Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Tin tức dịch Covid-19 mới nhất ngày 8/10, Bộ Y tế cho biết, tính từ 17h ngày 7/10 đến 17h ngày 8/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.806 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 4.795 ca ghi nhận trong nước (tăng 648 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 2.451 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.841 ca/ngày. Ảnh minh họa
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh gồm: TP.HCM (2.215), Bình Dương (828), Đồng Nai (612), An Giang (182), Tây Ninh (92), Kiên Giang (89), Tiền Giang (74), Long An (66), Ninh Thuận (64), Khánh Hòa (55), Đồng Tháp (51), Cà Mau (49), Cần Thơ (48), Hà Nam (44), Hậu Giang (39), Gia Lai (39), Lâm Đồng (29), Bà Rịa - Vũng Tàu (19), Bình Định (18), Nghệ An (17), Trà Vinh (16), Thanh Hóa (15), Đắk Nông (15), Bến Tre (14), Vĩnh Long (14), Bình Phước (13), Quảng Ngãi (13), Bạc Liêu (10), Quảng Trị (8 ), Hà Tĩnh (7), Phú Yên (7), Kon Tum (6), Hà Nội (5), Quảng Bình (4), Lào Cai (3), Hải Dương (3), Sơn La (3), Quảng Nam (3), Ninh Bình (3), Nam Định (1), Phú Thọ (1), Yên Bái (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm: Đắk Lắk (-36), Bình Thuận (-32), Long An (-18).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: TP.HCM (+485), Ninh Thuận (+53), Sơn La (+29).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.841 ca/ngày.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 831.643 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.448 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca, trong đó có 754.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 994. Tổng số ca được điều trị khỏi: 759.482. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.361 ca.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 128 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 181.202 xét nghiệm cho 308.169 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 19.806.777 mẫu cho 55.416.974 lượt người.
Trong ngày 7/10 có 1.498.557 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 50.558.288 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 36.901.468 liều, tiêm mũi 2 là 13.656.820 liều.
Hà Nội thêm 3 người dương tính, 2 ngõ bị phong tỏa
Liên quan đến 3 trường hợp trong cùng một gia đình sống tại ngõ 28 Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông dương tính với Covid-19, sáng 8/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch UBND phường La Khê cho biết, hiện nay đã truy vết được 34 trường hợp F1 liên quan đến 3 ca bệnh này.
Về biện pháp phòng chống dịch liên quan đến 3 ca dương tính Covid-19 này, Chủ tịch UBND phường La Khê cho biết, địa phương đã tiến hành phong tỏa ngõ 28 và 30 Lê Trọng Tấn.
"Sau khi có kết quả chính thức 3 người này nhiễm Covid-19, chúng tôi đã tiến hành phong tỏa ngõ 28 và 30 phố Lê Trọng Tấn để triển khai các biện pháp truy vết và cách ly những người có liên quan", ông Hiển nói.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời ngõ 28 và 30 Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông
Thông tin cụ thể của 3 ca nhiễm Covid-19 này như sau: Ca thứ 1 là chị M.T.O (49 tuổi, ở ngõ 28, tổ 3 La Khê, Hà Đông).
Chị O. cùng con trai làm quản lý cửa hàng nhôm kính tại xưởng nhôm kính số 24 Ba La, Phú La, Hà Đông.
Trong thời gian từ 22/9 đến nay, chị O. thường xuyên làm việc tại cửa hàng, ngày 1/10 có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, ho và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Ngày 7/10, chị được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Ca thứ 2 là anh B.Q.T (21 tuổi, là con trai của chị O.). Ngày 4/10, anh có triệu chứng ho, sốt, tự điều trị tại nhà. Ngày 7/10, anh được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Ca thứ 3 là ông B.Q.V (61 tuổi, là chồng của chị O.), bị tai biến nên thường xuyên chỉ ở nhà không ra ngoài. Ngày 7/10, ông được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Được biết, cộng dồn số mắc trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) tại Hà Nội đến nay có 4.029 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.423 ca.
TP Thủ Đức bắt đầu tái khởi động nhiều công trình vùng xanh từ 23/9. Ảnh: Chí Hùng.
Người dân TP Thủ Đức được xây, sửa nhà trở lại
Công trình nhà ở riêng lẻ tại TP Thủ Đức được tái khởi động với điều kiện có phương án thi công trong dịch Covid-19.
Ngày 8/10, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ mới ký công văn hướng dẫn xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP Thủ Đức đề nghị trước khi triển khai hoạt động công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, các đơn vị, tổ chức, cá nhân thi công phải lập Phương án triển khai thi công trong thời gian phòng, chống Covid-19 gửi UBND phường và niêm yết tại công trình.
Nội dung phương án phòng, chống dịch phải đầy đủ các yêu cầu: Lập danh sách toàn bộ lao động trực tiếp tại công trình, tối đa 10 người. Công nhân, người lao động tiêm đủ 2 mũi (có mã QR). Trường hợp không có mã QR phải có giấy tờ chứng nhận F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày.
Giữ khoảng cách tối đa 2 m, trường hợp buộc phải tiếp xúc gần thì sử dụng kín hoặc chụp mặt nạ. Khử khuẩn toàn bộ khuôn viên ít nhất 1 tuần/lần. Có phương án xử lý khi xuất hiện F0, bố trí khu cách ly tạm thời cho F0, F1, F2 hoặc người có triệu chứng mắc Covid-19.
Xét nghiệm định kỳ 2 tuần/lần, khám sàng lọc người có triệu chứng mắc Covid-19. Trường hợp có F0 xử lý theo quy trình sau: Đưa vào khu cách ly, liên hệ cơ sở y tế; cập nhật thông tin ca F0 vào ứng dụng "Thành phố Thủ Đức trực tuyến"; truy vết F1, F2; phong tỏa tạm thời khu vực có ca nghi và nhiễm SARS-CoV-2.
Riêng với khu vực vùng đỏ, tất cả công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động thi công xây dựng đến khi có thông báo mới.
Gia Lai không thu tiền ăn, sinh hoạt trong khu cách ly
Ngày 8/10, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai ra thông báo về việc "Không thu tiền ăn, sinh hoạt trong thời gian công dân thực hiện cách ly tập trung" phòng chống Covid-19 tại tỉnh này.
Theo đó, trong những ngày qua, hàng ngàn công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam ồ ạt tự phát về quê. Đại đa phần công dân đi về từ vùng dịch đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, vì tỉnh Gia Lai thống nhất không thu tiền ăn, sinh hoạt trong thời gian cách ly tập trung.
Tỉnh Gia Lai đã quyết định Không thu tiền ăn, sinh hoạt trong thời gian công dân thực hiện cách ly tập trung.
Theo tỉnh Gia Lai, trước mắt tỉnh cho ứng kinh phí để đảm bảo tiền ăn, sinh hoạt cho bà con. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổng hợp nhu cầu kinh phí, tham mưu UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh xem xét cho chủ chủ trương.
Để chuẩn bị cho việc cách ly, trong có một số trường học vừa đưa vào hoạt động do thiếu khu vệ sinh, nước sinh hoạt…, tỉnh Gia Lai chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động cho sửa chữa, làm mới (dã chiến); mua sắm, thuê, mượn, huy động hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội để đảm bảo sinh hoạt cho công dân vừa thực hiện đúng yêu cầu phòng-chống dịch.
Do số công dân đổ về nhiều sẽ thiếu nơi cách ly tập trung, tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung các khu cách ly để sẵn sàng kích hoạt tiếp nhận công dân vào cách ly ngay khi có nhu cầu với số lượng lớn, không cầu toàn, không được để bị động.
Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Y tế chuẩn bị sẵn sàng để kích hoạt bệnh viện dã chiến, tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 1.000 bệnh nhân. Triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo năng lực tiêm phòng Covid-19 để thực hiện tiêm chủng an toàn trên phạm vi toàn tỉnh với tỷ lệ tiêm chủng cao nhất nếu được cấp đủ vắc xin.
Tổ chức mua sắm theo quy định để chủ động sẵn sàng thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thuốc men đảm bảo cho công tác xét nghiệm và điều trị trong tình huống cao, tuyệt đối không để thiếu, không để bị động về vật tư, hóa chất, ô xy, sinh phẩm… khi dịch xảy ra diện rộng, số bệnh nhân tăng cao.
Theo báo cáo số 166 của tỉnh Gia Lai, đến nay tại tỉnh này đã triển khai 51 khu cách ly tập trung do quân đội quản lý và 4 khách sạn trên địa bàn TP. Pleiku được sử dụng để cách ly tập trung. Riêng trong 7/10 đã tiếp nhận trên 2.200 người từ phía Nam trở về tỉnh được cách ly.
Hơn 600.000 liều vaccine Pfizer từ Mỹ về Việt Nam
Tối 7/10, 608.400 liều vaccine Pfizer ngừa COVID-19 đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM, nâng tổng số vắc xin Mỹ tài trợ cho Việt Nam lên hơn 8,1 triệu liều. Mỹ khẳng định cam kết hợp tác cùng Việt Nam nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.
Trước đó, vào ngày 4/10, Bộ Ngoại giao tổ chức tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vaccine Pfizer/BionTech ngừa COVID-19 do Mỹ tài trợ thông qua chương trình COVAX.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cám ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của chương trình COVAX và chính phủ, nhân dân Mỹ trong bối cảnh Việt Nam đang có nhu cầu đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho người dân. Sự hỗ trợ này đã và đang góp phần giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thích ứng an toàn, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn bình thường mới.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá cao sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức Liên Hợp Quốc và chính phủ Mỹ về vật tư y tế, nâng cao năng lực cho lực lượng y tế Việt Nam trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quan trọng này cũng như những ý kiến tư vấn trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới.
Ông Christopher Klein, Đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước sớm vượt qua đại dịch và xây dựng lại tốt hơn.
Hơn 157.000 người đã về quê, hơn 1.000 người dương tính
Theo thống kê từ Bộ Y tế, thu thập thông tin từ 39 tỉnh thành cho biết từ ngày 1/10 đến nay đã có trên 157.000 người ở Đông và Tây Nam Bộ về quê, trong đó ghi nhận hơn 1.000 người có kết quả dương tính.
Tối 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các bộ trưởng, trưởng cơ quan ngang bộ về vấn đề đưa đón người dân về quê.
Theo Thủ tướng, việc người dân di chuyển về quê là nhu cầu chính đáng, nhưng nếu không tổ chức tốt việc đưa đón, để người dân tự đi sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Các tỉnh thành phải bố trí phương tiện, vận chuyển an toàn với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu. Các tỉnh thành dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt, có sự hỗ trợ nếu cần thiết.
Các tỉnh thành nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo yêu cầu. Các tỉnh, thành nếu phát hiện người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương thì chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho các tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức người dân di chuyển an toàn, không để lây lan dịch bệnh.
5.605 bệnh nhân nặng đang điều trị
Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 6/10 đến 17h ngày 7/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.150 ca nhiễm mới, trong đó 03 ca nhập cảnh và 4.147 ca ghi nhận trong nước (giảm 209 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 1.986 ca trong cộng đồng).
Tin tức Covid-19 liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông ngày 8/10/2021. (Trong ảnh: Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN)
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.730), Bình Dương (840), Đồng Nai (589), An Giang (186), Tây Ninh (84), Long An (84), Kiên Giang (83), Tiền Giang (56), Khánh Hòa (51), Đồng Tháp (45), Đắk Lắk (36), Cà Mau (36), Bình Thuận (32), Cần Thơ (30), Hậu Giang (30), Hà Nam (24), Quảng Trị (22), Bạc Liêu (22), Trà Vinh (21), Bà Rịa - Vũng Tàu (19), Đắk Nông (14), Quảng Bình (13), Quảng Ngãi (13), Gia Lai (13), Ninh Thuận (11), Vĩnh Long (10), Bến Tre (10), Kon Tum (9), Thanh Hóa (5), Hà Tĩnh (4), Quảng Nam (4), Nam Định (4), Yên Bái (3), Hà Nội (3), Bình Phước (2), Bình Định (2), Phú Yên (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bắc Ninh (1), Vĩnh Phúc (1), Phú Thọ (1), Bắc Giang (1).Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-230), Trà Vinh (-31), Bình Thuận (-28).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (55), Tây Ninh (43), Hậu Giang (30).Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 5.147 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 826.837 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.399 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 822.238 ca, trong đó có 753.309 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.402
Tổng số ca được điều trị khỏi: 758.488
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.605 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.769; Thở ô xy dòng cao HFNC: 911; Thở máy không xâm lấn: 157; Thở máy xâm lấn: 745; ECMO: 23.
120 ca tử vong tại TP.HCM và 7 tỉnh, thành phố
Số bệnh nhân tử vong: Trong ngày ghi nhận 120 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (92), Bình Dương (19), Đồng Nai (3), Cần Thơ (2), Bến Tre (1), Tiền Giang (1), Đắk Nông (1), Long An (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 131 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.223 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 127.420 xét nghiệm cho 187.746 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 19.625.575 mẫu cho 55.108.805 lượt người.
Trong ngày 6/10 có 1.086.638 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 49.254.925 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 36.448.527 liều, tiêm mũi 2 là 12.806.398 liều.
Hà Nội tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN
Hà Nội: Ba người trong gia đình ở Hà Đông nghi mắc Covid-19
Tối nay (7/10), trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch UBND phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) xác nhận, trên địa bàn vừa ghi nhận 3 trường hợp trong cùng một gia đình (sống tại ngõ 28 Lê Trọng Tấn) nghi ngờ mắc Covid-19.
"Hiện nay chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm bằng PCR để khẳng định 3 người này có chính thức nhiễm Covid-19 hay không. Trước đó, bằng phương pháp test nhanh thì có kết quả ghi ngờ dương tính", ông Hiển nói.
Được biết, quận Hà Đông đã tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ nhà của gia đình và khu vực xung quanh; đồng thời hướng dẫn thành viên trong gia đình và những trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi cách ly tại nhà.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, quận đã lấy mẫu xét nghiệm PCR khu vực nhà bệnh nhân tại ngõ 28, 30 Lê Trọng Tấn, khoảng 250 mẫu. Trung tâm y tế quận phối hợp với UBND phường La Khê và UBND Phú La tổ chức phong tỏa tạm thời khu vực liên quan chờ kết quả xét nghiệm.
Đồng thời, thông báo UBND các phường có các trường hợp tiếp xúc gần để tổ chức điều tra và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận