Xã hội

Covid-19 ngày 26/7: Tối nay 5.174 ca mắc, cả ngày có 7.882 bệnh nhân mới

26/07/2021, 19:00

Tình hình dịch Covid-19 ngày 26/7 tại Việt Nam: Bản tin dịch tối 26/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 5.174 ca mắc, riêng TP.HCM là 4.283 ca bệnh.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tổng số mắc trong ngày là 7.882 ca. Có 2.006 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 26/7.

Thông tin các ca mắc mới: Tính từ 6h đến 18h30 ngày 26/7 có 5.174 ca mắc mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 5.155 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4.283), Bình Dương (326), Đồng Nai (134), Đồng Tháp (116), Hà Nội (81), Cần Thơ (36); Đà Nẵng (34), Bình Thuận (25), Phú Yên (20), Bến Tre (18), Đắk Lắk (13), Trà Vinh (13), Vĩnh Phúc (10), Bình Định (8), Quảng Nam (8 ), Lâm Đồng (7), Ninh Thuận (7), Quảng Ngãi (4), Gia Lai (3), Bạc Liêu (2), Nghệ An (2), Tuyên Quang (1), Cà Mau (1), Hòa Bình (1), Đắk Nông (1), Huế (1) trong đó có 380 ca trong cộng đồng.

img

Thông tin tình hình dịch Covid-19 liên tục được cập nhật trong ngày trên Báo Giao thông.

Trong ngày 26/7 có 7.882 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5997), Bình Dương (733), Đồng Nai 259), Tiền Giang (201), Đồng Tháp (135), Hà Nội (81), Đà Nẵng (61), Vĩnh Long 49), Bình Thuận (48), Phú Yên (46), Cần Thơ (43), Bến Tre (37), Đắk Lắk (29);

Bình Định (27), An Giang (25), Trà Vinh (13), Khánh Hoà (12), Vĩnh Phúc (10), Lâm Đồng (9), Quảng Nam (8 ), Hậu Giang (7), Ninh Thuận (7), Đắk Nông (6), Quảng Ngãi (4), Gia Lai (3), Bạc Liêu (2), Nghệ An (2), Hưng Yên (1), Tuyên Quang (1), Cà Mau (1), Hòa Bình (1), Huế (1) trong đó có 887 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 26/7, Việt Nam có tổng 106.347 ca mắc, trong đó có 2.201 ca nhập cảnh và 104.146 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 102.576 ca, trong đó có 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 26/7 có 2.006 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 21.344 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 126 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 15 ca. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.

img

17 bệnh nhân xuất viện và tiếp tục theo dõi tại nhà. (Ảnh: Khôi Nguyễn).

17 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch ở TP.HCM xuất viện

Chiều 26/7, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM đã trao giấy ra viện cho 17 trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch sau một thời gian điều trị đã đủ điều kiện ra viện.

Đến dự buổi lễ ra viện của các bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đây là sự kiện đặc biệt đối với các bệnh nhân cũng như của Bệnh viện Hồi sức COVID-19.

Thời gian vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, công tác tiếp nhận, cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19 rất nặng, nguy kịch của TP.HCM đã có những thành quả ban đầu. Điều này nhờ vào sự vào cuộc của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế khi đã sớm xây dựng và có những giải pháp về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế ban đầu để hình thành được cơ sở y tế hiện đại. Cùng với đó là sự nỗ lực hết mình của nhân viên y tế từ các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện của TP.HCM, các bệnh viện và Sở Y tế nhiều tỉnh thành cả nước đến chi viện… tạo nên một đội ngũ chuyên nghiệp với trình độ cao nhất, cố gắng cứu sống những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, trong thời gian vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân, trong đó có 83 bệnh nhân nặng, nguy kịch đã giảm nhẹ tình trạng bệnh, chuyển sang các bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục điều trị.

Riêng chiều 26/7 có 17 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần và đảm bảo đủ điều kiện để xuất viện. Đây đều là những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch với nhiều đặc điểm tình trạng bệnh khác nhau, tuy nhiên, với sự cố gắng của tập thể y bác sĩ trong giai đoạn đầu bệnh viện đi vào hoạt động, các bệnh nhân đã được chăm sóc chu đáo, cứu chữa tận tình, trong đó có một số bệnh nhân là người nước ngoài. Sau khi xuất viện, các bệnh nhân này tiếp tục theo dõi tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

img

TP.HCM triển khai cao điểm phun khử khuẩn từ sáng 23/7 tại các nơi có nguy cơ cao. Ảnh- Quỳnh Danh.

Tìm người tung tin thất thiệt TP.HCM dùng 5 trực thăng phun khử khuẩn

Chiều 26/7, Trung tâm Báo chí TP.HCM (Sở Thông tin - Truyền thông) cho biết mạng xã hội đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc đề nghị người dân không ra đường từ tối 26/7 do có 5 máy bay trực thăng phun khử trùng vào không khí để diệt khuẩn.

Bộ Tư lệnh TP.HCM khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.

Trước đó, sáng 23/7, Bộ Tư lệnh TP.HCM triển khai cao điểm 7 ngày phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thời gian phun khử khuẩn từ sáng 23/7 và kéo dài 7 ngày liên tiếp. Địa điểm là các khu vực có nguy cơ cao tại TP.HCM.

Lực lượng phối hợp gồm Lữ đoàn PH87 (Binh chủng Hóa học) với 4 xe chuyên dụng, 40 chiến sĩ; Tiểu đoàn PH38 (Quân khu 7) với 6 xe chuyên dụng và 25 chiến sĩ.

Trung tâm Báo chí TP.HCM đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác. Người dân thành phố nên cập nhật thông tin từ báo chí.

Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h hôm sau.

Test ngẫu nhiên, 2 người đi đường ở TP.HCM dương tính

Hai người dương tính SARS-CoV-2 được phát hiện khi lực lượng chức năng tuần tra lưu động và làm xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên người đi đường tại quốc lộ 50.

Sáng 26/7, Trạm CSGT Đa Phước thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM phối hợp chính quyền xã Bình Hưng, xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) tổ chức kiểm soát lưu động người ra đường theo Chỉ thị 16 tại tuyến quốc lộ 50.

img

TP.HCM phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2 qua xét nghiệm nhanh người đi đường.

Qua xét nghiệm nhanh 48 người đi đường, lực lượng chức năng phát hiện 2 người dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, hai người này được đưa đi cách ly và điều tra dịch tễ.

Tính đến 10h hôm nay (26/7), tổ công tác kiểm tra 280 người điều khiển phương tiện, lập biên bản 11 người lỗi ra đường không có lý do chính đáng.

Từ 24/7, thành phố tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp siết chặt hơn đến ngày 1/8. Trong đó, thành phố yêu cầu người dân không ra đường sau 18h, đảm bảo giãn cách giữa người với người, nhà với nhà.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh hai nhiệm vụ chính trong chống dịch COVID-19 hiện nay là giảm số ca F0 và nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu tử vong.

Tính từ 27/4 đến sáng 26/7, TP.HCM ghi nhận 62.139 ca mắc COVID-19, là địa phương có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất cả nước.

Thêm 14 ca dương tính, BV Phổi Hà Nội đã có 23 ca

Vnexpress đưa tin, sáng 26/7, Bệnh viện Phổi Hà Nội phát hiện thêm 14 trường hợp dương tính nCoV, nâng tổng số ca lên 23 trong 12 giờ qua. Sở Y tế cũng ghi nhận thêm 12 ca thuộc 7 chùm lây nhiễm khác.

Thông tin được ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, xác nhận sáng nay. Như vậy, Bệnh viện Phổi Hà Nội là ổ dịch mới tại Hà Nội. Bệnh viện đã bị cách ly y tế đêm qua.

img

Cập nhật tin tức Covid-19 tại Việt Nam ngày 26/7

Các ca này chưa được Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân, coi như nghi nhiễm.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Phổi Hà Nội lấy gần 400 mẫu để xét nghiệm sàng lọc. Hiện tại, ngoài 23 ca dương tính, các mẫu còn lại vẫn chờ kết quả.

Tối qua, Bệnh viện Phổi xét nghiệm sàng lọc phát hiện 14 trường hợp tại khoa Nội 3 dương tính nCoV, gồm 10 bệnh nhân, 3 nhân viên y tế, một người nhà bệnh nhân, tại khoa Nội 3. Mẫu bệnh phẩm của họ được gửi đến CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định RT-PCR, trong đó 9 người đã có kết quả xét nghiệm khẳng định, gồm 7 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế.

Ninh Bình: Ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 có nhiều bệnh lý nền

Ngày 26/7, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, đã ghi nhận một trường hợp tái dương tính với Sars-CoV-2 tử vong do bệnh nền yếu.

img

Tỉnh Ninh Bình ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì Covid-19 do bệnh nền yếu (Ảnh minh họa)

Theo đó, vào hồi 5h20 ngày 25/7, tỉnh Ninh Bình ghi nhận 1 ca tử vong do nhiễm Covid-19 là ca bệnh 3865. Đây là bệnh nhân tái dương tính với Sars-CoV-2 có tiền sử ung thư phổi được cách ly và điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Bệnh nhân 3865, sinh năm 1976, trú tại xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngày 4/5/2021 đến Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều điều trị u phổi, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với Sars-CoV-2 và được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Trong thời gian điều trị, bệnh nhân được lấy mẫu 5 lần trong đó 2 lần dương tính vào ngày 29/5 và 1/6; 3 lần âm tính từ ngày 3/6 đến 6/6, 9/6. Ngày 10/5, bệnh nhân được về cách ly tại Trạm Y tế xã Văn Hải và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với Sars-CoV-2. Ngày 12/6, bệnh nhân được chuyển vào Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn.

Hồi 5h 00 phút ngày 25/7/2021 bệnh nhân ho ra máu, da xanh tái, mạch nhanh khó bắt, huyết áp không đo được. Ngay lập tức bệnh nhân được tiến hành hồi sức hô hấp, tim mạch nhưng không hiệu quả, bệnh nhân tử vong hồi 5h20 cùng ngày. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm Covid-19 tại tỉnh Ninh Bình có tiền sử bệnh lý nền ung thư phổi.

Được biết, hiện tỉnh Ninh Bình đang điều trị cho 14 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 6 trường hợp được cách ly, điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư và 8 trường hợp cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn.

Sáng nay cả nước thêm 2.708 ca mắc mới

Bộ Y tế thông tin, tính từ 19h ngày 25/7 đến 6h ngày 26/7 có 2.708 ca mắc mới.

Trong đó, 04 ca nhập cảnh và 2.704 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.714), Bình Dương (407), Tiền Giang (201), Đồng Nai (125), Vĩnh Long (49), Đà Nẵng (27), Phú Yên (26), An Giang (25), Bình Thuận (23), Bình Định (19), Đồng Tháp (19), Bến Tre (19), Đắk Lắk (16), Khánh Hòa (12), Cần Thơ (7), Hậu Giang (7), Đắk Nông (5), Lâm Đồng (2), Hưng Yên (1) trong đó có 507 ca trong cộng đồng.

Tính đến sáng 26/7, Việt Nam có tổng 101.173 ca mắc, trong đó có 2.182 ca nhập cảnh và 98.991 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 97.421 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 19.342 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca. Tiểu ban điều trị cung cấp bổ sung số ca tử vong của các địa phương gửi về thêm 154 trường hợp (thành phố Hồ Chí Minh 129, Đồng Tháp 9, Long An 7, Cần Thơ 2, Khánh Hoà 2, Ninh Thuận 1, Bắc Ninh 1, Trà Vinh 1, Kiên Giang 1, Đồng Nai 1).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.262.258 mẫu cho 14.982.078 lượt người. Trong ngày 25/7, có 77.967 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.

Từ 26/7, người TP.HCM không ra đường sau 18h hằng ngày

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết bắt đầu từ tối 26/7, người dân không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.

Tối 25/7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 7. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay tình hình diễn biến khó lường, có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách, từ chính một bộ phận người dân.

Việc kiểm soát của cơ quan chức năng “ngoài chặt trong lỏng”, hiện nay ở một số địa bàn đang diễn ra việc tiếp xúc giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi ra đường dù TP đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu phải nhận thức được việc này là hết sức nguy hiểm là nguyên nhân dịch kéo dài, bắt buộc phải dùng các biện pháp mạnh hơn, cao hơn, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Ông Phong cho rằng trước đây Phó bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi đã nêu ra 3 kịch bản chống dịch. Dù cố gắng nhưng TP không đạt được mục tiêu kịch bản thứ 1 và phải thực hiện kịch bản thứ 2, tăng cường mạnh mẽ thực hiện chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao. Và hiện nay trước tình hình nêu trên, kịch bản thứ 3 nhiều khả năng sẽ được áp dụng với những biện pháp chống dịch như trong điều kiện khẩn cấp.

Đây là điều mà TP không mong muốn nhưng vì chỉ có một con đường để chiến thắng dịch bệnh nên đề nghị trên tinh thần chỉ thị 12 phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Để kịch bản thứ 3 không xảy ra, UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã ban hành công văn 2468 với các biện pháp hết sức quyết liệt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

img

Người dân TP.HCM tuyệt đối không được ra đường từ 18h ngày 26/7

Phát hiện 14 ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Hà Nội

Tối 25/7, bác sĩ Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, qua xét nghiệm sàng lọc, bệnh viện đã phát hiện 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (gồm: 10 bệnh nhân, 3 nhân viên, 1 người nhà bệnh nhân) tại Khoa Nội 3.

Sau đó, 14 mẫu bệnh phẩm này được gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để xét nghiệm khẳng định. Tính đến 18h ngày 25/7, có 9 mẫu bệnh phẩm (gồm: 7 bệnh nhân và 2 cán bộ y tế) được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 (do CDC Hà Nội thực hiện). 5 mẫu còn lại sẽ có kết quả khẳng định vào đêm nay.

Trước đó, nữ bệnh nhân L.T.T.L (SN 1997, địa chỉ ở quận Tây Hồ) được điều trị tại Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Hà Nội từ ngày 6/7 đến 22/7. Khi xuất viện vào ngày 22/7, sức khỏe của bệnh nhân L. hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, đến ngày 24/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt và đến khám tại Bệnh viện Phương Đông. Tại đây, bệnh nhân được làm test nhanh và có kết quả dương tính. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương và ngày 25/7 có kết quả RT-PCR dương tính.

"Sau khi nhận thông báo về bệnh nhân L. dương tính, từ 7h sáng nay, chúng tôi đã cách ly y tế toàn bộ bệnh viện, tiến hành "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Cùng với đó là tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Theo kế hoạch, bệnh viện sẽ lấy gần 400 mẫu (gồm cả người nhà và cán bộ, nhân viên đang nghỉ cuối tuần tại nhà)", bác sĩ Phạm Hữu Thường nói.

Tính đến 18h tối nay, bệnh viện đã lấy được 323 mẫu, trong đó có 214 bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện. Sau khi xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 14 ca dương tính tại Khoa Nội 3, bệnh viện đã lập tức phong tỏa toàn bộ khoa này. Khi nhận được thông báo của CDC Hà Nội 9/14 ca có kết quả khẳng định dương tính, vào 18h tối nay, bệnh viện đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Hữu Thường cho biết, hiện chưa xác định được nguồn lây. Công tác truy vết, điều tra dịch tễ đang được bệnh viện tiến hành rất khẩn trương.

Trong đêm nay và sáng mai, khi tiếp tục có kết quả xét nghiệm, bệnh viện sẽ xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận Hai Bà Trưng thực hiện phong tỏa toàn bộ bệnh viện.

Hai ca nhiễm tử vong ở Bến Tre là nữ, có 1 thai phụ

Chiều 25/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương vừa ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), trong đó có một trường hợp là thai phụ.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 là một thai phụ, sinh năm 1991, ngụ tại ấp Thạnh Ngãi, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Bệnh nhân nhập viện ngày 18/7, và được xử trí, thở oxy mask, điều trị kháng sinh, corticoid, kháng đông. Ngày 19/7, thai phụ trong tình trạng suy hô hấp nặng hơn, được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục. Bệnh diễn tiến nặng và tử vong; chẩn đoán tử vong viêm phổi mức độ nguy kịch do SARS-CoV2 - thai 20 tuần. Bệnh nhân có tiền căn đái tháo đường thai kỳ.

Ca Covid-19 thứ hai tử vong cùng ngày tại bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu là nữ bệnh nhân sinh năm 1971, ngụ tại ấp An Thuận, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri. Người này có tiền căn tăng huyết áp.

Trước đó, bệnh nhân test Covid-19 dương tính và được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2. Ngày 16/7, bệnh nhân khó thở, mệt được xử lý thở oxy mask và chuyển Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Tại đây bệnh nhân được xử trí, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, điều trị kháng sinh, corticosteroid, kháng đông, dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Bệnh diễn tiến nặng và tử vong; chẩn đoán tử vong viêm phổi mức độ nguy kịch do SARS-CoV-2.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre, tính đến 18h ngày 25/7, địa phương đã ghi nhận 523 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 19 ca đã được chữa khỏi và xuất viện, 6 ca tử vong.

img

Tối 25/7, thêm 3.552 ca mắc Covid-19

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h ngày 25/7 có 3.552 ca mắc mới ghi tại 31 tỉnh, thành phố.

Nhiều nhất vẫn tại TP. Hồ Chí Minh với 2.227, tiếp đến Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đắk Lắk (14), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đắk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 594 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong ngày 25/7 có 7.531 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước; tại TP. Hồ Chí Minh (4.555), Bình Dương (1249), Tây Ninh (313), Đồng Nai (253), Tiền Giang (218), Khánh Hoà (172), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Phú Yên (109), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (56), Vĩnh Long (50), Bến Tre (45), Trà Vinh (27), Bình Phước (26), Kiên Giang (25), Đà Nẵng (16), Hà Nội (15), Đắk Lắk (14), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (7), Bắc Ninh (6), Bình Định (6), Gia Lai (6), Đắk Nông (4), Nghệ An (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), An Giang (2), Thừa Thiên Huế (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 25/7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 94.717 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Trong ngày 25/7, có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/7, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 19.342 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 154.397 xét nghiệm cho 590.982 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.262.258 mẫu cho 14.982.078 lượt người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.