Thế giới giao thông

Covid-19 thay đổi cách người dân thế giới đi lại thế nào?

02/12/2020, 07:38

Xu hướng sử dụng xe đạp hay các phương tiện chạy bằng điện, thân thiện môi trường bất ngờ quay trở lại nhờ chất xúc tác từ đại dịch Covid-19.

img
Phương tiện cá nhân, xe máy điện, xe đạp điện lên ngôi tại nhiều nước trên thế giới

Từ năm 2019 trở về trước, một trong những vấn đề khiến chính phủ các nước đau đầu là tìm cách thay đổi thói quen người dân từ sử dụng xe cá nhân sang xe đạp hay các phương tiện chạy bằng điện, thân thiện môi trường. Nay, ở nhiều quốc gia, xu hướng vận tải này bất ngờ tự động thay đổi và tất cả là nhờ chất xúc tác từ đại dịch Covid-19.

Xe đạp điện, e-scooter lên ngôi

Nhận định trên được chứng minh qua rất nhiều báo cáo và khảo sát gần đây. Mới nhất, theo báo cáo của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Niu Technologies, những quy định giãn cách xã hội trong mùa dịch góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng “thiết bị di chuyển cá nhân” bền vững như e-scooter (xe máy điện cỡ nhỏ), xe đạp điện, xe đạp…

“Xu hướng này không chỉ ở Trung Quốc mà xuất hiện trên toàn cầu từ châu Âu cho đến Bắc Mỹ”, Giám đốc điều hành Tập đoàn Niu Technologies, bà Yan Li cho biết.

Cuộc khảo sát do Lime, công ty chuyên về xe e-scooter chỉ ra, ngày càng có nhiều người dân tại các thành phố lớn như Berlin (Đức), London (Anh) và Seoul (Hàn Quốc) khẳng định sẽ sử dụng xe e-scooter thường xuyên hơn so với trước dịch.

Một khảo sát khác được thực hiện từ giữa năm nay do Công ty tư vấn McKinsey thực hiện trên quy mô 4 quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản một lần nữa cho thấy rõ xu hướng này. Nghiên cứu chỉ ra, số lượng người sử dụng xe đạp cùng các thiết bị di chuyển cá nhân như e-scooter, xe đạp điện... đã tăng cao hơn trước kia.

Bà Yan Li đến từ Niu Technologies cho rằng, ngoài hạn chế nguy cơ lây nhiễm, việc di chuyển bằng xe máy điện sẽ an toàn và dễ dàng hơn so với lái ô tô hay sử dụng phương tiện công cộng.

Người có tiền thích dịch vụ taxi bay

Ngoài ra, cũng chính vì tâm lý lo sợ lây nhiễm và tuân thủ lệnh giãn cách xã hội nên cách đi lại của những đại gia, người có kinh tế cũng biến chuyển. “Họ có xu hướng thay đổi nhận thức, mở lòng với ô tô tự động lái hay dịch vụ taxi bay hơn…”, ông Jianxiong Xiao, người sáng lập, Giám đốc điều hành công ty phương tiện tự lái có trụ sở tại Hong Kong AutoX cho biết.

Giải thích xu hướng trên, ông Xiao chỉ ra: Ô tô vận hành hoàn toàn tự động giúp hành khách không phải chia sẻ không gian với tài xế từ đó hạn chế nguy cơ mắc virus. “Đó chính là lý do tại sao sau đại dịch toàn cầu, người dân Trung Quốc chú ý hơn tới mô hình đi lại bằng taxi robot”, ông Xiao nói và nhắc tới dịch vụ taxi tự lái vừa đi vào thử nghiệm tại Thượng Hải hồi tháng 8/2020.

Ngoài chức năng vận tải hành khách, loại xe này còn có thể giúp chở nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Thực tế, như ông Edward Xu, Giám đốc chiến lược tại nhà sản xuất xe bay tự động lái của Trung Quốc Ehang chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh bùng nổ, công ty đã cho ra mắt dịch vụ “xe cứu thương trên không’” giúp các bệnh viện vận chuyển nhân viên cùng vật tư y tế trong trường hợp khẩn cấp.

Những thách thức để phát huy cơ hội

Tuy nhiên, cơ hội nào cũng luôn kèm với rất nhiều thách thức lớn. Trong trường hợp này, để có thể duy trì và thúc đẩy xu hướng sử dụng phương tiện e-scooter, xe đạp điện và cả taxi bay… về lâu dài và an toàn cũng là vấn đề được chú ý nhất.

Hiện tại, để đảm bảo an toàn cho xe tự động lái, nhà sản xuất xe bay tự động lái Ehang đang xây dựng kế hoạch dự phòng cho một số hệ thống vận hành taxi trên không của hãng.

Theo ông Edward Xu, đây chính là chìa khóa giúp cho công ty này chưa để xảy ra bất cứ vụ tai nạn nào trong quá trình thử nghiệm 6.000 chuyến bay, với hành khách đến từ 34 thành phố tại 8 quốc gia.

Theo ông Edward Xu, tất cả các hệ thống điện tử, cung cấp năng lượng và định vị đều có phương án dự phòng, cho phép xe bay có thể vận hành một cách liên tục bất kể có hệ thống nào gặp vấn đề.

Ngoài ra, để tận dụng và phát huy xu hướng vận tải bền vững kể cả khi dịch qua đi và cuộc sống trở lại bình thường, giới chức các nước cần phải củng cố hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu mới như mở rộng hạ tầng cho xe e-scooter, xe đạp hay taxi bay… Mới đây, Chính phủ Anh vừa tung gói ngân sách mang tên “kỷ nguyên mới cho xe đạp và đi bộ”, sẵn sàng đầu tư xây dựng làn dành cho xe đạp và mở rộng vỉa hè.

Không chỉ vậy, các cơ quan quản lý cần có chế tài xử phạt cũng như những quy định đảm bảo chất lượng xe và cách vận hành an toàn. Chính phủ nhiều nước tại nhiều châu lục từ Á sang Âu đã có quy định cho phép sử dụng xe e-scooter trên đường phố.

Tờ Financial Times dẫn lời ông Kersten Heineke, Giám đốc Trung tâm về Vận hành trong tương lai tại châu Âu, một đơn vị thuộc Công ty tư vấn McKinsey nhận định: “Covid-19 sẽ là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi sang phương thức di chuyển bền vững hơn. Bối cảnh này là cơ hội để xây dựng một trật tự bình thường mới”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.