Bản tin lúc 18h00 ngày 26/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, trong ngày không có ca mắc mới COVID-19 nào. Hiện cả nước vẫn có 270 ca mắc. Như vậy, đã hai ngày liên tiếp trôi qua, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19.
Hiện có 52.196 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly. Trong đó, 325 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 9.836 người cách ly tập trung tại cơ sở khác, 42.035 người cách ly tại nhà.
Về các ca bệnh đang điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2; 3 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2.
Phi công người Anh dương tính trở lại với Covid-19, phổi đông đặc
Sáng 26/4, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, ca bệnh cuối cùng nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục có những diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Phổi bệnh nhân bị đông đặc chưa cải thiện, tiên lượng còn rất nặng.
Sau 3 ngày liên tiếp xét nghiệm âm tính, đến ngày 25/4 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân bất ngờ dương tính trở lại với SARS-CoV-2.
Hiện người bệnh đang nhận được sự hỗ trợ chuyên môn tích cực từ Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế và phối hợp liên viện giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các giải pháp điều trị tối ưu nhất đã được các bác sĩ thực hiện với nỗ lực sớm giúp bệnh nhân qua được giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng phổi bị đông đặc của người bệnh chưa cải thiện, phổi phải đông đặc mặt sau và đáy phổi, có tràn dịch lượng ít, phổi trái đông đặc 1/2 dưới.
Bệnh nhân đã bước sang ngày thứ 21 phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo - oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể), tiếp tục phải thở máy, lọc máu và sử dụng kháng sinh, kháng nấm. Tiên lượng của bệnh nhân còn rất nặng, các bác sĩ chưa thể nói trước được khả năng bình phục trong thời gian tới.
WHO công nhận chất lượng kit xét nghiệm nCoV của Việt Nam
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận chất lượng kit xét nghiệm nCoV của Việt Nam, cấp mã số danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL).
Thông tin được đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết hôm 26/4. WHO đánh giá "kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Đây là 2 loại kit chẩn đoán nCoV bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR) được nghiên cứu và phát triển thành công bởi Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị cấp kinh phí nghiên cứu.
Kit thử đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam hồi đầu tháng 3.
TP.HCM 19 ngày không xuất hiện ca bệnh mới
Sáng 26/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, TPHCM cho biết, trên địa bàn đã qua 19 ngày không xuất hiện ca bệnh mới.
Hiện trung tâm đang tiến hành theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân xuất viện sau điều trị Covid-19. Thực hiện hồ sơ theo dõi 47 trường hợp trong đó 6 trường hợp chờ đến ngày lấy mẫu xét nghiệm, 37 có trường hợp âm tính, 4 trường hợp đang đợi kết quả.
Sở Y tế thành phố đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở tiêm chủng an toàn; tiếp tục kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19, bộ tiêu chí rủi ro lây nhiễm tại các nhà máy, xí nghiệp.
Không có ca nhiễm mới, 83% bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Sáng 26/4, Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 25/4 đến 6h ngày 26/4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới. Số ca mắc Covid-19 đến nay là 270 ca, trong đó 225 ca đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 52.196.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 3 ca.
Kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế các địa phương
Bộ Y tế cho biết, nhằm bảo đảm an toàn trong công tác khám chữa bệnh và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố và Bộ, ngành khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản liên quan khác.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Sở Y tế và y tế các bộ, ngành làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc phân luồng, sàng lọc, cách ly và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc.
Các địa phương, bộ, ngành phải bảo đảm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch theo quy định; chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Quốc gia nếu để xảy ra trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 do không đảm bảo phòng hộ cá nhân.
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố và bộ, ngành nghiêm túc triển khai; nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo Quốc gia để được giải quyết.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 giao Bộ Y tế thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 tại các địa phương.
Bộ Y tế yêu cầu tất cả các tỉnh báo cáo vụ mua máy xét nghiệm Covid-19
2 công văn được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký liên tiếp trong các ngày 17/4 và 24/4 do nhiều địa phương chưa gửi báo cáo về việc mua sắm hệ thống Real-time PCR tự động phục vụ xét nghiệm Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế yêu Sở Y tế tất cả các tỉnh, các bộ ngành và một số bệnh viện tư nhân tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế.
Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến 29//2020.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị gửi tài liệu photocopy, đóng dấu sao y bản chính các văn bản: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.
Đề xuất cho học sinh Hà Nội trở lại trường theo 4 giai đoạn
Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng kịch bản đón học sinh trở lại trường với 4 giai đoạn để trình UBND thành phố.
Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, giai đoạn đầu, Sở đề xuất cho học sinh khối 9 và 12 đi học từ ngày 4/5 để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT.
Lúc này, do số học sinh đi học ít nên có đủ phòng và số giáo viên để chia tách lớp ra từng lớp nhỏ, đảm bảo khoảng cách giãn cách học sinh tối thiểu 1,5m theo quy định của Bộ Y tế.
Giai đoạn 2, dự kiến khoảng sau đó 2 tuần, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, sẽ cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 đi học.
Giai đoạn 3, dự kiến vào tuần cuối cùng của tháng 5, học sinh từ lớp 1 đến 12 sẽ trở lại trường.
Giai đoạn cuối cùng đối với trẻ mầm non và nếu dịch kiểm soát tốt, Sở sẽ đề xuất cho đi học trở lại từ đầu tháng 6.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận