Thống kê của Bộ Y tế số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam và thế giới tính đến 18h ngày 5/3/2021.
Nam sinh ở Chí Linh dương tính SARS-CoV-2 sau 8 lần xét nghiệm
Lực lượng y tế TP Chí Linh ghi nhận một nam học sinh (11 tuổi, ở Bến Tắm, phường Hoàng Tân) dương tính SARS-CoV-2 sau 8 lần xét nghiệm. Tuy nhiên trường hợp này là F1 trước đó, được cách ly từ đầu nên không có F1, F2 mới.
Chiều 5/3, đại diện Trung tâm Y tế TP Chí Linh thông tin, sau ba ngày TP Chí Linh chuyển sang trạng thái mới, phòng chống COVID-19 theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Hiện toàn thành phố chỉ còn 89 trường hợp F1 (trong đó 41 người liên quan Công ty Poyun) đang được cách ly tại Trung đoàn 125.
Đại diện TTYT TP Chí Linh cho biết, tối 4/3 Bệnh viện Nhiệt đới TƯ thông báo một ca bệnh khi hoàn thành điều trị được về nhà, lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm lại cho kết quả nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2 nên đã nhanh chóng đưa người này trở lại Bệnh viện Đại học Hải Dương.
Trước đó, ngày 3/3 qua xét nghiệm, ngành y tế cũng phát hiện bé N.H.N (SN 2009, ở khu Bến Tắm, phường Hoàng Tân) dương tính SARS-CoV-2 sau 8 lần xét nghiệm.
Đây là trường hợp F1, được cách ly từ trước, ủ bệnh trong thời gian dài. Do đó, khi nam sinh trở thành F0, thì chỉ có bố mẹ là người tiếp xúc gần vì cùng được cách ly từ trước. Trường hợp này không phải ca mắc trong cộng đồng và hiện đang được điều trị, theo dõi, sức khỏe tốt.
Chiều 5/3, thêm 6 ca mắc COVID-19 ở Bình Dương, Tây Ninh và Kiên Giang
Theo bản tin 18h chiều 5/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, có 6 ca mắc mới Covid-19 ghi nhận tại Kiên Giang, Bình Dương và Tây Ninh.
Sáu ca mắc mới là các ca nhập cảnh được cách ly ngay, trong đó có 1 ca nhập cảnh đường hàng không tại tỉnh Bình Dương và 5 ca nhập cảnh đường bộ vào tỉnh Tây Ninh (1) và Kiên Giang (4).
Ca bệnh 2489 (BN2489): nữ, 52 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 22/2/2021, từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh.
Kết quả xét nghiệm ngày 4/3/2021 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Ca bệnh 2490 (BN2490): nữ, 28 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Ca bệnh 2492 (BN2492): nữ, 24 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Ca bệnh 2493 (BN2493): nữ, 24 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Các BN2490, BN2492, BN2493 từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Hà Tiên ngày 3/3/2021, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang.
Kết quả xét nghiệm ngày 4/3/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Ca bệnh 2491 (BN2491): nam, 24 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại phường Mỹ Thoa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 27/2/2021, từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Hà Tiên được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang.
Kết quả xét nghiệm ngày 4/3/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Ca bệnh 2494 (BN2494): nam, 43 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Trung Quốc. Ngày 19/2/2021, bệnh nhân từ Trung Quốc nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay BR391, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Bình Dương.
Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 4/3/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Hơn 500 tình nguyện viên đăng ký tiêm vaccine COVIVAC
Tính đến 15h chiều 5/3, có hơn 500 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC.
Từ sáng nay (5/3), tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVID-19 thứ 2 của Việt Nam (vaccine COVIVAC).
Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện thử nghiệm trên 120 tình nguyện viên khoẻ mạnh, từ 18-59 tuổi.
COVIVAC là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 05 nhóm: 03 nhóm vaccine không có tá chất với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg, 01 nhóm vaccine mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).
Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vaccine cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn
Việt Nam sẽ tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên ngày 8/3
Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã cung cấp thông tin này. Tư lệnh ngành Y tế cũng báo cáo một số vấn đề liên quan đến tiếp cận và sử dụng các nguồn vacicne phòng Covid-19 nhập khẩu.
Theo người đứng đầu ngành y, nhu cầu về vaccine hiện nay lớn nhưng nguồn cung của thế giới còn hạn chế. Nhiều nước sẵn sàng mua vaccine dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.
"Việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn trong khi đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn trong nước", Bộ trưởng Y tế nói.
Trưa 24/2, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam và đến nay đã có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine này, khẳng định đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Theo kế hoạch, ngày 6/3, Bộ trưởng Y tế sẽ chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tập huấn trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine cũng như xử lý tai biến sau tiêm…
Dự kiến hai ngày sau (8/3), những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng.
Vaccine trước hết được tiêm tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 (những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân); các đối tượng theo Nghị quyết 21; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương do lượng vaccine lần này quá ít so với nhu cầu thực tế).
Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dự kiến tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên vào 8/3. Ảnh: VGP.
Hơn 44.000 người TP.HCM được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19
Ngày 5/3, Sở Y tế TP.HCM có văn bản báo cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Pasteur TP.HCM về kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn thành phố theo mẫu thu thập thông tin của Cục Y tế dự phòng.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM nhận định hiện tại, thành phố không có ổ dịch đang hoạt động trong cộng đồng. Do đó, thành phố không xác định địa bàn được ưu tiên tiêm chủng.
Các trường hợp nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại TP.HCM là nhân viên tuyến đầu chống dịch, bao gồm cán bộ y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên điều tra dịch tễ, nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, tổ Covid-19 cộng đồng, nhân viên trực tiếp tiêm vaccine...
Ghi nhận giai đoạn 1, danh sách 44.175 trường hợp và số lượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cụ thể như sau: Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19: 285; Thành viên tổ truy vết: 388; Nhân viên tham gia điều tra dịch tễ: 1.362; Lực lượng quân đội: 600; Lực lượng công an: 1.042; Tổ Covid-19 cộng đồng: 38.000; Cán bộ lấy mẫu xét nghiệm: 1.710; Nhân viên tại các khu cách ly tập trung: 513; Cán bộ trực tiếp tiêm chủng vaccine Covid-19: 275.
Đà Nẵng dỡ bỏ 14 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ thành phố
Đà Nẵng dỡ bỏ 14 chốt kiểm soát dịch Covid-19
Ngày 5/3, Chủ tịch UBND thành phố đã có thông báo tạm dừng hoạt động tại các chốt kiểm dịch liên ngành vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố từ 8h ngày 5/3 cho đến khi có thông báo mới.
Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã yêu cầu công an các đơn vị phối hợp Phòng Hậu cần, các đơn vị chức năng thuộc UBND các quận, huyện có chốt thu gom các trang thiết bị, dọn vệ sinh tại khu vực xung quang chốt kiểm dịch.
Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị để triển khai ngay khi có thông báo của UBND thành phố.
Trước đó, ngày 6/2, Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 Đà Nẵng quyết định thành lập các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố.
Theo đó, thành phố thành lập 14 chốt tại: tuyến đường Tạ Quang Bửu, tuyến đường Hoàng Văn Thái - đoạn gần bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu); tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài - tuyến đường dẫn hầm Hải Vân.
Tuyến đường 14G - đoạn chân núi Thần Tài Quốc lộ 14B - đoạn gần quán Dê 89, Quốc lộ 1A - đoạn ngã ba Tứ Câu, tỉnh lộ 605 - đoạn lên núi Bồ Bồ, Quốc lộ 14B - bên cạnh Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); Dự án tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay - tuyến đường Trường Sa, điểm cuối tuyến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn).
Bến xe trung tâm thành phố (quận Cẩm Lệ); Ga đường sắt Đà Nẵng (quận Thanh Khê); Cảng Đà Nẵng (quận Sơn Trà); Ga nội địa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (quận Hải Châu).
Chốt kiểm soát dịch liên ngành thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ, liên tục các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày Quyết định này có hiệu lực đến khi có thông báo kết thúc nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố
Học sinh Hải Phòng chính thức đi học trở lại từ 8/3
Sở GD&ĐT Hải Phòng vừa ra văn bản số 403/SGDĐT-VP về việc học sinh đi học trở lại từ ngày 8/3/2021.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị giáo dục triển khai việc thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường liên cấp; Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Trung tâm Tư vấn du học hoạt động trở lại từ ngày 8/3/2021.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của các cấp; yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp ”5K” của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 4/3, UBND TP Hải Phòng có Văn bản số 1339/UBND-VX về việc điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, kể từ 18h ngày 4/3/2021, tiếp tục duy trì hoạt động các Tổ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở các thôn của các xã tiếp giáp với tỉnh Hải Dương. Các Tổ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở các thôn, tổ dân phố còn lại chuyển sang hoạt động theo hình thức tự nguyện, tự quản.
Cho phép hoạt động trở lại các lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự: các giải đấu thể thao; tổ chức ăn uống tập thể (đám hiếu, hỉ, tiệc liên hoan…) nhưng không được tập trung quá 20 người.
Các hãng taxi trên địa bàn thành phố được hoạt động 100% số đầu xe và chỉ được vận chuyển không quá 50% số người cho phép đối với mỗi phương tiện; phải thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Sáng nay không có ca mắc mới, ca bệnh ở Hà Nội tiên lượng rất nặng
Sáng 5/3, Bộ Y tế thông tin không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 2.488 ca, trong đó có 1.572 ca lây nhiễm trong nước. Bộ Y tế cho biết, tỉnh Hải Dương sẽ là nơi được triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên.
Theo đề xuất của tỉnh, dự kiến trong tuần tới, Hải Dương sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 cho 9 nhóm đối tượng ưu tiên trong đợt đầu tiên, bao gồm: nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân; thành viên tổ truy vết; nhân viên tham gia điều tra dịch tễ; lực lượng quân đội; lực lượng công an; tổ “Covid-19 cộng đồng”; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung; cán bộ trực tiếp tiêm vắc-xin Covid-19.
Về tình hình điều trị, Hà Nội, đã 17 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân 1823 ở Mê Linh, Hà Nội chưa có nhiều tiến triển sau 1 tháng nhập viện điều trị, 3 tuần chạy ECMO.
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân 1823 (65 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) đang có tổn thương phổi rất nặng. Đánh giá về mặt hình ảnh trên phim chụp CT, tổn thương phổi của bệnh nhân có thể lên tới 95%, gần như toàn bộ phổi.
Bệnh nhân hiện vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), các chỉ số đánh giá về cơ bản vẫn chưa cải thiện. Bệnh nhân có tiên lượng rất nặng, nếu không duy trì máy thở, ECMO sẽ không giữ được mạng sống.
Bệnh nhân 1823 là F1 của ca bệnh 1725, được Bộ Y tế công bố dương tính SARS-CoV-2 hôm 1/2. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Đến giữa tháng 2, bệnh nhân phải can thiệp ECMO do tình trạng nặng.
Bệnh nhân 1823 hiện có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm dương lẫn lộn nhiều lần. Bác sĩ giải thích, cơ thể bệnh nhân tồn lưu lượng virus ngưỡng rất thấp, tuy nhiên xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính có thể do xác virus vẫn còn hoặc nhiều nguyên nhân khác.
Tuyển tình nguyện viên thử vaccine COVID-19 thứ 2 của Việt Nam
Ngày 4/3, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC, đóng tại TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho hay viện đã hoàn thành các khâu tập huấn về quy trình thử nghiệm, khám, tuyển dụng tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covivac. Đây là vaccine COVID-19 thứ hai của Việt Nam.
Từ ngày 5/3, IVAC cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội bắt đầu tiếp nhận thông tin của các tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm vaccine Covivac. Các tình nguyện viên có thể đăng ký trực tiếp tại Đại học Y Hà Nội, qua điện thoại, thư điện tử hoặc website.
Vaccine Covivac sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 120 tình nguyện viên có độ tuổi 18-59. Các tình nguyện viên tham gia phục vụ nghiên cứu phải phải đảm bảo khỏe mạnh, có cân nặng, chiều cao phù hợp, cư trú trong khu vực nghiên cứu. Tình nguyện viên hiểu rõ và hoàn toàn tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Tình nguyện viên sẽ được khám 9 lần trong 13 tháng kể từ khi được chấp thuận tham gia thử nghiệm tại Trung tâm Dược lý lâm sàng Đại học Y Hà Nội. Các tình nguyện viên được tiêm hai mũi vaccine Covivac, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Sau khi tiêm, họ ở lại địa điểm nghiên cứu 24 giờ để được theo dõi an toàn.
Ngoài ra, tình nguyện viên cũng được lấy mẫu máu 7 lần, gồm trước khi tiêm và 7 ngày sau mỗi lần tiêm nhằm đánh giá sức khỏe, đo lượng kháng thể trong máu chống lại COVID-19. Các tình nguyên viên được hỗ trợ chi phí đi lại, bồi dưỡng mỗi lần tiêm vaccine.
Đối với tình nguyện viên là nữ phải đồng ý sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong ít nhất 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai. Họ cũng phải đáp ứng các tiêu chí loại trừ như không tiêm vaccine khác trong vòng 28 ngày, dị ứng vaccine, ung thư... Các tiêu chí loại trừ nhằm tránh nhầm lẫn biểu hiện của vaccine với bệnh lý sẵn có của người tình nguyện, chắc chắn các kết quả thu được là biểu hiện cho tính an toàn và hiệu quả của Covivac trên người tình nguyện khỏe mạnh.
Đối với tình nguyện viên là nữ phải đồng ý sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong ít nhất 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai.
Vì sao TP.HCM chưa mở lại phòng gym, quán bar?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố chưa quyết định ngày mở cửa lại toàn bộ hoạt động, cơ sở dịch vụ dù địa bàn đã trải qua 21 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
"Từ ngày 1/3, trường học và một số hoạt động, dịch vụ mở cửa trở lại, tuy nhiên, nhiều hoạt động khác chưa thể cho mở cửa. Sau 3 ngày kể từ quyết định trên có hiệu lực, TP.HCM tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh và đưa ra những quyết định tiếp theo", Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết quan điểm của ban lãnh đạo thành phố hiện tại là các hoạt động trong không gian kín chưa được mở cửa. Những cơ sở đã được cho mở lại không thuộc nhóm trên và có ít khả năng lây nhiễm dịch bệnh hơn.
Bệnh viện GTVT Hải Phòng - nơi ghi nhận 2 điều dưỡng nhiễm Covid-19
Hải Phòng: Hai điều dưỡng nhiễm Covid-19 xét nghiệm lần 4 âm tính
Tối 4/3, Sở Y tế Hải Phòng có báo cáo về tình hình chùm 3 ca bệnh nhiễm Covid-19 sau quá trình cách ly và điều trị.
Theo đó, đến nay trường hợp bệnh nhân Đ.T.P và N.V.Q xét nghiệm lần 4 đã có kết quả âm tính. Bệnh nhân Đ.M.T (em gái bệnh nhân Đ.T.P) vẫn dương tính. Các bệnh nhân tiếp tục được cách ly giám sát y tế chặt chẽ.
Đây là 3 ca bệnh dương tính với Covid-19 được ghi nhận ngày 22/2 tại Hải Phòng, gồm bệnh nhân Đ.T.P (SN 1995, trú tại xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) và bệnh nhân N.V.Q (SN 1994, trú tại khu Công nhân, phường Dư Hàng, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, là bạn trai của bệnh nhân Đ.T.P). Cả 2 bệnh nhân đang làm điều dưỡng tại Bệnh viện GTVT Hải Phòng.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Đ.M.T (SN 2001, trú tại xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng, là em gái của nữ điều dưỡng Đ.T.P).
Cả 3 bệnh nhân được đưa vào phòng áp lực âm, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cơ sở 2 điều trị, theo dõi.
Ngày 4/3, trên địa bàn TP Hải Phòng tiếp tục không phát sinh ca nghi nhiễm, ca nhiễm Covid-19. Trong ngày hôm nay, ngành y tế tiếp nhận mới 402 mẫu xét nghiệm sàng lọc, 470 mẫu có kết quả âm tính, 300 mẫu chờ kết quả.
Đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin liên quan trực tiếp đến phòng chống dịch Covid-19 như đội ngũ cán bộ y tế, công an...
Đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 ở Hà Nội?
Tại buổi họp báo thường kỳ do UBND thành phố Hà Nội tổ chức diễn ra vào chiều 4/3, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội đã cho biết kinh phí mua, thời gian cũng như đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, ông Tuấn cho biết, kinh phí mua vắc xin Covid-19 của Hà Nội sẽ dựa vào 3 nguồn, thứ nhất là từ ngân sách nhà nước, thứ 2 là nguồn kinh phí tài trợ, thứ 3 là nguồn kinh phí dịch vụ (do người dân trả phí khi tiêm).
Về đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin được ông Tuấn cho hay, những đối tượng liên quan trực tiếp đến phòng chống dịch Covid-19 như đội ngũ cán bộ y tế, công an,… sẽ được ưu tiên tiêm.
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, ngày 6/3 tới Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn tiêm chủng cho hệ thống y tế của 63 tỉnh thành. Sau đó số lượng vắc xin vừa mua về (117 nghìn liều) sẽ chia cho 13 tỉnh thành xuất hiện ca nhiễm Covid-19, sau thời điểm đó UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vắc xin cho người dân.
Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, Hà Nội dự kiến sẽ mua 15 triệu liều vắc xin Covid-19 phục vụ cho người dân Thủ đô và một số đối tượng là dân vãng lai.
"Vừa qua UBND thành phố Hà Nội đề xuất mua khoảng hơn 15 triệu liều vắc xin phòng chống Covid-19 để phục vụ tiêm cho người dân trên địa bàn và sẽ tiêm cho một số đối tượng ở tỉnh khác đang làm việc và sinh sống tại Thủ đô", ông Tuấn nói.
Lực lượng y tế tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm sinh viên sáng 4/3.
Nữ sinh nghi dương tính, Hải Dương phong toả 9 hộ dân
Ngày 4/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương, một ngày trước lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho các sinh viên trên địa bàn để chuẩn bị trở lại trường.Qua xét nghiệm, kết quả từ CDC Hải Dương bước đầu xác định nữ sinh T.T.M (trú phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, CDC Hải Dương đã thông báo tới chính quyền phường Ngọc Châu để triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19.
Cũng trong sáng 4/3, CDC Hải Dương đã lập tức lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với nữ sinh này.
UBND phường Ngọc Châu cho biết, ngay khi nhận thông báo, địa phương đã tổ chức phun khử khuẩn, dựng rào phong tỏa tạm thời đối với 9 hộ dân thuộc khu 17, phường Ngọc Châu.
Cục yêu cầu các hãng hàng không phối hợp các cảng vụ hàng không hỗ trợ và hướng dẫn hành khách sử dụng các hình thức làm thủ tục tiện lợi như kiosk check-in, online check-in. Ảnh: VNA
Hành khách thực hiện khai báo điện tử trước chuyến bay
Cục Hàng không Việt Nam, ngày 4/3 cho biết đã có văn bản yêu cầu hành khách thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế điện tử trước chuyến bay.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không được chủ quan, không “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Đối với hành khách làm thủ tục trực tuyến hoặc làm thủ tục bằng máy kiosk (máy làm thủ tục tự động) chưa thực hiện khai báo y tế điện tử, bộ phận an ninh soi chiếu tại các cảng hàng không từ chối việc soi chiếu an ninh và hướng dẫn hành khách liên hệ với nhận viên phục vụ mặt đất để hoàn thành việc khai báo y tế theo quy định, bảo đảm 100% hành khách khai báo y tế điện tử qua điểm kiểm tra soi chiếu an ninh tại các cảng hàng không.
Cục yêu cầu các hãng hàng không phối hợp các cảng vụ hàng không hỗ trợ và hướng dẫn hành khách có nhu cầu khai báo y tế điện tử.
Đối với các cảng vụ hàng không, Cục yêu cầu các cảng vụ triển khai các nội dung nêu trên đến tất cả các hãng hàng không nước ngoài và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 3 ca tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Ảnh- Getty.
DIễn biến liên quan tình hình dịch Covid-19 trên thế giới
Thêm 3 người Hàn Quốc tử vong sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca
Những bệnh nhân tử vong sau khi được tiêm vaccine đều đã có thời gian dài điều trị trong bệnh viện. Hàn Quốc cho biết đang điều tra nguyên nhân cái chết của 3 người này.
Đã có thêm 3 người tử vong trong ngày 4/3 sau khi được tiêm vaccine Covid-19 do AstraZeneca phát triển, nhà chức trách Hàn Quốc cho biết, theo Yonhap.
Bệnh nhân đầu tiên, 52 tuổi, tử vong vào sáng 4/3 tại bệnh viện ở Jeoju, phía nam thủ đô Seoul. Người này được tiêm vaccine của AstraZeneca gần 48 giờ trước đó, quan chức địa phương cho biết.
Bện nhân ở Jeoju có tiền sử bệnh tim, tai biến mạch máu não và từng bị xuất huyết não hồi tháng 6/2020.
Bệnh nhân thứ hai tử vong ở độ tuổi 58 tại bệnh viện gần thành phố Busan. Người này được tiêm vaccine trước đó chưa đầy 24 giờ. Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim và tiểu đường.
Bệnh nhân thứ ba là một phụ nữ ngoài 20 tuổi sống ở thành phố Daejeon. Người này tử vong sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca hôm 2/3. Bệnh nhân trước đó đã có thời gian dài điều trị ở bệnh viện.
"Không ai trong số họ có phản ứng mạnh với tiêm chủng. Tới lúc này, chưa có bằng chứng cho thấy vaccine là nguyên nhân các ca tử vong", một quan chức y tế Hàn Quốc cho biết.
Trước đó, Hàn Quốc ghi nhận 2 ca tử vong hôm 3/3 sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca. Đây là những ca tử vong đầu tiên kể từ khi Hàn Quốc khởi động chương trình tiêm chủng hôm 26/2.
Hai người tử vong là bệnh nhân tại các cơ sở điều trị y tế dài hạn tại Goyang và Pyeongtaek, đều thuộc tỉnh Gyeonggi.
Nhà chức trách y tế Hàn Quốc cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng các ca tử vong để sớm đưa ra kết luận. Tuy nhiên, họ cho biết không có mối liên hệ giữa tình trạng tử vong với vaccine trong các vụ việc tương tự trên thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận