Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã giảm xuống dưới 200 ca/ngày. Trong khi đó, thời đểm cuối tháng 8, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này thường chạm ngưỡng hơn 26.000 ca/ngày.
Trước hiện tượng dịch Covid-19 quay đầu giảm nhanh, một giả thuyết cho rằng "virus đã vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến tự hủy diệt".
Ngày 7/11 lần đầu tiên Nhật Bản không có người chết vì Covid-19 sau 15 tháng xảy ra dịch
Tương tự tại Châu Phi, khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, các quan chức y tế thế giới lo ngại đại dịch sẽ quét qua “lục địa đen”, giết chết hàng triệu người bởi đây là nơi có điều kiện sống và chất lượng y tế kém.
Thực tế, tới nay, chưa tới 6% người dân châu Phi được tiêm chủng vaccine Covid-19. Thế nhưng trong các báo cáo hằng tuần về đại dịch, WHO đã mô tả châu Phi là "một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng COVID-19 nhất trên toàn cầu".
Dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, chưa có cơ sở nhận định virus SARS-CoV-2 có thể “tự huỷ diệt, tự tiêu biến”.
Dẫn lại tình hình dịch bệnh thuyên giảm tại Nhật Bản, ông Thái phân tích: “Người Nhật ý thức rất cao, “đường ai nấy đi, việc ai nấy làm”, đeo khẩu trang tại nơi đông người được áp dụng triệt để. Thứ hai, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đã lên tới khoảng 75%, trong đó, hầu hết những người có nguy cơ, đặc biệt người già có bệnh lý nền…đều đã được bao phủ vaccine.
Ngoài ra, Nhật không khuyến khích xét nghiệm diện rộng, Nhà nước chỉ xét nghiệm đối với người có nguy cơ kèm theo triệu chứng, được bác sĩ chỉ đinh. Thậm chí người đi máy bay, ai có nhu cầu thì tự đi làm xét nghiệm với giá dịch vụ rất đắt, còn không có thể tự cách ly 14 ngày tại nhà…”.
Lý giải nguyên nhân dịch giảm mạnh tại Châu Phi, ông Thái cho hay, đây là vùng có đặc điểm, tỷ lệ tử vong thông thường vốn đã rất cao, do đó những người trưởng thành đều có sức khoẻ tốt, đặc biệt nếu sống trong vùng dịch sốt rét.
"Khoa học đã tìm điểm tương đồng giữa gene SARS-CoV-2 với sốt rét. Rất có thể miễn dịch sinh ra từ sốt rét. Đây cũng được xem là 1 trong những lý do khi ở những vùng lưu hành sốt rét thì tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cực thấp", ông Thái thông tin.
Liên quan tới băn khoăn, liệu thời điểm nào cần tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại mũi 3, ông Thái cho biết: "Về nguyên tắc cơ bản ngoài 6 tháng sau khi tiêm mũi 2 có thể tiêm tiếp mũi 3. Tới nay, trong nước cũng có nhiều người tiêm đủ 2 mũi đã qua 6 tháng. Tuy nhiên, vấn đề vaccine phải về đủ độ bao phủ mới tính tiếp tới mũi 3. Nếu thực hiện, trước hết phải ưu tiên với những đối tượng tuyến đầu phòng dịch và nhóm người nguy cơ cao”, vị chuyên gia nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận