Xã hội

Covid-19 TP.HCM hôm nay: Số ca mắc đã giảm, cả ngày thêm 4.264 bệnh nhân

02/08/2021, 20:53

Dịch Covid-19 ngày 2/8 tại TP.HCM: Đến 18h30 hôm nay, trên địa bàn thành phố đã có 97.076 ca mắc Covid-19, trong đó 37.846 người khỏi bệnh.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 2/8 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh - xuất viện và trường hợp tử vong được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

Số ca mắc mới đã giảm, 37.846 bệnh nhân đã xuất viện

Chiều tối nay 2/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 2.267 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 18h30 ngày 1/8 đến 18h30 ngày 2/8, thành phố ghi nhận 4.264 trường hợp nhiễm mới.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM ngày 2/8 cho biết, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 97.076 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Các bệnh viện trên địa bàn hiện đang điều trị cho 34.438 bệnh nhân dương tính, trong đó có 924 bệnh nhân nặng đang thở máy và 8 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Mặc dù số ca bệnh phát hiện mỗi ngày vẫn ở mức cao nhưng đang có chuyển biến tích cực theo xu hướng giảm dần

img

Mặc dù số ca bệnh mới được phát hiện mỗi ngày vẫn ở mức cao nhưng đang có chuyển biến tích cực theo xu hướng giảm dần.

Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, hoặc tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm được xuất viện về nhà từ cách ly ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng trong ngày 1/8 đã có 3.207 bệnh nhân xuất viện nâng tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 37.846.

Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo bổ sung 389 (1307-1695) ca tử vong tại 4 tỉnh, thành phố, trong đó tại TP.HCM từ ngày 17/7-2/8 có 354 ca.

TP.HCM đã tổ chức tiêm hơn 1,7 triệu liều vắc-xin cho người dân; riêng đợt 5 đã triển khai gần 800.000 liều. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bao phủ vắc-xin, TP.HCM đề nghị Bộ Y tế xem xét phân bổ liên tục để đến cuối tháng 8 đạt khoảng 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin.

Với kế hoạch tiêm chủng đợt 5 điều chỉnh, TP.HCM sẽ linh hoạt bố trí điểm tiêm tại các khu phong tỏa. Theo đó, sáng ngày 2/8 đã có hàng trăm người dân trong khu vực phong tỏa bên hông chợ Tân Định (Quận 1) được tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Trong cao điểm chống dịch ở TPHCM, một bộ phận lớn công nhân, lao động tự do mất việc, gặp nhiều khó khăn trong các khu nhà trọ. Để tạo sự yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách, Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thư ngỏ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham gia, vận động cung cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa tại TPHCM.

img

Trung tâm cấp cứu 115 cần đảm bảo không bỏ lỡ cuộc gọi của người dân.

Các bệnh viện không được từ chối ca F0

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn gửi lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và một số đơn vị về việc tăng cường tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 khi được chuyển đến các bệnh viện.

UBND TP HCM yêu cầu tất cả bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn đảm bảo quy chế thường trực các cấp lãnh đạo, chuyên môn, hành chính - hậu cần, bảo vệ - tự vệ. Đường dây nóng các đơn vị cần đảm bảo ứng trực 24/24h để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trường hợp khẩn cấp.

Các bệnh viện trên địa bàn cần tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt các ca F0, đảm bảo tất cả người bệnh được khám và điều trị kịp thời. UBND TP HCM nhấn mạnh các bệnh viện tuyệt đối không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào được chuyển đến.

Trung tâm cấp cứu 115 cần đảm bảo không bỏ lỡ cuộc gọi của người dân.

Nếu bệnh nhân được chuyển trái tuyến, trái chuyên khoa, các bệnh viện vẫn phải tiếp nhận và xử lý cấp cứu ban đầu ổn định. Bệnh viện cần giải thích đầy đủ cho người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân trước khi chuyển viện khác.

Ngoài ra, UBND TPHCM giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 rà soát quy trình vận hành, xử lý cuộc gọi cấp cứu, đảm bảo không bỏ lỡ cuộc gọi của người dân. Trung tâm Cấp cứu 115 bố trí nơi ăn ở và làm việc cho lực lượng trực tổng đài phù hợp, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, định kỳ tổ chức xét nghiệm cho các tổng đài viên.

img

Bốn trung tâm hồi sức bắt đầu tiếp nhận các ca bệnh Covid-19 nặng và rất nặng.

Trung tâm hồi sức tiếp nhận F0 nặng và rất nặng

Ngày 2/8, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tại Bệnh viện quốc tế City, quy mô 500 giường sẽ tiếp nhận 50-70 F0 nặng và rất nặng. Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đảm nhận chuyên môn trung tâm này. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm điều hành, quản lý và cử chuyên gia đến đây, nhân lực điều dưỡng và phục vụ sẽ huy động tại chỗ.

Trước đó, trong chiều 1/8, bệnh viện đã bàn giao mặt bằng và giường bệnh có đầu nối oxy, máy thở với quy mô 50-70 giường điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng. Dự kiến, trong 5 ngày tới, Trung tâm sẽ nâng quy mô lên 200 giường. Sau đó, nâng tiếp quy mô đạt 500 giường. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã cấp ngay 50 máy thở từ kho dự trữ.

Mục tiêu hàng đầu hiện nay là giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh, vì vậy, Bộ Y tế đã huy động hệ thống tư nhân tham gia chống dịch. Đại diện Bệnh viện Quốc tế City cho biết, sẵn lòng chung tay chống dịch. Tuy nhiên, bệnh viện cần tách làm hai khu riêng biệt: điều trị bệnh nhân thường do bệnh viện đảm nhiệm và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 do Bộ Y tế đảm nhiệm.

Bộ trưởng Long cho biết, Trung tâm Hồi sức tích cực 500 giường do Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm sẽ tiếp nhận điều trị F0 rất nặng từ chiều 3/8. Trung tâm này đặt tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16.

Cùng với trang thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai chuyển từ Bắc Giang vào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ở phía Nam cấp ngay 100 máy thở chức năng cao và 100 máy thở HFNC cho trung tâm. Theo dự kiến, trong ngày 2/8, máy thở của Bộ Y tế sẽ được chuyển đến Trung tâm.

Bác sĩ Sơn cho biết, hiện tại Bệnh viện dã chiến số 16 đang thiết lập 2.300 giường điều trị, trong trường hợp cần thiết có thể nâng lên quy mô 3.000 giường. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phân tầng điều trị, trong đó dành riêng 500 giường cấp cứu, 500 giường hồi sức tích cực.

Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế lần lượt đặt ở Bệnh viện dã chiến số 13 và Bệnh viện dã chiến số 11 sẽ tiếp nhận bệnh nhân từ 5/8.

img

Khi xét nghiệm mở rộng có thể số ca tăng lên nhưng tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát.

Đã 2 ngày thành phố chưa phát sinh ổ dịch mới

HCDC cho biết tính đến 6h ngày 2/8, thành phố có 97.076 trường hợp mắc bệnh đã được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 94.758 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 321 ca nhập cảnh.

Trong ngày 1/8, 3.207 bệnh nhân ở TP.HCM được xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 37.846.

Theo HCDC, trong vòng 2 ngày qua, TP.HCM không phát hiện thêm các ổ dịch mới. 29 ổ dịch đang bùng phát đã được truy vết, khoanh vùng và giám sát chặt.

Ngành y tế TP.HCM đang điều trị cho 34.438 bệnh nhân dương tính (bao gồm người có kết quả xét nghiệm rRT-PCR và test nhanh dương tính). Trong đó, 924 bệnh nhân nặng đang thở máy, 8 trường hợp được can thiệp ECMO. Trong ngày 1/8, TP.HCM ghi nhận thêm 170 trường hợp tử vong.

Từ ngày 27/4 đến 1/8, TP.HCM đã lấy 1.046.818 mẫu với 570.296 mẫu đơn, 476.522 mẫu gộp. Tổng cộng 4.223.668 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...). Trong đó, tổng số mẫu chưa có kết quả: 8.175 mẫu (mẫu đơn: 7.677, mẫu gộp: 498).

Về chiến dịch tiêm chủng vaccine đợt 5, theo thông tin của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 1/8, thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 cho 144.970 người. Như vậy, tổng số trường hợp đã được tiêm vaccine trong đợt 5 là 767.885. Tốc độ tiêm chủng tại thành phố đang cải thiện rõ rệt. Số lượng mũi tiêm tăng nhanh hơn và người trì hoãn tiêm trong đợt này cũng giảm đi nhiều.

Đợt 5 của chiến dịch tiêm vaccine tại thành phố triển khai chính thức từ ngày 22/7. Trong đợt này, thành phố thực hiện tiêm chủng tại nhiều địa điểm, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động ở cộng đồng, bệnh viện. Trong đợt 5, TP.HCM dự kiến tiêm cho 930.000 người. Như vậy, tính đến hết tháng 7, thành phố đã hoàn thành gần 67% kế hoạch đề ra.

img

Liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM ngày 2/8. Ảnh: TTXVN

TP.HCM buộc những người trì hoãn phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

Theo bản tin của Bộ Y tế, tính từ 18h30 ngày 1/8 đến 6h ngày 2/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.997 ca nhiễm mới Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Như vậy, đến nay thành phố đã có 96.292 bệnh nhân.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm, lần này thành phố sẽ không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi. TP.HCM tổ chức 1.200 đội tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt 5, huy động tối đa đội ngũ y bác sĩ bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các lực lượng y tế đã về hưu.

Đối tượng được tiêm vaccine từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền mãn tính, lực lượng tuyến đầu. Đối với những người ngoài các nhóm ưu tiên trên, địa phương sắp xếp tổ chức tiêm theo thứ tự độ tuổi như nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi.

TP cũng yêu cầu những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm ở các đợt trước sẽ được mời tiêm ở đợt này.

Đợt tiêm vaccine thứ 5 được TP.HCM triển khai đồng loạt ở các quận, huyện từ ngày 22/7. Dự kiến trong 2-3 tuần, thành phố tiêm xong 930.000 liều, gồm vaccine AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một lượng nhỏ Sinopharm.

Trong ngày 31/7, thành phố đã tiêm hơn 104.000 liều vaccine. Đây là ngày có số liều tiêm nhiều nhất tính từ đầu đợt 5.

TP cũng yêu cầu các đơn thông báo theo khung giờ và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và tránh tập trung đông người tại một thời điểm. Đồng thời sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm phù hợp, có thể tổ chức buổi tiêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ.

Trong sáng 1/8, UBND TP.Thủ Đức vừa ra mắt đội Tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động. Trên xe có đầy đủ các dụng cụ tiêm vắc xin và cấp cứu như bình oxy, thuốc chống sốc, thuốc huyết áp... Mỗi đội xe lưu động sẽ có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng.

Các đội tiêm sẽ đến các điểm như: khu cách ly, phong toả, nơi các lực lượng tuyến đầu chống dịch đang làm nhiệm vụ, người già, người khó khăn... Ngoài ra, TP.Thủ Đức còn thành lập 40 đội phản ứng nhanh. Trong đó cấp TP có 6 đội, cấp phường có 34 đội để phục vụ người dân cấp cứu, điều trị.

img

TP.HCM thực hiện tiêm vacicne đợt 5 cho người dân. Dự kiến trong 2-3 tuần, thành phố tiêm xong 930.000 liều, gồm vaccine AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một lượng nhỏ Sinopharm. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM không tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2

TP.HCM sẽ không tổ chức thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT từ ngày 5- 7/8 do tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp.

Cụ thể, UBND TP.HCM nêu rõ tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, toàn thành phố đang áp dụng cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện phòng, chống dịch.

UBND thành phố giao Sở GD-ĐT căn cứ vào các quyết định của Bộ và các quy định hiện hành, có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện xét đặc cách công nhận tốt nghiệp đối với các thí sinh đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT đợt 2 theo đúng quy định.

Trước đó, vào ngày 28/7, UBND TP.HCM có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2. Đó là những thí sinh chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 (trừ các thí sinh bị đình chỉ thi hoặc hủy bỏ bài thi) và có đăng ký thi đợt 2 với số lượng 3.234 thí sinh.

Đề xuất đảm bảo quyền lợi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các thí sinh được xét đặc cách trong đợt 2, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT yêu cầu 2 ĐH Quốc gia và các trường ĐH, các trường có tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non triển khai bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực, sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh khác (ngoài căn cứ trên điểm thi tốt nghiệp THPT) để xét tuyển đối với các thí sinh thi được xét đặc cách trong đợt thi 2.

img

Thí sinh thi tốt nghiệp đợt 1 ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng.

TP.HCM thêm 3.493 F0 xuất viện, không phát hiện ổ dịch mới

Theo HCDC, đây là những F0 đủ điều kiện xuất viện theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và sẽ cách ly tại nhà thêm 14 hoặc 21 ngày.

Sáng 1/8, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến sáng 1/8, TP có 93.037 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 92.733 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh.

Theo HCDC, trong ngày 31/7, TP có thêm 3.493 F0 xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi bệnh tính từ khi dịch bắt đầu đến nay là 34.639 người. TP đang điều trị 35.218 bệnh nhân dương tính, trong đó có 933 ca nặng đang thở máy và 12 người can thiệp ECMO. Đến nay, TP có 1.338 bệnh nhân tử vong.

HCDC cho biết, trong ngày 31/7, TP không phát hiện thêm các ổ dịch mới. Hiện có 30 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

TP đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5, với 930.000 liều, thời gian dự kiến sẽ tiêm trong vòng 2 tuần cho các đối tượng ưu tiên theo kế hoạch của UBND TP.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính từ ngày 22 tới 31/7, đã có 622.558 liều vắc xin Covid-19 được tiêm cho người dân trong đợt 5. Trong đó, có 69.752 người trên 65 tuổi, 552.806 người thuộc đối tượng khác được tiêm.

HCDC cho biết, chiến dịch tiêm sẽ được đẩy nhanh tiến độ bên cạnh việc giữ an toàn trong tiêm chủng và phòng chống dịch. TP mở rộng đối tượng được tiêm chủng, phấn đấu đến cuối tháng 8, có khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vắc xin mũi 1.

Ngoài ra, TP đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với các F0 sau xuất viện, người thực hiện cách ly, người sau cách ly. Triển khai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo trọng tâm trọng điểm. Theo đó, người có kết quả test nhanh dương tính, có triệu chứng hoặc thuộc nguy cơ cao nhanh chóng thực hiện xét nghiệm RT-PCR và chuyển đến khu cách ly tập trung tại quận, huyện, TP Thủ Đức.

Người có kết quả test nhanh dương tính không có triệu chứng, không thuộc nhóm nguy cơ cao, tạm thời theo dõi, chăm sóc, cách ly tại nhà trong khi chờ xét nghiệm RT-PCR. F0, F1 trước khi kết thúc cách ly có thể được xét nghiệm bằng xét nghiệm kháng nguyên hoặc RT-PCR.

HCDC khuyến cáo, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP đang còn diễn biến phức tạp, vì vậy, người dân cần tuân thủ nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế và các quy định cách ly theo Chỉ thị 16 và khu vực phong tỏa.

img

Các y bác sĩ tạm biệt những người hoàn thành cách ly. Ảnh: NLĐ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.