Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Theo bản tin chiều 23/7 của Bộ Y tế, tính từ 6h đến 19h ngày 23/7 có 3.409 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 3397 ca ghi nhận trong nước.
Tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 1.611 ca, tiếp đến là Bình Dương (571), Long An (379), Đồng Nai (184), Tây Ninh (176), Đồng Tháp (98), Tiền Giang (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Hà Nội (56), Khánh Hòa (51), Quảng Ngãi (26), Bình Thuận (24), Cần Thơ (24), Ninh Thuận (18), Phú Yên (15), Đắk Nông (8 ), Trà Vinh (6), Bình Định (6), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2), Hòa Bình (1), Quảng Nam (1), Kon Tum (1) trong đó có 1.083 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong ngày 23/7 có 7.307 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.295 ca ghi nhận trong nước; Tại TP. Hồ Chí Minh (4913), Bình Dương (608), Long An (602), Đồng Nai (217), Tây Ninh (212), Đồng Tháp (129), Tiền Giang (95), Hà Nội (70), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Khánh Hòa (51), Đà Nẵng (47), Bình Thuận (47), Ninh Thuận (37), Cần Thơ (34), Phú Yên (30), Quảng Ngãi (26), Bến Tre (20), Trà Vinh (15), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Đắk Nông (8 ), Bình Định (6), Đắk Lắk (4), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Quảng Nam (2), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2), Lai Châu (1), Hòa Bình (1), Kon Tum (1) trong đó có 1.274 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều ngày 23/7, Việt Nam có tổng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước.Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 77.967 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Trong ngày hôm nay, có 2.115 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 166 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 19 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.411.659 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều.
Hà Nội giãn cách xã hội từ 24/7
Tối muộn 23/7, trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, Chủ tịch UBND TP ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống.
Đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
Trường hợp người dân khi di chuyển vào Thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của Thành phố.
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch”; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Đề nghị mỗi người dân Thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, Nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa. Ra ngoài đường khi không cần thiết trong lúc này có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Hà Nội thêm nhiều ca mắc mới, nhiều địa điểm phải phong tỏa
Trưa nay (23/7), Sở Y tế Hà Nội thông tin tiếp tục ghi nhận thêm 17 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 thuộc 7 chùm ca bệnh. Như vậy, Hà Nội đã ghi nhận 38 trường hợp dương tính kể từ đêm qua đến nay.
Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 17 ca nhiễm Covid-19 trong trưa 23/7
Cụ thể, gồm 3 bệnh nhân thuộc chùm TP.HCM, 6 bệnh nhân liên quan đến chùm Tân Mai, Hoàng Mai, 3 bệnh nhân liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm.
3 bệnh nhân thuộc chùm TP.HCM gồm:
Bệnh nhân T.T.O, nữ, sinh năm 1998, Hoa Đường, Trường Thịnh, Ứng Hòa, là F1 (vợ) của T.V.C (xác định ngày 22/7) cùng về từ TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay QH240, ngày 22/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
T.N.K, nữ, sinh năm 1991, P1504 C1A Ecohome 2, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa do có bệnh nhân F0, ngày 20/7 có triệu chứng sốt, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Bệnh nhân N.H.C, nam, sinh năm 1986, Mễ Trì Thượng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, là người về từ TP Hồ Chí Minh, ngày 22/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân liên quan đến chùm Bắc Ninh là T.T.T, nữ, sinh năm 1949, số 23 N05 khu tái định cư Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Bệnh nhân là F1 mẹ chồng của N.T.H.N, đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngày 16/7 (âm tính). Ngày 22/7, bệnh nhân xuất hiện sốt, khó thở được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
6 bệnh nhân liên quan đến chùm Tân Mai, Hoàng Mai gồm:
Bệnh nhân C.T.H.Y, nữ, sinh năm 2020, xóm Giếng An, An Thượng, Hoài Đức, là F1 của Đ.T.H (dương tính ngày 22/7), tiếp xúc lần cuối ngày 18/7, ngày 22/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Bệnh nhân T.H.H, nam, sinh năm 1981
Bệnh nhân T.T.B, nữ, sinh năm 1976
Cả hai bệnh nhân đều ở tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân là F1 đã được cách ly và xét nghiệm lần 1 âm tính, ngày 22/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Bệnh nhân N.Đ.T, nam, sinh năm 2016, ngõ 9, Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, là F1 trong gia đình có 03 bệnh nhân dương tính (xác định trong ngày 21-22/7). Ngày 22/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Bệnh nhân Đ.T.H, nữ, sinh năm 1982, thôn Đông, Minh Phú, Sóc Sơn là F1 tiếp xúc lần cuối với F0 ngày 20/7. Ngày 22/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Bệnh nhân N.T.H, nữ, sinh năm 1985, số 31/40 Châu Đài, Thượng Cát 2, Bắc Từ Liêm, là F1 của H.T.M (dương tính 22/7), ngày 22/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân phát hiện qua sàng lọc ho sốt tại cộng đồng là N.T.C, nữ, sinh năm 1984, Vĩnh Lộc, Phùng Xá, Thạch Thất. Ngày 19/7, bệnh nhân xuất hiện ho, rát họng. Ngày 22/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân thuộc chùm Nguyễn Khuyến, Đống Đa là bệnh nhân N.T.H, nữ, sinh năm 1967, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, là F1 đã được cách ly tập trung và xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 22/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
02 bệnh nhân thuộc chùm ca bệnh ho sốt tại cộng đồng thứ phát gồm:
Bệnh nhân N.T.H.P, nữ, sinh năm 1975, tại 4/139 Văn Chương, Đống Đa, là F1 (mẹ) của N.T.D.H (xác định ngày 22/7), tiếp xúc lần cuối ngày 22/7, cùng ngày bệnh nhân cũng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Bệnh nhân C.T.T, nam, sinh năm 1956, thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, là F1 của P.T.Đ, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 22/7, kết quả dương tính.
3 bệnh nhân liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm gồm:
Bệnh nhân N.K.Q, nam, sinh năm 1980, Yên Lỗ, Cẩm Yên, Thạch Thất, là F1 của 03 bệnh nhân xác định dương tính ngày 22/7 tại 40 Thụy Khuê, Tây Hồ, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 22/7, kết quả dương tính.
Bệnh nhân P.T.H, nam, sinh năm 2006, Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân, là F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung. Ngày 22/7, lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
Bệnh nhân L.X.T, nam, sinh năm 1960, địa chỉ 12/26 Võ Văn Dũng, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, là F1 của T.T.M.H, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 22/7, kết quả dương tính.
Trước đó, sáng 23/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội ghi nhận 21 trường hợp mắc mới Covid-19, trong đó có 7 trường hợp trong chùm sàng lọc ho sốt từ cộng đồng và lây nhiễm thứ phát từ F0 của chùm này.
Cụ thể, 6 ca phát hiện qua sàng lọc người ho sốt. 1 ca mắc bệnh thứ phát từ các F0 phát hiện qua sàng lọc người ho sốt (chùm ca bệnh ho sốt tại cộng đồng thứ phát). 2 ca liên quan đến chùm B6 Trại Găng - Hai Bà Trưng, 3 ca liên quan chùm TP.HCM, 3 ca liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm, quận Đống Đa, 5 ca liên quan đến chùm ca bệnh Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa.
Hà Nội phong tỏa hai tòa của chung cư Ecohome 2
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trưa nay phát tin thông báo về một công dân, địa chỉ ở tầng 4, tòa C2, và công dân H.T.M.C. cùng ở tòa C2, khu nhà ở xã hội Ecohome 2 dương tính với SARS-CoV-2.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Bắc Từ Liêm đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế tòa C1 và tòa C2, khu nhà ở xã hội Ecohome 2, đường Tân Xuân, Tổ dân phố Đông Ngạc 7, phường Đông Ngạc.
Thời gian áp dụng 14 ngày kể từ 10 giờ ngày 23/7/2021 đến 10 giờ ngày 6/8 (nếu không phát sinh ca bệnh dương tính).
Như vậy, quận Bắc Từ Liêm đã ghi nhận 3 trường hợp F0 liên quan đến chung cư Ecohome 2.
TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn đến 1/8
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn.
Trong thời gian, từ nay đến 1/8, thành phố sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch. Đồng thời, giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao, mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong.
Theo ông Dương Anh Đức, thời gian này thành phố sẽ tăng cường biện pháp mạnh hơn nữa theo đúng tinh thần chỉ thị 12 của Thành ủy TP ký ngày 22/7.
TP.HCM ra Chỉ thị khẩn số 12 với hàng loạt biện pháp mạnh
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký Chỉ thị khẩn số 12, về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Theo Thành ủy TP.HCM, sau 13 ngày nỗ lực quyết tâm có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành Trung ương thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19, nhưng tình hình dịch tại TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Cụ thể là số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...
Trước tình hình cấp bách do chủng vi rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường; để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điêu trị, cứu chữa bệnh nhân, bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch đang tập trung triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiếm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.
Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch.
Lô vaccine AstraZeneca lớn nhất về đến Việt Nam
Baochinhphu.vn đưa tin, theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 giữa Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca, sáng nay (23/7), thêm 1.228.500 liều vaccine đã được AstraZeneca đưa về Việt Nam tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM.
Đây là lần giao vaccine thứ 5 và cũng là lô hàng lớn nhất từ trước đến nay theo hợp đồng này. Hiện, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương với khoảng 37% tổng lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong nước.
Nghệ An và Hà Tĩnh phát hiện 3 trường hợp mắc mới về từ Bình Dương
Sáng 23/7, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua, Nghệ An ghi nhận 2 trường hợp mới dương tính với COVID-19. Cả 2 đều đã đi từ Bình Dương về, là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Cụ thể như sau:
Bệnh nhân N.T.H, nữ, giáo viên sinh năm 1975 trú tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành là F1, mẹ của bệnh nhân T.T.L đã được công bố trước đó. Ngày 19/7, bệnh nhân cùng người nhà từ Thuận An, Bình Dương về Yên Thành và được cách ly tại Trường Mầm non Sơn Thành. Ngày 20/7, 21/7 bệnh nhân được lấy mẫu lần 1, lần 2 kết quả âm tính. Ngày 22/7, bệnh nhân lấy mẫu lần 3 kết quả khẳng định dương tính với vi rút SAR-CoV-2.
Bệnh nhân L.T.H, nam, sinh năm 2014 tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, là F1, con của bệnh nhân N.T.H đã được công bố trước đó. Ngày 19/7, bệnh nhân cùng người nhà từ Thuận An, Bình Dương về Yên Thành và được cách ly tại Trường Mầm non Sơn Thành. Ngày 20/7, 21/7, lấy mẫu lần 1, lần 2 kết quả âm tính. Ngày 22/7, bệnh nhân lấy mẫu lần 3, kết quả khẳng định dương tính với vi rút SAR-CoV-2.
Như vậy là trên một chuyến xe từ Bình Dương về có 9 người thì đến nay đã có 8 người bị nhiễm COVID-19, còn 1 người nữa đang tiếp tục cách ly.
Theo thống kê của ngành Y tế Nghệ An, tính từ ngày 13/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 183 bệnh nhân mắc COVID-19 tại 13 địa phương.
Cán bộ CDC làm xét nghiệm SARS-CoV-2.
* Tại Hà Tĩnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh thông tin, tỉnh này đã ghi nhận 1 công nhân quê Hà Tĩnh dương tính với SARS-CoV-2 khi trở về từ Bình Dương. Bệnh nhân ngay khi về đến Hà Tĩnh đã được cách ly tập trung.
Bệnh nhân nữ T.T.O (BN 72769 ), sinh năm 1999, trú tại thôn Trường Xuân, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là công nhân tại Bình Dương.
Ngày 17/7, bệnh nhân cùng chồng đi xe máy về Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngày 20/7, hai người về đến huyện Kỳ Anh, thực hiện khai báo y tế và được đưa vào Trường Mầm non xã Lâm Hợp cách ly tập trung theo quy định.
Ngày 21/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ; ngày 22/7, được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính với SAS-CoV-2.
Hiện tại, bệnh nhân được chuyển đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh.
Ngay khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, ngành y tế Hà Tĩnh đã điều tra, lập danh sách các trường hợp liên quan, khử khuẩn môi trường tại khu vực cách ly tập trung.
Bước đầu cơ quan chức năng đã xác định 18 trường hợp F1 là những người đi cùng đoàn, đã được cách ly tập trung ngay khi về địa phương. Ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Như vậy tính từ ngày 04/6 đến nay Hà Tĩnh có tổng cộng 129 bệnh nhân COVID-19.
Binh chủng hóa học (Bộ Quốc phòng) phun khử khuẩn tại các khu vực nóng có ca dương tính mới phát hiện. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Cả nước có 3.898 ca mắc mới
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 22/7 đến 6h ngày 23/7 có 3.898 ca mắc mới ghi nhận trong nước.
Số ca mới ghi nhận nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh với 3.302, tiếp đến là Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Cần Thơ (10), Trà Vinh (9), Đắk Lắk (4), Quảng Nam (1), Lai Châu (1) trong đó có 191 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu mùa dịch, Lai Châu lần đầu tiên ghi nhận có ca mắc mới tại cộng đồng trong giai đoạn này. Đây là ca bệnh có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh.
Tính đến sáng ngày 23/7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 74.570 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Hơn 10.600 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 22/7, số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay) là 70.672 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 22/7, cả nước có 6.194 ca mắc mới, trong đó 30 ca nhập cảnh và 6.164 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4218), Bình Dương (679), Long An 432), Đồng Nai (210), Đồng Tháp (117), Tiền Giang (68), Bến Tre (65), Bà Rịa - Vũng Tàu (63), Hà Nội (50), Cần Thơ (45), Vĩnh Long (38), Đà Nẵng (27), Bình Thuận (26), Phú Yên (21), An Giang (15), Hậu Giang (12), Kiên Giang (11), Trà Vinh (9), Sóc Trăng (8), Bắc Ninh (7), Đắk Lắk (6), Bình Phước (5), Khánh Hòa (5), Quảng Nam (5), Bình Định (4), Hải Phòng (3), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Vịnh Phúc (2), Đắk Nông (2), Hưng Yên (2), Huế (1), Kon Tum (1), Lào Cai (1), Quảng Ngãi (1), Hà Tĩnh (1) trong đó có 1.000 ca trong cộng đồng.
Báo Giao thông cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 ngày 23/7.
Cũng trong ngày 22/7, có 1.450 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; Tổng số ca được điều trị khỏi là 13.421 ca; 129 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.367.939 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.042.984 liều, tiêm mũi 2 là 324.955 liều.
Phú Yên giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ hôm nay
Ngày 22/7, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký văn bản hỏa tốc về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh.
Công văn nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đến ngày 22/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.000 ca bệnh và 6 trường hợp bệnh nhân tử vong.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn đường phố tại Phú Yên
Dự báo trong thời gian tới, số ca bệnh, trong đó bệnh nhân Covid-19 nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng. Do vậy, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 23/7 trên phạm vi toàn tỉnh.
Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh Phú Yên được thực hiện trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/7 theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn buôn cách ly với thôn buôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Đối với TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và một số địa phương thuộc các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh và thị xã Đông Hòa đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, kịp thời điều chỉnh để áp dụng các nguyên tắc theo Chỉ thị 16 trên địa bàn theo văn bản này.
Chủ tịch UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, đảm bảo thực hiện triệt để đối với từng địa bàn, khu vực quản lý.
Tận dụng thời gian giãn cách xã hội để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch đạt kết quả cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn; làm việc tại các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các đơn vị, cơ sở… được phép hoạt động.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu “5K”; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Bộ Y tế đề nghị nhanh chóng hoàn thiện để xem xét cấp phép khẩn cấp vắc xin COVID-19 Nano Covax
Chiều 22/7, GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19 đã chủ trì cuộc họp rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và xem xét đề xuất của nhà sản xuất đối với vắc xin Nano Covax phòng COVID-19.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện công ty Nanogen cho hay, đến nay, vắc xin Nano Covax đã tiêm thử nghiệm lâm sàng trên 13.620 tình nguyện viên. Trong đó, 60 người thuộc giai đoạn 1, 560 người thuộc giai đoạn 2 và 13.000 người giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, có 1.004 người tiêm đủ 2 liều.
Công ty sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng để báo cáo Bộ Y tế vào tuần sau.
Căn cứ trên dữ liệu nghiên cứu, đánh giá chung, vắc xin có an toàn, có tính sinh miễn dịch tốt, nhưng chưa đủ thời gian để đánh giá về hiệu lực (thời gian mà người tiêm có thể được bảo vệ sau khi tiêm đủ liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp cùng với các đơn vị của Bộ Y tế, các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học và công ty Nanogen để sớm có thể nghiên cứu thành công, sản xuất được vắc xin phòng COVID-19 trong nước, để có thể chủ động nguồn cung vắc xin phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận