Sau 6 giờ, có thêm 80 ca mắc COVID-19 trong nước tại 4 địa phương, trong đó Bắc Giang 44 ca; Bắc Ninh 23 ca, TP.HCM 11 ca và Hà Nội 2 ca.
Tin tức Covid-19 hôm nay mới nhất
Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo ca tử vong số 51: BN 3153, nam, 63 tuổi, có địa chỉ huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Tiền sử: Bệnh nhân viêm cột sống dính khớp hơn 10 năm, không điều trị, gù vẹo cột sống; bị sốt kéo dài suốt 2 tháng trước khi nhập viện ngày 28/4.
Bệnh nhân đã đi khám và điều trị 2 đợt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, sau khi cắt sốt được 3-5 ngày, bệnh nhân được cho ra viện. Tuy nhiên, về nhà bệnh nhân sốt lại và được đưa vào viện. Chẩn đoán vào viện: Sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân - viêm phổi / gù vẹo cột sống - viêm cột sống dính khớp.
Bệnh nhân được xét nghiệm và chẩn đoán mắc COVID-19 vào ngày 7/5.
Bệnh nhân được điều trị tình trạng nhiễm trùng, viêm phổi, tuy nhiên đáp ứng kém với điều trị. Ngày 8/5, bệnh nhân bị suy hô hấp tiến triển tăng dần và được đặt ống nội khí quản thở máy. Bệnh nhân được lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng, thuốc kháng nấm, truyền Globulin miễn dịch, điều chỉnh rối loạn đông máu, nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện.
Trong các ngày 18/5 và 21/5, bệnh nhân đã được Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn nhận định: Căn nguyên sốt kéo dài phức tạp, tổn thương viêm phổi tiến triển nặng, đặc biệt trên nền bệnh gù vẹo cột sống nên rất khó tiến hành các can thiệp, nguy cơ tử vong rất cao.
Ngày 26/5, kết quả cấy đờm cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc.
Sau hơn 1 tháng được chăm sóc và điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân không đáp ứng điều trị, tiến triển nặng dần. Bệnh nhân tử vong sáng sớm ngày 4/6.
Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, gù vẹo cột sống.
Tối 4/6 thêm 92 ca mắc, cả nước hôm nay có 224 bệnh nhân
Bản tin tối 4/6 của Bộ Y tế cho biết có 92 ca mắc COVID-19, trong đó 5 trường hợp nhập cảnh cách ly ngay; 87 ca còn lại ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 62, Bắc Ninh 10 ca và TP Hồ Chí Minh 15 ca.
Trong ngày 4/6, Việt Nam ghi nhận thêm 224 ca mắc mới, trong đó, 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (4), Kiên Giang (1); 219 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (141), Bắc Ninh (47), TP. Hồ Chí Minh (26), Hà Nội (4), Thái Bình (1) trong đó có 212 ca mắc mới phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.
Tính đến 12h ngày 4/6, Việt Nam có tổng cộng 6.744 ca ghi nhận trong nước và 1.543 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 5.174 ca.
Có 13 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
⁃ Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.543.672 mẫu cho 3.118.542 lượt người.
Thông tin cụ thể 87 ca ghi nhận trong nước:
- CA BỆNH BN8196-BN8215, BN8219, BN8222-BN8225, BN8227-BN8228, BN8232, BN8235, BN8237-BN8241, BN8257-BN8262, BN8264-BN8266, BN8269-BN8287 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN8242-BN8256 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 13 ca liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, 1 ca là F1 của BN4514, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 03/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN8226, BN8229-BN8231, BN8233-BN8234, BN8236, BN8263, BN8267-BN8268 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 2 ca là F1 BN5156, 4 ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 1 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 1 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Vân Trung. Kết quả xét nghiệm ngày 02-03/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
Nam bệnh nhân Covid-19 ở Nam Định tử vong
Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo ca tử vong số 50 liên quan đến COVID-19: BN3780, nam 67 tuổi, có địa chỉ tại Giao Thuỷ, Nam Định.
Bệnh nhân có tiền sử ung thư phổi giai đoạn IV di căn não từ 3 năm trước, đã phẫu thuật cắt thuỳ trên phổi phải, xạ phẫu tổn thương não, điều trị hóa chất và xạ trị nhiều đợt tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Ngày 22/4/2021 bệnh nhân nhập viện Bệnh viện K Tân Triều với chẩn đoán giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến nguồn gốc phổi.
Từ ngày 5/5, bệnh nhân được cách ly tại cơ sở ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), ngày 13/5 bệnh nhân được làm xét nghiệm SARS-CoV-2 và cho kết quả dương tính.
Ngày 14/5, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh với chẩn đoán ban đầu: COVID-19 trên bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV di căn não.
Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp tăng dần, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm nấm huyết, đi vào sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục, phối hợp kháng sinh, kháng nấm, corticoid theo kháng sinh đồ, phòng chống huyết khối, duy trì an thần, thuốc vận mạch nâng huyết áp, điều trị hỗ trợ, dinh dưỡng.
Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân không cải thiện, suy đa tạng tiến triển, huyết áp ngày càng giảm, chức năng phổi ngày một tồi hơn, vô niệu, tình trạng toan hỗn hợp ngày càng nặng, không đáp ứng với điều trị.
Bệnh nhân tử vong ngày 3/6 với nguyên nhân được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết trên bệnh nhân ung thư phổi di căn não, mắc COVID-19.
Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo ca tử vong số 50 liên quan đến COVID-19: BN3780, nam 67 tuổi, có địa chỉ tại Giao Thuỷ, Nam Định.
Chính phủ bổ sung hơn 48 tỷ đồng mua xe xét nghiệm COVID-19 lưu động
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 846/QĐ-TTg bổ sung 48,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Y tế để mua 5 xe xét nghiệm lưu động phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng Phòng xét nghiệm container lưu động đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn, bảo đảm an toàn, hiệu quả; thực hiện mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan.
Việc điều chuyển xe xét nghiệm lưu động cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (nếu cần thiết) thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch. Các Bộ: Tài chính, Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt là 3 địa phương: TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh. Việc lấy mẫu và xét nghiệm là rất cần thiết, phải cố gắng càng nhanh càng tốt để kịp thời phát hiện ca nhiễm, từ đó giúp địa phương khẩn trương có phương án khoanh vùng, truy vết các F, tổ chức cách ly và điều trị cho người nhiễm COVID-19. Chính vì thế, xe xét nghiệm lưu động là trang thiết bị rất cần thiết ở thời điểm hiện nay.
Thí sinh là F2 ở Hải Phòng sẽ mặc đồ bảo hộ thi lớp 10
Ngày 4/6, Sở GD&ĐT TP Hải Phòng cho biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, thành phố này có 9 thí sinh thuộc diện F2 của ca mắc Covid-19 và 2 em đang ở khu phong tỏa.
Với thí sinh thuộc diện F2, Sở GD&ĐT Hải Phòng đề nghị gia đình phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt thông tin, chờ kết quả xét nghiệm các F1. Nếu F1 âm tính với SARS-CoV-2, chính quyền sẽ làm thủ tục hoàn thành cách ly để F2 tham gia kỳ thi bình thường.
Trường hợp F1 dương tính, học sinh diện F2 sẽ được thi ở phòng riêng tại các điểm thi. Ngành giáo dục sẽ bố trí Hội đồng thi riêng và có phương tiện chuyên dụng đưa đón các thí sinh này.
Quá trình thi, thí sinh F2 và cán bộ coi thi sẽ mặc đồ bảo hộ. Bài thi sẽ được khử khuẩn bằng tia cực tím, đựng trong túi nylon riêng và sát khuẩn bằng cồn 70 độ.
Với các điểm thi, ngành chức năng sẽ bố trí biển chỉ dẫn, phân luồng vào, ra một chiều từ cổng trường đến bàn đăng ký và phòng thi. Mỗi điểm thi sẽ có 2 phòng thi dự phòng để phục vụ các thí sinh có diễn biến bất thường về sức khỏe. Các phòng thi đều bố trí đầy đủ khẩu trang và có tối thiểu một máy đo thân nhiệt.
Năm nay, Hải Phòng có 21.177 học sinh đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10. Kỳ thi này sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9/6 với các môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Thành phố có 45 điểm thi chính thức và 12 điểm thi dự phòng. Riêng kỳ thi vào THPT chuyên Trần Phú sẽ bố trí 3 điểm thi, thời giãn diễn ra từ ngày 10 đến 12/6.
Hải Phòng lên phương án để kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Duy Anh.
Thủ Đức phong tỏa khu biệt thự liên quan 2 ca dương tính
Ngày 4/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời khu dân cư Valora Kikyo, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, tiến hành vệ sinh, khử khuẩn. Đây là nơi ở của 2 ca nghi mắc Covid-19 đang chờ Bộ Y tế công bố.
HCDC cho biết hai người này sống cùng gia đình và có chung triệu chứng sốt, ho.
Tối 2/6, cả hai đến thăm khám tại Bệnh viện FV và được cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm. Chiều tối 3/6, 2 người này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
HCDC đã điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan và xác định nguồn lây nhiễm của 2 trường hợp này.
UBND phường Phú Hữu cho biết người dân có thể liên hệ qua số: 0975.868.826 (bà Đỗ Thị Thanh Loan, Trưởng trạm Y tế phường Phú Hữu) hoặc 0917.685.681 (ông Nguyễn Minh Bạch, cán bộ phòng chống dịch) để được hướng dẫn các vấn đề giám sát, cách ly phòng, chống dịch Covid-19.
Một chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở cửa ngõ Biên Hòa, Đồng Nai.
Đồng Nai, Bình Thuận cách ly người đến từ TP.HCM 21 ngày
Ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản hỏa tốc về việc cách ly người về/đến từ TP.HCM. Người thuộc diện cách ly y tế phải tự trả phí.
Theo đó, từ 0h ngày 5/6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh 21 ngày đối với tất cả những người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai, tính từ ngày rời khỏi TP.HCM (trừ các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành Y tế).
Tỉnh Đồng Nai yêu cầu người về/đến từ TP.HCM liên hệ khai báo y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú theo quy định. Trường hợp không khai báo y tế, không chấp hành sẽ bị xử phạt nghiêm.
Việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 đối với người thuộc diện cách ly và họ phải tự trả chi phí.
Trước đó ngày 3/6, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xét nghiệm tất cả người về/đến tỉnh từ TP.HCM và các vùng có dịch.
Hướng dẫn cách ly tập trung hoặc cách lý tại nhà đối với tất cả người về từ TP.HCM, không để bất kỳ trường hợp nào không được quản lý, cách ly mà di chuyển trong cộng đồng.
HCDC đã điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan và xác định nguồn lây nhiễm của 2 ca bệnh mới.
Bộ Y tế phê duyệt vaccine Covid-19 của Trung Quốc
Bản tin trưa 4/6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 80 ca mắc COVID-19 trong nước tại 4 địa phương, trong đó Bắc Giang đã 44 ca; Bắc Ninh 23 ca, TPHCM 11 ca và Hà Nội 2 ca.
Trước đó, Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt vaccine với tên gọi: COVID19 Vaccine (Vero cell), Inactivated, tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell) Inactivate, sau đây gọi tắt là vaccine. Vaccine được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, với 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt trên mỗi liều 0,5ml.
Vaccine Vero Cell được sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn dược Sinopharm, Trung Quốc.
Việc phê duyệt vaccine phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có kèm theo 9 điều kiện. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vaccine tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vaccine phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng vaccine, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải phối hợp với Cục Khoa học công nghệ & Đào tạo và đơn vị đủ điều kiện tổ chức đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế…
Bộ Y tế ban hành Quyết định 2763/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Nam sinh Long An và anh trai cùng nhiễm biến chủng Ấn Độ
Sáng 4/6, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, thông tin về tình hình sức khỏe của nam sinh 22 tuổi (bệnh nhân 7445), quê Long An. Theo đó, kết quả chụp CT sọ não của bệnh nhân bình thường, ngực đông đặc phổi. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, khả năng do tình trạng đông máu nội mạch lan tỏa.
Bác sĩ Châu nhận định, tình trạng của nam sinh này giống với phi công Anh 91. Hiện bệnh nhân tiếp tục thở máy, lọc máu OXIRIS, kháng sinh và ECMO.
Bệnh nhân 7445 ngụ tại xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, hiện là sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP.HCM. Ngày 31/5, sau 8 ngày có triệu chứng bệnh, bệnh nhân mới phát hiện mắc Covid-19. Đến 4h sáng 1/6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng nặng.
Trong gia đình, ngoài bệnh nhân còn có người bố và anh trai cũng nhiễm bệnh. Hiện người anh trai cũng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trước đó, 3 bệnh nhân này được xác định không rõ nguồn lây.
Bác sĩ Châu cho biết, kết quả giải trình tự gene virus của bệnh nhân 7445 và anh trai cùng nhiễm biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2). Đây cũng là biến chủng của nhóm truyền giáo Phục Hưng - ổ dịch đang ghi nhận nhiều ca bệnh nhất tại TP.HCM.
Trước đó, chuỗi lây nhiễm liên quan đến bệnh nhân 4514, cự ngụ tại TP Thủ Đức cũng nhiễm biến chủng này. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, biến chủng Ấn Độ có thể lây lan trong không khí ở môi trường kín, tốc độ gấp 1,7 lần so với những chủng nCoV khác.
Xe đặc chủng có tên Trạm tiêu tẩy đa năng do Việt Nam chế tạo được huy động tiêu độc, khử khuẩn tại khu vực có ca nhiễm mới.
Bình Dương khẩn tìm người đến 17 địa điểm liên quan 4 ca mắc ở TP.HCM
Cụ thể, ca mắc COVID-19 (SN 1979) là nhân viên môi giới bất động sản sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh có thuê căn hộ C-10-04 Chung cư Marina, đường Vĩnh Phú 10, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An.
Ca mắc này là F1 liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm ngày 28/5 kết quả âm tính, ngày 1/6/2021 xét nghiệm lần 2 kết quả dương tính. Ngành Y tế đã truy vết được 50 trường hợp F1 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đồng thời cách ly y tế tạm thời Chung cư Marina.
Ca mắc COVID-19 thứ 2 là nam (SN 1991, trú tại khu phố An Lợi, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát, làm ở Công ty Gilimex, quận Bình Thạnh), tạm trú tại đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp. Bệnh nhân có triệu chứng khoảng 2-3 ngày, đi khám tại TP.HCM và được lấy mẫu sàng lọc, xét nghiệm ngày 3/6 kết quả dương tính, đã truy vết được 16 trường hợp F1, 71 F2.
Ca mắc COVID-19 thứ 3 là nam, đang sinh sống tại TP.HCM là F1 của ca bệnh tại TP.HCM. Ngày 3/6, bệnh nhân làm xét nghiệm có kết quả dương tính. Người này từng tham gia các sự kiện ở Bình Dương vào ngày 19/5, 22/5 và 23/5. Ngành Y tế đã điều tra dịch tễ, truy vết cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các F1, phun khử khuẩn các địa điểm người này ghé đến.
Ca mắc COVID-19 thứ 4 là nam (SN 1982, địa chỉ P2103 Hemisco Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP.Hà Nội). Ngày 26/5, bay từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh và ở khách sạn Harmony địa chỉ 32-34 Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM. Đến làm việc tại Công ty CP Bất động sản Cen Sài Gòn (326 Võ Văn Kiệt, phường Cổ Giang, quận 1, TP.HCM), hiện công ty ghi nhận 3 ca F0, trong đó 1 ca F0 liên quan đến chùm ca bệnh nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ngày 27, 28/5 ca mắc này có ghé Sân Golf Sông Bé, TP.Thuận An, Bình Dương.
CDC Bình Dương cũng thông tin về trường hợp trường hợp nữ, SN 2002, trú tại khu phố 2, phường Mỹ Phước, TX. Bến Cát. Ngày 27/5 từ TP.HCM về nhà ở TX. Bến Cát. Ngày 3/6, đến Bệnh viện Mỹ Phước khám bệnh, sau đó đến một phòng khám tư nhân ở Mỹ Phước. Tại đây người này được khám sàng lọc và xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh cho kết quả dương tính.
Ngành Y tế tỉnh Bình Dương thông báo, những ai đến các địa điểm liên quan ca bệnh mới cần đến ngay cơ sở y tế địa phương khai báo y tế để được hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.
Phát hiện 2 ca dương tính khi đi khám tại Bệnh viện FV
Sáng 4/6, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố vừa ghi nhận thêm 11 người nghi nhiễm nCoV.
Trong đó, 9 trường hợp liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là các F1 đã được cách ly từ trước. Họ có địa chỉ cư trú tại TP Thủ Đức (5), quận Tân Bình (3) và Gò Vấp (1).
Hai người còn lại cũng trú tại TP Thủ Đức, được phát hiện dương tính với nCoV sau khi đi khám tại Bệnh viện FV (TP.HCM). Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra để xác minh nguồn lây của các bệnh nhân này.
Như vậy, trong 12 giờ qua, TP Thủ Đức đã ghi nhận 7 trường hợp nghi nhiễm mới.
Trước đó, do tình hình dình bệnh phức tạp, Sở Y tế TP.HCM và Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã công bố danh sách 10 phòng khám, bệnh viện tạm ngưng hoạt động tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
Đến nay đã ghi nhận 266 ca bệnh liên quan ổ dịch tại điểm sinh hoạt của hội truyền giáo.
TP.HCM: Phong tỏa khu nhà trọ có ca nhiễm liên quan Hội thánh
Đây là trường hợp F1 của bệnh nhân là thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và làm chung tại Công ty Thiên Tú FN.
Sáng 4/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay tại quận Tân Bình vừa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được cách ly từ trước.
Ca bệnh này trên địa bàn phường 4, đã được cách ly tập trung tại Đại học Quốc Gia từ ngày 1/6.
Đây là trường hợp F1 của BN6301 (thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng) do làm chung tại công ty Thiên Tú FN. Liên quan đến bệnh nhân này, lực lượng chức năng đã đến hiện trường phong tỏa tạm thời khu vực nhà trọ tại hẻm 108/E5 đường Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình.
Qua điều tra sơ bộ, khu nhà trọ có 1 trệt và 3 tầng lầu hiện có 32 người đang sinh sống. Bệnh nhân sinh hoạt tại phòng 5 tầng 1. Khu nhà trọ dùng chung 1 thang bộ, phơi đồ chung tại khu vực hành lang; không gian hẹp, không thông thoáng.
Ngành y tế địa phương đã khẩn trương tiến hành thực hiện vệ sinh khử khuẩn khu vực, điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung.
Nhân viên y tế điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần ca nghi mắc ở tòa Park 7, khu đô thị Times City tối 3/6. Ảnh Giang Huy
Bắc Giang 35 ca, Hà Nội có 1 ca là người về từ TP.HCM
Tính từ 18h ngày 3/6 đến 6h ngày 4/6, Việt Nam ghi nhận 52 ca mắc mới (BN8064- 8115) trong nước. Trong đó tại Bắc Giang có 35 ca, Bắc Ninh 14 ca, Hà Nội 2, Thái Bình 1 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
- Ca bệnh 8064- 8066, 8083- 8112, 8114- 8115 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- Ca bệnh 8067- 8075, 8078- 8082 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 6 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 3 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan ổ dịch Thuận Thành, 3 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- Ca bệnh 8076 ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: nữ, 75 tuổi, địa chỉ tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 03/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
- Ca bệnh 8077, 8113 ghi nhận tại TP. Hà Nội: 1 ca có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, 1 ca là F1 bệnh nhân 5243. Kết quả xét nghiệm ngày 0/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
Tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 6.577 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.538 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.007 ca.
Đã 10 ngày liên tiếp Việt Nam ghi nhận hơn 200 ca nhiễm một ngày.
266 ca liên quan ổ dịch tại điểm sinh hoạt của hội truyền giáo
Hiện 21/22 địa phương tại TP.HCM đã ghi nhận các ca bệnh Covid-19, chỉ còn huyện Cần Giờ chưa xuất hiện dịch sau khi ca nhiễm mới ở quận 11 được Bộ Y tế công bố tối 3/6. Đây là trường hợp trong chuỗi lây nhiễm tại khách sạn Sheraton liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Ca nhiễm này là đồng nghiệp với bệnh nhân 6325 ở Long An.
Như vậy, ổ dịch tại điểm sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng vẫn là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 266 ca. Số ca nhiễm liên quan ổ dịch này dự báo còn tăng vì 186.690 mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả.
Ổ dịch này đã gây nên ba nhánh lây nhiễm từ 20 ca trở lên, gồm Công ty Thiên Tú FN ở Bình Tân; Công ty IDS ở Tân Phú và Trường mầm non song ngữ ở quận 12. Ngoài TP.HCM, 6 tỉnh miền Nam (Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu) cũng ghi nhận các ca bệnh liên quan ổ dịch này.
Từ hôm qua (3/6), các cơ quan, đơn vị ở TP.HCM chỉ được bố trí tối đa 1/2 số người lao động làm việc ở trụ sở. Hơn 320.000 công nhân làm việc ở 17 khu chế xuất, công nghiệp, khu công nghệ cao được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Bộ GTVT đã tạm dừng các chuyến bay từ Hải Phòng đến TP.HCM và ngược lại. Hiện hàng không đã giảm tần suất bay từ nhiều địa phương đến TP.HCM, chỉ duy trì tối đa 63 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Liên quan chiến lược vaccine, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19, tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về cơ bản, Việt Nam đã tiếp cận được số lượng này.
"Tổng số liều vaccine phòng Covid-19 Việt Nam đã đàm phán được là 170 triệu", ông Cường nói và cho biết khi đàm phán phía Việt Nam phải ký cam kết với nhà sản xuất miễn trừ trách nhiệm nếu có sự cố trong quá trình dùng vaccine; chấp nhận việc có thể hàng không được giao đúng tiến độ vì "kiểm soát tốt dịch bệnh".
Trong ngày hôm qua, Việt Nam ghi nhận thêm 250 ca mới, gồm 19 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 231 ca trong nước, chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh và TP HCM. Trong đó 228 ca được phát hiện trong khu đã được cách ly hoặc phong tỏa. Đã 10 ngày liên tiếp Việt Nam ghi nhận hơn 200 ca nhiễm một ngày.
Lực lượng Binh chủng hoá học thuộc Quân khu 7 đã phun thuốc khử trùng tiêu độc tại địa bàn quận Gò Vấp.
Phong tỏa tòa nhà Park 7 Times City có ca mắc mới
Tối 3/6, lãnh đạo UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết, cơ quan chức năng đã phong tỏa tạm thời tòa Park 7, Khu đô thị Times City để phục vụ quá trình truy vết người liên quan đến một ca vừa dương tính Covid-19 (F0) sinh sống ở đây.
"Ca dương tính mới này đã được đưa đi cách ly tập trung từ trước. Ngày 24/5, kết quả xét nghiệm của người này là âm tính. Tuy nhiên, ngày 3/6, khi xét nghiệm lại thì người này dương tính", vị lãnh đạo thông tin thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo UBND phường Mai Động, từ kết quả truy vết và xác định các trường hợp liên quan, chính quyền sở tại sẽ có động thái gỡ phong tỏa hoặc tiếp tục phong tỏa tòa Park 7 để khoanh vùng, dập dịch. Tòa Park 7 này hiện có hơn 500 căn hộ.
Bệnh viện quận Gò Vấp có ca dương tính, tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân
F3 thành F0, bệnh viện quận Gò Vấp tạm ngưng hoạt động
Chiều 3/6, bệnh viện quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, vừa cách ly 18 nhân viên y tế, ra thông báo ngưng tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú vì một bệnh nhân từng đến khám tại đây là F3 vừa có kết quả dương tính Covid-19.
Theo Bác sĩ Hồ Văn Hân, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp, trước đó, ngày 29/5, bệnh nhân L.N.A.T. (30 tuổi, ngụ phường 12, quận Gò Vấp) từng đến khám sức khỏe xin việc, nhưng không có triệu chứng và yếu tố dịch tễ.
Đến ngày 31/5, người này nằm trong diện F3 liên quan đến ca Covid-19 và được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. Kết quả, bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau khi nhận được thông báo từ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, bệnh viện lập tức kích hoạt hệ thống phòng dịch, tạm ngưng tiếp nhận khám ngoại trú để đảm bảo an toàn phòng dịch, tổ chức khoanh vùng, truy vết xét nghiệm cho gần 400 người (gồm nhân viên y tế và người bệnh), kết quả đến nay tất cả đều âm tính.
Qua trích xuất camera, bệnh viện xác định được 18 nhân viên y tế có tiếp xúc gần bệnh nhân nói trên, đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho đi cách ly tập trung.
Cùng ngày, có 6 phòng khám đa khoa ở TP.HCM đóng cửa để nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh Covid-19.
Sau khi phát hiện ca dương tính, bệnh viện quận Gò Vấp đã tạm đóng cửa
35 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, ca trẻ nhất nặng như phi công Anh
Hiện tại cả nước còn hơn 4.800 bệnh nhân đang điều trị tại 98 cơ sở y tế, trong đó nhiều nhất tập trung tại Bắc Giang với hơn 2.600 bệnh nhân. Do hầu hết các ca bệnh trong đợt dịch lần 4 tại Việt Nam đều nhiễm biến thể Ấn Độ nên diễn biến bệnh tăng nặng, nhiều trường hợp trẻ nhưng tình trạng sức khoẻ chuyển xấu nhanh.
Trường hợp bệnh nhân trẻ nặng nhất hiện nay là ca bệnh 7445, nam sinh viên 22 tuổi quê ở Long An. Bệnh nhân này vừa được Bộ Y tế công bố trưa 1/6, đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM được can thiệp ECMO, thở máy, an thần, giãn cơ, lọc máu bằng màng hấp phụ cytokine, truyền tiểu cầu. Bệnh nhân bị đông đặc phổi, xẹp phổi, giãn thất phải.
GS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam đánh giá, trường hợp này diễn biến nặng giống hệt bệnh nhân 91, phi công người Anh. GS.TS Nguyễn Gia Bình cho rằng, nếu bệnh nhân nhập viện trễ hơn một chút có thể chết não.
Trường hợp trẻ thứ hai là nam bệnh nhân 23 tuổi ở Thuận Thành, Bắc Ninh (ca bệnh 7117). Bệnh nhân này vào viện vì sốt, khó thở trong 6 ngày, có yếu tố cô đặc máu. Hiện đang thở máy, đặt nội khí quản, dùng kháng sinh, lọc máu ngày thứ hai, dùng thêm giãn cơ. Đến sáng 3/6, bệnh nhân được chẩn đoán đông đặc thùy dưới 2 phổi.
Ngoài ra Bắc Ninh còn xin hội chẩn ca bệnh 5355, 76 tuổi đã điều trị 14 ngày nhưng tình trạng xuất huyết tiêu hoá chưa cải thiện, tình trạng phổi tiếp tục xấu đi. Bệnh nhân đang thở máy, dùng thuốc an thần.
Bắc Giang xin hội chẩn 4 ca bệnh nặng, trong đó có 1 ca đang can thiệp ECMO là bệnh nhân nam 61 tuổi bị tổn thương phổi lan tỏa, hiện đang kết hợp thở máy, an thần, giãn cơ, tiên lượng rất nặng. Trường hợp nặng khác là bệnh nhân nữ 37 tuổ từ ngày 26-275 thở oxy, đến ngày 28/5 diễn biến thở khó dần, bệnh nhân được hỗ trợ thở SPO2. Ngày 29/5 diễn biến thở khó tăng dần nên các bác sĩ đặt nội khí quản, thở máy, gia tăng tình trạng nhiễm trùng.
Bắc Ninh còn ca bệnh 5355, 76 tuổi đã điều trị 14 ngày nhưng tình trạng xuất huyết tiêu hoá chưa cải thiện, tình trạng phổi tiếp tục xấu đi. Bệnh nhân đang thở máy, dùng thuốc an thần.
Ổ dịch Bắc Giang thêm 58 ca bệnh mới
Theo thông báo của Bộ Y tế, tính từ 12h đến 18h ngày 03/6 có 91 ca mắc mới (BN7973-8063), trong đó có 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang; 79 ca ghi nhận trong nước, tại Bắc Giang (58 ca), Bắc Ninh (10), TP. Hồ Chí Minh (11).
Như vậy, trrong ngày 3/5, Việt Nam ghi nhận thêm 250 ca mắc mới, trong đó 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang (12), TP.HCM (3), An Giang (3), Tây Ninh (1)
231 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (145), Bắc Ninh (44), TP. Hồ Chí Minh (30), Hà Nội (6), Lạng Sơn (3), Long An (2), Hải Dương (1); trong đó có 228 ca mắc mới được phát hiện trong khu đã được cách ly hoặc phong tỏa.
Tính đến 18h ngày 3/6, Việt Nam có tổng cộng 6.525 ca ghi nhận trong nước và 1.538 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 4.955 ca.
Có 13 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Sơ bộ điều tra được 6 trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính với SARS-CoV-2 tại quận Hà Đông gồm 5 người trong gia đình và 1 lái xe.
Tìm khẩn hành khách trên chuyến bay VN220 từ TP. HCM ra Hà Nội
Tối 3/6, CDC Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại quận Hà Đông, về từ TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân là nam (SN 1982, cư trú tại chung cư Hemisco Xa La, Phúc La, Hà Đông).
Ngày 26/5, bệnh nhân bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và ở tại khách sạn Harmony địa chỉ 32-34 Bùi Thị Xuân, quận 1. Có đến làm việc tại Công ty Cổ phần Bất động sản Cent Group (địa chỉ 326 Võ Văn Kiệt, phường Cổ Giang, quận 1). Hiện công ty này đã xác minh được 3 F0, trong đó có 1 F0 liên quan đến chùm ca bệnh Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.
Khoảng 20h ngày 30/5, bệnh nhân về Hà Nội trên chuyến bay VN220, số ghế 35G hạ cánh tại sân bay Nội Bài khoảng 22h10, gọi lái xe riêng đưa bệnh nhân về nhà tại tòa Hemisco Xa La và tự cách ly tại phòng riêng và khai báo với Trạm Y tế phường Phúc La, Hà Đông.
Ngày 2/6, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả do Bệnh viện đa khoa Hà Đông thực hiện là nghi ngờ. Mẫu bệnh phẩm đã được chuyển lên CDC Hà Nội xét nghiệm, khẳng định dương tính với Covid-19. Sơ bộ điều tra được 6 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân bao gồm 5 người trong gia đình và 1 lái xe.
CDC Hà Nội cũng thông báo tìm người đi trên chuyến bay VN220 ngày 30/5/2021 từ TP.HCM đến Hà Nội hạ cánh tại sân bay Nội Bài khoảng 22h10 (đặc biệt hành khách ngồi trên hàng ghế từ 33 đến 37). Người đã đi trên chuyến bay trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, TTYT trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/0949.396.115.
HCDC cho biết, trong một ngày thành phố đã ghi nhận thêm 12 trường hợp nghi nhiễm mới.
TP.HCM: Quận 11 có ca dương tính đầu tiên, chỉ Cần Giờ chưa có người nhiễm
Chiều 3/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính từ 7h sáng đến chiều nay, thành phố ghi nhận thêm 12 trường hợp nghi nhiễm mới, trong đó có 1 trường hợp đã được Bộ Y tế công bố vào buổi trưa cùng ngày.
Trước đó, sáng nay TP.HCM ghi nhận 18 trường hợp nghi nhiễm. Như vậy, đã có 19 bệnh nhân đã được Bộ y tế công bố vào trưa ngày 3/6 (BN7954-BN7972), còn lại 11 trường hợp đang chờ công bố.
Tính từ 18h ngày 2/6 đến 17h ngày 3/6, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 30 trường hợp, trong đó 28 trường hợp liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly từ trước, trong đó có bệnh nhân cư trú tại Q11.
Đến thời điểm này, 21/22 quận huyện của TP.HCM có bệnh nhân Covid-19, chỉ còn huyện Cần Giờ chưa xuất hiện ca bệnh.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM vừa thực hiện lấy 2.440 mẫu khẩn cấp cho toàn bộ người dân ở phường 3, quận Tân Bình do liên quan đến 3 bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 người trong cùng 1 gia đình.
WHO chưa có cảnh báo nào mới liên quan tới biến thể virus Covid-19. Ảnh: Getty
WHO nhận định chủng lai tạo nCoV ở Việt Nam thuộc chủng Ấn Độ
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng chủng lai tạo nCoV mới ở Việt Nam là chủng Ấn Độ xuất hiện đột biến của chủng Anh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã xuất hiện thêm biến chủng SARS-CoV-2 mới. Chủng virus SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh. Cụ thể virus chủng Ấn Độ xuất hiện đột biến của chủng Anh.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, khẳng định: “Theo định nghĩa của WHO, không có biến thể lai mới ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại”. "Biến thể được phát hiện là chủng Delta - tên gọi mới của chủng Ấn Độ (B.1.617.2), với các đột biến bổ sung. Chúng tôi cần theo dõi trong vài tuần tới", ông Park giải thích.
Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và xuất hiện tại khoảng 50 quốc gia khác. Đây là biến thể rất nguy hiểm vì dễ lây nhiễm nhanh chóng.
Son Nghiem, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Kinh tế Y tế Ứng dụng của Đại học Griffith ở Australia, đồng ý rằng WHO không cần thiết phải có cảnh báo mới vào lúc này. "Theo hiểu biết của tôi, các đợt bùng phát ở Bắc Giang và Bắc Ninh chủ yếu có liên quan đến biến thể ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ", ông Nghiem nói.
Theo ông Park, rất khó để biết khi nào Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có nhà máy của các nhà sản xuất quốc tế, sẽ có thể chấm dứt dịch bệnh.
Từ cuối tháng 4, hơn 400 công ty - với 65.000 công nhân - đã ngừng sản xuất tại Bắc Ninh. Tại Bắc Giang, 4 trong 6 khu công nghiệp buộc phải đóng cửa vào ngày 18/5, ảnh hưởng đến ít nhất 140.000 công nhân.
Do việc tiêm phòng cho công nhân chỉ mới bắt đầu ở hai tỉnh, các nhà chức trách sẽ phải tiếp tục những biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt bao gồm xét nghiệm, truy tìm tiếp xúc và cách ly trong một khoảng thời gian nhất định.
Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thách thức hiện nay là đẩy nhanh việc tiêm chủng trong bối cảnh thiếu vắc xin. "Covax là một trong những giải pháp", ông Park nói, đề cập đến chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu do WHO hậu thuẫn.
"Cuộc khủng hoảng thiếu vắc xin đã xảy ra vào tháng 3 và tháng 4, chủ yếu do sự bùng phát dịch ở Ấn Độ. Đây là nhà sản xuất chính của vắc xin Covid-19 nhưng đã phải ngừng xuất khẩu vắc xin”.
"Nhưng cam kết của Covax về việc cung cấp vắc xin cho 20% dân số của các thành viên vào cuối năm nay vẫn còn hiệu lực", ông Park cho hay. Việt Nam là thành viên của Covax và đã nhận được một lượng lớn vắc xin từ nguồn này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận