường hợp tiếp xúc. Phong tỏa các khu vực có ca bệnh và chỉ dỡ dần phong tỏa sau khi có kết quả âm tính.
Các quận, huyện, thị xã chưa có ca bệnh hay trường hợp tiếp xúc vẫn cần áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ ở mức độ thấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế nói rõ, với đợt dịch lần này, Hà Nội phải thay đổi chiến thuật, theo đó, cần coi tất cả các F1 là trường hợp nghi nhiễm. Truy vết đồng thời cả trường hợp F1 và trường hợp F2…
Dốc sức chi viện cho Thủ đô
"Bộ Y tế sẽ tập huấn cho đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định. Riêng với các quận, huyện, cần huy động lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường; rà soát, sàng lọc với một số khu vực đặc biệt như các bệnh viện và các đối tượng nghi ngờ. Bộ Y tế cũng cam kết sẽ hỗ trợ Hà Nội, cử chuyên gia phối hợp trong công tác điều phối và vận chuyển mẫu xét nghiệm.
Bộ sẽ huy động tất các các đơn vị làm công tác xét nghiệm có công suất cao như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội khởi động ngay Bệnh viện dã chiến sẵn sàng triển khai khi cần thiết.
Với đề xuất của Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 40.000 mẫu xét nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã giao 12 đơn vị phối hợp hỗ trợ Hà Nội là: Đại học Y, Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi, bệnh viện Phổi, bệnh viện 103, bệnh viện 108, Viện Y học dân tộc...
"Lọt một F0 có thể thành hàng trăm F0 ngoài cộng đồng"
Chiều 1/2, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến với các quận huyện, xã phường để triển khai quyết liệt các biện pháp không để dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay thành phố ghi nhận 19 ca dương tính với Covid-19, trong đó 1 ca liên quan đến ổ dịch ở Quảng Ninh, 18 ca còn lại liên quan đến Hải Dương. Trong số 19 ca này, số F1 là hơn 412 ca, 2.008 ca F2, con số này sẽ tiếp tục thay đổi.
"Theo tính toán của cơ quan chuyên môn Bộ Y tế, nếu chúng ta không sớm phát hiện được hết các trường hợp F0, mà để lọt một trường hợp thì từ nay đến ngày 7/2, có thể sẽ có tới hàng trăm F0 ngoài cộng đồng", ông Hạnh cảnh báo.
Dẫn chứng việc trước đây, ở Đà Nẵng 75 - 80 nghìn mẫu xét nghiệm chỉ có 2 - 3 trường hợp dương tính, nhưng Hà Nội hiện nay khoảng 14 nghìn mẫu đã có 5 trường hợp dương tính, ông Hạnh cho biết, rất nhiều trường hợp F1 lây trong ô tô qua đường không khí đã trở thành F0, điển hình như trường hợp 2 mẹ con ở Nam Từ Liêm, hay trường hợp bệnh nhân M. lây cho 8 người khác.
Từ đó, ông Hạnh khẳng định, dịch bệnh Covid-19 lần này lây nhiễm rất nhanh, hoàn toàn khác trước và rất nghiêm trọng. Diễn biến đi lại của các bệnh nhân rất phức tạp khi sắp Tết. Ông Hạnh đề xuất nâng cao thêm 1 mức công tác phòng, chống dịch.
"Các quận, huyện cần tăng cường truy vết, rà soát hết lại các trường hợp đi về từ Hải Dương, Quảng Ninh để lấy mẫu xét nghiệm, cách ly", ông Hạnh nói.
Quán game, internet đóng cửa từ 0h ngày 2/2
Kết luận cuộc họp, trước các câu hỏi của đại diện quận, huyện về thẩm quyền ký ban hành lệnh cách ly hay việc thanh toán vận chuyển rác thải liên quan khu cách ly, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng trả lời sớm nhất, không để địa phương bối rối trong bối cảnh chống dịch phải rất khẩn trương.
Nhắc lại trường hợp bệnh nhân Covid-19 có con học Trường tiểu học Xuân Phương, thành phố đã quyết định ngay trong đêm thành lập khu cách ly tập trung ở trường, ông Dũng cho biết đây là cách làm nhân văn.
"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận Hà Nội đã vận dụng, có cách làm phù hợp thực tế”", ông Dũng nói.
Ông Dũng nhấn mạnh, tình hình lây lan dịch bệnh nhanh trong cộng đồng đã rõ bởi chủng virus mới có tỷ lệ lây lan trong tiếp xúc rất cao; thời gian tiếp xúc đến phát bệnh ngắn; trong cộng đồng có khả năng còn mầm bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng khẳng định Hà Nội đã kịp thời yêu cầu các đơn vị thực hiện các mức độ cao hơn để phòng chống dịch bệnh như đóng cửa bar, karaoke, vũ trường, các nhà hàng phải có vách ngăn…
"Từ 0h đêm nay quán game, internet đóng cửa để phòng dịch bệnh", ông Dũng chỉ đạo và cho biết, thành phố đang xem xét và sẽ ra văn bản về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị với các tiêu chí cụ thể nhất.
Hải Phòng: Phong tỏa Bệnh viện Phụ sản do liên quan BN 1833
Tối 1/2, Sở Y tế Hải Phòng thông tin, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng có trường hợp sản phụ đi đẻ từ ngày 23 đến 27/1, cùng đi có chồng là N.D.T làm tại Công ty POJUN (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã được xét nghiệm tại Hải Dương có kết quả dương tính với Covid-19 (là BN 1833).
BN 1833 có khai đã đi chăm vợ đẻ từ ngày 23 đến 27/1 tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Trong những ngày đó, BN 1833 đã đi qua các khu vực phòng khám, phòng đẻ, phòng mổ và nằm ở phòng 607 tòa nhà 6 tầng - Trung tâm Sơ sinh.
Ngoài ra, bệnh nhân có đi ăn uống và có mua thuốc ở hiệu thuốc cạnh Bệnh viện.
Khu khám bệnh của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng bị phong tỏa tạm thời do liên quan đến BN 1833 nhiễm Covid-19.
Nhận tin dịch tễ từ phía tỉnh Hải Dương về ca BN 1833, Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng lập danh sách tất cả những trường hợp F1, F2 liên quan, cách ly và xét nghiệm Covid-19.
Đồng thời, yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân, khử trùng toàn bộ bệnh viện; điều tra dịch tễ diện rộng, thực hiện khoanh vùng khẩn trương để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh nếu có.
Hiện, toàn bộ khu vực Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã được tổ chức phong tỏa tạm thời và tạm dừng tiếp đón bệnh nhân.
Nữ sinh viên Bình Dương nhiễm SARS-CoV-2 đã đi những đâu?
Sáng 1/2, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã ghi nhận thêm một trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 là chị N.T.M.A. (SN 2002), sinh viên lớp sư phạm tiểu học, trường Đại học Thủ Dầu Một.
Bệnh nhân N.T.M.A. là con gái của bệnh nhân 1801, ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo, được Bộ Y tế công bố ngày 31/1.
Theo đó, ngày 18/1, M.A. tiếp xúc gần với mẹ trước khi trở lại trường học. Hơn 10 ngày sau, sinh viên M.A. tiếp xúc với nhiều người tại trường học, khu trọ và một số địa điểm ở TP Thủ Dầu Một.
Ngày 30/1, M.A. được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có thông báo khẩn đề nghị những người đã đến các địa điểm sau liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ.
Đồng thời, tiến hành khẩn trương rà soát, khoanh vùng nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh tại khu vực Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Cũng từ sáng 1/2, Bình Dương đã cho học sinh trong toàn tỉnh nghỉ học để phòng chống Covid-19.
Theo đó, toàn bộ trẻ em, học sinh, học viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhóm trẻ mầm non tư thục sẽ nghỉ học từ ngày 1/2 dài đến hết ngày 16/2... Tỉnh Bình Dương đã kích hoạt khẩn cấp hệ thống phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 30/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Diễn biến liên quan, theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.765 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 45.110 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 10.994 ca COVID-19 và 279 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.089.308 ca và 30.277 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 58 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 1/2.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công khi nước này ghi nhận tới 4.214 ca bệnh mới, 10 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 3 châu Á trong vòng 24 giờ, chỉ sau Indonesia và Iran.
Myanmar trong 24 giờ qua không công bố biến động về số liệu dịch COVID-19 (theo trang worldometers.info). Như vậy, hết ngày 1/2, Myanmar có tổng cộng 140.145 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 3.131 người không qua khỏi.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Trong 24 giờ quan, Thái Lan ghi nhận 836 ca mắc mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận