Trong vòng 13 ngày qua, các điểm phong tỏa liên quan dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã tăng thêm 1.777 điểm, từ 1.280 điểm lên 3.057 điểm.
Chiều 21/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay tính đến 14h cùng ngày, TP.HCM có tổng cộng 3.057 địa điểm phong tỏa trên địa bàn.
Thông tin diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông.
Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 21/7 mới nhất
Tối 21/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính từ 6h đến 19h30 cùng ngày, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.817 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.
Như vậy, tính từ 18h30 ngày 20/7 đến 19h30 ngày 21/7, TP ghi nhận 3.556 trường hợp nhiễm mới. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP đã có tổng cộng 41.343 trường hợp mắc Covid-19 được công bố.
Trong hơn 10 ngày qua, TP.HCM tăng thêm 1.777 điểm phong tỏa mới, từ 1.280 điểm lên 3.057 điểm.
Theo HCDC, TP đã có hướng dẫn các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai cách ly tập trung cho đối tượng F0 không triệu chứng, không kèm bệnh nền hoặc bệnh nền đã được điều trị ổn định và không béo phì. Theo đó, các trường hợp F0 sẽ cách ly tập trung 7 ngày, rồi về cách ly theo dõi tại nhà nếu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30.
Trường hợp dương tính với giá trị CT < 30 sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày sau đó cho đến khi có kết quả âm tính thì cho phép về cách ly theo dõi tại nhà. Riêng các trường hợp F0 mới phát hiện và không triệu chứng, nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR có giá trị CT ≥ 30 và hội đủ các điều kiện theo quy định của ngành y tế sẽ được xem xét cách ly tại nhà.
"Để tạo điều kiện cho người dân mua rau củ bình ổn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, 2 xe buýt di động đã được bố trí để cung cấp rau củ cho người dân tại một số khu vực trên địa bàn TP gồm: số 35 Điện Biên Phủ (từ 9 giờ - 11 giờ), phường 15, quận Bình Thạnh; Ngã 3 An Tôn Nghĩa Phát (9 giờ - 11 giờ), phường 6, quận Tân Bình; Đình Bình Đức số 528 Tô Ngọc Vân (15 giờ - 17 giờ), phường Tam Phú, TP Thủ Đức; 429/10 Lê Văn Sỹ (15 giờ -17 giờ), phường 12, quận 3. Nếu nhu cầu người mua lớn, số lượng xe buýt di động sẽ được tăng lên để phù hợp với tình hình thực tế" - HCDC thông tin.
Hai xe buýt di động đã được bố trí để cung cấp rau củ cho người dân tại một số khu vực trên địa bàn TP.HCM.
Vận hành 615 điểm tiêm cho gần 1 triệu người
Hiện tại, vaccine đã được cơ quan y tế chuyển đến Trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức. Toàn TP HCM sẽ vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm.
Mỗi phường, xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo, trong 2 tuần tiêm xong 930.000 liều. Tổng số lượng vaccine được phân bổ đợt 5 tại TP HCM là hơn 930.000 liều, gồm 3 loại vaccine AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm, nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ tổ chức tiêm cho người dân. Đối tượng được tiêm vaccine trong đợt này ưu tiên cho những người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường), người trên 65 tuổi.
Người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế, người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế. Người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tình nguyện viên, phóng viên...).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người dân không nên so sánh các loại vaccine vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vaccine gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc xin đó, có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ...
UBND TP HCM vừa ban hành văn bản khẩn yêu cầu các địa phương lập khu điều trị cho F0 và xem xét cách ly tại nhà F0 mới không có triệu chứng lâm sàng.
TP HCM ra văn bản khẩn điều trị F0 không triệu chứng
Ngày 21/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký công văn hướng dẫn phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho F0 tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu UBND các địa phương ban hành ngay quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung cho F0 thuộc địa bàn quản lý. Đối tượng áp dụng là các F0 kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR dương tính và không có triệu chứng lâm sàng; không bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền nhưng đã được điều trị ổn định, không béo phì.
Các cơ sở cách ly F0 tập trung trên địa bàn có thể dùng cơ sở hạ tầng có sẵn như: Ký túc xá trường học, chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học... Quy mô căn cứ theo số F0 được phát hiện và điều kiện mỗi địa phương. Địa phương phải bố trí khu cách ly riêng biệt cho người xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính (chưa có kết quả PCR) và người đã có kết quả PCR dương tính.
Mỗi cơ sở cách ly tập trung phải bố trí phòng sơ cấp cứu với trang thiết bị cơ bản, có bình oxy (ít nhất 5-10 bình). Các trang thiết bị y tế và thuốc cần có như: Bộ dụng cụ cấp cứu cơ bản, thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu qua da (SpO2), phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc hạ sốt, vitamin...
Ban quản lý cơ sở cách ly phải do Phó Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức làm trưởng ban. Trường hợp địa phương nhiều cơ sở cách ly tập trung khác nhau, UBND quyết định dựa trên quy mô. Nhân sự chuyên môn gồm bác sĩ, điều dưỡng từ nguồn nhân lực bệnh viện, trung tâm y tế, Sở Y tế; khuyến khích vận động nguồn lực y tế tư nhân và bác sĩ nghỉ hưu có sức khỏe tốt trên địa bàn.
Tại cơ sở cách ly tập trung, khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng thì khẩn trương cho người bệnh thở oxy và liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc tổ cấp cứu ngoại viện của bệnh viện địa phương để chuyển bệnh nhân đi điều trị kịp thời. Khi có nhu cầu chuyển viện (không cấp cứu), đơn vị gọi Tổng đài 115 để được điều phối xe chuyển viện. UBND TP cũng khuyến khích địa phương huy động xe vận chuyển hành khách, xe cấp cứu tư nhân để chủ động chuyển người bệnh.
Xe vận chuyển hành khách này phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc gồm: Có kết cấu khoang riêng biệt giữa người bệnh, nhân viên y tế và tài xế; tài xế được cấp giấy chứng nhận sử dụng trang phục phòng hộ (PPE); tài xế được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Với trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng, thời gian cách ly tập trung là 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với giá trị CT =30. Trường hợp dương tính có CT<30 thì xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày, khi kết quả này âm tính thì cho phép người bệnh tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Với F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, ngành y tế xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm PCR giá trị CT=30 và hội đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế.
TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn yêu cầu các địa phương lập khu điều trị cho F0 và xem xét cách ly tại nhà F0 mới không có triệu chứng lâm sàng.
Phong tỏa phường 19, quận Bình Thạnh từ 0h ngày 22/7
Trưa 21/7, bà Bùi Thị Hồng Quế, Chủ tịch UBND phường 19, quận Bình Thạnh,TP.HCM xác nhận, chiều qua (20/7), UBND quận Bình Thạnh có thông báo quyết định phong tỏa phường 19 từ 0h ngày 22/7 đến khi có thông báo mới.
Theo bà Quế, thống kê đến chiều 20/7, trên địa bàn phường 19 ghi nhận 167 ca mắc Covid-19.
Trong thời gian phong tỏa, người dân không được ra khỏi phường, trừ nhân viên y tế, những người thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Phường 19 có hơn 19.000 dân với nhiều khu đông dân cư (chung cư Phạm Viết Chánh, Nguyễn Ngọc Phương...) và chợ Thị Nghè...
Cơ quan y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân
Lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết vấn đề cấp bách tại TP.HCM
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 1292 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quyết định nêu rõ, thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, đặt tại TP.HCM để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Tổ trưởng Tổ công tác là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; tổ phó gồm: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Các Thành viên của tổ là Thứ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND TP.HCM.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác theo thẩm quyền; vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các thành viên là Thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của Bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ mình và phối hợp với các Thành viên Tổ công tác để thực hiện công tác điều phối chung của Tổ và thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác khẩn trương thống nhất với các thành viên của Tổ về quy chế tạm thời hoạt động của Tổ công tác để kịp thời triển khai Nghị quyết này, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia.
Việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được đề ra trong Nghị quyết số 78 về phiên họp chuyên đề phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ vừa ban hành. Ngoài ra, Nghị quyết 78 cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (19 tỉnh thành) phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Các địa phương này chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16.
Để chuẩn bị cho đợt tiêm vaccine thứ 5, TP.HCM đã được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine.
TP.HCM thêm 1.739 ca mắc mới Covid-19
Bản tin dịch COVID-19 sáng 21/7 của Bộ Y tế cho biết TP.HCM tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới Covid-19 nhiều nhất cả nước với 1.739 ca. Như vậy, đến nay thành phố ghi nhận tổng cộng 39.526 bệnh nhân.
Trong ngày 20/7, Việt Nam có thêm 26.355 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.336.833. Trong đó, 4.019.161 liều tiêm mũi 1 và 317.672 liều mũi 2.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tổng số vaccine tích lũy được phân về phía nam sau 12 đợt là 2 triệu liều. Số vaccine do Viện Pasteur quản lý.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết để chuẩn bị cho đợt tiêm vaccine thứ 5, TP.HCM đã được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine. Trong đó, 235.000 liều Moderna; gần 55.000 liều Pfizer; 19.000 liều Sinopharm. Số còn lại là AstraZeneca.
Các bệnh viện sẽ tập trung tiêm cho 2 đối tượng là người già trên 65 tuổi và người có bệnh nền, cụ thể là bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì (có chỉ số BMI lớn hơn 30).
Thành phố đang sử dụng hệ thống phần mềm quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu của người tiêm vaccine, hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký. Tuy nhiên, trong số này, thành phố ưu tiên cho người già, bệnh mạn tính, người nguy cơ cao như người nghèo, người giao thương, giao dịch nhiều như làm công tác vận chuyển, giao hàng...
Việc tiêm được tổ chức đồng loạt tại các quận, huyện, TP với 2 điểm tiêm trên 312 phường, xã. Như vậy là 624 điểm tiêm và 20 bệnh viện. Thành phố cũng tổ chức hơn 100 xe cấp cứu để xử lý các sự cố.
Thành phố tiếp tục các giải pháp đã bàn để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng bởi nếu để ca nhiễm trong cộng đồng và không phát hiện kịp thời thì dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh, dẫn đến nguy cơ tử vong lớn.
TP.HCM chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16
Chiều 20/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, có chuyến công tác tại TP.HCM và làm việc với lãnh đạo của thành phố về vấn đề vaccine.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực trong các biện pháp phòng, chống dịch trong triển khai Chỉ thị 16 và các biện pháp như giám sát dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa để kiểm soát dịch."Dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Đỉnh dịch cách đây 3 ngày lên đến khoảng 5.000 ca bệnh nhưng 3 ngày qua đã xuống con số hơn 3.000. Trong 10 ngày tới phải áp dụng quyết liệt các biện pháp", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hy vọng dịch sẽ giảm xuống 7-10 ngày tới khi áp dụng tối đa giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành khu vực phía nam.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng hiện nay. Đồng thời mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ từ Trung ương, đặc biệt là tổ công tác đặc biệt của các Bộ tại TP.HCM, cùng chung tay thực hiện các biện pháp giám sát theo Chỉ thị 16 và nâng cao, siết chặt như mục tiêu đã giao.
Tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của thành phố cũng như những khó khăn người dân đang phải trải qua trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt là người nghèo. "Đến giờ này, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Dự báo những ngày tới, ca nhiễm vẫn còn lớn", ông Đam dẫn lại nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Ông đề nghị thành phố tiếp tục các giải pháp đã bàn để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bởi lẽ, nếu để ca nhiễm trong cộng đồng và không phát hiện kịp thời thì dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh, dẫn đến nguy cơ tử vong lớn.
Phó thủ tướng yêu cầu một mặt, thành phố phải tiếp tục kiên trì tầm soát F0, đồng thời, chuẩn bị để thu dung lượng lớn F0. Phó thủ tướng nhận định địa bàn TP.HCM rất đặc thù. Ông cho biết đã bàn bạc với Bí thư Nguyễn Văn Nên và tính toán với một số địa bàn đặc thù, tới đây có thể tính đến các biện pháp mạnh mẽ hơn.
"Cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất lúc này để làm chậm sự lây lan của dịch", Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch chỉ đạo.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng hồi phục kỳ diệu
Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - phụ trách Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, bệnh viện đã điều trị cho 106 bệnh nhân nặng có diễn biến khả quan. Các bệnh nhân này trước đó đều được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp rất nặng, phải thở oxy dòng cao, đặt ECMO.
Qua 5 ngày hoạt động, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 điều trị cho 106 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp nặng có diễn biến khả quan.
Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cho biết thêm, trong số 106 bệnh nhân chuyển viện, có 67 bệnh nhân được ngưng thở oxy và 39 người khác chỉ còn phải thở oxy qua cannula mũi. Thông tin thêm, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhiều bệnh nhân có diễn biến nguy kịch đã hồi phục kỳ diệu.
Cụ thể, nam bệnh nhân 28 tuổi điều trị Bệnh viện Nguyễn Tri Phương rơi vào tình trạng nguy kịch, phổi bị tổn thương và phải thở oxy chức năng cao nhưng không kiểm soát được. "3h sáng, ê kíp của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tức tốc đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đặt ECMO cho bệnh nhân, đến nay bệnh nhân tương đối ổn định", bác sĩ Linh thông tin.
Trường hợp khác là một sản phụ 30 tuổi mang song thai 25 tuần. Nữ bệnh nhân nguy kịch, sau đó được đặt ECMO trong đêm 19/6 tại Bệnh viện Trưng Vương. Đến sáng nay, thai phụ vượt qua tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, một số bệnh nhân khác cũng được cai máy thở, chuyển sang thở oxy.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thuộc tầng 4, là tuyến cuối trong điều trị COVID-19 tại TP.HCM với nhiệm vụ điều trị bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch phải thở máy, chạy ECMO.
Hiện tại, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 điều trị cho 260 bệnh nhân. Dự kiến tuần này, bệnh viện có thể tiếp nhận 460 bệnh nhân nặng, trong đó có 100 giường hồi sức nguy kịch. Trong tuần tới, cơ sở này sẽ phấn đấu lên 700 giường và tiếp tục điều động nhân sự, trang thiết bị cho 1.000 giường.
Giám sát đột xuất việc người dân thực hiện cách ly y tế tại nhà trên địa bàn quận 5 vào ngày 19/7/2021.
Đồng loạt triển khai cách ly y tế tại nhà cho F1
Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) đã chủ trì buổi họp trực tuyến triển khai cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 trên địa bàn TP.HCM. BS. CKII. Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành HCDC cho biết, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 là một chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện nay, giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho người được cách ly.
Trước tình hình cấp bách như hiện nay, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) cần triển khai đồng loạt tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện thay vì chỉ thí điểm ở một vài phường, xã như kế hoạch cũ.
Tại buổi họp, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện việc cách ly tại nhà cho F1. Theo đó, khi F1 có nguyện vọng được cách ly tại nhà sẽ đăng ký hồ sơ tại Trạm y tế phường, xã nơi mình cư trú. Các trạm y tế sau khi tiếp nhận sẽ gửi danh sách này về Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã.
Ban chỉ đạo nơi tiếp nhận sẽ cử Tổ thẩm định xuống đánh giá yêu cầu cơ sở vật chất nơi cách ly mà F1 đăng ký. Thủ tục này sẽ được hoàn thành trong vòng 24h. Hồ sơ đạt điều kiện được cách ly tại nhà sẽ được tổ thẩm định gửi về Phòng y tế, văn phòng UBND phường, xã để tham mưu BCĐ phòng chống dịch quận, huyện và ra quyết định cách ly tại nhà cho F1. Trong thời gian chờ ra quyết định, F1 sẽ được khuyến khích, hướng dẫn cài đặt phần mềm VHD.
Việc giám sát cách ly tại nhà sẽ gồm lực lượng dân quân, công an, y tế và Tổ Covid cộng đồng phối hợp thực hiện. Lực lượng dân quân, công an sẽ đảm nhận việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, giám sát sự tuân thủ cách ly. Lực lượng y tế sẽ đảm trách việc hướng dẫn người cách ly khai báo, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe trên ứng dụng VHD; Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người nhà theo quy định; Hướng dẫn các trường hợp cách ly tự thu gom chất thải đúng cách; Nếu người cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo trung tâm y tế xử lý theo quy định.
Video: Hướng dẫn sử dụng phần mềm giám sát người thực hiện cách ly tại nhà (Nguồn: HCDC)
TP.HCM điều trị khỏi cho 3.658 ca mắc Covid-19
Thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố ghi nhận thêm 1.519 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 20/7. Trong đợt dịch thứ 4, Thành phố đã có hơn 36.000 trường hợp mắc COVID-19.
Đến nay, TP.HCM có thêm 587 bệnh nhân xuất viện, tổng số điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 3.658 ca. Hiện Thành phố đang điều trị 33.838 bệnh nhân dương tính, bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính. Trong đó, có 433 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 274 bệnh nhân tử vong.
Qua công tác truy vết điều tra, Thành phố phát hiện thêm 4 ổ dịch mới tại khu dân cư, đều thuộc khu vực phong tỏa. Đối với những chuỗi lây nhiễm khác ghi nhận gần đây như chợ Tân Định (Quận 1), chợ Bình Điền, chợ Phùng Hưng (Quận 5), chợ Cầu Muối (Quận 1) và chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao, các khu dân cư… đã được khoanh vùng, giám sát chặt.
Thành phố thực hiện xin ý kiến chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 về xét nghiệm kiểm tra đối với F0 và F1. Cụ thể, đề xuất xét nghiệm RT-PCR cho F0 không triệu chứng vào ngày thứ 8: Nếu kết quả âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 thì cho xuất viện vào ngày thứ 10; nếu kết quả dương tính với giá trị CT < 30 thì thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10, kết quả âm tính được xuất viện, kết quả dương tính thì thực hiện thêm và xử trí theo kết quả xét nghiệm RT-PCR.
Đối với F1 cách ly tập trung đủ 7 ngày có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc RT-PCR dương tính với giá trị CT ≥ 30 thì xem xét chuyển cách ly tại nhà, đồng thời xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14. Đối với F1 cách ly tại nhà, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 7 và 14.
Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ làm cầu nối và hỗ trợ việc chuyển F0 giữa các bệnh viện được thuận lợi.
Lập tổ công tác đặc biệt điều phối ca bệnh nặng
Ngày 20/7, Sở Y tế TP.HCM thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch giữa các bệnh viện.
Tổ công tác có vai trò cầu nối và hỗ trợ việc chuyển bệnh nhân tiên lượng nặng, nguy kịch kịp thời đến các bệnh viện điều trị Covid-19.
Đơn vị này gồm 15 thành viên, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 làm tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế và lãnh đạo phòng Nghiệp Vụ Y (trực thuộc Sở Y tế).
Theo Sở Y tế, toàn thành phố hiện nay có tổng cộng 38 bệnh viện thuộc 4 tầng điều trị khác nhau. Hầu hết bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất. Do đó, việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối và hỗ trợ việc chuyển F0 giữa các bệnh viện được thuận lợi là nhu cầu rất cấp thiết.
Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid-19.
Ngoài ra, tổ công tác còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh Covid-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt (nếu có). Những cá nhân và tập thể có cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu cũng được tổ công tác ghi nhận.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết với số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện đã vượt qua 30.000 và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đội ngũ y, bác sĩ thật sự đã nỗ lực hết mình cứu chữa người bệnh.
Bên cạnh số lượng bệnh nhân xuất viện tăng dần, trường hợp chuyển biến nặng vẫn luôn là nỗi lo của các y, bác sĩ. Vì vậy, ngành y tế luôn mong muốn người bệnh sớm được chuyển đến các bệnh viện có năng lực chuyên môn cao hơn để điều trị.
Đa số ca nhiễm mới tại TP.HCM được phát hiện tại các khu cách ly, khu phong toả.
Hơn 580 bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM được xuất viện trong một ngày
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến hết ngày 19/7, thành phố có 34.825 trường hợp mắc bệnh (chưa tính số ca bệnh được Bộ Y tế công bố vào sáng 20/7 là 1.519). Trong đó, 34.533 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 292 ca nhập cảnh.
Trong ngày 19/7, 587 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi tại TP.HCM là 3.658.
Thành phố đang điều trị cho 33.838 bệnh nhân (bao gồm cả những người có kết quả xét nghiệm rRT-PCR, xét nghiệm nhanh dương tính). Trong đó, 413 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 trường hợp được can thiệp ECMO.
Theo HCDC, sau khi điều tra, truy vết, từ 26/5 đến hết 18/7, thành phố đã lấy 2.027.218 mẫu xét nghiệm Covid-19 (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...). Trong đó, 1.753.120 mẫu đã có kết quả, 274.098 mẫu đang chờ.
Về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đợt 5, Sở Y tế TP.HCM dự kiến tổ chức tiêm với số lượng 1,1 triệu liều. Vaccine tiêm trong đợt 5 là các loại vaccine được cung ứng trong TP.HCM, theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về chỉ định đối tượng và thời gian tiêm.
Một bệnh nhân Covid-19 chuyển biến nặng được nhân viên y tế quận Gò Vấp chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Hơn 2/3 số ổ dịch mới tại TP.HCM đã ổn định
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trên địa bàn TP.HCM hiện có 22 ổ dịch đang diễn tiến, 45 ổ dịch đã ổn định.
Trong đó, đa số ca nhiễm được phát hiện tại các khu cách ly, khu phong toả. Về tình hình các ổ dịch mới, TP hiện có 22 ổ dịch đang diễn tiến, 45 ổ dịch đã ổn định.
Trong 24 giờ qua, 6 ca mắc COVID-19 được phát hiện tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn TP, tập trung ở phường Linh Trung, Tân Bình, Vĩnh Lộc và Linh Xuân. Theo đánh giá của HCDC, đây là tín hiệu đáng mừng so với những ngày trước đây.
Hiện TP.HCM có 277 doanh nghiệp đạt các điều kiện về an toàn phòng chống dịch, được TP cho phép vừa cách ly vừa sản xuất để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”. Điều này vừa góp phần duy trì hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp, vừa giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh từ cộng đồng vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc ngược lại.
Về việc triển khai cách ly F1 tại nhà, HCDC cho biết có 2.140 trường hợp F1 được cách ly tại nhà trên địa bàn 8 quận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận