Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 11/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Cập nhật tin tức mới nhất về dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: HCDC
Số ca tử vong tại TP.HCM thấp nhất trong 20 ngày qua
Chiều 11/9, TP.HCM họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Đại diện cơ quan chức năng của TP đã trả lời các về báo chí quan tâm liên quan việc cấp thẻ xanh, sử dụng ứng dụng kiểm soát người đi đường và tình hình điều trị F0, huy động F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch.
Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 của thành phố trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 20 TP.HCM thực hiện Công điện 1099 của Chính phủ và Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM.
Thành phố đang điều trị cho 39.433 bệnh nhân, trong đó có 2.805 trẻ em, 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10/9, thành phố có 3.392 bệnh nhân xuất viện, 188 trường hợp tử vong. Đây là số ca tử vong thấp nhất thành phố ghi nhận trong 20 ngày qua, tính từ 22/8.
"Ngày 22/8, trước khi TP.HCM bước vào đợt tăng cường giãn cách, số tử vong là 340. Ngày 10/9 chỉ còn 188", ông Hải thông tin.
Từ 18h ngày 9/9 đến 18h ngày 10/9, thành phố đã lấy 597.776 mẫu xét nghiệm, trong đó có 7.058 mẫu đơn và 8.422 mẫu gộp, 498.793 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Đến ngày 10/9, hơn 7,5 triệu người đã được tiêm vaccine (6,4 triệu người tiêm mũi 1 và hơn 1,1 triệu người tiêm mũi 2)
Cũng theo thống kê, hơn 847.000 người trên 65 tuổi, có bệnh nền đã được tiêm.
Quận 7 mở cửa trở lại, được kinh doanh những gì?
Ngày 11/9, UBND quận 7 thông tin, địa phương này đang tập trung đẩy nhanh mọi việc để sớm mở cửa trở lại vì được chọn làm thí điểm cho TPHCM. Bước đi đầu tiên của quận 7 là phải phục hồi sản xuất, các dịch vụ (ngân hàng, công chứng) và kinh doanh mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men...).
Cụ thể, sẽ có khoảng 150 loại hình sản xuất, kinh doanh hoạt động lại từ ngày 15/9. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND quận 7 khẳng định, phải đảm bảo gần như tuyệt đối an toàn mới tính tới chuyện mở mửa. Quận 7 sẽ cố gắng mở cửa rất nhanh nhưng hết sức chắc chắn và mở từng bước, không làm đại trà.
Hiện tại, quận 7 đã xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với người dân được cấp thẻ xanh COVID-19 (cho người tiêm 2 mũi vắc xin, đủ thời gian tạo kháng thể; người nhiễm SARS-CoV-2 và khỏi trong vòng 6 tháng) cũng như tiêu chí cụ thể cho nhà xưởng, siêu thị, cửa hàng nào được hoạt động trở lại.
UBND quận 7 cho biết, điều kiện cơ bản nhất để các cửa hàng dịch vụ hay cơ sở sản xuất được hoạt động lại là phải "xanh". Để được mở cửa lại, cửa hàng phải đảm bảo các tiêu chí như không có F0; tất cả nhân viên đã tiêm vắc xin mũi 1, 30% mũi 2 theo tiến độ chung của quận; địa phương đó là “vùng xanh”.
Ngoài ra, cơ sở phải đạt một số tiêu chí của quận như tổ dân phố nơi đó phải kiện toàn tổ an sinh, tổ y tế. Nơi kinh doanh phải có tổ y tế hình thành trên cơ sở chính nhân viên của điểm kinh doanh đó (test nhanh 3 ngày một lần, đo thân nhiệt... cho nhân viên), phải kết nối phần mềm với Ban chỉ đạo để khi xảy ra tình huống có thể xử lý ngay.
Khi bắt đầu “mở cửa”, người dân ở quận 7 có thẻ xanh COVID-19 được đi lại ở những “vùng xanh” trên địa bàn quận. Địa phương đang xây dựng phần mềm để cảnh báo người có “thẻ xanh COVID-19” không được đi đến “vùng đỏ” hoặc ngược lại cảnh báo người đang ở “vùng đỏ” không ra khỏi khu vực này.
Để kiểm soát dịch trong thời gian tới, quận 7 đang tập huấn cho người dân tự test nhanh tại nhà. Sau đó, địa phương sẽ test lại toàn bộ người dân với chu kỳ 7 ngày một lần để làm “sạch” địa bàn bằng phương pháp test nhanh lẫn RT-PCR.
Quận 7 cũng kiến nghị TPHCM bổ sung thuốc điều trị, chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân F0; nhân lực y tế, máy móc, vật tư; tiếp tục có các gói hỗ trợ an sinh cho công nhân và lao động; hỗ trợ các bộ kit test nhanh cho hộ kinh doanh một tháng đầu khôi phục hoạt động.
Thành phố có 2.804 bệnh nhân nặng đang điều trị
Tính đến 6h ngày 10/9, có 286.773 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó 286.301 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 472 trường hợp nhập cảnh.
Các cơ sở y tế đang điều trị 39.617 bệnh nhân, trong đó: có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.804 bệnh nhân nặng. Trong ngày 10/9, có 3.700 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 144.024 bệnh nhân.
Thành phố đã tiêm 7.307.738 mũi vắc xin
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, nguyên tắc của tiêm vắc xin phòng COVID-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Thành phố đã riển khai chiến dịch cao điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tại thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến ngày 15/9.
Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 9/9 là 7.307.738 (tăng 235.873 mũi vắc xin so với ngày 8/9) trong đó tổng số mũi 1 là 6.335.838, mũi 2 là 971.900, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 809.308.
Từ nay đến 15/9, người dân vùng cam, vùng đỏ được xét nghiệm ít nhất 3 lần
Từ nay đến ngày 15/9, các quận huyện cần tổ chức xét nghiệm đảm bảo vùng cam, vùng đỏ người dân được xét nghiệm ít nhất 3 lần, vùng xanh, vùng vàng hộ gia đình được xét nghiệm ít nhất 2 lần. Công tác xét nghiệm cho các cơ sở kinh doanh ăn uống nói riêng và các doanh nghiệp, đối tượng có tiếp xúc nhiều người, các đơn vị chủ động xét nghiệm, giám sát trên nguyên tắc “4 tự”: Tự xây dựng kế hoạch; Tự thực hiện; Tự xét nghiệm; Tự kiểm tra nhân viên của mình.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR từ ngày 27/4 đến 10/9, đã lấy 1.8139.383 mẫu, (trong đó có 1.116.203 mẫu đơn, 723.180 mẫu gộp), với 6.671.183 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất,...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 9.170 mẫu, trong đó có 4.560 mẫu đơn và 4.610 mẫu gộp.
101.775 người theo dõi cách ly y tế tại nhà
Thành phố đã tổ chức được 546 Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Triển khai phát túi thuốc A,B,C cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà. Thực hiện giám sát hoạt động tại các Trạm Y tế lưu động. Cập nhật các số điện thoại của các Trạm Y tế lưu động lên website hcdc.vn.
Tính đến ngày 4/9/2021, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 101.775 người, trong đó có 70.056 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 31.719 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 26.298 người.
Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.566 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 21.383 người.
Ứng dụng VNEID dự kiến là “giấy thông hành” mới
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, chiều 10/9, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong 24 giờ qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, thời gian tới TP.HCM chắc chắn sẽ có các biện pháp nới lỏng giãn cách, ví dụ như áp dụng "thẻ xanh", "thẻ vàng" để lưu thông an toàn.
Ông Hà cho biết, hiện Bộ Công an và Công an TP.HCM đã triển khai ứng dụng VNEID, hỗ trợ người dân khai báo y tế, di chuyển nội địa.
Khi các thông tin tiêm chủng vaccine, F0, thông tin đầy đủ giấy đi đường... được cập nhật đầy đủ, ứng dụng VNEID sẽ đóng vai trò như thẻ thông hành
"Hiện Công an TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan liên quan cập nhật thông tin cần thiết lên ứng dụng VNEID để thành phố có phương án quản lý trong thời gian tới"- Ông Hà chia sẻ thêm.
Được biết, ngày 8/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an chính thức đưa vào hoạt động ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID.
Phần mềm ra đời trên cơ sở hệ thống khai báo di chuyển nội địa, lấy mã QR do Bộ Công an triển khai trước đó qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Ứng dụng VNEID sẽ cung cấp cho người dùng mã QR code để thể sử dụng cho các nền tảng đang sử dụng phổ biến như Ncovi, Bluezone, VHD.
VNEID kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân, phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2.
TP.HCM chia 3 giai đoạn phục hồi kinh tế dựa trên thẻ xanh, thẻ vàng
Chiều 10/9, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau 15/9.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP phấn đấu đến 15/9 cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng và phục hồi kinh tế, đưa TP về trạng thái “bình thường mới”.
“Quan điểm nới lỏng phục hồi kinh tế tại TP.HCM dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng chống dịch. Tiêu chí đánh giá an toàn dựa vào thẻ xanh, thẻ vàng căn cứ trên kết quả tiêm vaccine”, Chủ tịch UBND TP cho biết.
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP.HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), cá nhân, lao động có "thẻ xanh Covid-19" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Cá nhân, lao động có "thẻ vàng Covid-19" có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.
Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022), TP sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho người có "thẻ xanh Covid-19" gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "thẻ xanh Covid-19".
Ngoài các lộ trình dự kiến, TP cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Phát động chương trình "ATM nhân lực tiêm vắc-xin"
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang phát động chương trình "ATM nhân lực tiêm vắc-xin" để chung tay cùng TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Hội sẽ vận động nguồn lực kinh phí hỗ trợ các bệnh viện, trung tâm, cơ sở y tế nhằm huy động, tăng cường nhân lực y tế (đang không tham gia trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 trong các bệnh viện) tham gia tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân, tổ chức thành các đội tiêm ở điểm tiêm cố định hoặc đội tiêm lưu động. Trong ngày 10/9, 18 tình nguyện viên đầu tiên của chương trình đã có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn để hỗ trợ tiêm chủng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận