Thống kê của Bộ Y tế số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam và thế giới tính đến 6h ngày 4/3/2021.
Zing.vn dẫn trao đổi của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố chưa quyết định ngày mở cửa lại toàn bộ hoạt động, cơ sở dịch vụ dù địa bàn đã trải qua 21 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
"Từ ngày 1/3, trường học và một số hoạt động, dịch vụ mở cửa trở lại, tuy nhiên, nhiều hoạt động khác chưa thể cho mở cửa. Sau 3 ngày kể từ quyết định trên có hiệu lực, TP.HCM tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh và đưa ra những quyết định tiếp theo", Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết quan điểm của ban lãnh đạo thành phố hiện tại là các hoạt động trong không gian kín chưa được mở cửa. Những cơ sở đã được cho mở lại không thuộc nhóm trên và có ít khả năng lây nhiễm dịch bệnh hơn.
Thêm 6 ca mắc mới, đều ở Hải Dương
Bản tin 18h ngày 4/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, có 6 ca mắc mới Covid-19 ghi nhận tại Hải Dương đều ở ổ dịch Kim Thành.
Tính đến 18h ngày 4/3, Việt Nam có tổng cộng 1572 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 879 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 695 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã qua 19 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã 16 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 9 ngày, thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng: Hai điều dưỡng nhiễm Covid-19 xét nghiệm lần 4 âm tính
Tối 4/3, Sở Y tế Hải Phòng có báo cáo về tình hình chùm 3 ca bệnh nhiễm Covid-19 sau quá trình cách ly và điều trị.
Theo đó, đến nay trường hợp bệnh nhân Đ.T.P và N.V.Q xét nghiệm lần 4 đã có kết quả âm tính. Bệnh nhân Đ.M.T (em gái bệnh nhân Đ.T.P) vẫn dương tính.
Các bệnh nhân tiếp tục được cách ly giám sát y tế chặt chẽ.
Bệnh viện GTVT Hải Phòng - nơi ghi nhận 2 điều dưỡng nhiễm Covid-19
Đây là 3 ca bệnh dương tính với Covid-19 được ghi nhận ngày 22/2 tại Hải Phòng, gồm bệnh nhân Đ.T.P (SN 1995, trú tại xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) và bệnh nhân N.V.Q (SN 1994, trú tại khu Công nhân, phường Dư Hàng, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, là bạn trai của bệnh nhân Đ.T.P). Cả 2 bệnh nhân đang làm điều dưỡng tại Bệnh viện GTVT Hải Phòng.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Đ.M.T (SN 2001, trú tại xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng, là em gái của nữ điều dưỡng Đ.T.P).
Cả 3 bệnh nhân được đưa vào phòng áp lực âm, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cơ sở 2 điều trị, theo dõi.
Ngày 4/3, trên địa bàn TP Hải Phòng tiếp tục không phát sinh ca nghi nhiễm, ca nhiễm Covid-19. Trong ngày hôm nay, ngành y tế tiếp nhận mới 402 mẫu xét nghiệm sàng lọc, 470 mẫu có kết quả âm tính, 300 mẫu chờ kết quả.
Trên toàn địa bàn TP Hải Phòng hiện có 613 người thực hiện cách ly y tế tập trung, 727 chuyên gia thực hiện cách ly tại các khách sạn, 4.104 người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Tính riêng trong ngày có 45 người bắt đầu thực hiện cách ly y tế tập trung, 74 chuyên gia bắt đầu thực hiện cách ly tại các khách sạn.
Đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 ở Hà Nội?
Tại buổi họp báo thường kỳ do UBND thành phố Hà Nội tổ chức diễn ra vào chiều nay (4/3), ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội đã cho biết kinh phí mua, thời gian cũng như đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, ông Tuấn cho biết, kinh phí mua vắc xin Covid-19 của Hà Nội sẽ dựa vào 3 nguồn, thứ nhất là từ ngân sách nhà nước, thứ 2 là nguồn kinh phí tài trợ, thứ 3 là nguồn kinh phí dịch vụ (do người dân trả phí khi tiêm).
Về đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin được ông Tuấn cho hay, những đối tượng liên quan trực tiếp đến phòng chống dịch Covid-19 như đội ngũ cán bộ y tế, công an,… sẽ được ưu tiên tiêm.
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, ngày 6/3 tới Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn tiêm chủng cho hệ thống y tế của 63 tỉnh thành. Sau đó số lượng vắc xin vừa mua về (117 nghìn liều) sẽ chia cho 13 tỉnh thành xuất hiện ca nhiễm Covid-19, sau thời điểm đó UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vắc xin cho người dân.
Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, Hà Nội dự kiến sẽ mua 15 triệu liều vắc xin Covid-19 phục vụ cho người dân Thủ đô và một số đối tượng là dân vãng lai.
"Vừa qua UBND thành phố Hà Nội đề xuất mua khoảng hơn 15 triệu liều vắc xin phòng chống Covid-19 để phục vụ tiêm cho người dân trên địa bàn và sẽ tiêm cho một số đối tượng ở tỉnh khác đang làm việc và sinh sống tại Thủ đô", ông Tuấn nói.
Sơn La tạm thời dỡ bỏ các chốt kiểm soạt dịch Covid-19
Chiều 4/3, tại cuộc họp Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19.
Chốt kiểm soát dịch trên QL6 đoạn qua huyện Vân Hồ, Sơn La.
Theo đó, tỉnh sẽ áp dụng tạm dừng hoạt động Tổ liên ngành tại các trạm kiểm soát phương tiện giao thông phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh; dừng việc đón, trả khách tại các điểm cố định do UBND các huyện, thành phố quy định bắt đầu từ 18h00 hôm nay cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại.
Tạm thời cho phép hoạt động trở lại đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar. Yêu cầu cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của cơ quan y tế.
Tiếp tục rà soát, truy vết và thực hiện cách ly tập trung các trường hợp công dân trở về địa phương từ 4 địa điểm của tỉnh Hải Dương đang bị phong tỏa như (Thành phố Hải Dương; huyện Cẩm Giàng; Kinh Môn; Kim Thành) và các địa điểm khác trong cả nước đang được chính quyền địa phương có Quyết định phong tỏa thiết lập vùng cách ly.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và UBND các huyện có biên giới tiếp tục nắm chắc tình hình ngoại biên; Quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới; không để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng; kiểm soát chặt chẽ số người nước ngoài đang làm việc, du lịch tại tỉnh và số người Việt Nam từ nước ngoài trở về tỉnh Sơn La. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tính đến hết ngày 3/3, tỉnh Sơn La còn 5.186 trường hợp đang cách ly, theo dõi. Trong đó, 24 trường hợp cách ly tập trung; 1.390 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú; còn lại hướng dẫn, giám sát theo dõi sức khỏe tại cộng đồng.
Nữ sinh nghi dương tính, Hải Dương phong toả 9 hộ dân
Trưa 4/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương, một ngày trước lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho các sinh viên trên địa bàn để chuẩn bị trở lại trường.Qua xét nghiệm, kết quả từ CDC Hải Dương bước đầu xác định nữ sinh T.T.M (trú phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, CDC Hải Dương đã thông báo tới chính quyền phường Ngọc Châu để triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19.
Cũng trong sáng 4/3, CDC Hải Dương đã lập tức lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với nữ sinh này.
UBND phường Ngọc Châu cho biết, ngay khi nhận thông báo, địa phương đã tổ chức phun khử khuẩn, dựng rào phong tỏa tạm thời đối với 9 hộ dân thuộc khu 17, phường Ngọc Châu.
Lực lượng y tế tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm sinh viên sáng 4/3.
Ca Covid-19 ở Hà Nội tiên lượng rất nặng, tổn thương phổi gần như toàn bộ
Bệnh nhân 1823 ở Mê Linh, Hà Nội chưa có nhiều tiến triển sau 1 tháng nhập viện điều trị, 3 tuần chạy ECMO.
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân 1823 (65 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) đang có tổn thương phổi rất nặng. Đánh giá về mặt hình ảnh trên phim chụp CT, tổn thương phổi của bệnh nhân có thể lên tới 95%, gần như toàn bộ phổi.
Bệnh nhân hiện vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), các chỉ số đánh giá về cơ bản vẫn chưa cải thiện.
Bệnh nhân 1823 là F1 của ca bệnh 1725, được Bộ Y tế công bố dương tính SARS-CoV-2 hôm 1/2. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Đến giữa tháng 2, bệnh nhân phải can thiệp ECMO do tình trạng nặng.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm nhận định, tình trạng bệnh nhân 1823 chưa tiến triển nhiều sau thời gian dài điều trị. Bệnh nhân có tiên lượng rất nặng, nếu không duy trì máy thở, ECMO sẽ không giữ được mạng sống.
Bệnh nhân 1823 hiện có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm dương lẫn lộn nhiều lần. Bác sĩ giải thích, cơ thể bệnh nhân tồn lưu lượng virus ngưỡng rất thấp, tuy nhiên xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính có thể do xác virus vẫn còn hoặc nhiều nguyên nhân khác.
390 người Việt tại Myanmar được đưa về Đà Nẵng
Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, trong ngày hôm nay (4/3), sẽ có 2 chuyến bay đưa tổng cộng 390 công dân Việt Nam tại Myanmar hồi hương, mỗi chuyến bay chở 195 người. Được biết, những người được đưa về đều thuộc diện quy định của Chính phủ, hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, có nhu cầu cấp bách về nước.
Cả hai chuyến bay đều do Vietnam Airlines đảm trách. Trong đó, chuyến bay đầu tiên cất cánh tại Nội Bài lúc 9h sáng nay, dự kiến hạ cánh tại sân bay Ragoon (Myanmar) lúc 10h30. Chuyến bay sẽ quay trở lại Việt Nam vào 12h30, dự kiến hạ cánh tại Đà Nẵng lúc 15h10.
Chuyến thứ hai dự kiến cất cánh tại Hà Nội lúc 10h, đến Ragoon lúc 11h30 và quay đầu đưa khách về Việt Nam lúc 13h30, dự kiến hạ cánh tại Đà Nẵng lúc 16h10.
Hành khách lên máy bay được yêu cầu khai báo y tế trực tuyến từ nhà (có thể thực hiện trước giờ khởi hành 12 tiếng). Hành khách in/chụp lại mã QR code sau khi hoàn thành khai báo để sử dụng khi nhập cảnh.
Hành khách phải đeo khẩu trang và tuân thủ qui định phòng dịch Covid-19 của nước sở tại khi làm thủ tục, trong phòng chờ và trong suốt thời gian bay. Chuẩn bị đầy đủ khẩu trang kháng khuẩn và thay khẩu trang ít nhất 4 tiếng/ 1 lần trên chuyến bay; Mặc đầy đủ đồ bảo hộ do Vietnam Airlines cấp phát trước khi lên máy bay.
Hành khách thực hiện đo thân nhiệt trước khi lên máy bay, khách có nhiệt độ từ 37.5 độ hoặc có biểu hiện ho, khó thở, mệt mỏi sẽ không được vận chuyển.
Trên chuyến bay, hành khách mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay. Suất ăn, nước uống, khăn kháng khuẩn được để sẵn tại túi ghế phía trước. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, những hành khách ngồi cùng một hàng ghế không đồng thời ăn uống cùng lúc, chia ca ăn uống phù hợp.
Trên máy bay nếu hành khách có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi và khó thở bấm nút gọi tiếp viên để được trợ giúp.
Cục yêu cầu các hãng hàng không phối hợp các cảng vụ hàng không hỗ trợ và hướng dẫn hành khách sử dụng các hình thức làm thủ tục tiện lợi như kiosk check-in, online check-in. Ảnh: VNA
Hành khách thực hiện khai báo điện tử trước chuyến bay
Cục Hàng không Việt Nam, ngày 4/3 cho biết đã có văn bản yêu cầu hành khách thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế điện tử trước chuyến bay.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không được chủ quan, không “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Đối với hành khách làm thủ tục trực tuyến hoặc làm thủ tục bằng máy kiosk (máy làm thủ tục tự động) chưa thực hiện khai báo y tế điện tử, bộ phận an ninh soi chiếu tại các cảng hàng không từ chối việc soi chiếu an ninh và hướng dẫn hành khách liên hệ với nhận viên phục vụ mặt đất để hoàn thành việc khai báo y tế theo quy định, bảo đảm 100% hành khách khai báo y tế điện tử qua điểm kiểm tra soi chiếu an ninh tại các cảng hàng không.
Cục yêu cầu các hãng hàng không phối hợp các cảng vụ hàng không hỗ trợ và hướng dẫn hành khách có nhu cầu khai báo y tế điện tử.
Đối với các cảng vụ hàng không, Cục yêu cầu các cảng vụ triển khai các nội dung nêu trên đến tất cả các hãng hàng không nước ngoài và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay.
Thêm 8 bệnh nhân Covid-19 ở Gia Lai được xuất viện
Ngày 4/3, Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai thông tin, sau khi có kết quả xét nghiệm năm lần âm tính liên tục với SARS-CoV-2 và bảo đảm các điều kiện theo yêu cầu, bệnh viện đã hoàn tất thủ tục và cho xuất viện tám bệnh nhân.
Đó là các bệnh nhân mang mã số: 1888, 2012, 2140, 1891, 2013, 1875, 1890 và 1876. Trong số này, có một bệnh nhân ở huyện Kông Chro, bốn bệnh nhân ở huyện Ia Pa và ba bệnh nhân ở thị xã Ayun Pa.
Sau khi nhận quyết định hoàn thành thời gian cách ly y tế và giấy ra viện, các bệnh nhân được xe cứu thương chuyên dụng chở về tận nhà tiếp tục thực hiện cách ly theo quy định có giám sát 14 ngày. Trong thời gian này, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và phải bảo đảm những điều kiện cách ly theo yêu cầu.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 4/3, tỉnh Gia Lai không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 nào; tổng số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 vẫn là 27 ca. Hiện còn 13 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh (trong đó có một trường hợp tái dương tính là bệnh nhân 1696) và năm trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 1696, hiện đang cách ly y tế tập trung tại đây.
Hiện tình hình sức khỏe của tất cả các bệnh nhân và những trường hợp tiếp xúc gần đều ổn định.
Xét nghiệm các ca nghi nhiễm Covid-19.
Hà Nội 16 ngày không có ca mắc mới tại cộng đồng
Theo bản tin 6h ngày 4/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, sáng nay (4/3) không ghi nhận ca mắc COVID-19. Việt Nam vẫn đang có 2.482 bệnh nhân. Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới vượt 115,7 triệu.
Tính từ 18h ngày 3/3 đến 6h ngày 4/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tính đến 6h ngày 4/3, cả nước vẫn có 2.482 bệnh nhân, trong đó có 1.566 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 873 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 689 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã qua 19 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã 16 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 9 ngày, thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Lực lượng của CDC lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại bến xe, nhà ga.
Công an thông báo khẩn tìm người tới 5 điểm ở Hải Dương liên quan ca COVID-19
Tối 3/3, Công an huyện Kim Thành (Hải Dương) ra thông báo khẩn tìm người tới 5 địa điểm liên quan ca mắc COVID-19 mới ghi nhận.
Các địa điểm này gồm: Hiệu thuốc Tân dược Đồng Văn Luân ở xã Kim Tân (Kim Thành) từ 9/2/2021; Công nhân Công ty TNHH TIANYE OUTDOOR VN trong Khu công nghiệp Phú Thái (Kim Thành) từ 18 đến 21/2/2021; Chùa Diên Khánh tại thôn Hải Ninh (xã Kim Tân) vào chiều 12/2/2021; Chợ Phúc Thành (Kim Thành) từ 22 đến 28/2/2021; Cửa hàng tạp hóa Thanh Đại ở xã Đồng Cẩm (Kim Thành) trong khoảng thời gian 11h ngày 11/2/2021.
Công an huyện Kim Thành đề nghị những ai từng tới các địa điểm trên khẩn trương liên hệ ông Đỗ Khắc Bằng, SĐT 0969753619 hoặc qua trực ban Công an huyện Kim Thành số 02203720218; liên hệ cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Ngày 3/3, Hải Dương ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19 là các trường hợp được cách ly tập trung. Trong đó có 1 ca tại TP Chí Linh là F1 của BN1632, được cách ly tập trung từ 28/1/2021; 3 ca tại huyện Kim Thành đều là các F1, được cách ly tập trung từ 28/2.
Hiện cả 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.
Ngoài ra còn 1 ca tại TP Hải Dương là F1 của BN2210, được cách ly tập trung từ 14/2. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 – Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Tính đến hết 3/3, tỉnh Hải Dương ghi nhận 689 người mắc COVID-19, 321 người khỏi bệnh.
Người một số huyện ở Hải Dương đến Hà Nội vẫn phải cách ly
Người dân từ TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành và Cẩm Giàng đến Hà Nội vẫn phải thực hiện cách ly.
Từ 0h ngày 3/3/2021, tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc giãn cách xã hội toàn tỉnh, dỡ bỏ phong tỏa với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, chuyển sang trạng thái mới vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa tập trung nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đứng trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thông báo các trường hợp về từ tỉnh Hải Dương từ 0h ngày 3/3, chủ động khai báo y tế với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; bắt buộc cài đặt ứng dụng Bluezone, Ncovi; nếu phát hiện các triệu chứng của Covid-19, thông tin kịp thời cho các cơ sở y tế.
Riêng đối với những người về từ 4 địa phương ở Hải Dương gồm: TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành và Cẩm Giàng, ngoài các biện pháp nêu trên, người dân thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà, thời gian tính từ khi rời Hải Dương đến khi đủ 14 ngày. Nếu đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong thời gian 3 ngày trước khi rời Hải Dương thì có thể trở lại làm việc, học tập.
TP Hà Nội tiếp tục duy trì trạng thái phòng, chống dịch ở mức độ cao, kiên quyết kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Người dân từ TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành và Cẩm Giàng đến Hà Nội vẫn phải thực hiện cách ly. (Ảnh minh hoạ)
Đà Nẵng sẽ cách ly y tế những người về từ vùng dịch
Những người từng đến các địa phương có dịch khi về Đà Nẵng sẽ phải thực hiện cách ly y tế tập trung hoặc tại nhà 14 ngày.
Ngày 3/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký công văn về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo UBND TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hải Dương, Đồng Tháp vẫn ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan tại TP Đà Nẵng, nếu như không tiếp tục duy trì triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Do đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19; người từng đến, về từ các ổ dịch trong vòng 3 ngày trước khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên đến 28 ngày sau ngày ca bệnh cuối cùng của ổ dịch được ghi nhận; người từng đến, về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương/ khu vực đang phong tỏa trên cả nước phải cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân hoặc từ ngày rời khỏi địa phương.
Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm 2 lần. Lần 1 ngay khi bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân hoặc ngày rời khỏi các địa phương có nguy cơ nêu trên.
Các trường hợp áp dụng cách ly y tế tại nhà đủ 14 ngày gồm: Người tiếp xúc gần với F1; người về từ Hải Dương nhưng không thuộc trường hợp cách ly tập trung như trên.
Người từng đến, về từ các xã, phường trên cả nước có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng (không phải ổ dịch - PV) trong vòng 3 ngày trước khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên đến 14 ngày sau khi ghi nhận ca bệnh cuối cùng.
Ngoài ra, những người từng đi qua các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn (nhưng không phải là trường hợp F1 và không nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách) cũng phải cách ly 14 ngày theo quy định. Những trường hợp này cũng được xét nghiệm 2 lần trong thời gian cách ly tại nhà.
Quốc lộ 5 đã đông phương tiện lưu thông hơn, đặc biệt là chiều từ Hà Nội đi Hải Phòng, chủ yếu là các xe tải chở hàng, xe container. (Ảnh: TTXVN)
Diễn biến liên quan, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 322.157 trường hợp mắc COVID-19 và 7.813 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên trên 115,6 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,56 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 115.619.875 ca, trong đó có 2.567.766 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 91.363.842 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.688.267 ca và 90.054 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Oxford tại Wigan, Anh ngày 21/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 29.425.306 ca nhiễm và 51.517 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Đội với 11.156.748 ca nhiễm và 157.471 ca tử vong; Brazil đứng thứ ba với 10.647.845 ca nhiễm và 257.562 ca tử vong.
Hiện Brazil đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới trong khi các hệ thống y tế đều đang đứng trước nguy cơ quá tải. Trong khi đó, châu Âu vẫn chứng kiến số ca mắc mới/ngày tăng cao, chiếm tới 50% tổng số ca bệnh phát sinh trong ngày của thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận