Tin tức Covid-19 TP.HCM ngày 12/7, thông tin các ca dương tính được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông
Trong bản tin tối 12/7, Bộ Y tế công bố thêm 341 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM nâng tổng số ca mắc mới trong ngày hôm nay tại thành phố lên con số kỷ lục 1.764 ca bệnh.
Như vậy, với 3 bản tin, ngày 12/7, Bộ Y tế công bố tổng cộng 2.367 bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trong nước, riêng tại TP.HCM 1.764 ca. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch xâm nhập Việt Nam cũng như tại TP.HCM.
Ngày 12/7, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID - 19 tại TP.HCM do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt đã đến làm việc với lãnh đạo thanh phố về công tác điều phối, phối hợp giữa các nhân lực hỗ trợ từ Bộ Y tế và lực lượng địa phương đặc biệt là hỗ trợ nhân lực cho khối điều trị.
Đối với yêu cầu nhân lực y tế hỗ trợ cho các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, sẽ huy động tổng lực đáp ứng nhu cầu của thành phố và chậm nhất đến ngày 16/7 sẽ đảm bảo quân số (trong đó bao gồm 400 bác sĩ và 600 điều dưỡng vừa có thể viện trợ thêm khi có yêu cầu).
Đối với yêu cầu hỗ trợ 200 bác sĩ cùng 800-1.000 điều dưỡng hồi sức chuyên sâu để đáp ứng công tác điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch Thứ trưởng cho biết: Bộ Y tế đã làm việc với các bệnh viện cả nước và nhanh chóng hỗ trợ TP. HCM; về 500 nhân sự phục vụ công tác điều tra truy vết hiện đã điều động 350 giảng viên và sinh viên trường Đại học Y Thái Bình cùng 120 nhân sự từ Trường ĐH Y tế công cộng đến TP.HCM để bổ sung lực lượng cho các quận huyện.
Như vậy, đến nay, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế các bệnh viện trung ương và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước trong tuần này chi viện TP.HCM, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ.
TP.HCM có tổng số ca mắc mới trong ngày hôm nay 12/7 cao kỷ lục với 1.764 ca.
Thêm 879 ca mắc, thành phố có 14.435 bệnh nhân
Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 12h30 ngày 12/7, TP.HCM tiếp tục là địa phương ghi nhận số ca mắc mới ca nhất cả nước với 879 ca, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 1.423 ca bệnh.
Theo đó, 879 ca bệnh mới (BN30712-BN31590) ghi nhận tại TP.HCM có 790 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 89 ca đang điều tra dịch tễ.
Thành phố cũng đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thông qua hoạt động “Siêu thị mini 0 đồng” với quy mô 10 siêu thị/ngày; triển khai đồng loạt mô hình “Chợ nghĩa tình” tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức; tạo điều kiện hoạt động và đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho các bếp ăn nghĩa tình, các hoạt động từ thiện và đẩy mạnh bán hàng lưu động bình ổn giá.
HCDC kêu gọi phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”, mỗi người dân hãy thực hiện tốt nhất có thể các biện pháp phòng chống dịch trong khả năng của mình.
Phun khử khuẩn khu vực bị phong tỏa.
Bộ Y tế yêu cầu tăng thời gian cách ly y tế tại nhà lên 14 ngày với người về từ TP.HCM
Trong thời gian qua, số người từ TP.HCM về các địa phương có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố có tiếp nhận người về từ TP.HCM điều chỉnh thời gian cách ly nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng.
Theo đó, điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ TP.HCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) từ 7 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Những người tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc tại TP.HCM theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở vệ địa phương lưu trú. Trong thời gian tự theo dõi sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
TP.HCM hiện cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị.
TP.HCM cần chi viện 8.000 cán bộ y tế
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM hiện cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị.
Cụ thể, lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến sẽ được bố trí tham gia chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện dã chiến; các bệnh viện điều trị COVID-19 có triệu chứng; các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Chia sẻ thêm về vấn đề hỗ trợ nhân lực cho khối điều trị tại TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dựa trên kế hoạch, nhu cầu nhân lực chi tiết từ TP.HCM Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều phối, hỗ trợ nhân sự phù hợp, đồng thơi làm việc với các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực y tế từ TP.HCM.
Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ gần 10.000 cán bộ nhân viên y tế chi viện cho TP. HCM để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, "đảo quân") để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại đây.
Được biết, hiện nay theo đề nghị của lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các BV trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại TP.HCM chi viện, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ.
Xe labo xét nghiệm lưu dộng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM
Siêu xe xét nghiệm lưu động vào hỗ trợ TP.HCM
Nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng, xe labo xét nghiệm lưu động của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã vào TP.HCM để hỗ trợ công tác xét nghiệm, giúp chẩn đoán sớm các ca mắc COVID-19.
Siêu xe Kamaz 43118 với buồng phân tích mẫu công nghệ cao của Bộ Quốc phòng vượt hơn 1.700km từ Hà Nội vào TP.HCM để hỗ trợ TP trong việc phân tích mẫu xét nghiệm COVID-19. Ngay khi đến nơi, các cán bộ chiến sĩ đã phối hợp cùng phòng xét nghiệm vi sinh của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía Nam thành lập phòng xét nghiệm dã chiến, bắt tay vào làm việc.
Theo thượng tá Hoàng Đức Hậu - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), trước đó xe đã hoạt động ở 9 tỉnh biên giới phía Bắc để phục vụ việc nghiên cứu khoa học và hỗ trợ xét nghiệm cho lực lượng biên phòng tại đây.
Từ ngày 4/7 đến nay đã giúp TP.HCM phân tích khoảng 4.200 mẫu gộp, tương đương hơn 40.000 lượt người, phát hiện 217 mẫu dương tính”, thượng tá Hậu nói. Với thời gian trả kết quả trong 24 giờ, xe lưu động này giúp TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong cộng đồng. Các bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc trong môi trường áp lực âm khoảng 9 tiếng liên tục mỗi ngày.
Lực lượng chức năng chốt chặn giữa các quận, huyện trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: Duy Hiệu.
TP.HCM có 544 bệnh nhân mới
Theo bản tin lúc 6h ngày 12/7 của Bộ Y tế, TP.HCM có thêm 544 bệnh nhân, trong đó 369 bệnh nhân được phát hiện ở khu cách ly, vùng phong tỏa. 175 người đang được điều tra dịch tễ.
Số lượng ca mắc mới tại Việt Nam trong 7 ngày trở lại đây liên tục ở mức cao. Không riêng "điểm nóng" Covid-19 tại TP.HCM, hàng loạt tỉnh, thành phố khác như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Phú Yên..., ghi nhận từ hàng chục đến hơn 100 ca mắc mỗi ngày.
Bộ Y tế đang tăng cường các đội ngũ chuyên gia, nhân lực y tế để chi viện các tỉnh, thành phố chống dịch Covid-19. Đến nay, các tỉnh, thành phố quyết định thực biện pháp giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 gồm TP.HCM, Bình Dương (TP Dĩ An và Thuận An), Cần Thơ (quận Ninh Kiều và Cái Răng), Đồng Tháp (TP Sa Đéc và 4 huyện), Bình Phước (huyện Chơn Thành), TP Nha Trang, Quảng Ngãi (Sơn Tịnh và Trà Bồng)...
Tại buổi làm việc với TP.HCM chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM tập trung kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để trở lại trạng thái bình thường, phát triển kinh tế xã hội; chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết; hạn chế các ca tử vong.
Bộ Y tế đang tăng cường các đội ngũ chuyên gia, nhân lực y tế để chi viện điểm nóng chống dịch Covid-19.
Quận Bình Tân gỡ phong tỏa chung cư Ehome 3
UBND quận Bình Tân, TP.HCM đã ký quyết định kết thúc thời gian phong tỏa đối với chung cư Ehome 3 thuộc khu phố 2, phường An Lạc, từ 0h ngày 12/7. Riêng các tầng của block có ca nhiễm và nghi nhiễm mới, chính quyền quận Bình Tân giao ngành y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường An Lạc tiếp tục giám sát, cách ly.
Sáng 11/7, các tổ dân phố thuộc khu phố 2, 3, phường An Lạc cũng được gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Phạm vi gỡ phong tỏa gồm tổ 31, 32 thuộc khu phố 2, đoạn đường Lê Tấn Bê; tổ 60, 61, 62, 63, 64 thuộc khu phố 3 (chung cư Lê Thành A, Lê Thành B).
Trước đó, từ ngày 5/6 đến 12/6, UBND quận Bình Tân phát lệnh phong tỏa 4 tòa tháp A1, A2, A3, A4 của chung cư Ehome 3 sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.
Ngày 13/6, chính quyền phát hiện tiếp 2 trường hợp nghi nhiễm nên quyết định phong tỏa toàn bộ 14 block chung cư này và lấy mẫu tầm soát cho hơn 7.000 cư dân.
Từ 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 13.012 ca mắc Covid-19. Thành phố bước vào ngày thứ 3 áp dụng Chỉ thị 16. Chính quyền thắt chặt việc đi lại, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính người ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.
Sẵn sàng kịch bản 50.000 giường bệnh
Tính đến sáng 12/7, số ca mắc tại TP. HCM đã vượt con số 13 nghìn ca. PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám Đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay khi số ca F0 liên tục tăng cao đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị. Hiện nay TP.HCM đã chuẩn bị được 28,5 nghìn giường thu dung bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, dự kiến số giường sẽ tăng lên 30 nghìn và sẵn sàng có kịch bản cho 50 nghìn giường.
Theo đó, nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh thì cần khoảng 200 nhân lực y tế; thêm vào đó khi số ca mắc gia tăng thì số trường hợp bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ chuyên sâu cũng sẽ gia tăng tương ứng.
Chia sẻ về việc thu dung và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, Thành phố cũng có 6.500 giường tại các BV chuyên điều trị Covid-19. Trong đó, 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch được bố trí ở 4 BV lớn gồm BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới TP, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhân dân 115.
Ngành xây dựng cũng đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng tại các chung cư và khu tái định cư. Nguồn dự phòng dự kiến sẽ là 40 nghìn giường điều trị để sẵn sàng điều động và hỗ trợ ngành Y tế khi có cần thiết.
Người dân chung cư Ehome 3 vui mừng được gỡ phong tỏa.
TP.HCM vượt mốc 13 nghìn ca mắc COVID-19
Trong vòng 24 giờ tính đến 18h ngày 11/7, TPHCM ghi nhận 1.397 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 479 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Tính từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có 13.012 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4.
Trong số 1.397 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, có 918 ca là các trường hợp tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 479 trường hợp đang điều tra dịch tễ.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 13.012 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Theo HCDC, trong chiến dịch phòng chống COVID-19 lần này, TPHCM đang tận dụng khoảng thời gian thực hiện Chỉ thị 16 để tăng cường xét nghiệm, điều tra truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng và phối hợp tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 với khoảng 1,1 triệu liều vắc-xin được tài trợ.
TP.HCM lên kế hoạch tiêm vacicne đợt 5 cho người dân. Ảnh: Duy Hiệu.
TP.HCM lên kế hoạch tiêm 1,1 triệu liều vaccine trong 2-3 tuần
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong chiến dịch đợt 5, thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết và thành lập trung tâm điều phối tiêm vaccine cấp thành phố do một phó chủ tịch UBND TP phụ trách. Tại mỗi quận, huyện phải thành lập trung tâm tổ chức tiêm chủng do một lãnh đạo quận, huyện phụ trách.
Chiến dịch tiêm chủng đợt 5 dự kiến diễn ra trong thời gian 2-3 tuần với khoảng 630 điểm tiêm trên toàn thành phố cho đối tượng ưu tiên là người dễ bị tổn thương, người nằm trong các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Chiến dịch tiêm với 1,1 triệu liều được thực hiện trong 2-3 tuần (tùy theo tình hình diễn biến dịch), được triển khai trên 312 phường, xã. Mỗi phường, xã tối thiểu tổ chức 2 điểm tiêm (624 điểm tiêm), hoạt động từ 8h đến 20h mỗi ngày. Một điểm chỉ tiêm cho 120 người mỗi ngày. Thành phố đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện tiêm chủng để tiêm cho người mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.
Chủ tịch TP.HCM đề xuất Bộ Y tế đơn giản hóa quy trình tiêm để hạn chế tập trung đông người, phòng tránh lây nhiễm trong giai đoạn có nhiều ca bệnh trong cộng đồng.
Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp cùng các lực lượng địa phương phun khử khuẩn khu vực liên quan ca nhiễm mới.
Điều tra nguồn lây của 479 ca mắc Covid-19 tại TP.HCM
Theo thông tin Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 6h đến 18h ngày 11/7, thành phố có thêm 954 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới được Bộ Y tế công bố. Trong số này, 918 trường hợp là các ca tiếp xúc được truy vết, cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa. TP.HCM đang điều trị dịch tễ và nguồn lây nhiễm của 479 trường hợp còn lại.
Theo cập nhật của Sở Y tế TP.HCM, đến hôm nay, thành phố có 21 ổ dịch Covid-19 đang hoạt động, trong đó có 5 ổ dịch ở chợ, 9 ổ dịch ở khu dân cư và 7 ổ dịch trong khu công nghiệp.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 13.012 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. TP.HCM trải qua 2 giai đoạn dịch, đợt một từ ngày 26/5 với sự bùng phát mạnh mẽ tại ổ dịch điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Đợt 2 bắt đầu từ 16/6 là sự bùng phát với nhiều cụm lây nhiễm, ổ dịch không rõ nguồn lây trong cộng đồng. Kể từ 0h ngày 9/7, TP.HCM chính thức áp dụng giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16.
Lãnh đạo thành phố kỳ vọng sẽ tận dụng được 15 ngày "vàng" để tăng cường xét nghiệm, điều tra truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng và phối hợp tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Chiến sĩ công an xúc động cảm ơn các bác sĩ trước khi xuất viện.
Chiến sĩ công an ở TP.HCM xuất viện sau khi khỏi Covid-19
Chiều 11/7, sau hơn một tháng điều trị Covid-19, chiến sĩ công an ở quận Tân Phú từng được tiên lượng nguy kịch đã khỏi Covid-19 và xuất viện sau trong tình trạng sức khỏe ổn định. Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân là P.C.Đ., nam, 41 tuổi, chiến sĩ công an phường Phú Trung, quận Tân Phú, đã từng bước hồi phục.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay anh Đ. diễn tiến nặng không kém bệnh nhân 91 (phi công người Anh) trước đây. Trong đợt dịch lần thứ 4, đây là bệnh nhân mắc Covid-19 tiên lượng nặng đầu tiên phải đặt ECMO được chuyển đến BV Chợ Rẫy và cũng là bệnh nhân nặng đầu tiên được xuất viện.
Anh P.C.Đ. là chiến sĩ thuộc đội Phòng chống tội phạm công an phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM.
Theo các bác sĩ, sau khi nhiễm SARS-CoV-2, nam công an xuất hiện cơn bão cytokine mạnh, gây tổn thương phổi, bão cytokine và rối loạn đông máu. Anh cần được hỗ trợ cả về tuần hoàn, hô hấp và tổn thương thận. Sau khi hội chẩn với Sở Y tế TP.HCM, ngày 8/6, bệnh nhân được chuyển về khu cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị, góp phần giảm áp lực quá tải bệnh nhân Covid-19 nặng cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Một khu vực tại nhà ga Tân Sơn Nhất được quây lại làm nơi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: ACV.
Xét nghiệm nhanh Covid-19 trả phí tại sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 11/7, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tại nhà ga quốc nội. Dịch vụ này được thực hiện từ 7h đến 19h mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 11/7. Hành khách có thể lấy mẫu test nhanh trong thời gian 30 phút hoặc chờ 4,5 giờ để xét nghiệm PCR-RT.
Chi phí test nhanh Covid-19 được niêm yết là 540.000 đồng/mẫu/người; Realtime PCR là 1,69 triệu đồng/mẫu/người; Realtime PCR mẫu gộp 5 người là 3,95 triệu đồng/mẫu gộp. Chi phí này bao gồm chi phí lấy mẫu và trả kết quả tại sân bay.
Hành khách có thể đến sân bay Tân Sơn Nhất sớm và lấy kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi lên máy bay. Trước đó, sân bay Nội Bài cũng triển khai dịch vụ test nhanh Covid-19 cho hành khách có nhu cầu.
Thời gian qua, trung bình mỗi ngày có hơn 3.100 lượt khách bay chặng Hà Nội - TP.HCM (chiếm 30% tổng số khách tại Nội Bài). Riêng ngày 9/7, khi áp dụng quy định hạn chế số ghế cho các hãng hàng không, lượng khách chặng Hà Nội - TP.HCM đã giảm rõ rệt, chỉ còn 960 người (288 khách đi, 672 khách đến).
TP. HCM: Theo dõi, giám sát cách ly F1 tại nhà qua phần mềm
Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế TP.HCM cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Viettel đã có buổi họp trực tuyến trong chiều 11/7 thống nhất phương án triển khai sử dụng “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” sẽ giúp TP.HCM quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, thống kê báo cáo kịp thời, chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh.
Hệ thống phần mềm quản lý cách ly sẽ được triển khai trên hạ tầng hiện tại của trang web tokhaiyte.vn và ứng dụng di động Vietnam Health Decleration (VHD). Các trường hợp được cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình.
Dự kiến mỗi ngày, người cách ly sẽ khai báo y tế 3 lần và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở... Qua đó, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi những trường hợp cách ly sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly cũng như sức khỏe của họ.
Hiện tại, các sở ban ngành đang cùng thống nhất lại các nội dung và kỹ thuật cần triển khai để hoàn thành phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế”.
Dự kiến phần mềm sẽ được chính thức vận hành vào ngày 17/7 trên toàn địa bàn TP.HCM.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên báo cáo về sở theo chế độ "khẩn" và thường xuyên cập nhật tình hình khi sử dụng trường làm nơi cách ly.
Trường học ở TPHCM sẵn sàng trở thành khu cách ly
Ngày 11/7, Sở GD&ĐT TPHCM đã thông báo khẩn đến hiệu trưởng các trường Cao đẳng, Trung cấp trực thuộc sở; các trường THPT và Trung tâm GDTX về việc chuẩn bị sẵn sàng để trưng dụng các trường làm khu cách ly khi có yêu cầu.
Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị hiệu trưởng các trường CĐ, Trung cấp, các trường THPT và các trung tâm GDTX sẵn sàng phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức sử dụng cơ sở vật chất trường học làm nơi cách ly phòng, chống dịch.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên báo cáo về sở theo chế độ "khẩn" và thường xuyên cập nhật tình hình khi sử dụng trường làm nơi cách ly.
Hiện TPHCM có khoảng hơn 155 các trường THPT công lập cùng hàng trăm các Trung tâm GDTX, trường Cao đẳng, Trung cấp trực thuộc Sở GD&ĐT TPHCM. Được biết, trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 này, TPHCM đã vượt mốc 12.000 ca mắc COVID-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận