Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Tổng số ca mắc mới trong ngày là 34.138, ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố.
Số trường hợp khỏi bệnh trong ngày là 41.857. Tổng cộng 8.497.532 người đã khỏi Covid-19.
Số bệnh nhân qua đời là 26 trường hợp. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 33 ca.
Trong 24 giờ qua, 216.244 liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm.
Việt Nam có ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận dưới ngưỡng 50.000 ca mắc mới.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Tính từ 16h ngày 8/4 đến 16h ngày 9/4, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 34.140 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 34.138 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.195 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.715 ca trong cộng đồng).
Theo thống kê của Bộ Y tế, hầu hết tỉnh, thành phố ghi nhận số ca nhiễm mới giảm. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (-695), Bắc Giang (-546), Yên Bái (-507).
Trái lại, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm Lâm Đồng (+601), TP.HCM (+193), Bình Dương (+187).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 46.131 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.169.929 ca nhiễm, đứng thứ 12/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 102.850 ca nhiễm).
Tính từ 27/4/2021, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là10.162.185, trong đó, 8.494.715 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.520.081), TP.HCM (601.116), Nghệ An (413.646), Bình Dương (381.381), Bắc Giang (372.998).
Tình hình điều trị, tiêm vaccine
Trong ngày 9/4, Bộ Y tế công bố 41.857 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 8.497.532 người.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 1.551 ca, trong đó, 1.070 trường hợp thở oxy qua mặt nạ, 237 ca thở oxy dòng cao (HFNC), 41 ca thở máy không xâm lấn, 201 ca thở máy xâm lấn và 2 trường hợp can thiệp ECMO.
Từ 17h30 ngày 8/4 đến 17h30 ngày 9/4 ghi nhận 26 ca tử vong tại: Đắk Lắk (7 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (2), Kiên Giang (2), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hậu Giang (1), Lạng Sơn (1), Vĩnh Long (1).
Trong ngày 8/4, 216.244 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 208.460.812 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.235.861 liều: Mũi 1 là 71.380.925 liều; Mũi 2 là 68.483.665 liều; Mũi 3 là 1.505.511 liều; Mũi bổ sung là 15.003.297 liều; Mũi nhắc lại là 34.862.463 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 17.224.951 liều: Mũi 1 là 8.821.673 liều; Mũi 2 là 8.403.278 liều.
Ngày 9/4, số F0 mới tại Hà Nội giảm mạnh còn hơn 2.000 ca
Trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận 2.202 ca mắc COVID-19 mới, ghi nhận nhiều nhất tại quận Long Biên.
Số F0 mới tại Hà Nội giảm mạnh, nhiều hoạt động vui chơi giải trí được mở lại.
Sở Y tế Hà Nội thông tin, từ 18h ngày 8/4 đến 17h ngày 9/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.202 ca mắc COVID-19 mới, gồm 908 ca cộng đồng và 1.294 ca đã cách ly.
Số ca mắc mới phân bố tại 388 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (145); Hoàng Mai (139); Sóc Sơn (138); Thanh Trì (124); Thanh Xuân (120).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4/2021) là 1.520.619 ca.
Bộ Y tế cho biết trong 3 tuần qua, số ca mắc COVID-19, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có xu hướng giảm từng ngày. Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine.
Hiện chỉ còn Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố khác có ca mắc mới từ 1.000- gần 3.000 ca/ ngày. Trong khi có giai đoạn cao điểm đầu tháng 3/2022, thường có khoảng trên 40 tỉnh, thành ghi nhận số ca mắc COVID-19 từ 1.000- hơn 10.000 ca/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 50.628 ca/ngày.
Số bệnh nhân khỏi bệnh tăng kỷ lục
Tính từ 16h ngày 7/4 đến 16h ngày 8/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 39.334 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 39.333 ca ghi nhận trong nước (giảm 6.551 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 27.889 ca trong cộng đồng).
Ngày 8/4, cả nước có hơn 39.000 ca nhiễm mới, giảm hơn 6.500 ca . Ảnh minh hoạ
Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh như: Hà Nội (2.897), Yên Bái (2.115), Bắc Giang (2.052), Phú Thọ (1.992), Nghệ An (1.891), Lào Cai (1.687), Bắc Kạn (1.408), Đắk Lắk (1.381), Vĩnh Phúc (1.326), Quảng Ninh (1.187), Quảng Bình (1.045), Thái Bình (993), Hải Dương (958), Thái Nguyên (945), Lạng Sơn (924), Hưng Yên (911), Tuyên Quang (906), Cao Bằng (843), Hà Giang (760), Bắc Ninh (738), Vĩnh Long (660), Sơn La (637), Hòa Bình (565), Bình Định (563), Lai Châu (543), Bến Tre (533), Hà Nam (498), Nam Định (496), Quảng Trị (494), Hà Tĩnh (490), Tây Ninh (482)...
Ngày 8/4/2022, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 25.763 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (-445), Bắc Ninh (-440), Hà Nội (-402).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (+846), Quảng Ngãi (+499), Bình Dương (+186).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 50.628 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.135.789 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 102.505 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.128.047 ca, trong đó có 8.452.858 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.517.879), TP.HCM (600.480), Nghệ An (411.990), Bình Dương (380.892), Bắc Giang (371.042).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 60.609 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 8.455.675 ca Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.797 ca.
Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 9/4.
Từ 17h30 ngày 7/4 đến 17h30 ngày 8/4 ghi nhận 35 ca tử vong tại Đắk Lắk (4), Lào Cai (4 ca trong 2 ngày), Hậu Giang (3 ca trong 2 ngày), Thái Nguyên (3 ca trong 2 ngày), Trà Vinh (3), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Hà Nội (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Nam Định (1), Nghệ An (1), Phú Thọ (1), Quảng Trị (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 35 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.768 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Cách chức Giám đốc CDC Bình Phước
Giám đốc Sở Y tế Quách Ái Đức vừa ký Quyết định số 104/QĐ-SYT thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước (CDC Bình Phước), bằng hình thức cách chức.
Lý do ông Sáu đã vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Ông Sáu đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng ngày 10/3/2022 theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước.
Trước đó, CDC Bình Phước đã có báo cáo về việc mua sắm kit xét nghiệm và bộ tách chiết từ Công ty Việt Á theo các quyết định của UBND tỉnh Bình Phước với tổng số tiền hơn 41,5 tỉ đồng. Trong đó, đợt 1 CDC Bình Phước mua hơn 14.000 kit xét nghiệm với tổng kinh phí trên 7,1 tỉ đồng.
Còn 2 đợt sau, CDC Bình Phước mua hơn 73.000 kit xét nghiệm và gần 48.000 bộ tách chiết với tổng kinh phí hơn 34 tỉ đồng. Cả 2 đợt này đều mua bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn. Đến nay, CDC Bình Phước đã chuyển thanh toán số tiền hơn 7,1 tỉ đồng, còn hơn 34,3 tỉ đồng chưa hoàn tất thủ tục thanh toán.
Ngoài ra, trong năm 2021, CDC Bình Phước cũng mua 1 máy xét nghiệm Realtime-PCR và 1 máy tách chiết tự động với tổng kinh phí 2,75 tỉ đồng. Hình thức mua cũng là chỉ định thầu rút gọn.
Riêng năm 2020, CDC Bình Phước không mua sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, Việt Á cho CDC Bình Phước mượn 6 bộ máy móc phục vụ công tác xét nghiệm vào ngày 8-8-2020.
Đến ngày 2/11/2021, CDC đã trả lại 5/6 bộ máy cho Việt Á, chỉ còn mượn 1 máy Spindown do chưa kịp mua máy mới.
Đầu tháng 12/2021, đại diện Công ty Việt Á có lên gặp và gửi quà cho ông Sáu nhưng đến cuối tháng 12, ông mới báo cáo tổ chức về món quà nói trên và xin được trả lại quà.
Ngoài ông Nguyễn Văn Sáu, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước cũng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Sở Y tế chỉ đạo, xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vi phạm trên.
Bước qua đỉnh dịch Covid-19, Hà Nội "hồi sinh"
Từ cuối tháng 3, Hà Nội bước qua đỉnh dịch Covid-19, số ca mắc giảm mạnh, là tiền đề khôi phục các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường.
Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước).
3 tuần liên tiếp, số ca Covid-19 giảm mạnh
Trong buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội quý I/2022, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội khẳng định, thành phố đã bước qua đỉnh dịch Covid-19. Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước).
Ông Dũng cho biết, Hà Nội từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, kiên định các mục tiêu cốt lõi trong công tác phòng chống dịch như giảm tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong; đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng vaccine mũi 2, 3; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết cơ bản thủ tục hành chính cho người dân.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội ngày 6/4, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 3 tuần liên tiếp, dịch giảm nhanh chóng ở số ca mắc, chuyển nặng và tử vong. Về công tác tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 16.592.777 mũi, thời gian tới sẵn sàng tiêm cho lứa tuổi 5 – 11 tuổi ngay khi tiếp nhận vaccine từ Bộ Y tế.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong bối cảnh mới, một số quy định phòng, chống dịch đã không còn phù hợp thực tiễn. Do đó, Sở đã báo cáo UBND kiến nghị Bộ Y tế để sửa đổi một số quy định và hiện đang đợi văn bản chính thức của Bộ Y tế.
Giám đốc Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tích cực trong chiến dịch tiêm chủng, xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Đồng thời, các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện 5K tránh tình trạng tái nhiễm…
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 7/4 Hà Nội có 95 ca phải thở oxy; trong đó 85 ca thở mask, gọng kính; 6 ca thở máy không xâm lấn; 4 ca thở máy xâm lấn. Thành phố hiện theo dõi, điều trị cho 158.788 bệnh nhân.
Mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ, trẻ em được đến trường
Kể từ ngày 15/3, Việt Nam khôi phục hoạt động du lịch bao gồm nội địa và quốc tế. Hà Nội cũng xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Trung ương và Thành phố.
Hà Nội cho phép mở lại karaoke, bar, spa, quán internet từ 0h ngày 8/4.
Cùng ngày, UBND TP. Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai, quyết định số lượng người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Từ ngày 18/3, quận Hoàn Kiếm cũng mở lại các không gian phố đi bộ trên địa bàn. Thành phố khuyến cáo người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định 5K để phòng, chống dịch. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...), người dân không tham gia các hoạt động tại các địa điểm công cộng hay khu vực tập trung đông người như đám cưới, đám hỏi, đám tang... hạn chế số người tham gia ở cùng một thời điểm.
Ba tuần đầu tháng 2, học sinh tiểu học và lớp 6 ở ngoại thành Hà Nội được trở lại trường, nhưng sau đó phải tạm dừng vì số ca nhiễm tăng nhanh.
Đến ngày 6/4, trẻ em từ lớp 1 - 6 ở cả 30 quận, huyện, thị xã học trực tiếp trên cơ sở kiểm soát dịch và sự tự nguyện, đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh. Như vậy, Hà Nội chỉ còn cấp mầm non chưa được đến trường kể từ tháng 4/2021.
Ngoài ra, từ 0h ngày 8/4, các loại hình kinh doanh dịch vụ như karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, Internet được hoạt động trở lại. Các cơ sở này phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.
Đồng thời khuyến cáo khách hàng khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh như ho, sốt, khó thở, mất vị giác... không sử dụng dịch vụ và tham gia các hoạt động tại các địa điểm trên, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn.
Các hoạt động văn hóa như mở lại phố đi bộ, di tích, rạp chiếu phim, nhà hát, chuẩn bị cho SEA Games 31… đều được đảm bảo, các đơn vị đã chuẩn bị phương án với các tình huống cụ thể.
TP Thủ Đức: Hoàn trả tiền hỗ trợ COVID-19 chi sai cho 856 trường hợp
UBND TP Thủ Đức, TP.HCM đã vận động 856 trường hợp chi sai, chi trùng đối tượng trong đợt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hoàn trả ngân sách.
Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, tính đến nay, tổng số người thực tế đã được địa phương chi tiền hỗ trợ là hơn 928 nghìn người. Trong quá trình rà soát, UBND TP Thủ Đức nhận thấy có 856 trường hợp chi sai.
Sáng 8/4, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, đã có buổi giám sát kết quả triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 tại TP Thủ Đức.
Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, tính đến nay, tổng số người thực tế đã được địa phương chi tiền hỗ trợ là hơn 928 nghìn người. Trong quá trình rà soát, UBND TP Thủ Đức nhận thấy có 856 trường hợp chi sai, chi trùng đối tượng nên đã cùng các phường giải thích, vận động người dân tự nguyện nộp lại tiền để hoàn trả ngân sách.
Về điểm này, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình lưu ý TP Thủ Đức cần rà soát lại con số một lần nữa để có thống kê cho chính xác. Bởi địa bàn TP Thủ Đức đông dân cư, sai sót đều có thể xảy ra; cần rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo chi hỗ trợ đúng đối tượng.
Tại buổi làm việc, tổ giám sát cho biết, trong quá trình giám sát, kiểm tra ở cơ sở có nhận được phản ánh của nhân viên y tế lưu động về việc chấm công khi tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số phường trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo phản ánh, nhân viên y tế làm 8 tiếng/ngày lại không được chấm công cho 1 ngày làm việc. Thay vào đó, họ phải làm 3 ngày, mỗi ngày 8 tiếng thì mới được chấm công thành 1 ngày làm việc là 24 giờ.
Đại diện Phòng y tế TP Thủ Đức cho biết có nắm được thông tin. Vị này chia sẻ, có thể ở cấp phường hiểu chưa đúng về việc chấm công nên gây ra nhiều hiểu lầm. Theo quy định thì phải làm đủ 24 tiếng mới được chấm công, còn dựa vào Luật lao động thì người lao động được chấm công 8 giờ làm việc trong 1 ngày; các phường hiểu theo nhiều cách khác nhau nên gây hiểu nhầm.
Sự việc này đã được báo cáo, có kiến nghị với phòng tài chính, UBND TP Thủ Đức và Sở y tế TP để có sự thống nhất hơn trong cách tính.
Cùng đó, TP Thủ Đức muốn được chi bù 1.422 tỷ đồng ngân sách chống dịch. Cụ thể, TP Thủ Đức đã tạm ứng 1.422 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương, nguồn dự phòng để chống dịch.
Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa được TP.HCM, cụ thể là Sở Tài chính chi bù.
Trong khi đó, năm 2022, TP Thủ Đức còn nhiều nguồn chi quan trọng nhưng tình hình ngân sách hiện không đảm bảo. Vì vậy, TP Thủ Đức mong TP.HCM và Sở Tài chính sớm bố trí bổ sung phần ngân sách này cho TP Thủ Đức.
Đánh giá chung về công tác chống dịch của UBND TP Thủ Đức, ông Cao Thanh Bình nhìn nhận dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn do mới thành lập nhưng TP Thủ Đức đã có rất nhiều nỗ lực. Cạnh đó, ông yêu cầu TP Thủ Đức chú ý rà soát lại thông tin phản ánh của người dân qua tổng đài 1022 để giải quyết kịp thời.
Theo ông, trong lần giám sát trước, lượng tin nhắn phản ánh, thắc mắc của người dân về vấn đề hỗ trợ là rất nhiều, có những tin phản ảnh 5-7 lần trở lên, cá biệt có những tin cả chục lần. TP Thủ Đức cần có khảo sát để trả lời cho dân.
“Những tin nào đúng có thể lập đoàn hay ủy quyền cho phường, xã hay các cơ quan khác đến nhà dân để xin lỗi, chia sẻ với dân; quan trọng hơn nữa là chất lượng trả lời phản ánh của dân chứ không phải trả lời cho xong”- ông Bình nói.
Về các nội dung kiến nghị của TP Thủ Đức trong buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình cho biết sẽ có báo cáo cụ thể với HĐND để cùng với UBND TP tính toán phù hợp.
Bên cạnh việc giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình cũng có chia sẻ về những khó khăn hiện nay về mặt kinh phí cũng như số lượng đội ngũ cán bộ của Thủ Đức.
Ông nói, với khối lượng công việc sau khi sáp nhập, cán bộ công chức ở TP Thủ Đức luôn trong tình trạng quá tải, có bộ phận làm đến 21 giờ vẫn chưa về; kể cả thứ 7, chủ nhật. Ông chia sẻ với cán bộ, công chức tại địa phương và mong rằng lãnh đạo TP Thủ Đức sẽ có sự quan tâm, chia sẻ để nắm được tâm tư của anh em cán bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận