Tin tức Covid-19 ngày 5/2: Chiều nay thêm 19 ca mắc mới, tại Hà Nội và 4 tỉnh
Lịch trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 thứ 23 của Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, bệnh nhân thứ 23 của Hà Nội là F1 (vợ) của BN1866, F2 của BN 1814 (người về từ Hải Dương). Bệnh nhân thứ 23 này xét nghiệm lần 1 âm tính. Đến ngày 4-2 có biểu hiện sốt, ho, xét nghiệm lần thứ 2 ngày 5-2 mới dương tính với Covid-19.
Bệnh nhân tên N.T.K (sinh năm 1973; có địa chỉ ở số 12, ngõ 86, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Bệnh nhân này là vợ của BN1866 (nam, sinh năm 1970).
Sáng 27-1, BN1866 cùng vợ đến phòng công chứng số 3 có địa chỉ tại số 6 phố Duy Tân từ khoảng 8h30 đến 9h40 để làm hợp đồng mua nhà với F0 (BN1814, nữ, sinh năm 1971; giáo viên tại Trường THCS Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Ngày 1-2, bệnh nhân N.T.K được lấy mẫu lần 1 kết quả âm tính. Ngày 2-2, bệnh nhân chuyển cách ly tại khu cách ly Trường Đào tạo nghề Thành An.
Đến ngày 4-2, bệnh nhân K xuất hiện triệu chứng gai rét, sốt 38,1 độ C, lấy mẫu xét nghiệm lần 2, chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn.
Ngày 5-2, bệnh nhân K có kết quả dương tính với COVID-19.
Như vậy, tại Hà Nội, tính đến 8h ngày 5-2, thành phố đã ghi nhận 23 ca bệnh tại 6 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Đông Anh, Mê Linh.
Phong tỏa toàn bộ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương vừa ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND thiết lập vùng cách ly y tế tại huyện Cẩm Giàng.
Cụ thể, phong tỏa, cách ly y tế đối với toàn bộ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.
Mục đích của phong tỏa, cách ly y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 do virus SARSCoV-2 gây ra. Thời gian áp dụng: Kể từ 18h ngày 5/2 cho đến khi có thông báo mới.
UBND huyện Cẩm Giàng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Giao thông vận tải, Y tế thiết lập ngay các chốt kiểm soát và thực hiện kiểm soát 24/24 giờ đối với toàn bộ huyện Cẩm Giàng và thực hiện cách ly y tế theo đúng các qui định hiện hành.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND huyện Cẩm Giàng hướng dẫn người dân và các phương tiện lưu thông trên địa bàn huyện Cẩm Giàng khi đi qua các chốt kiểm soát.
Chiều 5/2 thêm 19 ca mắc mới
Bộ Y tế thông tin, tính đến 18h ngày 5/2, Việt Nam có tổng cộng 1087 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước; trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay 394 ca.
Tính từ 6h đến 18h ngày 5/2 có 19 ca mắc mới, BN1958-BN1976 là các ca cộng đồng tại Hà Nội (1), Hải Dương (12), Quảng Ninh (2), Điện Biên (3) và Hà Giang (1).
Cụ thể, thành phố Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân (BN1958): là F1 của BN1814, liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Hải Dương ghi nhận 12 bệnh nhân (BN1959-BN1967, BN1973-BN1975); trong đó, 2 ca là công nhân khu công nghiệp thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly, không có nguy cơ lây ra cộng đồng. 8 ca liên quan khu công nghiệp thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và 2 ca là F1 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 2 bệnh nhân (BN1968-BN1969) là F1 của BN1627, liên quan ổ dịch Công ty POYUN, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 bệnh nhân (BN1970-BN1972); trong đó, 2 ca là F1 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và 1 ca đang điều tra dịch tễ.
Tỉnh Hà Giang ghi nhận 1 bệnh nhân (BN1976) là F1 BN1871, BN1872 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Xét nghiệm cư dân 88 Láng hạ vì BN 1883 không khai báo rõ ràng
Chiều 5/2, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội vừa ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 1956 và 1958. Trường hợp bệnh nhân 1958 ở Cầu Giấy tạm thời kiểm soát tốt vì trước đó đã được cách ly tập trung, tìm hiểu được thời gian tiếp xúc của ca bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Hiền, trường hợp ca bệnh ở 88 Láng Hạ (ca bệnh 1956) rất khó khăn, bởi bản thân người này không khai báo rõ thời gian tiếp xúc với ca bệnh 1883, gây khó khăn cho việc truy vết, vì thế, phải khoanh vùng cả tòa nhà để xét nghiệm.
"Chứ không phải cứ có trường hợp nào mắc COVID-19 ở tòa chung cư cũng phải khoanh vùng và xét nghiệm hết. Các quận huyện phải lưu ý, vì nếu cứ làm thế thì rất khó khăn", ông Hiền nói đồng thời cho rằng, các đơn vị nên kiểm tra lại camera an ninh để trích xuất việc đi lại, quyết định khoanh vùng cả tòa nhà hay từng tầng trong tòa nhà.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh, việc khai báo không trung thực của một số trường hợp F0, F1 như 1883, 1956 khiến rất vất vả cho công tác truy vết. Như trường hợp 1956 có nhiều thông tin không chính xác. Ông Dũng đã phải trao đổi với tổ công nghệ thông tin để truy vết lại các thông tin này. Theo ông Dũng, nhiều người thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng, đặc biệt, có trường hợp còn tắt điện thoại.
Hà Nội có thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2
Sở Y tế Hà Nội vừa phát hiện thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, là F1 của BN1886. Như vậy đến nay, Hà Nội đã có 23 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Sáng 5/2, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP Hà Nội vừa ghi nhận trường hợp thứ 23 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân nữ 48 tuổi, là F1 của một bệnh nhân.
Liên quan đến trường hợp BN1956 - nữ nhân viên ngân hàng ở Láng Hạ được công bố chiều 4/2, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đây là F1 của BN1883.
Tuy nhiên, BN1883 đã đi lại nhiều nơi tiếp xúc nhiều người, khiến công tác truy vết, khoanh vùng gặp nhiều khó khăn. Thành phố đang tiếp tục truy vết toàn bộ những người, khu vực có liên quan bệnh nhân.
Hơn 30 F1 của công chứng viên tại TP.HCM âm tính lần 1 với nCoV
Trưa 5/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết ngành y tế đã tiếp cận được 82 người liên quan bệnh nhân 1883 là nam công chứng viên, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh của thành phố, qua điều tra, truy vết, HCDC tìm kiếm được 33 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 1883.
Đa số họ là những người sống tại chung cư trên phố Bùi Viện (quận 1), bạn bè ở đường Bạch Đằng, quận Tân Bình và nhân viên tại Khỏe Massage (quận 5). Các trường hợp này đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Đây là những người tiếp xúc gần nam công chứng viên mắc Covid-19 khi bệnh nhân vào công tác tại TP.HCM.
Theo HCDC, 49 trường hợp khác được tìm thấy cũng liên quan đến công chứng viên này. Trong đó, 32 người tiếp xúc trên chuyến bay VN7245 từ Hà Nội đến TP.HCM và 17 người trên chuyến bay QH242 từ TP.HCM về Hà Nội. 45 người có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. 4 trường hợp đang chờ kết quả là hành khách trên chuyến bay QH242.
Ảnh minh họa
Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ bữa ăn Tết cho công dân tại khu cách ly tập trung
Trưa 5/2, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, tính đến thời điểm này tổng số người cách ly tập trung trên địa bàn là 387 người, số người cách ly tại nhà là 215 người.
Cụ thể, qua rà soát, tổng số người từ vùng dịch trở về địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong ngày 4/2 là 2.637 người. Tổng số người từ vùng dịch trở về chưa qua 14 ngày là 8.089 người; tất cả đều được theo dõi, giám sát y tế tại nhà. Trong đó, Hải Dương 122 người, Quảng Ninh 341 người, Hà Nội 2.128 người, Gia Lai 185 người, Bắc Ninh 93 người, Hòa Bình 11 người, Bình Dương 390 người, Hải Phòng 217 người, TP.HCM 4.602 người, Bắc Giang 44 người.
Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm soát y tế phòng chống dịch Covid-19 tại Ga Huế
Trong ngày 4/2, Thừa Thiên Huế đã ra quyết định cách ly tập trung mới cho 36 người, nâng tổng số người cách ly tập trung 387 người; ra quyết định cách ly tại nhà cho 11 người, nâng tổng số người cách ly tại nhà là 215 người.
Tỉnh này cũng thực hiện giám sát y tế đối với các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung về địa phương 276 trường hợp. Đã thực hiện xét nghiệm 1.056 mẫu, tất cả đều âm tính. Trong ngày 4/2, đơn vị đã lấy mẫu xét nghiệm 89 mẫu.
Đến nay (5/2), trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân khai báo y tế khi xuống tàu tại Ga Huế
Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương, các lực lượng tiếp tục triển khai quyết liệt, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tất cả mọi người dân đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả người Huế về địa phương) bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, tất cả xe buýt, phương tiện vận tải hành khách trong tỉnh đặt QR (mã thông tin phản hồi). Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đặt mã QR. Đưa tiêu chí đăng ký triển khai giải pháp QR là tiêu chí bắt buộc trong đánh giá mức độ đảm bảo an toàn phòng dịch tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Thừa Thiên Huế yêu cầu tất cả xe buýt, phương tiện vận tải hành khách trong tỉnh và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đặt mã QR nhằm quản lý lịch trình di chuyển, truy vết
Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tuyên truyền mọi người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cài đặt Hue-S và triển khai giải pháp QR nhằm quản lý lịch trình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh.
Thống nhất chủ trương hỗ trợ bữa ăn Tết cho các công dân đang cách ly tại các T (khu cách ly), giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát, tổng hợp danh sách, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, phân bổ.
Thừa Thiên Huế cũng đã thống nhất tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động đang làm việc tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng Thuận An, Cảng Chân Mây, Ga Huế, Bến xe phía Bắc và Bến xe phía Nam TP. Huế.
Nữ bệnh nhân mắc Covid-19 ở chung cư 88 Láng Hạ đi những đâu?
BN1956 là bà V.H.H., nữ, 46 tuổi, ở chung cư 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Bà H. là giám đốc phòng giao dịch Public Bank tại D6 Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Bệnh nhân là F1 của BN1883 (công chứng viên làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội).
Báo cáo dịch tễ học cho thấy, ngày 27/1, bà H. gặp BN1883 để đổi tiền tại cổng trường THCS Giảng Võ trong khoảng 5 phút (khoảng 11h30-12h). Hai người không đeo khẩu trang.
Từ ngày 27/1 đến 29/1, bà H. đi làm tại ngân hàng Public Bank, Giảng Võ, Ba Đình. Sau khi đi làm về, bệnh nhân có tiếp xúc với bố mẹ và 2 con gái tại chung cư 88 Láng Hạ.
Ngày 30/1 đến 31/1, bệnh nhân nghỉ cuối tuần ở nhà. Chiều 31/1, bà H. đến siêu thị Vinmart Trúc Khê, Láng Hạ, để mua đồ (không nhớ rõ thời gian, khoảng trước 18h).
Ngày 1/2, bà có gặp một người, sau đó quay lại cơ quan và về nhà. Ngày hôm sau, người phụ nữ này làm việc tại ngân hàng.
Đến ngày 3/2, bà H. được Trung tâm Y tế Đống Đa lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cách ly tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hoàng Mai. Ngày 4/2, bà H. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh. Chiều 4/2, bệnh nhân được Bộ Y tế xác định là BN1956 mắc Covid-19.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, tổng cộng 22 trường hợp được xác nhận là F1 của bệnh nhân 1956. Trong đó, 17 F1 là đồng nghiệp tại phòng giao dịch ngân hàng Public Bank. Những người còn lại là người nhà và bảo vệ tại chung cư Sky City Tower, 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa.
Tại phường Giảng Võ, cơ quan chức năng điều tra được 15 địa điểm là quán ăn, uống liên quan các trường hợp F1 của bệnh nhân.
Trung tâm Y tế quận Đống Đa phối hợp với UBND phường Láng Hạ tạm thời phong tỏa chung cư Sky City Tower, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân tại trong chung cư.
Sáng 5/2 không có ca mới Covid-19
Theo bản tin 6h ngày 5/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, không có ca mắc Covid-19 nào. Đây là lần đầu tiên sau 12h liên tục, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.
Tính đến 6h ngày 5/2, Việt Nam có tổng cộng 1068 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước; trong đó, có 375 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 80.113. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 489 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 24.362 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 55.262 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.465 bệnh nhân Covid-19. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 10 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; hai ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. Bệnh nhân tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.
Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Liên quan đến công tác sàng lọc bệnh nhân tại các cơ sở y tế, trao đổi trên báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, qua phân tích 240 bệnh nhân Covid-19 mới đợt này cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở oxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng.
Vì vậy, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị tất cả các bệnh viện quay lại khai thác kỹ tiền sử dịch tễ tất cả người đến khám.
Nhiều nơi áp dụng cách ly tập trung người về từ vùng dịch
Hải Phòng quy định chi tiết các trường hợp phải cách ly tập trung. Cụ thể, tính từ 12h ngày 4.2, những người từ Hải Dương, Quảng Ninh (những nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19) về Hải Phòng ăn tết sẽ phải cách ly tập trung.
Người từ xã Tiến Thắng (H.Mê Linh), các phường Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu (Q.Cầu Giấy), Xuân Phương, Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm), Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), TT.Đông Anh của TP.Hà Nội về Hải Phòng phải cách ly y tế tập trung. Những địa điểm còn lại thuộc H.Mê Linh, Q.Cầu Giấy, Q.Nam Từ Liêm thực hiện cách ly tại nhà khi về tới Hải Phòng.
Người từ xã Lâm Thao (H.Lương Tài, Bắc Ninh), P.Đồng Tiến (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), xã Cẩm Lý (H.Lục Nam, Bắc Giang), P.4 (Q.11, TP.HCM), P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), xã Phú Giáo (H.An Bình, Bình Dương) về Hải Phòng cũng phải đi cách ly tập trung.
Người từ các vùng La Trok, Ia Mrơn, Kim Tân, Chư Rcăm, Cheo Reo (Gia Lai) về Hải Phòng phải cách ly y tế tập trung; từ các huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) về phải cách ly tại nhà.
Thái Nguyên: Người về từ các địa điểm có ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế thông báo thì phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cách ly 14 ngày tại cơ sở y tế. Người từ các địa phương có dịch nhưng không trong vùng có ổ dịch, ca nhiễm được tự do đi lại bình thường nhưng phải khai báo y tế.
Ninh Bình: Người về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội có ổ dịch, các địa bàn bị phong tỏa đều phải cách ly tập trung. Những người về từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Bất cứ người dân nào từ nơi khác về ăn tết đều phải thực hiện khai báo y tế, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà.
Thanh Hóa: Những người từng sinh sống và tham gia các sự kiện ở các điểm có dịch, khi về sẽ phải cách ly tại nhà và nơi cư trú. Trường hợp F1 phải cách ly tập trung, từ F2 trở đi cách ly tại nhà.
Nghệ An: Người về từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội thì được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Người từng có mặt vào thời gian mà F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo cho cơ quan y tế địa phương và được cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định. Các trường hợp khác đều phải khai báo y tế.
Hà Tĩnh: Buộc cách ly 14 ngày đối với người về từ khu vực có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội; các địa điểm có bệnh nhân nhiễm Covid-19 từng đến và vùng bị phong tỏa như TP.Chí Linh (Hải Dương), sân bay quốc tế Vân Đồn, TT.Cái Rồng (H.Vân Đồn, Quảng Ninh), Trường đại học FPT tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) và các địa điểm khác được cập nhật thường xuyên theo thông báo của Bộ Y tế.
Quảng Trị: Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đơn vị đã đăng tải công khai danh sách (trên trang Facebook chính thức của Sở Y tế) các địa điểm, địa phương mà người dân từ đó về Quảng Trị phải bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Danh sách này sẽ được tiếp tục cập nhật vì diễn biến dịch thay đổi liên tục...
Lấy mẫu xét nghiệm gần 1.000 người ở chung cư 88 Láng Hạ
Đến 1h sáng 5/2, khoảng 1.000 cư dân tòa B của chung cư 88 Láng Hạ vừa bị phong tỏa chiều 5/2 đã được lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, BQL tòa nhà đã phun khử khuẩn 2 tầng 10 và 21 toà B.
Thông tin ban đầu, có F1 của bệnh nhân V.H.H. (người bị dương tính Covid-19 được xác định trong chiều 4/2) đã được đưa đi cách ly tập trung.
Bệnh nhân V.H.H. (sinh năm 1975, là Giám đốc Phòng giao dịch Public Bank ở phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình). Địa chỉ nơi ở của bệnh nhân tại chung cư 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Bà H. là F1 của bệnh nhân 1883 (sinh năm 1976, là công chứng viên Phòng Công chứng số 3 Duy Tân, quận Cầu Giấy).
Theo kết quả xác minh sơ bộ lịch trình của bệnh nhân:
Ngày 27-1, bệnh nhân V.H.H. gặp bệnh nhân 1883 tại cổng Trường THCS Giảng Võ trong khoảng 5 phút, 2 người không đeo khẩu trang (thời gian gặp khoảng từ 11giờ 30-12 giờ).
Từ ngày 27 đến 29/1, bệnh nhân đi làm tại Ngân hàng Public Bank. Sau khi đi làm về, bệnh nhân có tiếp xúc với bố mẹ và 2 con gái tại chung cư 88 Láng Hạ.
Từ ngày 30/1 đến 31/1, bệnh nhân nghỉ cuối tuần ở nhà. Chiều 31/1, bệnh nhân đến siêu thị Vinmart Trúc Khê, Láng Hạ để mua đồ (khoảng trước 18h).
Ngày 1/2, bệnh nhân có gặp anh N.A.G., sau đó quay lại cơ quan và về nhà.
Bình Dương dừng bắn pháo hoa tết, tập trung dập dịch
Tỉnh Bình Dương quyết định tạm dừng bắn pháo hoa trong dịp đón giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tập trung dập dịch.
Ngày 4-2, theo đại diện UBND tỉnh Bình Dương, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp nên tỉnh quyết định tạm dừng việc bắn pháo hoa trong dịp đón giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Trước đó, sáng 4-2 tỉnh Bình Dương ra quân tiêu độc khử trùng tại khu vực bị phong tỏa tại phường Phú Hòa cũng như khuôn viên phòng học của Trường đại học Thủ Dầu Một, nơi bệnh nhân số 1843 là sinh viên đang theo học.
Viện Pasteur TP.HCM cũng đã thông báo về kết quả xét nghiệm tất cả trường hợp F1 đang được cách ly tập trung liên quan đến bệnh nhân số 1843 đều âm tính với SARS-CoV-2.
Về tình hình Covid-19 trên thế giới, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers, toàn cầu ghi nhận 105.365.771 ca nhiễm và 2.291.596 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 511.855 và 15.928 ca trong 24 giờ qua. 77.031.780 người đã bình phục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận