>> Tin tức Covid-19 ngày 28/7 tại Việt Nam mới nhất
Chiều 27/7, thêm 11 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 4 nhân viên y tế
Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24 - 70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận- Nội tiết) và 4 nhân viên y tế của BV Đà Nẵng.
Sau khi được phong toả ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm ngày 27/7 có 11 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.
BN 421, nam, 26 tuổi (nhân viên Khoa Mắt);
BN 422, nam, 63 tuổi (Phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng);
BN 423, nữ, 41 tuổi;
BN 424, nữ 58 tuổi;
BN 425, nữ, 24 tuổi, cả ba đều là nhân viên Khoa Hồi sức tích cực chống độc;
BN 426, nữ, 62 tuổi;
BN 427, nam, 45 tuổi;
BN 427, nam, 45 tuổi;
BN 428, nam, 70 tuổi;
BN 429, nữ, 53 tuổi;
BN 430, nữ, 33 tuổi, đều là bệnh nhân khoa Nội thận - Nội tiết.
BN 431, nam, 55 tuổi, bệnh nhân Khoa Cấp cứu.
Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại BV Đà Nẵng.
Việt Nam có tổng cộng 431 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): là 11.954
Quảng Nam có 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 trong số 47 mẫu xét nghiệm
Chiều 27/7, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết, kết quả 47 ca xét nghiệm Covid-19 trong chiều 27/7 cho kết quả có 45 ca âm tính, 2 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19. Đây là các trường hợp có tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 416 và 418 ở Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết, 2 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì có 1 ca ở huyện Đại Lộc và 1 ca ở thị xã Điện Bàn.
Hiện, Quảng Nam đã chuyển mẫu xét nghiệm này vào Viện Pasteur Nha Trang để xác định. Đồng thời tiến hành kích hoạt các biện pháp xử lý như trường hợp dương tính với Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Hai, thông tin, mọi thông tin sẽ có ngay sau khi Viện Pasteur Nha Trang xác định và Bộ Y tế sẽ công bố kết quả xét nghiệm.
Hai ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng do nguồn lây từ bên ngoài
Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, ca bệnh 416 và 418 chắc chắn do nguồn lây từ bên ngoài, không có sự lây lan dịch âm thầm trong cộng đồng.
Hiện mối quan tâm lớn nhất là làm thế nào để truy vết và tìm ra nguồn lây bệnh F0 đối với hai bệnh nhân 416 và 418 ở Đà Nẵng. Liệu có sự liên quan nhất định nào đó giữa hai bệnh nhân này? Các chuyên gia y tế cho rằng, công tác điều tra truy vết cần tiếp tục đẩy mạnh.
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng: "Theo tôi, cần tiếp tục điều tra dịch tễ. Nếu có mối liên quan dịch tễ, khả năng lây truyền của ca 418 từ ca 416 hoặc có liên quan thì chắc chắn sẽ đơn giản hơn. Nếu chưa tìm được mối liên quan dịch tễ giữa 2 ca thì chúng ta cần tiếp tục tìm.
Có thể ca ban đầu lây nhiễm sẽ đến địa điểm nào đó có sự trùng lặp để lây cho hai người này. Như vậy, vấn đề sẽ đánh giá mở rộng hơn nữa trong việc truy vết, khoanh vùng".
Cũng theo PGS.TS Phan Trọng Lân, các ca bệnh 416 và 418 chắc chắn là do nguồn lây từ bên ngoài chứ không có sự lây lan dịch âm thầm trong cộng đồng vì Việt Nam đã qua 99 ngày an toàn. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh cũng đã được triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua.
Hiện Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Sáng 26/7, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện cách ly tập trung tại khu ký túc xá sinh viên phía Tây thành phố, bố trí sắp xếp sử dụng 1 dãy nhà khu B có 7 tầng, mỗi tầng 120 phòng để tiếp nhận, bố trí các trường hợp cách ly.
Trong khi đó, Bộ Y tế đã thành lập 3 đội công tác đặc biệt hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại thành phố.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng có quyết định yêu cầu bắt đầu từ 13h ngày 26/7, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người tại nơi công cộng. Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Các cơ sở lưu trú tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26/7. Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch.
Sáng 27/7, không có ca mắc mới COVID-19, gần 12.000 người cách ly chống dịch
Bản tin 6h sáng 27/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, Việt Nam vẫn có 420 ca bệnh. Hiện có gần 12.000 người cách ly chống dịch.
Tổng số ca mắc: 420 ca
- Tính đến 6h ngày 27/7: 0 ca mắc mới, Việt Nam có tổng cộng 420 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.954, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 232; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.922; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 800
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/420 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 87,5% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.
Tính đến sáng ngày 27/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 47 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 06 ca bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa- Vũng Tàu điều trị 16 ca bệnh- là cơ sở y tế điều trị nhiều bệnh nhân nhất đến thời điểm này;
Trung tâm y tế huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi điều trị 01 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu 03 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau 01 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định 07 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình 11 ca; Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương 01 ca; Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình 04 ca, Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc 01 ca, BV TP. Đà Nẵng 02 ca bệnh; Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị 01 ca bệnh.
Bình Định cách ly 2 trường hợp dự tiệc cưới liên quan đến BN Covid-19
Ngành y tế tỉnh Bình Định thực hiện cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với 2 trường hợp dự tiệc cưới tại khách sạn ở Đà Nẵng.
Ngày 27/7, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, đã thực hiện cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với 2 trường hợp (ở TP Quy Nhơn và TX An Nhơn) đi dự tiệc cưới tại khách sạn có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 ở TP Đà Nẵng.
Đối với 2 trường hợp này, trong ngày hôm qua (26/7) đã lấy mẫu xét nghiệm, bước đầu có kết quả âm tính.
Ngành y tế cũng yêu cầu 2 trường hợp này chủ động theo dõi tình hình sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường như: ho, sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực… phải báo ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tỉnh Bình Định cũng đã thiết lập các chốt kiểm dịch y tế tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, ga Diêu Trì, ga Bồng Sơn...
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định yêu cầu các trường hợp từ Đà Nẵng đến/về Bình Định tự theo dõi sức khỏe tại nhà đối với những người không từ 2 ổ dịch. Thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú với người từ 2 ổ dịch nhưng không có triệu chứng; cách ly tập trung với trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh ở Đà Nẵng. Đồng thời, thực hiện cách ly y tế tất cả trường hợp có các triệu chứng ho, sốt…
Hiện ngành y tế tỉnh Bình Định đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế dự phòng và điều trị trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến chiều 26/7, các cơ quan chức năng đã đưa 2 bệnh nhân viêm phổi chưa rõ nguyên nhân điều trị cách ly và xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Trong đó, 1 trường hợp mới trở về từ TP Đà Nẵng và 1 trường hợp ở tại TP Quy Nhơn.
Giám sát y tế người dân từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi đến Cà Mau
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Đà Nẵng, chiều 27/7, tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản “hỏa tốc” triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu tất cả những người từ nước ngoài trở về thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung theo quy định.
Đối với tất cả những người đã đến TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và các vùng có dịch (từ ngày 15/7/2020) trở về hoặc đến Cà Mau phải khai báo y tế và thực hiện theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại gia đình theo hướng dẫn.
Đồng thời, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, TP. Cà Mau khuyến cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân hạn chế tối đa việc di chuyển đến TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và các vùng có dịch (nếu không có công việc thực sự cần thiết).
Hạn chế việc tiếp xúc gần với những người đến từ TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và các vùng có dịch; khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt là khi đến những nơi công cộng, những nơi tập trung đông người).
“Đối với một số đoàn của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Cà Mau đã đến tham quan, du lịch, tham gia sự kiện tại TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và vùng có dịch trở về Cà Mau phải thống kê, báo cáo rõ danh sách, thực hiện khai báo y tế, tự cách ly tại gia đình theo quy định”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.
Bộ GTVT chỉ đạo "nóng" về đi lại sau diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Trước khi đi tàu, xe phải khai báo y tế điện tử bắt buộc
Tối muộn ngày 26/7, Bộ GTVT đã có văn bản hoả tốc gửi Tổng cục Đường bộ VN, các Cục Hàng không VN, Đường sắt VN, Hàng hải VN, Đường thủy nội địa VN, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên các phương tiện vận tải hành khách.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Để đảm bảo các hoạt động GTVT được an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid - 19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...), Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.
Tổng cục Đường bộ VN, các Cục Hàng không VN, Hàng hải VN, Đường sắt VN, Đường thủy nội địa VN phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là TP. Đà Nẵng để theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời hướng dẫn những vấn đề phát sinh trong phạm vi quản lý; Đề xuất phương án xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền để Bộ GTVT xem xét, quyết định.
Các cơ quan này cũng cần thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng khi thực hiện các hoạt động vận tải hành khách; Trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải hành khách.
Tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ và hành khách phải luôn đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe và trên các phương tiện vận tải hành khách.
Hành khách trước khi lên phương tiện phải khai báo y tế điện tử bắt buộc tại nhà, chỉ khai báo y tế giấy khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử (không áp dụng với taxi và xe buýt); Kiểm tra thân nhiệt; Sát khuẩn tay; Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi; Không khạc nhổ bừa bãi; Khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện.
Phát hiện khách sốt, ho, khó thở phải gọi ngay cho đường dây nóng của Bộ Y tế
Ngoài ra, cần thực hiện khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tuỳ tình hình thực tế.
Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Cục Hàng không VN có trách nhiệm yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với tổ bay theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nghệ An cách ly bác sỹ từng khám cho bệnh nhân 418 ở Đà Nẵng
Một nữ bác sỹ ở Đà Nẵng khám trực tiếp cho BN418, đang được cách ly tại Nghệ An sau khi về thăm quê ở huyện Yên Thành (Nghệ An).
Chiều 26/7, lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An cho biết, các đơn vị chuyên môn đã cách ly y tế một bác sỹ từng khám cho bệnh nhân 418 ở Đà Nẵng, sau khi bác sỹ này về thăm quê ở huyện Yên Thành (Nghệ An).
"Hôm 25/7, một bác sỹ công tác tại bệnh viện ở Đà Nẵng từng khám trực tiếp cho BN418 về thăm quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An. Sau khi nghe tin về BN418 dương tính COVID-19, bác sỹ này chủ động khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Xét nghiệm cho kết quả Âm tính. Hiện đơn vị chức năng đã cách ly y tế đối với bác sỹ này và 3 người khác trong gia đình", lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Nghệ An cho biết.
Tính đến 18h ngày 26/7, Việt Nam có tổng số người nhiễm virus corona là 420.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 11.187 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly tại nước ta.
Trong đó, 220 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 10.193 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 774 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này có 365/420 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Trong số các bệnh nhân còn lại, 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần, 3 bệnh nhân âm tính lần 2 với nCoV. Cả nước hiện còn 47 người dương tính với virus corona.
Đà Nẵng chính thức thực hiện giãn cách xã hội, chống dịch Covid-19 lần 2
Từ 13h chiều 26/7, Đà Nẵng chính thức bước vào giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 lần thứ 2.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
Đồng thời, tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn... hay khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.
Trong vòng 1 tuần, tại Đà Nẵng đã phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (Bệnh nhân 416 và 418). Hai bệnh nhân này tạm thời được xác định trong vòng 14 ngày trước khi phát bệnh chỉ ở Đà Nẵng, không đi ra ngoại thành. Hiện cơ quan chức năng thành phố đang tìm những người tiếp xúc với các bệnh nhân này.
Đà Nẵng vẫn cho phép hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng giao Sở Y tế khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, điều tra, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly.
Khẩn trương xây dựng phương án giám sát và theo dõi chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở... tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng bằng phương pháp phù hợp để xác định nguồn lây...
Phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ công tác cách ly tại các khu vực có liên quan đến bệnh nhân; xây dựng phương án, đề xuất áp dụng biện pháp cách ly vùng có dịch trong trường hợp cần thiết...
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Du lịch thành phố làm việc với các đơn vị, kinh doanh dịch vụ du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, khu, điểm tham quan, tàu thuyền, xe vận chuyển du lịch và các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch thực hiện tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26/7/2020 để đảm bảo an toàn cho khách và cộng đồng cho đến khi có thông báo mới...
Giãn cách xã hội, thi tốt nghiệp THPT 2020 ở Đà Nẵng thực hiện thế nào?
Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh THPT TP Đà Nẵng sẽ được theo dõi tình hình sức khỏe từ nay đến khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Sáng 26/7, sau khi có ban bố thực hiện giãn cách xã hội ở Đà Nẵng bắt đầu từ 13h chiều nay (26/7), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 8 - 11/8/2020.
Nội dung công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng nêu rõ: Hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên có trách nhiệm chỉ đạo rà soát tình hình sức khỏe 100% học sinh, học viên tham dự kỳ thi THPT năm 2020.
Kịp thời thông báo các trường hợp học sinh, sinh viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở về Sở GD&ĐT trước 10h ngày 4/8. Thủ trưởng các đơn vị trường học chủ động, sẵn sàng huy động tất cả cơ sở vật chất để phục vụ kỳ thi THPT năm 2020 khi cần thiết.
Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng yêu cầu các trưởng điểm thi quán triệt thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19 tại điểm thi; bố trí mỗi điểm thi có 2 phòng dự phòng, sắp xếp bàn ghế đảm bảo giãn cách giữa các bàn dành cho thí sinh; làm việc trực tiếp với Phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất để kiểm tra, rà soát tất cả các điều kiện đảm bảo an toàn cho cán bộ coi thi, nhân viên phục vụ và thí sinh dự thi.
Theo đó, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy thêm, học thêm trên địa bàn nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động từ 13h ngày 26/7.
Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam cách ly nhiều người liên quan BN 416
Các địa phương đang rà soát, cho cách ly những trường hợp có liên quan đến bệnh nhân 416 tại Đà Nẵng nhiễm Covid-19.
Sáng 26/7, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết 2 trường hợp là người Đà Nẵng được theo dõi cách ly y tế tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đã có kết quả ban đầu âm tính với SARS-CoV2.
Hai trường hợp này là ông N.H.T. (ở cùng phường với người bệnh 416) và ông N.H.N. (có vợ làm ở Bệnh viện C Đà Nẵng), công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam.
Trước đó, ngày 24/7, Cục Hàng hải Việt Nam (trực thuộc Bộ GTVT) tổ chức chung kết giải bóng đá mini miền Bắc, Trung, Nam tại TP Hạ Long.
Ngày 22/7, ông N.H.T. và ông N.H.N. có ra giao hữu bóng đá tại phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và nghỉ tại khách sạn Hương Sen (phố Minh Khai, quận Hồng Bàng).
Ngày 23/7, cả 2 di chuyển về Quảng Ninh tham gia giải bóng đá tại sân vận động Trường Thành, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) và nghỉ tại khách sạn BinBop trên địa bàn phường này.
Hiện cả hai đang được tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện 14 ngày theo đúng quy định. Khách sạn Binbop - nơi nghỉ của 2 trường hợp này được gỡ phong tỏa.
Tại Hải Phòng, tối 25/7, Sở Y tế thành phố này chỉ đạo Trung tâm Y tế quận Ngô Quyền đưa một trường hợp có liên quan đến bệnh nhân số 416 đi cách ly y tế và làm xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đó là trường hợp anh T.V.Q, sinh năm 1979, ở quận Ngô Quyền. Anh Q. tham gia trận bóng giao lưu tại Đà Nẵng, ở cùng khách sạn tổ chức tiệc cưới có sự tham gia của người bệnh nhiễm Covid-19 số 416.
Đến sáng 26/7, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh cho biết chưa có kết quả xét nghiệm của trường hợp này.
Trong tối 25/7, UBND TP Hải Phòng cũng ban hành công văn số 4715 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Thành phố này khuyến cáo người dân hạn chế việc di chuyển đến vùng có dịch. UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tạm dừng các chuyến công tác, học tập chưa cấp bách, tham quan, du lịch đến vùng có dịch trong giai đoạn này.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát, nắm danh sách cán bộ, người dân, khách lưu trú… trở về Hải Phòng từ TP Đà Nẵng từ ngày 18/7 trở lại đây, hướng dẫn khai báo y tế, tự cách ly theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết hiện địa phương đang rà soát lại tất cả các trường hợp cùng dự đám cưới với bệnh nhân thứ 416 ở Đà Nẵng nhiễm Covid-19.
“Hiện tại, chúng tôi đã cách ly 7 người ở TP Hội An vì có tiếp xúc gần với bệnh nhân 416. Còn ở huyện Đại Lộc có khoảng 100 người dự chung đám cưới, chúng tôi đang rà soát. Chiều nay khi họp ban chỉ đạo sẽ có thông tin rõ hơn”, ông Văn nói.
Tại Quảng Ngãi, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) nơi đây cho biết cơ quan này vừa đề nghị người dân từng đến một số địa điểm cụ thể ở Đà Nẵng khai báo, khám sức khỏe sau khi Bộ Y tế xác nhận các ca bệnh mắc Covid-19 tại địa phương này.
Theo đó, người dân từng đi khám bệnh hoặc chăm sóc người thân tại Trung tâm y tế Ngũ Hành Sơn; Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng; Bệnh viện C Đà Nẵng; dự tiệc ở Trung tâm tiệc cưới và Hội nghị For You Place (đường 2/9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) ngày 18/7; hay từng đến khu vực tổ 58, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) thời gian gần đây cần khai báo y tế, khám sức khỏe.
Phát hiện ca mắc mới Covid-19 ở Đà Nẵng trong đêm, bệnh nhân phải thở máy
Sáng 26/7, Bộ Y tế thông tin phát hiện thêm 1 ca mắc mới Covid-19 ở Đà Nẵng, đang điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực BV Đà Nẵng, phải thở máy. Theo đó, Việt Nam đã có 418 ca mắc Covid-19.
Đó là BN 418, nam, 61 tuổi, sinh sống tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2 đêm 25/7, đang được điều trị cách ly tại Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Đà Nẵng, phải thở máy.
Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Bộ Y tế đã thành lập ba đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Đà Nẵng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, để phát hiện sớm các ca bệnh, kịp thời khoanh vùng cách ly và điều trị, Bộ Y tế đã có công văn số 3966/BYT-VPB1 về việc tăng cường phát hiện sớm ca bệnh COVID-19.
Theo đó, yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn các tỉnh, thành phố khi bán thuốc cho những người có dấu hiệu cảm cúm, có triệu chứng ho, sốt phải ghi lại tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thông tin đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24h để tiếp nhận thông tin từ các cơ sở bán lẻ thuốc, vận hành hướng dẫn các ứng dụng khai báo y tế để tiếp nhận các thông tin liên quan tới các ca nghi nhiễm để có biện pháp cách ly phù hợp.
Các cơ sở y tế tổ chức thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám chữa bệnh.
Các phòng khám tư nhân tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, có triệu chứng ho, sốt bố trí khám ở khu vực riêng và có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để theo dõi, quản lý ca bệnh.
Diễn biến liên quan:
Triều Tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thông báo có trường hợp nghi mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Báo The Guardian của Anh dẫn thông tin của Thông tấn Triều Tiên (KCNA) cho biết, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã chủ trì cuộc họp khẩn của Bộ chính trị nước này hôm 25/7 để bàn bạc về "một sự kiện khẩn cấp tại thành phố Kaesong".
KCNA cho biết ca nghi nhiễm là một người đào tẩu sang Hàn Quốc từ 3 năm trước. Người này đã vượt biên trái phép ngược trở về Triều Tiên từ này 19/7.
Phía Triều Tiên cho biết đã thực hiện một số xét nghiệm máu và hô hấp bí mật đối với trường hợp trên. Người này hiện đang bị cách ly.
Tất cả những người tại Kaesong đã có tiếp xúc với trường hợp trên trong vòng 5 ngày qua hiện đang được theo dõi, xét nghiệm và cách ly.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thông báo có trường hợp nghi mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Quốc gia Đông Á này đang đẩy mạnh công tác xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng nhằm nâng cao khả năng chiến đấu chống dịch bệnh.
Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 25/7, ông Kim Jong Un đã thông qua hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa để ngăn chặn dịch COVID-19.
Tại cuộc họp trên nhấn mạnh đến quyết định triển khai "biện pháp ưu tiên phong tỏa toàn bộ Kaesong".
"Để giải quyết tình hình hiện nay, Chủ tịch Kim Jong Un đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại khu vực liên quan và nêu rõ quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc chuyển từ hệ thống chống đại dịch khẩn cấp quốc gia sang hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa và ban hành cảnh báo cấp độ cao nhất".- KCNA cho hay, theo The Guardian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận