Xã hội

Covid-19 ngày 8/9: Hôm nay 13.937 người khỏi bệnh, cao hơn ca mắc mới

Dịch Covid-19 ngày 8/9: ​​​​​​​Hôm nay cả nước thêm 12.680 ca mắc mới, trong đó TP.HCM 7.308 ca, Bình Dương 3.172 ca, Đồng Nai 814 ca...

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Bộ Y tế thông tin, ngày 8/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 12.663 ca ghi nhận trong nước.

img

Hôm nay có 13.937 người điều trị khỏi bệnh và được xuất viện (ảnh minh hoạ)

Cụ thể: tại TP.HCM (7.308 ca), Bình Dương (3.172), Đồng Nai (814), Long An (372), Tiền Giang (171), Cần Thơ (83), Đồng Tháp (62), Bình Phước (61), Quảng Bình (53), Tây Ninh (52), Khánh Hòa (48), An Giang (46), Kiên Giang (43), Nghệ An (42), Bà Rịa - Vũng Tàu (42), Hà Nội (40), Đà Nẵng (30), Đắk Nông (28), Bình Định (27), Bình Thuận (26), Đắk Lắk (24), Phú Yên (19), Quảng Ngãi (19), Bạc Liêu (18), Sóc Trăng (13), Trà Vinh (11), Thừa Thiên Huế (9), Bến Tre (6), Bắc Ninh (5), Cà Mau (5), Gia Lai (3), Quảng Nam (2), Ninh Thuận (2), Sơn La (2), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Lạng Sơn (1), Hậu Giang (1) trong đó có 7.851 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.530 ca. Tại TP.HCM giảm 2 ca, Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca, Long An giảm 118 ca, Tiền Giang giảm 12 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 12.862

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.937. Tổng số ca được điều trị khỏi: 325.647

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.479 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.053; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.210; Thở máy không xâm lấn: 257; Thở máy xâm lấn: 930; ECMO: 29

Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 335 ca tử vong; Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 310 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.135 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%). Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 13.855.509 mẫu cho 40.898.357 lượt người.

Trong ngày 7/9 có 771.937 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.

Hà Nội phong tỏa khu 800 dân do có gia đình 4 người mắc Covid-19

img

Khu dân cư ở Tân Ấp (Phúc Xá) được phong tỏa.

Sáng nay, lực lượng chức năng phường Phúc Xá đã cho dựng barie, rào chắn khu dân cư 113/71, đường Tân Ấp (phường Phúc Xá, Ba Đình).

Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân cho biết, 4 trường hợp mới phát hiện là F2 đã cách ly, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Khu dân cư vừa được phong tỏa có hơn 200 hộ với khoảng 800 dân.

Trước đó, gia đình này có trường hợp F1 cách ly tập trung nên những người trong gia đình được xác định là F2, cách ly tại nhà nên không tiếp xúc với ai.

Đêm qua, CDC Hà Nội và y tế quận đã lấy mẫu cho cư dân sống quanh gia đình này, được khoảng 223 mẫu gộp và 8 mẫu lẻ. Sáng nay tiếp tục xét nghiệm mở rộng ra các khu xung quanh.

“Chúng tôi hy vọng khi xét nghiệm sẽ không phát hiện thêm trường hợp nào nữa, vì 4 người trong gia đình đã được cách ly từ ngày 30/8”, Chủ tịch phường Phúc Xá cho biết.

Sở Y tế Hà Nội sáng nay công bố 4 ca Covid-19 mới, là người trong cùng một nhà ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Đây là những trường hợp được phát hiện tại khu cách ly, thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.

4 BN là người cùng nhà, là F1 của BN T.Đ.N, đã được cách ly từ 29/8. Ngày 7/9, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Phong toả tạm thời khu vực chợ Đại Từ với 1.200 dân

Lực lượng chức năng đã lập nhiều chốt hàng rào tạm thời phong toả khu vực chợ Đại Từ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) với 1.200 dân do liên quan ca nghi mắc Covid-19.

Sáng 8/9, thông tin từ UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, 21h ngày 7/9, UBND phường nhận được thông tin có ca nghi mắc Covid-19 là tiểu thương chợ Đại Từ (sau khi xét nghiệm sàng lọc Covid-19).

img

Những người di chuyển vào khu vực bên trong sẽ không được ra ngoài cho tới khi có thông báo mới.

Ngay lập tức, UBND phường đã ban hành thông báo về việc tạm thời phong tỏa toàn bộ khu vực chợ Đại Từ, phường Đại Kim. Thời gian phong tỏa từ 21h30 ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.

Theo Chủ tịch UBND phường Đại Kim Bùi Thị Kim Khuê, trong thời gian giãn cách xã hội, chợ Đại Từ có 190 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Khi phát phiếu đi chợ, phường đã thông báo là người dân có thể đi chợ Đại Từ và các siêu thị, nên trong thời gian tạm thời phong tỏa chợ, người dân trên địa bàn phường có thể đi mua hàng ở các siêu thị gần nhà.

Tại khu vực phong toả, lực lượng chức năng kiểm soát chặt người dân ra vào

"Cùng với việc phong tỏa chợ Đại Từ, UBND phường Đại Kim cũng đã tạm thời phong tỏa các khu dân cư liền kề, bao gồm 1.200 hộ dân thuộc 5 tổ dân phố 5, 6, 9, 10, 11"- bà Bùi Thị Kim Khuê thông tin.

Sau khi có thông báo của UBND phường Đại Kim, lực lượng chức năng đã lập nhiều chốt hàng rào tạm thời phong toả từ đầu đường Đại Từ. Tất cả những người bên trong được thông báo "ai ở nhà đấy", không được ra ngoài cho đến khi có thông báo mới.

Phường Đại Kim đã lập nhiều chốt lớn và nhỏ, bắt đầu từ cổng vào trên đường Đại Từ và khu vực bên trong chợ

Tại điểm chốt phong toả, rất đông người dân có mặt để tiếp tế lương thực và sau khi quay ra đều phải được phun khử khuẩn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng.

Sáng 8/9, Hà Nội ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19 đều trong một gia đình

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca dương tính SARS-CoV-2 mới sáng nay (8/9) ghi nhận là 4 bệnh nhân, số ca này đều tại khu cách ly.

Cả 4 ca nhiễm Covid-19 công bố trong sáng nay đều ở quận Ba Đình và đều thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.

img

Hà Nội có hơn 5,7 triệu người dân trên 18 tuổi. Đến nay, 56% trong số này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Thông tin cụ thể 4 ca nhiễm ghi nhận trong kỳ báo cáo sáng nay như sau: T.B.N (nữ, sinh năm 2019; T.N.B.T (nữ, sinh năm 2015), T.N.V (nam, sinh năm 1989, (T.T.X.H, nữ, sinh năm 1965).

Bốn bệnh nhân cùng nhà ở Phúc Xá, Ba Đình, cùng là F1 của bệnh nhân T.Đ.N, đã được cách ly từ 29/8. Ngày 7/9, 4 người được lấy mẫu và xét nghiệm, kết quả dương tính.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.623 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.571 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.052 ca.

Cập nhật dữ liệu Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia sáng 7/9, Hà Nội đã được phân bổ hơn 4,3 triệu liều vaccine COVID-19. Lượng vaccine này được tính là cấp cho ngành Y tế Thủ đô và các viện, đơn vị của Trung ương trên địa bàn TP. Hiện đã có 3.243.000 liều vaccine được tiêm, đạt 75% số vaccine đã được phân bổ.

Hà Nội có hơn 5,7 triệu người dân trên 18 tuổi. Đến nay, 56% trong số này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, riêng trong ngày 6/9, ngành Y tế thành phố đã triển khai tiêm 103.198 mũi vaccine. Đây là số lượng tiêm trong một ngày cao nhất kể từ khi thành phố bắt đầu tổ chức tiêm vaccine Covid-19. Sở Y tế Hà Nội cho biết, tốc độ tiêm đang tiếp tục tăng nhanh hơn.

Đến nay, ngành Y tế Thủ đô đã triển khai tiêm được 2.405.585 mũi (gồm 2.157.559 mũi 1; 248.026 mũi 2), tương đương với 35% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng.

Hôm nay (8/9), giấy đi đường ở Hà Nội được dùng cả mẫu cũ và mới

Tối 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng 1.

Tuy nhiên, trước các ý kiến góp ý, Ban thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

img

Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.

Đặc biệt, chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Chính quyền phường, xã chỉ đạo tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường.

Các địa phương lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc.

Ngày 7/9, cả nước ghi nhận 14.208 ca nhiễm, riêng TP.HCM 7.310 ca

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 6/9 đến 17h ngày 7/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 14.193 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 8.161 ca trong cộng đồng.

Nóng nhất vẫn là TP.HCM với 7.310 ca, Bình Dương (3.966), Đồng Nai (945), Long An (490), Kiên Giang (242), Tiền Giang (183), Quảng Bình (182), Tây Ninh (164), An Giang (87), Cần Thơ (74), Đồng Tháp (71), Khánh Hòa (61), Đắk Nông (51), Bình Phước (48), Bình Thuận (46), Quảng Ngãi (37), Hà Nội (36),

Sau 1 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới hôm nay Đà Nẵng có 34 ca, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu (31), Phú Yên (25), Nghệ An (18), Bình Định (11), Quảng Nam (10), Thừa Thiên Huế (9), Trà Vinh (8 ), Quảng Trị (8 ), Vĩnh Long (7), Thanh Hóa (7), Cà Mau (7), Sơn La (7), Bắc Ninh (4), Lạng Sơn (3), Bến Tre (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Lâm Đồng (1), Kon Tum (1), Hưng Yên (1), Bắc Giang (1), Ninh Thuận (1) .

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.716 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 188 ca, Bình Dương tăng 1.772 ca, Đồng Nai tăng 74 ca, Long An giảm 367 ca, Kiên Giang tăng 41 ca.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 546.683 ca, trong đó có 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

img

Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày 7/9 là 10.253, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 311.710

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (265.846), Bình Dương (138.593), Đồng Nai (30.365), Long An (26.432).

Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày 7/9 là 10.253, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 311.710

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.015; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.274; Thở máy không xâm lấn: 119; Thở máy xâm lấn: 926; ECMO: 35

Thông tin ca tử vong:

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 316 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (253), Bình Dương (40), Long An (7), Tiền Giang (7), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Đồng Tháp (1), Phú Yên (2).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 415.446 xét nghiệm cho 1.118.641 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.111.288 mẫu cho 41.278.424 lượt người.

Trong ngày 06/9 có 534.937 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.

Thần tốc xét nghiệm và tiêm chủng để tách F0 ra khỏi cộng đồng

Tối 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Ban thường vụ Thành uỷ đã giao UBND TP tập trung chỉ đạo ngành y tế tiếp tục duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị.

Mục tiêu quyết tâm đến ngày 15/9 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2 - 3 ngày/lần). Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5 - 7 ngày/lần).

Đồng thời, xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện họ, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.

Hà Nội cũng đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine để đến ngày 15/9 đạt tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng cao. Hà Nội đã chủ động chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm vaccine, bảo đảm công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, hiện mới sử dụng công suất 150.000 mũi tiêm/ngày.

Đến nay, Hà Nội đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ hơn 3,3 triệu liều vaccine, thực tế, số vaccine về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là hơn 3,1 triệu liều.

Tính đến 12 giờ 7/9, Hà Nội đã tiêm được hơn 2,5 triệu liều (đạt 80,7% số lượng đã tiếp nhận); dự kiến đến ngày 9/9 sẽ hoàn thành tiêm 100% lượng vaccine đã được phân bổ.

Về đối tượng tiêm vaccine, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp tục tiêm trước cho người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người vận chuyển hàng (shipper), người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian tiêm mũi 2 để bảo đảm hiệu quả của vaccine, người nước ngoài sống và làm việc trên địa bàn...

Với phương châm "Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất", Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế rà soát, kiểm tra, bảo đảm năng lực tiêm vaccine trên toàn thành phố, sẵn sàng tổ chức tiêm cả buổi tối khi được phân bổ lượng vaccine lớn, từ nay đến ngày 15/9.

Hải Phòng để nghị mượn thêm vắc-xin Vero Cell từ TP.HCM

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng cho biết ngày 7/9 Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng có công văn cảm ơn TP.HCM đã cho TP Hải Phòng mượn 500.000 liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm và đề nghị được mượn thêm vắc-xin này từ TP.HCM.

img

Theo UBND TP Hải Phòng, đến tối ngày 6/9, hơn 100.000 liều vắc-xin Vero Cell từ TP.HCM đã được vận chuyển về Hải Phòng an toàn.

Công văn nêu rõ, được sự ủng hộ, chấp thuận của TP.HCM nên ngày 6/9, Hải Phòng đã tiếp nhận những lô đầu tiên trong số 500.000 liều vắc-xin Vero Cell được TP.HCM cho mượn.

Đây là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Phòng để cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Lãnh đạo Hải Phòng đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo, nhân dân TP HCM và chúc TP HCM sớm kiểm soát dịch bệnh, ổn định đời sống, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đề nghị TP.HCM tiếp tục cho TP này mượn thêm vắc-xin của Sinopharm và sẽ sớm hoàn trả lượng vắc-xin đã mượn của TP.HCM.

Trước đó, tháng 8/2021, UBND TP Hải Phòng có công văn hỏa tốc gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM đề nghị mượn tạm 500.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 Vero Cell.

Theo UBND TP Hải Phòng, đến tối ngày 6/9, hơn 100.000 liều vắc-xin Vero Cell từ TP.HCM đã được vận chuyển về Hải Phòng an toàn. Theo kế hoạch, từ ngày 8/9 đến ngày 24/9 sẽ tiêm xong số vắc-xin này.

Dự kiến trên địa bàn thành phố có tổng số 500.000 người sẽ được tiêm vắc-xin Vero Cell, trong đó nhóm ưu tiên số 1 là tài xế, phụ xe đường dài; nhóm ưu tiên số 2 là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; nhóm ưu tiên số 3 là người dân tự nguyện tiêm chủng vắc-xin.

img

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: THX/TTXVN.

COVID-19 tới 6h sáng 8/9: Thêm 7.700 ca tử vong; Mỹ tung chiến lược mới chống biến thể Delta

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 448.000 ca mắc COVID-19 và 7.771 ca tử vong, nâng tổng người chết từ đầu đại dịch lên gần 4,6 triệu người. Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới và chuẩn bị áp dụng chiến lược mới chống biến thể Delta.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 222.530.041 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.596.881 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 448.474 và 7.771 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 199.105.067 người, 18.828.093 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 104.684 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 57.243 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (38.116 ca) và Anh (37.489 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 795 người chết, tiếp theo là Indonesia (685 ca) và Iran (635 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với số ca nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 40 triệu ca và trên 660.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 441.401 ca tử vong trong số trên 33 triệu ca. Brazil đứng thứ 3 về số ca nhiễm (20 triệu ca), nhưng số ca tử vong nhiều thứ hai thế giới với 583.866 ca tử vong.

img

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN.

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia ngày 7/9 thông báo nước này có thêm 11 người tử vong và 511 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 359 ca lây nhiễm cộng đồng. Đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 96.339 ca mắc COVID-19, trong đó 91.618 người đã khỏi bệnh và 1.981 người tử vong.

Lào cùng ngày ghi nhận 307 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 221 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 86 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 16.365 ca, trong đó có 16 người tử vong. Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để ngăn chặn nguy cơ tạo ra làn sóng dịch thứ 3 trong cộng đồng.

Bộ Y tế Thái Lan thông báo có thêm 13.821 ca mới cùng 241 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 1.308.343 ca, trong đó 13.283 người không qua khỏi. Điều đáng chú ý là nửa năm sau khi những người đầu tiên được tiêm chủng, Thái Lan đã đi được nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19. Theo số liệu do Bộ Y tế Thái Lan, đến nay 25,2 triệu người nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 10 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Indonesia đang ghi nhận những diễn biến tích cực rõ rệt. Trong tuần này, tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Indonesia đã lần đầu tiên ở dưới mức 5% - ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho thấy dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, trong ngày 6/9, tỷ lệ mắc mới tại Indonesia ghi nhận ở mức 4,57% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, khi nước này phát hiện các trường hợp đầu tiên mắc COVID-19. Trong ngày 7/9, Indonesia ghi nhận 7.201 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 4.140.634 ca. Số ca tử vong tăng lên 137.156 ca sau khi có thêm 683 người không qua khỏi.

img

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: THX/TTXVN.

Philippines thông báo thêm 18.012 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 2.121.308 ca. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 161 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số người không qua khỏi lên 34.498 ca. Với sự gia tăng đột biến gần đây của các ca mắc COVID-19 do biến thể siêu lây nhiễm Delta, Chính phủ Philippines đã điều chỉnh chiến lược quản lý rủi ro và tăng cường phản ứng y tế để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.

Bộ Y tế Singapore (MOH) cùng ngày ghi nhận 328 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà “đảo quốc Sư tử” này ghi nhận được trong hơn 1 năm qua. MOH thông báo nước này sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm giảm số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Theo đó, từ ngày 8/9 việc tập trung tại nơi làm việc sẽ không được phép và Chính phủ Singapore sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với công ty để xảy ra ca mắc COVID-19. Cùng với đó, Chính phủ Singapore sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng, nhanh và dễ dàng hơn.

Tại Đông Bắc Á, dịch COVID-19 tại Nhật Bản đang có dấu hiệu bớt căng thẳng khi số ca mắc mới đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ ngày 2/8. Ngày 6/9, Nhật Bản ghi nhận 8.234 ca mắc mới và 40 ca tử vong trên toàn quốc. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng giảm 9 ca so với một ngày trước đó xuống còn 2.198 người.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có thể vẫn gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế. Chính phủ cũng đang cân nhắc sử dụng rộng rãi hộ chiếu vaccine cho mục đích thương mại trong nỗ lực bình thường hoá các hoạt động kinh tế và xã hội trong nước vốn bị đình trệ trong một thời gian dài do đại dịch COVID-19.

Các cơ quan y tế của Hàn Quốc cho biết đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch COVID-19 mới ngay sau lễ Chuseok (Tết Trung thu) kéo dài từ ngày 17 đến ngày 23/9, thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vaccine.

Ngoài ra, quyết định nới lỏng giãn cách xã hội mà Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 3/9 vừa qua cũng được xem là động thái thăm dò để đi đến quyết định có thực hiện chính sách phòng dịch mới kể từ tháng 10 tới hay không. Người phát ngôn Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc Son Young-rae nhấn mạnh nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 được duy trì ổn định trong tháng 9 này, bộ trên sẽ thực hiện một số điều chỉnh đối với các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 10 tới để đưa Hàn Quốc tới gần mức bình thường như trước.

Trung Quốc đã thu hẹp số khu vực trong diện nguy cơ trung bình về dịch bệnh xuống còn 3 khu vực. Trước đó, hồi cuối tháng 8, nước này đã xóa bỏ toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh. Người phát ngôn của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc Mễ Phong nhấn mạnh việc ngăn chặn các ca lây nhiễm nhập cảnh và sự bùng phát dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch hiện nay của Trung Quốc.

img

Một trung tâm thương mại tại Auckland, New Zealand đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN.

Tại châu Đại Dương, New Zealand cùng ngày ghi nhận thêm 21 lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở thành phố Auckland, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch mới nhất lên 841 ca. Tất cả các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại New Zealand từ đầu dịch đã lên tới 3.813 ca.

Từ 23h59 đêm 7/9 (theo giờ địa phương), mọi khu vực bên ngoài Auckland sẽ chuyển sang mức cảnh báo cấp 2. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp và trường học được phép hoạt động trở lại bình thường song việc đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc và các cuộc tụ tập họp không quá 50 người. Riêng thành phố Auckland vẫn duy trì mức cánh báo cấp 4 trong ít nhất một tuần nữa.

Tại châu Âu, từ ngày 6/9, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu bắt buộc xét nghiệm PCR đối với những người chưa tiêm vaccine trong một số trường hợp cụ thể và yêu cầu trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với những hành khách đi phương tiện giao thông công cộng liên tỉnh.

Theo đó, tất cả giáo viên, nhân viên làm việc tại các bộ phận trong trường học và sinh viên đại học chưa tiêm phòng COVID-19 sẽ bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR. Đối với những người đi lại bằng phương tiện công cộng giữa các tỉnh, nhà chức trách yêu cầu trình chứng nhận đã tiêm ít nhất hai mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 khi 80% dân số trên 12 tuổi tiêm chủng đầy đủ. Tính đến ngày 6/9, Phần Lan có 53,2% dân số trên 12 tuổi đã tiêm đủ hai mũi và 72,4% đã tiêm ít nhất một mũi. Chính phủ Phần Lan ước tính đến giữa tháng 10 tới có thể đạt tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức 80% dân số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.