Xã hội

Covid-19 ngày 8/8 tại TP HCM: Tối nay thêm 2.002 ca mới, cả ngày 3.898 ca

08/08/2021, 13:30

Covid-19 ngày 8/8 tại TP HCM: Tối nay, thành phố ghi nhận thêm 2.002 ca mắc mới, nâng tổng số ca trong ngày lên 3.898 ca.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 8/8 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh - xuất viện và trường hợp tử vong được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại TP HCM ngày 8/8

Theo bản tin tối 8/8 của Bộ Y tế, tính từ 6h đến 18h30 ngày 8/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.949 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 4.947 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (2.002), Bình Dương (1.733), Đồng Nai (224), Khánh Hòa (201), Cần Thơ (71), Đà Nẵng (68), Trà Vinh (67), Ninh Thuận (62), Hà Nội (51), Bình Thuận (46), Đồng Tháp (44), Đắk Lắk (41), Phú Yên (29), Lâm Đồng (21), Bến Tre (20), An Giang (15), Đắk Nông (7), Quảng Nam (6), Hà Tĩnh (5), Quảng Ngãi (5), Bình Phước (5), Cà Mau (4), Thừa Thiên Huế (4), Gia Lai (4), Hải Dương (3), Phú Thọ (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Vĩnh Phúc (1), Quảng Bình (1), Hà Nam (1) trong đó có 881 ca trong cộng đồng.

Theo đó, trong ngày 8/8, cả nước ghi nhận tổng cộg 9.690 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.684 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (3.898), Bình Dương (3.210), Long An (724), Đồng Nai (614), Khánh Hoà (201), Đà Nẵng (130), Hà Nội (114), Sóc Trăng (94), Đồng Tháp (92), Ninh Thuận (85), Cần Thơ (71), Trà Vinh (67), Vĩnh Long (57), Bình Thuận (46), Phú Yên (42), Đắk Lắk (41), Thừa Thiên Huế (23), Lâm Đồng (21), Bến Tre (20), Kiên Giang (18), An Giang (15), Bình Định (14), Hậu Giang (14), Quảng Ngãi (14), Hà Tĩnh (8 ), Đắk Nông (7), Cà Mau (6), Quảng Nam (6), Bình Phước (5), Gia Lai (4), Lào Cai (3), Hải Dương (3), Thanh Hóa (2), Lạng Sơn (2), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Phú Thọ (2), Thanh Hoá (2), Hà Nam (1), Quảng Bình (1), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Vĩnh Phúc (1), trong đó có 2.155 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tính đến chiều ngày 8/8, Việt Nam có 210.405 ca nhiễm trong đó có 2.345 ca nhập cảnh và 208.060 ca nhiễm trong nước.

Không có chuyện rút ống thở nhường sản phụ

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc một bác sỹ rút ống thở người nhà nhường cho mẹ con sản phụ, trưa 8/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi kiểm tra, Sở khẳng định thông tin lan truyền với nội dung trên là không có thật.

Trước đó, tối 7/8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này".

Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật. Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của bác sĩ Khoa.

Qua kiểm tra, Sở Y tế TP HCM cho biết, tại các bệnh viện của thành phố không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP HCM, tính từ 18h30 ngày 7/8 đến 6h ngày 8/8, thành phố ghi nhận thêm 1.896 ca mắc mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng 8/8. Trong đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 119.800 trường hợp mắc COVID-19. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị 31.964 bệnh nhân, trong đó có 1.213 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Cộng dồn đến nay đã có 52.951 người trên địa bàn được điều trị khỏi bệnh.

Sau gần hai tuần kêu gọi, đến ngày 6/8, đã có hơn 7.000 người đăng ký tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có gần 800 cán bộ y tế. Đây là những nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế tư nhân và công lập và đội ngũ cán bộ y tế đã nghỉ hưu. Số còn lại là lực lượng sinh viên và các ngành nghề khác.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã sắp xếp và phân bổ lực lượng này đến các cơ sở y tế có nhu cầu. Hiện tại có 2.500 người đã nhận nhiệm vụ và đang hỗ trợ tích cực trong công tác thu dung, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19. Mặc dù vậy, hiện nay nhu cầu cán bộ y tế hỗ trợ cho công tác điều trị là vô cùng cần thiết và đang rất thiếu, vì vậy Sở Y tế thành phố tiếp tục kêu gọi sự tham gia của lực lượng tình nguyện, nhất là những người có chuyên môn về ngành y như bác sỹ và điều dưỡng.

Kỷ lục 1 ngày tiêm 262.471 liều vaccine

Theo thông tin Sở Y tế TP HCM sáng 8/8, trong 262.471 người được tiêm vaccine vào ngày 7/8 có 398 người phản ứng sau tiêm 30 phút, tất cả an toàn. Đây là ngày có số lượt người tiêm vaccine cao nhất, tăng 12.228 lượt so với ngày 6/8.

Như vậy bắt đầu từ đợt 5 (ngày 22/7) đến hết ngày 7/8, TP HCM đã tiêm được 2.108.186 liều. Trong khi đó số vaccine TP HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ ngày 22/7 đến nay là 2.595.490 liều.

Sở Y tế đánh giá với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vắc xin thì dự kiến hết ngày mai 9/8 thì TP sẽ đối diện với việc thiếu vaccine tiêm diện rộng như vừa qua.

TP HCM bắt đầu tiêm vaccine đợt 5 vào chiều 22/7 và kết thúc sớm hơn kế hoạch. Hiện đang tiếp tục tiêm nối tiếp vaccine đợt 5, có điều chỉnh đối tượng tiêm là người trên 18 tuổi.

Phát biểu tại cuộc họp trước đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP HCM đạt mục tiêu tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, TP HCM đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu tiêm 300.000 liều/ngày.

Trong tháng 8 nếu đảm bảo nguồn cung liên tục, TP HCM sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70-80% dân số trên 18 tuổi.

Hơn 210.000 người nước ngoài có nguyện vọng được tiêm vaccine

Sở Ngoại vụ đã có văn bản gửi UBND TP HCM về việc tiêm vaccine cho người nước ngoài trên địa bàn TP. Theo đó, có hơn 210.000 người có nguyện vọng được tiêm vaccine.

Qua số liệu do Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán các nước cung cấp, Sở Ngoại vụ đã thống kê được hơn 210.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP HCM mong muốn được tiêm vaccine.

Theo Sở Ngoại vụ, từ khi dịch bệnh bùng phát tại TP, nhiều nước đã chủ động viện trợ trang thiết bị y tế và vaccine cho Việt Nam, trong đó phần lớn phân bổ về TP HCM.

Ngoài các nước viện trợ trực tiếp như Nhật Bản (3 triệu liều AstraZeneca), Hoa Kỳ (5 triệu liều Moderna), Úc (ngoài 13,5 triệu AUD thông qua cơ chế Covax còn cam kết gửi 1,5 triệu liều AstraZeneca), Anh (415.000 liều vaccine AstraZeneca), nhiều nước khác cũng đóng góp thông qua cơ chế Covax.

Đồng thời, tại nhiều nước trên thế giới, công dân Việt Nam cũng được quan tâm tiêm vaccine như công dân nước sở tại. Một số nước cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm hỗ trợ, tiêm vaccine cho công dân của họ đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Sở Ngoại vụ kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đồng ý triển khai tiêm vaccine cho người nước ngoài đang học tập và làm việc trên địa bàn TP trong nguồn lực của TP.

Đồng thời, giao Sở Y tế phân bổ nguồn vắc xin và tổ chức thực hiện việc tiêm vaccine cho người nước ngoài sớm nhất có thể.

Đình chỉ, điều chuyển công tác 2 chủ tịch phường lơ là chống dịch

Chủ tịch UBND phường 15 và Chủ tịch UBND phường 16 (cùng thuộc quận 8) bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm trách nhiệm và điều chuyển công tác vì lơ là trong công tác phòng chống dịch trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng xác nhận UBND quận vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Phát Tấn (sinh năm 1967), Chủ tịch UBND phường 15 và điều chuyển ông Lê Minh Tâm (sinh năm 1974), Chủ tịch UBND phường 16 đến nhận công tác tại Phòng Nội vụ quận 8.

Theo các quyết định vừa được UBND quận 8 ban hành, ông Trần Phát Tấn bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày kể từ ngày 7/8 để kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường 15.

Ông Trần Phát Tấn có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ, hồ sơ tài liệu có liên quan cho UBND phường 15 theo đúng quy định.

Còn ông Lê Minh Tâm (sinh năm 1974), Chủ tịch UBND phường 16 (quận 8) được điều chuyển đến nhận công tác tại Phòng Nội vụ quận 8.

Theo Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng, ông Lê Minh Tâm bị điều chuyển công tác vì trước đó đã thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ông Tâm được điều chuyển về Phòng Nội vụ quận 8 để kiểm điểm trách nhiệm.

TP HCM có thêm 2 bệnh viện với 500 giường điều trị COVID-19

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký văn bản về việc thành lập 2 Bệnh viện điều trị COVID-19 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM gồm Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức và Bệnh viện điều trị COVID-19 Nguyễn Trãi.

Theo đó, Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức tại số 241 Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức và Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Nguyễn Trãi tại số 314 đường Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5 sẽ tiếp nhận, thu dung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức có quy mô 200 giường, với 230 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác. Bệnh viện này hoạt động trên cơ sở trưng dụng toàn bộ cơ sở hạ tầng CTCP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức; có chức năng, nhiệm vụ thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân COVID-19 theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Sở Y tế.

Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Nguyễn Trãi hoạt động dựa trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Nguyễn Trãi; có chức năng, nhiệm vụ thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện này có quy mô 300 giường với 370 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.

Hiện nay, TP.HCM đã có sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19, Thành phố sẽ tăng cường, tập trung cho công tác điều trị để hạn chế tối đa các trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.

img

TP.HCM đã có sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19.

Biểu đồ dịch Covid-19 tại TP HCM đang đi ngang

Theo HCDC, biểu đồ dịch Covid-19 với số ca F0 đang đi ngang cho thấy TP HCM và tất cả người dân đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch.

Trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4, đến nay TP đã có 117.906 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố. Tổng số ca xuất viện từ khi dịch bệnh bắt đầu đến nay là 62.106 người.

Đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 7 đến nay, bên cạnh các trường hợp bệnh nhân được xuất viện, đã có hơn 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hồi phục, chuyển sang cấp độ nhẹ và chuyển đến các bệnh viện ở phân tầng thấp hơn trong tháp điều trị.

Theo HCDC, nhìn từ biểu đồ dịch Covid-19 với số ca F0 đang đi ngang cho thấy TP HCM và tất cả người dân đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch. Để tiếp tục kéo giảm số ca mắc, TP cần sự tiếp tục chung tay của tất cả người dân trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thông điệp 5K, quy định của khu cách ly, khu phong tỏa, tăng cường giãn cách giữa người với người, giữa nhà với nhà và tham gia tiêm chủng vắc-xin khi đến lượt.

TP sẽ cố gắng để chăm lo và ổn định cuộc sống, đảm bảo người dân được điều trị, được tiêm chủng và được đón nhận tình cảm yêu thương.

img

TP.HCM yêu cầu tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh.

Thành phố đã có 117.906 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ 30 ngày 7/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 2.094 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 18 giờ 30 ngày 6/8 đến 18 giờ 30 ngày 7/8, Thành phố ghi nhận 3.930 trường hợp nhiễm mới.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến nay Thành phố đã có 117.906 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Tổng số ca xuất viện từ khi dịch bệnh bắt đầu đến 7 giờ ngày 07/8 là 62.106 người.

Đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 7 đến nay, bên cạnh các trường hợp bệnh nhân được xuất viện, đã có hơn 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2) hồi phục, thành công chuyển sang cấp độ nhẹ và chuyển đến các bệnh viện ở phân tầng thấp hơn trong tháp điều trị.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết Bộ tư lệnh TP.HCM sẽ tiếp nhận, thắp hương và chuyển giao các phần tro cốt của bệnh nhân COVID-19 tử vong đến từng gia đình một cách chu toàn nhất. Đối với phần tro cốt mà gia đình chưa có điều kiện tiếp nhận, các chùa sẽ tạm lưu giữ và cầu siêu cho đến khi người thân tới nhận. Trung tâm hỏa táng có trách nhiệm phối hợp chung, tuyệt đối không tự chuyển cốt về từng gia đình.

img

Người cao tuổi đáp ứng đủ yêu cầu thì nhân viên y tế mới tiêm vaccine COVID-19.

Đến tận nhà tiêm vaccine Covid-19 cho người có công, người lớn tuổi

Ngày 7/8, UBND phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP.HCM tổ chức đội tiêm chủng lưu động đến từng nhà tiêm vaccine Covid-19 cho người lớn tuổi, người có công.

Ông Lê Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Thảo Điền, TP.HCM cho biết, trước đó phường đã lập danh sách người lớn tuổi, người có công vì sức khỏe không thể tự đến các điểm tiêm vaccine tập trung.

Sau khi lấy ý kiến và được sự đồng thuận của các gia đình, phường triển khai đội tiêm vacine lưu động đến tận nhà họ. 13 công dân là người lớn tuổi, người có công trên địa bàn phường Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM) được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trực tiếp tại nhà.

Đội tiêm lưu động thăm khám cho người cao tuổi và tiêm vaccine. Nếu các cụ đáp ứng đủ yêu cầu thì nhân viên y tế mới tiêm vaccine. Sau tiêm, nhân viên y tế sẽ lưu lại trong một khoảng thời gian để theo dõi sức khỏe cho những người này.

Đến thời điểm này, khoảng hơn 8.000 người dân phường Thảo Điền (TP. Thủ Đức, TP.HCM) hoàn thành mũi tiêm đầu tiên.

img

TP.HCM trích từ ngân sách thành phố để chi trả toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì Covid-19, khoảng 17 triệu đồng mỗi trường hợp.

TP.HCM sẽ lo toàn bộ 17 triệu đồng chi phí hậu sự cho người mất do Covid-19

Ngày 7/8, ông Nguyễn Toàn Thắng- Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM cho biết, hiện nay công tác hỏa táng người mất tại TP được thực hiện bình thường tại 4 nơi gồm: Khu Bình Hưng Hòa (Bình Tân), khu Đa Phước (Bình Chánh), khu Phúc An Viên (quận 9), khu Tháp Long Thọ (Củ Chi).

Ông Thắng cho biết, TP đã làm việc với các đơn vị này đề nghị họ nhận các trường hợp đưa đến hỏa táng, không từ chối bất kỳ trường hợp nào. Đặc biệt không tăng giá làm ảnh hưởng đến người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Về các trường hợp tử vong do Covid-19, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường cho biết, TP sẽ lo tất cả từ chi phí tẩm liệm, vận chuyển, hỏa thiêu, cho đến việc giao tro cốt cho người thân của người mất.

"TP sẽ cố gắng lo công tác này chu toàn và trang nghiêm nhất cho người dân. Mức hỗ trợ là 17 triệu đồng mỗi trường hợp được trích từ ngân sách TP", ông Thắng thông tin.

Đối với người mất vì Covid-19 tại các bệnh viện, ông Thắng cho biết TP sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế để sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Đối với người không may qua đời tại nhà, ngân sách sẽ phân bổ về các quận huyện, để phân bổ về phường xã lo cho người dân.

Ông Thắng cũng khẳng định, người nhà chỉ cần có giấy chứng nhận người thân mất vì Covid-19 thì có thể làm thủ tục nhận lại ở địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.