Xã hội

Covid-19 ngày 28/3: Tổng số 174 ca nhiễm, 12 người liên quan BV Bạch Mai

28/03/2020, 21:10

Tin tức dịch Covid-19 ngày 28/3 tại Việt Nam: Bộ Y tế vừa công bố thêm 5 ca nhiễm mới, trong đó có 1 người làm trong nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai.

img
Bác sĩ mặc đồ bảo hộ thăm bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Tối 28/3, Bộ Y tế ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính mới, trong đó có 3 người liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai. Ba ca mới có 2 ca là người nhà bệnh nhân, thời gian qua đưa người thân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai. Người còn lại là một nhân viên nhà ăn bệnh viện.

Như vậy, liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, hiện ghi nhận 12 bệnh nhân Covid-19 gồm 2 điều dưỡng 86, 87 và con của 86 là 107; "bệnh nhân 133"; "bệnh nhân 161" cùng 2 người thân số 162, 163; hai nhân viên giao nước sôi là "bệnh nhân 168" và 169; và 3 bệnh nhân mới.

Bệnh nhân 170 là nam, 27 tuổi, có địa chỉ tại Định Hoá, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nghề nghiệp: lao động tự do (làm thạch cao). Đầu tháng 3/2020, bệnh nhân làm trần thạch cao trong khu đô thị mới của Vingroup ở huyện Gia Lâm. Tại đây bệnh nhân ở cùng 04 người, hàng ngày chủ yếu tiếp xúc với 4 người này và một người giám sát trông công trình. Thời điểm này bệnh nhân khỏe mạnh, không ho, không sốt.

Khoảng ngày 14-15/3, bệnh nhân biết tin bố ốm nên về quê. Bệnh nhân bắt xe Grab (nhưng không đặt xe trên điện thoại) từ Gia Lâm đến bến xe Giáp Bát, lúc 9h30 bệnh nhân lên xe của nhà xe Đức Long và về đến nhà khoảng 12h cùng ngày. Bệnh nhân ở nhà và không đi đâu trong thời gian khoảng 5-6 ngày (không ho, không sốt, không khó thở). Đến sáng ngày 20/3, bệnh nhân cùng hai người chú, thuê xe đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để chuyển bố lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Khoảng 12h cùng ngày, bố của bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân và bố ở đây khoảng 1.5-2h, sau đó bố của bệnh nhân được chuyển đến Khoa Tiêu hoá ở tầng 3.

Từ 20-22/3, bệnh nhân đến mua và ăn cơm 5 lần ở quầy số 1 căng tin Bệnh viện Bạch Mai. Sáng ngày 22/3, bệnh nhân đi xe ôm từ Bệnh viện Bạch Mai tới bến xe Giáp Bát, 9h30 lên xe Đức Long và về đến quê lúc 12h, vợ ra đón về. Tối cùng ngày, bệnh nhân bị sốt 38.5 độ C, được anh vợ chở vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn tối ngày 23/3. Vào 10h30 ngày 25/3/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả ban đầu dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 171 là nữ, quốc tịch Việt Nam, 19 tuổi, là du học sinh tại Mỹ, có địa chỉ tại phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân từ Mỹ về, quá cảnh ở Philippines, nhập cảnh Việt Nam ngày 13/3/2020. Khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng và được yêu cầu cách ly tại nhà.

Ngày 24/3/2020, Trung tâm Y tế Quận 10, TP. Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu theo diện điều tra cộng đồng những người từ Mỹ và Đông Nam Á trở về. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh kết luận mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với virus SARS-Cov-2 vào ngày 28/3. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại nhà.

Bệnh nhân 172 là nữ, quốc tịch Việt Nam, là con dâu bệnh nhân số 133, chăm sóc bệnh nhân 23 ngày. Bệnh nhân không ho, không sốt, không khó thở.

Bệnh nhân 173 là nữ, quốc tịch Việt Nam, sống và làm việc Mátxcơva (LB Nga) về nước ngày 25/3, được chuyển đến khu cách ly tập trung tại trường Đại học FPT ở Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Bệnh nhân xuất hiện sốt khoảng 38 độcC, kèm theo ho nhiều, đau mỏi người, đã được nhập viện.

Bệnh nhân 174 là nữ, quốc tịch Việt Nam. Bệnh nhân làm việc tại nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai, có tiếp xúc với nhiều người. Hai ngày nay bệnh nhân xuất hiện sốt từng cơn, sốt nóng 38,6 độ C, ho húng hắng có đờm trắng , không chảy nước mũi, không đau mỏi người, đã được nhập viện.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tạm thời không về nước

Bộ Ngoại giao vừa có thông cáo cho biết, nhằm phòng chống dịch Covid-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc dừng xuất nhập cảnh, không cho quá cảnh. Nhiều hãng hàng không đã dừng, huỷ các chuyến bay. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ công dân Việt Nam bị “kẹt” khi quá cảnh tại các sân bay quốc tế nước ngoài nhưng không thể giải quyết hết các vướng mắc trong mọi trường hợp.

Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam trong thời điểm hiện nay, tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của sở tại. Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển, công dân cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi. Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết hoặc các quốc gia, vùng lãnh thổ và các hãng hàng không bất ngờ thay đổi quy định, công dân sẽ bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài.

Cũng theo Bộ Ngoại giao, công dân Việt Nam ở nước ngoài cần thực hiện thủ tục đăng ký công dân với cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại để nhận được các thông tin cần thiết trong đó bao gồm thông tin về các chuyến bay thương mại từ sở tại về Việt Nam; không truyền tải các thông tin không chính thức về việc tổ chức các chuyến bay thuê bao khi chưa có thông báo chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong nước.

Công dân Việt Nam về nước phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly theo quy định. Trong bối cảnh các cơ sở cách ly tập trung khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã quá tải, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng vận chuyển hành khách các đường bay quốc tế tới sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

"Ở trong nước, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù chưa có tử vong nhưng các ca nhiễm tiếp tục tăng đặc biệt trong số những người từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Chính phủ đang tiến hành các biện pháp quyết liệt nhằm phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để. Từ ngày 28/03/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng các hoạt động tập trung đông người bao gồm cả các hoạt động tôn giáo, văn hóa, thể thao và giải trí; tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ, đường thủy, đường biển, các cảng hàng không.

Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự là: +84.981.84.84.84", thông cáo nêu.

Bộ Y tế khẳng định chưa có trường hợp tử vong

Liên quan việc mạng xã hội đang lan truyền thông tin cho rằng đã có 1 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong, Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn thông tin từ Bộ Y tế khẳng định, cho đến đến thời điểm 16h ngày 28/3/2020, tại 20 cơ sở y tế đang điều trị các ca bệnh COVID-19, không ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Cũng theo nguồn tin, trong số 169 ca mắc COVID-19 tại Việt Nam, hiện có 21 ca đã khỏi bệnh, ra viện. Bệnh nhân khỏi bệnh mới nhất, ra viện sáng ngày 28/3 là bệnh nhân số 33 được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 từ ngày 10/3.

Cập nhật về tình hình sức khoẻ của các bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế đến thời điểm này cho thấy: trong số 148 bệnh nhân đang điều trị, đa phần có sức khoẻ ổn định.

Đến trưa nay, 56 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19, trong số này có 27 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 2.

Trong số các bệnh nhân này, có 7 bệnh nhân số: 45, 53, 64, 65, 66, 79 và 90 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi đã khỏi bệnh, dự kiến trong ngày 29-30/3 sẽ được ra viện, chuyển cơ sở khác để theo dõi sức khoẻ.

Về sức khoẻ của 03 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (có 01 bệnh nhân chỉ định can thiệp ECMO; 02 bệnh nhân còn lại thở ô xy), hiện 1 bệnh nhân đã có nhiều tiến triển, không còn phải thở máy xâm nhập. Liên tục trong những ngày qua, các chuyên gia đầu ngành và bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã và đang nỗ lực hội chẩn, điều trị cho các trường hợp ca bệnh này.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, từ đầu mùa dịch tới nay, xuất hiện rất nhiều tin đồn thất thiệt về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, phong toả thành phố, số bệnh nhân nặng, tình trạng của bệnh nhân, thậm chí cả loan tin bệnh nhân tử vong...

Bộ Y tế khuyến cáo: Đây là những thông tin giả, đồn thất thiệt; Người dân cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ thông tin, tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Trên thực tế những thông tin về tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế luôn được Bộ Y tế công khai gửi đến các cơ quan báo chí nhằm chuyển tải thông tin đến người dân.

Hà Nội: Nhiều người bị phạt vì không đeo khẩu trang

UBND quận Ba Đình cho biết, trong sáng 28/3, lực lượng chức năng phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vi phạm các quy định liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Trong quá trình tuần tra kiểm soát tại phố Trấn Vũ, lực lượng chức năng phường Trúc Bạch đã phát hiện các trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, gồm các ông: T.S.B (trú tại tỉnh Nam Định), T.Đ.C (trú ở quận Long Biên), T.H.T (trú ở quận Đống Đa).

Lực lượng chức năng phường Trúc Bạch đã lập biên bản, ra 3 quyết định xử phạt với mức 200.000 đồng/trường hợp theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Các trường hợp vi phạm đã tự giác chấp hành biện pháp xử lý.

Cũng trong sáng nay (28/3), Tổ công tác Đội CSGT trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cũng đã phối hợp cùng Trạm y tế phường Lý Thái Tổ mời 4 người dân đi tập thể dục buổi sáng không đeo khẩu trang về trụ sở Công an phường Lý Thái Tổ làm việc. Lý do 4 người dân này đã nhiều lần không chấp hành nhắc nhở quy định đeo khẩu trang của Tổ công tác phường Lý Thái Tổ.

Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội CSGT trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, hành vi của những người dân cố tình không đeo khẩu trang nơi công cộng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong bối cảnh cả nước đang chung tay nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19.

Điều này đã có cơ sở xử phạt hành chính với mức phạt là 200.000 đồng, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

TP.HCM: Phạt hàng chục quán phớt lờ lệnh cấm, người không đeo khẩu trang

img
1 quán cà phê thuộc phường 15 vẫn mở bán vào sáng 28/3 bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Sáng 28/3, lực lượng chức năng quận Tân Bình, TP.HCM đã lập hàng trăm biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều quán cà phê, cơ sở kinh doanh… phớt lờ quy định của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, UBND phường 15 đã làm 166 biên bản cam kết, 14 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với quán ăn, cà phê vào sáng 28/3. Tại phường 6, quận Tân Bình, sáng cùng ngày đã lập 82 biên bản. Phường 2, lập 125 biên bản cam kết.

Trong khi đó, tại phường 11, lực lượng chức năng đã vận động 89 cơ sở tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch bệnh. Phường 4 đã vận động 249 cơ sở, phường 10 và phường nhắc nhở 110 trường hợp vi phạm.

Tại phường 5, chiều tối 27/3, lãnh đạo UBND phường đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành cùng Tổ khu phố, kiểm tra vận động các hàng quán, cơ sở này tạm ngưng hoạt động.

Ngoài ra, sáng 28/3, lực lượng chức năng phường 15, quận Tân Bình cũng lập biên bản xử phạt người dân không đeo khẩu trang khi đi ra đường, và nơi công cộng.

Dịch ở Hà Nội, TPHCM phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Báo Chinhphu.vn vừa đăng tải thông tin Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời báo chí về Chỉ thị của Thủ tướng áp dụng từ 0h ngày 28/3.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm mục tiêu trong 2 tuần tới, phải làm sao ngăn bằng được việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng; mỗi người dân phải tự có ý thức để góp phần trong việc này.

"Mức độ của dịch giờ đã khác, cao hơn rất nhiều rồi nên phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong khi các nước trên thế giới đang tăng rất nhiều ca nhiễm mới, tình hình ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Lượng người ở các nước về hiện nay rất ít vì đã dừng hầu hết chuyến bay quốc tế. Trường hợp nào nhập cảnh đều được áp dụng cách ly tập trung triệt để.

Trước thông tin "hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc...”. Một số ý kiến đã hiểu là Hà Nội và TP.HCM gần như bị phong tỏa và người dân từ 2 thành phố này cũng như các địa phương có dịch di chuyển đến nơi khác sẽ bị cách ly 14 ngày.

Về vấn đề này Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Thông tin phong tỏa một số TP lớn như Hà Nội, TPHCM là không chính xác. Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Việc cần thiết bây giờ là phải siết chặt việc quản lý các hoạt động, tất cả dịch vụ không cần thiết phải đóng cửa. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, cơ sở khám chữa bệnh, cung cấp xăng dầu...

Thủ tướng cũng yêu cầu áp dụng biện pháp hạn chế việc di chuyển, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết thêm: Thủ tướng yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chợ dân sinh nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thì không bị tạm dừng hoạt động.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phòng chống, kiểm soát dịch trên địa bàn để quy định cụ thể.

Các cơ quan đoàn thể, đơn vị hành chính vẫn đi làm bình thường

Trước câu hỏi "Thủ tướng yêu cầu “dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện”. Vậy những trường hợp tập trung đông người khác như: Phòng làm việc, các bếp ăn tập thể có trên 20 người, các chuyến xe khách, máy bay chở khách trên 20 người… thì được hiểu như thế nào?", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Chỉ đạo này áp dụng với các hoạt động không cần thiết như tụ tập đông người để hội họp, giải trí hay như tổ chức sự kiện, đi chơi đông người... Còn đối với các cơ quan đoàn thể, các đơn vị hành chính thì vẫn đi làm.

Các cơ quan hành chính hay ví dụ như ngân hàng là những nơi thực hiện giao dịch thì vẫn làm việc. Tuy nhiên, khi đi làm trong bối cảnh dịch phức tạp, chính các cơ quan, đoàn thể phải tự điều chỉnh. Họp hành thì cắt bớt thành phần đại biểu, rồi chia người tham gia vào nhiều phòng họp trực tuyến khác nhau.

Chính phủ khuyến cáo chia nhỏ các bộ phận, hạn chế tiếp xúc và mỗi cơ quan phải tự ý thức hơn trong việc này.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tự sắp xếp sao cho phù hợp để tránh đông hơn 20 người tập trung trong 1 phòng. Các cơ quan, đơn vị nên tích cực chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mong người dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Mỗi cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng cũng như các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của các bộ ngành. Trong cuộc chiến chống dịch còn rất gian nan này, Chính phủ mong người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng hành và chia sẻ cùng Chính phủ.

Đừng để nhân viên y tế bị tổn thương, chúng tôi làm việc không phải vì tiền

Trả lời phỏng vấn Vnexpress, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết đã có gần 700 nhân viên, cán bộ bệnh viện Bạch Mai đăng ký chăm sóc điều trị cho người dương tính Covid-19. Tất cả làm vì ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, không ai làm vì tiền cả. Mọi người đều tính đến tình huống xấu nhất là chẳng may nhiễm bệnh, bị cách ly, tử vong nhưng không ai làm đơn xin nghỉ.

Bác sỹ Hùng đề nghị xã hội không làm tổn thương tinh thần nhân viên y tế. "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi phải cách ly để điều trị cho bệnh nhân trong khi gia đình ở nhà bị hàng xóm và mọi người xa lánh kỳ thị như bị hủi. Hãy làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng tôi ở tuyến đầu, chúng tôi không đòi hỏi đãi ngộ vật chất để chống dịch, chúng tôi cần sự ủng hộ và đồng cảm", ông Hùng nói.

Kịch bản chống dịch ở Bạch Mai đã được lên chi tiết, hàng trăm người đang cách ly, phương án chống lây nhiễm đã được triển khai. Bệnh viện tin rằng sẽ thành công với kế hoạch ứng phó này, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Thêm 1 bệnh nhân đã điều trị khỏi và tiếp tục được theo dõi y tế theo quy định

Đó là bệnh nhân số 33, quốc tịch Anh, 58 tuổi. Bệnh nhân vào viện ngày 10/3, được điều trị tại khu cách ly, cơ sở 2, Bệnh viện Trung ương Huế.

Sau 2 lần xét nghiệm (cách nhau 24h) đều cho kết quả âm tính. Hiện tại, bệnh nhân khỏe mạnh, ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, đủ điều kiện xuất viện và tiếp tục được theo dõi y tế 14 ngày theo quy định.

Lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, ngoài BN 33, hiện tại BV Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2 hiện cũng đang điều trị cho 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, gồm: 1 bệnh nhân quốc tịch Anh, nữ 64 tuổi là đối tượng F1 với chẩn đoán di chứng tai biến mạch máu não cũ gây động kinh toàn thể, suy tim, cao huyết áp, COPD, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn…

Bệnh nhân thứ 2 có tiền sử phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo do u đại tràng đã được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai từ 12- 23/3.

Bệnh nhân thứ 3 là trường hợp về từ Lào có kết quả xét nghiệm 1 lần dương tính giả và 2 lần sau cho kết quả âm tính được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế- cơ sở 2 từ khu cách ly của tỉnh. Cả 3 trường hợp này tình trạng đang tạm ổn.

Người đến Bệnh viện Bạch Mai từ 13/3 đến nay cần khai báo y tế

Sáng sớm 28/3, Bộ Y tế công bố ghi nhận thêm 6 bệnh nhân Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân tại Việt Nam lên 169 người.

3 ca trong số 6 ca này được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. 2 ca từ "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai.

Ca còn lại có mặt tại nhiều địa điểm như Hà Nội, Hà Giang, Huế, Hội An trước khi được phát hiện dương tính với SARS-COV-2.

Bộ Y tế đề nghị tất cả người nhà, người thân, những người nào đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ 13/3 trở lại đây cần liên lạc, khai báo y tế với cơ sở y tế gần nhất.

Sau 8 ca nhiễm Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai "nội bất xuất, ngoại bất nhập"

Ngay sau khi xét nghiệm 5.000 người là nhân viên, người lao động và người nhà bệnh nhân ở các khoa có người nhiễm, đã phát hiện thêm 2 người dương tính với SARS-CoV-2, bệnh viện đã chủ động cách ly bệnh nhân và người tiếp xúc gần, tiến hành khử khuẩn khu nhà ăn.

img
Bệnh viện Bạch Mai tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Trần Cường)

Tính đến nay, có tất cả 8 ca liên quan đến BV Bạch Mai, gồm 2 ca điều dưỡng (Trung tâm Truyền nhiễm), 2 bệnh nhân điều trị tại Khoa Thần Kinh cùng 2 người nhà và 2 ca nhân viên cung cấp nước sôi mới phát hiện.

Theo đại diện Bộ Y tế, đến thời điểm này, BV Bạch Mai đã xét nghiệm tất cả các nhân viên y tế bệnh nhân và người nhà bệnh nhân với 5.000 mẫu. Bộ Y tế nhận định, có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện.

BV Bạch Mai đang tiến hành các biện pháp kiểm soát, tạm dừng đón tiếp bệnh nhân và thực hiện việc cách ly toàn bệnh viện để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.

7 bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM khỏi bệnh

7 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV 3 lần, Bộ Y tế tuyên bố khỏi bệnh tối 27/3.

Các bệnh nhân này gồm:

- Bệnh nhân 45: Lây nhiễm từ "bệnh nhân 34" Đặng Thị Lynh Trang ở Bình Thuận;

- Bệnh nhân 53: Du khách Czech;

- Bệnh nhân 64: Cô gái ở quận 8 từ Thụy Sĩ về;

- Bệnh nhân 65: Cô gái ở quận Gò Vấp đồng nghiệp "bệnh nhân 45";

- Bệnh nhân 66: Cô gái ở chung cư Park View, quận 7, du học sinh Mỹ;

- Bệnh nhân 79: Người phụ nữ quê Bạc Liêu từ Anh về;

- Bệnh nhân 90: thực tập sinh ngành khách sạn từ Tây Ban Nha về.

Dự kiến họ sẽ xuất viện trong hai ngày 29 - 30/3. Sau xuất viện họ được cách ly ở cơ sở y tế địa phương để tiếp tục theo dõi sức khỏe và đảm bảo không lây nhiễm virus ra cộng đồng.

Ngoài ra, có 21 bệnh nhân kết quả âm tính hai lần, đủ điều kiện khỏi bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên những bệnh nhân này chưa có kế hoạch được xuất viện, có thể vẫn tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm lần nữa để khẳng định hết virus.

Các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, TP.HCM cần xét nghiệm sàng lọc

Tại khu vực đang được coi là "ổ dịch" của Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế cho biết đã xét nghiệm tất cả các nhân viên y tế bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong 5.000 mẫu phát hiện 2 ca dương tính với SARS-CoV-2.

img
Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Riêng 3 khoa phát hiện có người mắc Covid-19 là Khoa Thần kinh, Trung tâm Nhiệt đới Bạch Mai (có liên quan đến bệnh nhân 87) và Khoa Tim mạch C4, tất cả đều có kết quả âm tính.

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện.

Bộ Y tế cũng nhận định: tới đây một số bệnh viện tuyến cuối, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) có thể xuất hiện các ca bệnh nên đòi hỏi phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm và thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc như Bệnh viện Bạch Mai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.