Thống kê của Bộ Y tế số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam và thế giới trong ngày 25/2/2021.
Ngày 25/02/2021, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 02 vắc xin phòng COVID-19, bao gồm vắc xin của công ty Moderna (Hoa Kỳ) và vắc xin của công ty JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Trước đó, đầu tháng 2/2021, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt vắc xin phòng COVID-19 Vaccine AstraZeneca của Anh lưu hành tại Việt Nam do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Sáng 24/2, 117.000 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Số lượng vắc xin này sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ COVID-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch...
Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vắc xin này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1.2 triệu liều.
Tối 25/2 thêm 8 ca mới, riêng Hải Dương 7 ca
Tính từ 6h đến 18h ngày 25/2, ghi nhận 8 ca mắc mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay, 7 ca tại Hải Dương.
Cụ thể, tại Hải Dương ghi nhận 1 ca bệnh tại huyện Bình Giang được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc (BN2416) và 1 ca bệnh tại thành phố Chí Linh qua giám sát trường hợp có triệu chứng nghi ngờ (BN2418).
Phát hiện thêm 5 ca bệnh đã được cách ly trước đó, trong đó: BN2414 tại thành phố Hải Dương là F1 của BN2210, đã được cách ly tập trung trước đó từ ngày 15/2.
BN2415 tại huyện Tứ Kỳ là F1 của BN2408, đã được cách ly tập trung từ ngày 24/2.
BN2417 tại thành phố Hải Dương là F1 của BN2190, đã được cách ly tập trung trước đó từ ngày 12/2.
BN2419-2420 tại huyện Cẩm Giàng, là các trường hợp có liên quan đến ổ dịch Công ty Kuroda Kagaku, đã được cách ly.
9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh).
Trong ngày tại tỉnh Tây Ninh ghi nhận BN2413 nhập cảnh: nữ, 25 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Bệnh nhân nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ngày 22/2, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh, kết quả xét nghiệm ngày 24/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Bệnh nhân 1536 nặng hơn cả nam phi công người Anh
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.804 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 62 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 57 ca, số ca âm tính lần 3 là 77 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có đến 82,5% không có biểu hiện lâm sàng; số biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, thậm chí nặng hơn BN91- nam phi công người Anh. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay, bệnh nhân đã được chỉ định ECMO (tim phổi ngoài màng cơ thể) từ nhiều ngày nay.
Bệnh nhân đã được hội chẩn quốc gia 6 lần, Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng hội chẩn thường xuyên trên điện thoại và được BV Đa khoa Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp, song bệnh nhân vẫn có diễn biến rất nặng do cao tuổi (79 tuổi), nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường đi kèm nhiều năm. Tất cả các trang thiết bị hiện đại, thuốc hiếm, các xét nghiệm chuyên sâu, dinh dưỡng…. tốt nhất đều được huy động điều trị cho người bệnh.
Trường hợp nặng khác là BN1823 đang chạy ECMO ở BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 vẫn còn nhưng hy vọng tăng lên so với trước. Hôm nay khi cán bộ y tế gọi, bệnh nhân đã biết, làm theo lệnh. BN1823 đã có xét nghiệm PCR virus SARS- CoV-2 mẫu dịch phế quản 1 lần âm tính.
Tại BV dã chiến số 2- BV Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, hiện còn 5 bệnh nhân đang điều trị trong khu vực hồi sức. Trước đó, khu vực hồi sức của BV này điều trị cho 8 bệnh nhân, tuy nhiên đến nay đã có 3 bệnh nhân đã hết tình trạng hồi sức, xét nghiệm COVID-19 âm tính được chuyển về khu điều trị bệnh nhân âm tính.
Trong số 5 bệnh nhân đang điều trị hồi sức có bệnh nhân 86 tuổi hiện thở máy không xâm nhập đáp ứng tốt và BN1965 (là ca bệnh phát hiện dương tính SARS-CoV-2 qua sàng lọc tại cơ sở y tế) vốn là bệnh nhân rất nặng hiện đã có nhiều tiến triển.
Trong số 5 bệnh nhân đang điều trị hồi sức có bệnh nhân 86 tuổi hiện thở máy không xâm nhập đáp ứng tốt và BN1965 (là ca bệnh phát hiện dương tính SARS-CoV-2 qua sàng lọc tại cơ sở y tế) vốn là bệnh nhân rất nặng hiện đã có nhiều tiến triển.
Qua hội chẩn của Hội đồng chuyên môn và sự nỗ lực cúa các bác sĩ điều trị tại BV dã chiến số 2, sự hỗ trợ tích cực của ê kíp BV Bạch Mai, sức khỏe của BN1965 đang điều trị tại BV dã chiến số 2 ở Hải Dương vốn là bệnh nhân nặng đã có nhiều tiến triển rõ rệt.
Nhân viên bán xăng đi những đâu trước khi dương tính?
Chiều 25/2, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 mới. Người bệnh là anh T.C.L (SN 1973, trú thôn Báo Đáp, xã Đại Hợp), là nhân viên bán xăng tại xã Kim Liên (huyện Kim Thành).
Theo báo cáo dịch tễ ban đầu xác định, ngày 21/1, anh chuyển từ cây xăng Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc) sang cây xăng Kim Lương, xã Kim Liên (huyện Kim Thành) làm việc.
Từ ngày 21/1-23/2, hàng ngày, anh L. đi xe máy tới cây xăng làm việc từ 17h đến 18h30 hôm sau. Tại cây xăng này, anh làm cùng bảo vệ là L.D.M, anh N.Đ.V (SN 1981, ở TP Hải Dương) là cửa hàng trưởng cùng 3 nhân viên khác.
Hàng ngày, anh có tiếp xúc với F0 là anh L.DM (SN 1950, bảo vệ cây xăng).
Trưa 23/2, anh L. đi 1 mình vào nhà ông N.Đ.M, ở cùng thôn mua vịt. Tết không đi đâu mà chỉ ở nhà, tiếp xúc với những người trong gia đình.
Ngày 24/2, anh L. đi cách ly tại khu cách ly tập trung huyện Tứ Kỳ.
Đêm 24/2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Tứ Kỳ đã phong tỏa thôn Báo Đáp, xã Đại Hợp. Đồng thời, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly đối với những người liên quan. Phun khử khuẩn khu vực phong tỏa, nơi ở bệnh nhân và các trường hợp F1, F2.
UBND huyện Tứ Kỳ yêu cầu UBND các xã thị trấn lập tức cho thông báo toàn bộ người về từ huyện Kim Thành khai báo, tự cách ly tại nhà và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.
Đến nay, Tứ Kỳ có 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến Cẩm Giàng và Kim Thành.
Khẩn tìm người đến tiệm cắt tóc, shop quần áo trẻ em... ở Hải Dương
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đề nghị những người đã đến những địa điểm sau đây cần liên hệ và khai báo ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ.1. Thôn Bằng Trai, xã Vĩnh Hồng; thôn Kênh, xã Bình Xuyên; tiểu khu Ấp Thanh Bình, khu 1, TT Kẻ Sặt; khu Thượng, TT Kẻ Sặt thuộc huyện Bình Giang từ ngày 03/02/2021 đến nay.
2. Tiệm cắt tóc ở vỉa hè đường Thống Nhất đối diện Nhà văn hóa trung tâm huyện Bình Giang từ ngày 08/02/2021 đến 13/02/2021.
3. Vỉa hè đường 392 gần cổng Đền Liệt sỹ huyện Bình Giang từ ngày 08/02/2021 đến 13/02/2021.
4. Chợ làng Phụng Viện, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang từ ngày 03/2/2021 đến 10/02/2021.
5. Các shop quần áo trẻ em khu vực cổng Nhà thờ giáo xứ Anton, huyện Bình Giang từ ngày 10/02/2021 đến nay.
6. Phòng khám Lê Khoa gần cầu Sặt, TT Sặt, huyện Bình Giang từ ngày 10/02/2021 đến nay.
7. Trạm y tế TT Kẻ Sặt, huyện Bình Giang lấy mẫu xét nghiệm Covid -19, sáng ngày 23/2/2021.
Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương phân công: Đ/c Nguyễn Văn Hoàn, SĐT: 0913.350.829 tiếp nhận liên hệ hoặc qua trực ban Công an huyện Bình Giang số: 02203777535; cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ
TP.HCM cho mở lại nhà hàng, tiếp tục đóng cửa quán bar
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn gửi các sở, ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tiếp tục công tác phòng chống Covid-19.
Theo đó, từ 1/3, TP.HCM cho phép mở cửa lại các hoạt động du lịch, giao thông vận tải, đơn vị kinh doanh ăn uống, chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, bảo tàng, di tích lịch sử, thư viện, phòng đọc sách.
Các hoạt động phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 m, dịch vụ ăn uống không phục vụ quá 30 người cùng lúc.
TP.HCM tiếp tục đóng cửa các dịch vụ thuộc lĩnh vực vũ trường, quán bar, pub, beer club, các cơ sở hoạt động thể thao trong không gian kín (gym, yoga…) cho đến khi có thông báo mới. Các hoạt động không thuộc nhóm trên được mở cửa lại nhưng phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Hà Nội: Bệnh nhân tái dương tính Covid-19 sau khi ra viện 4 ngày
Sở Y tế TP Hà Nội vừa cho biết, trên địa bàn TP ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tái dương tính với Covid-19. Bệnh nhân là Đ.T.L, từng được Bộ Y tế công bố ca bệnh 1819, sinh năm 1973, có địa chỉ tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.
BN 1819 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ ngày 30/1 đến 20/2. Ngày 21/2, bệnh nhân được ra viện sau 3 lần có kết quả xét nghiệm âm tính vào các ngày 14/2, 17/2 và 20/2. Ngày 24/2, bệnh nhân được lấy mẫu theo dõi sau ra viện.
Kết quả xét nghiệm ngày 25/2, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân được liên hệ để chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 để tiếp tục cách ly, điều trị.
Sáng 25/2, không ca mắc mới
Theo bản tin Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca mắc ở Việt Nam tính đến 6h ngày 25/2: Việt Nam có tổng cộng 1.513 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 820 ca.
Tính từ 18h ngày 24/2 đến 6h ngày 25/2: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 88.583, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 592. Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.112. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 75.879.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:- 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1719, BN1746, BN1694, BN1560, BN1950, BN2268, BN1873, BN1968, BN2005, BN1718, BN1717, BN1697, BN2069, BN1696.- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:+ Lần 1: 62+ Lần 2: 57+ Lần 3: 77- Số ca tử vong: 35 ca.- Số ca điều trị khỏi: 1.804 ca.
Hơn 80% bệnh nhân tự hồi phục sau 1 tuần
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong đợt dịch mới, 83% bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện nhẹ, rất khó phát hiện trong các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, Bộ Y tế vừa điều chỉnh, ban hành hướng dẫn mới chăm sóc người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Các dữ liệu cho thấy, bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng tới những biểu hiện bệnh lý nặng.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2 từ 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày.
Các triệu chứng khởi phát hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
Tuy nhiên có trên 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Thậm chí một số trường hợp không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào.
Chỉ 14% người bệnh có diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.
2 ca bệnh nặng, tiên lượng khó qua khỏi
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chiều nay có 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 2 trường hợp bệnh nhân nặng, đặc biệt bệnh nhân cao tuổi (79 tuổi là người nhập cảnh, có nhiều bệnh nền) đang rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn đã nhiều lần hội chẩn quốc gia điều trị cho trường hợp này.
Đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TP Hồ Chí Minh 12 ngày, TP Hà Nội 9 ngày.
“Như vậy, đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước có thể thấy rằng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế”, ông Long nhấn mạnh.
Đối với chùm ca bệnh tại Hải Phòng, nhận định ban đầu có liên quan đến Hải Dương. Hải Phòng đã lấy gần 3.000 mẫu, trong đó có 358 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan. Đến nay tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính. Đối với tình hình dịch tại Hải Dương, đến nay tình hình đang được kiểm soát tốt. Tốc độ lấy mẫu xét nghiệm và truy vết của Hải Dương tăng lên rõ rệt.
Hình ảnh lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên ở Tân Sơn Nhất
Gia Lai: Học sinh đi học trở lại từ 1/3
Sáng 25/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến 07h cùng ngày, toàn tỉnh Gia Lai trải qua 14 ngày không phát hiện thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 mới.
Ngoài ra, tỉnh này cho biết đã có 7/27 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được xuất viện. 20 ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid -19 của tỉnh. Đa số các bệnh nhân trên sức khoẻ tương đối ổn định.
Các ổ dịch tại các địa phương đã được xử lý kịp thời, hiệu quả. Việc khoanh vùng, truy vết đã hoàn tất, không phát sinh thêm các trường hợp F1, F2. Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ trong cộng đồng hiệu quả.
Trước tình hình trên, tỉnh Gia Lai đã khôi phục lại nhiều hoạt động kinh tế của tỉnh, như: Đối với các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh ( trừ thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa): Khôi phục, cho hoạt động bình thường đối với các hoạt động, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã tạm dừng theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 3/2/2021 của Chủ tịch tỉnh Gia Lai.
Cơ quan y tế kiểm tra việc đeo khẩu trang của bệnh nhân trước khi cho phép bệnh nhân xuất viện trở về địa phương.
Đối với thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa, khôi phục trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, GTVT từ 00h ngày 25/02/2021.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng tại hai địa phương trên vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
"Tiếp tục tạm dừng các cơ sở hoạt động không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường...) cho đến khi có thông báo mới.
Tiếp tục phong tỏa hẹp khu dân cư thuộc Tổ dân phố 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa cho đến khi đủ điều kiện cho phép giải tỏa.
Về giáo dục, UBND tỉnh Gia Lai cho phép, học sinh các cấp học, bậc học, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh trở lại dạy và học bình thường từ ngày 01/3.
Ngoài ra để chủ động phòng dịch, UBND tỉnh GIa Lai đề nghị chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra và tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Nghệ An: Cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 3 người về từ Hải Dương
Tối 24/2, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, đơn vị vừa lấy mẫu xét nghiệp 4 người trong một gia đình ở xã Nghi Phú trở về từ Hải Dương. Kết quả 3 người âm tính lần 1 với Covid-19; người còn lại chưa có kết quả.
Theo ông Hà Văn Trung, Chủ tịch xã Nghi Phú (TP.Vinh, Nghệ An), trước đó ngày 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tỉnh Hải Dương đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế 14 ngày đối với 42 hộ gia đình, với 110 nhân khẩu xóm Ngoi (thôn Thượng Bì 2, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Chính vì thế, sau khi trở về từ xã Yết Kiêu, 4 người trong gia đình đã chủ động khai báo y tế và thực hiện cách ly.
“Trong buổi chiều 23/2, ba mẹ con trong gia đình này đã bắt xe về địa phương. Sáng 24/2, người chồng tiếp tục đi xe máy từ xã Yết Kiêu về và được cách ly lấy mẫu xét nghiệm. Khi về đến địa phương, anh này có xuất trình một giấy chứng nhận của UBND xã Yết Kiêu cho phép rời khỏi xã. Nơi ở của gia đình 4 người này ở xã Yết Kiêu không thuộc khu vực phải thiết lập cách ly y tế...,” ông Trung nói.
Người Nhật tử vong ở Hà Nội nhiễm biến chủng nCoV mới
Cụ thể, liên quan đến vấn đề giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 tìm thấy trong các ca mắc tại Việt Nam, sáng 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Kết quả giải trình tự gene của trường hợp bệnh nhân Nhật Bản đã tử vong và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy đây là virus SARS-CoV-2 nhóm 20C. Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan... nhưng không có ở Nhật Bản.
Tốc độ lây nhiễm của chủng này không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng chưa rõ ràng.
Đối với chủng lưu hành tại Hải Dương là biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh, có một mẫu là chủng lưu hành tại Nam Phi; 8 mẫu lưu hành tại Quảng Ninh cũng là biến chủng của Anh.
“Mầm bệnh có thể đã tồn tại trong cộng đồng, do vậy cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.
Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện các công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, đối với TP Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác, tập trung giám sát các cơ sở y tế, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho trong cộng đồng, các chuyên gia nước ngoài và những người nhập cảnh.
Vắc-xin phòng Covid-19 Jassen do Johnson & Johnson sản xuất. Ảnh: AP
Diễn biến liên quan, theo trang Worldometers, Mỹ và Brazil hiện là hai nước có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất thế giới lần lượt là 62.530 và 63.000, nhưng đã giảm khá nhiều so với số liệu ghi nhận một ngày trước đó. Các nước có số ca nhiễm mới trên 10.000 trong 24h qua là Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Cộng hòa Czech.
Vắc-xin phòng Covid-19 Johnson & Johnson đạt hiệu quả và an toàn
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố hôm 24/2 cho biết, vắc-xin một mũi tiêm Jassen được Tập đoàn Johnson & Johnson điều chế đã phát huy tính hiệu quả và an toàn trong các cuộc thử nghiệm, khi đạt hiệu quả lên tới 66% trong việc giúp gần 44.000 người tham gia cuộc thử nghiệm tại nhiều quốc gia miễn nhiễm trước các biến thể của Covid-19.
Cụ thể, mức hiệu quả của vắc-xin trên là 72% ở nước Mỹ, 66% ở khu vực Mỹ Latinh và 57% ở đất nước Nam Phi, nơi biến thể mới đã lây lan rộng. Ngoài ra, vắc-xin đạt hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn chặn tình trạng ca nhiễm bệnh trở nên nghiêm trọng.
Dù có ít nhất ba người được tiêm vắc-xin chịu một số phản ứng phụ khá nghiêm trọng trong quá trình thử nghiệm, nhưng dữ liệu phân tích của FDA nhận định không có bất kỳ lo ngại cụ thể về tính an toàn trong việc cấp phép sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 Jassen của Johnson & Johnson trong trường hợp khẩn cấp.
Trung Quốc tính cấp phép cho hai vắc-xin phòng Covid-19 mới
Theo hãng tin AP, Trung Quốc đang xem xét việc cấp phép cho hai loại vắc-xin Covid-19 mới được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Sinopharm và công ty CanSino.
Dữ liệu được Tập đoàn Sinopharm công bố cho thấy, kết quả thử nghiệm tính hiệu quả của vắc-xin họ phát triển tại thành phố Vũ Hán đạt 72,51%, trong khi công ty CanSino cho biết vắc-xin của họ khi thử nghiệm đạt mức hiệu quả là 65,28%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận