Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 18/9: Số ca tử vong ở TP.HCM 3 ngày qua "đi ngang"

18/09/2021, 16:00

Tin tức dịch Covid-19 ngày 18/9 tại TP.HCM: 3 ngày vừa qua, số ca tử vong tại TP.HCM có xu hướng "đi ngang", dao động 160-166 trường hợp.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 18/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Chiến lược điều trị thời gian tới là tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng.

Chiều 18/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tiếp tục tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại thành phố 24 giờ qua.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo, ngày 17/9, TP.HCM có 2.270 bệnh nhân xuất viện, 165 trường hợp tử vong trong ngày. Từ 1/1 đến nay, thành phố ghi nhận 166.564 ca xuất viện cộng dồn và 13.099 bệnh nhân tử vong.

Chiến lược điều trị của TP.HCM trong giai đoạn mở cửaTại họp báo, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin về chiến lược điều trị Covid-19 của TP.HCM trong giai đoạn mở cửa. Ông Châu cho biết TP.HCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, TP chỉ mở cửa khi an toàn và đảm bảo an toàn mới mở cửa.

Chiến lược điều trị thời gian tới là tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng. Mục tiêu là đảm bảo F0 đang điều trị tại nhà được chăm sóc tốt, mau chóng hồi phục; trường hợp chuyển nặng được mau chóng nhập viện, đảm bảo điều trị, hạn chế tử vong.

Công tác xét nghiệm được áp dụng để phát hiện kịp thời người có nguy cơ mắc Covid-19 để theo dõi, điều trị kịp thời.

Trên 8,6 triều liều vaccine đã được tiêmTừ 18h ngày 16/9 đến 18h ngày 17/9, TP.HCM đã lấy 295.504 mẫu xét nghiệm, trong đó có 6.556 mẫu đơn và 5.375 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 250.910 mẫu.

Hiện, độ phủ vaccine mũi 1 đã trên 90% và TP đang triển khai nhanh chóng mũi 2, tiến tới lộ trình phủ 100% vaccine mũi 2.

Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 17/9 là 8.667.552. Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.713.412, mũi 2 là 1.954.140. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.013.592.

Tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ trong ngày 17/9 là 55.047 hộ, giảm 0,76% (giảm 421 hộ) so với hôm trước. Từ ngày 15/8 đến 18/9, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.799.070 túi.

Phát hiện 135 trường hợp F0 đi ngoài đường

Thông tin này được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu công an TP.HCM cung cấp tại buổi họp báo chiều 18/9.

Thống kê cho thấy, đến ngày 16/9, Công an TP.HCM đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, trạm kiểm soát. Công an thành phố đã xác minh có 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại là 102 trường hợp F0.

Trong 102 trường hợp F0, có 26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà. Cũng trong số 102 trường hợp F0, có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, công an thành phố đã thu hồi 10 giấy, thông báo huỷ 40 trường hợp. Còn lại các trường hợp khác không thuộc diện cấp giấy đi đường gồm có những người đang đi cách ly, đi tiêm ngừa, đi từ bệnh viện về nhà, đi khám bệnh định kỳ trở về…

Tính đến 18h00 ngày 17/9, có 327.331 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 326.854 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 477 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 41.152 bệnh nhân, trong đó có 3.366 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.420 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Ngày 17/9 có 2.270 bệnh nhân xuất viện, 165 trường hợp tử vong. Đây là ngày thứ 3 số ca tử vong có chiều hướng đi ngang và giảm hơn một nữa so với đầu tháng 8.

Không nhận tiền trong quá trình hoả táng người tử vong do Covid-19

Tại buổi họp báo chiều 18/9, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết có một số kẻ xấu “cò mồi” để lấy tiền của thân nhân gia đình có người tử vong do Covid-19.

Theo đó, hiện nay có một số người tự xưng là nhân viên của các cơ sở mai táng, đến gặp và gợi ý với gia đình có người thân tử vong do Covid-19, nộp tiền cho họ để họ làm việc với quân sự nhằm đưa tro cốt của người thân về sớm nhất.

Thượng tá Thanh Phong cho biết trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8/2021 số ca tử vong do Covid-19 gây ra tại TP.HCM tăng đột biến, có ngày lên đến 340 ca. Vì vậy có thời gian việc hoả táng bị chậm, nhiều gia đình cũng sốt ruột. Tuy vậy hiện nay tình hình dịch đã được kiểm soát phần nào, số ca tử vong ngày 17/9 là 166 ca.

Trước những mất mát, đau thương của người thân và gia đình có người tử vong do Covid-19, được sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh thành phố đảm nhiệm, tiếp nhận lưu giữ, quản lý, hoả táng và vận chuyển tro cốt của người tử vong do Covid-19 về tới gia đình cho thân nhân. Đây là nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa đối với những người đã khuất và gia đình thân nhân.

Thượng tá Phong đề nghị bà con khi nhận những thông tin có người “cò mồi” hãy bình tĩnh suy xét để tránh bị người xấu lợi dụng, đồng thời báo cho lực lượng chức năng để xử lý nghiêm.

img

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh chăm sóc trẻ có cha, mẹ là F0.

Cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ mồ côi do Covid-19

Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho hay, trên địa bàn có hơn 3.000 trẻ em mắc COVID-19 đang được điều trị. Bên cạnh đó, có 252 trẻ em mồ côi vì cha mẹ chết do mắc COVID-19, trong đó có 7 trẻ mồ côi cả cha và mẹ; 245 trẻ mồ côi cha, hoặc mẹ. Điều này khiến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gia tăng do có cha, mẹ tử vong vì COVID-19.

Theo quy định hiện hành, trẻ mô côi cả cha mẹ được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp với trường hợp dưới 4 tuổi là 900.000 đồng/em/tháng; từ đủ 4 tuổi trở lên hỗ trợ 540.000 đồng/em/tháng. Các trẻ em được cấp BHYT miễn phí.

Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Nếu trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn băng thứ nhất được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, tối đa không quá 22 tuổi.

UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước đó, Quỹ bảo vệ trẻ em Việt Nam cũng trích thêm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ sinh ra có mẹ bị nhiễm COVID-19; hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ.

Theo Luật BHYT, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được ngân sách mua và cấp thẻ BHYT miễn phí.

img

Liên tục cập nhật tình hình diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 18/9 tại TP.HCM.

Bổ sung một số nhóm công việc không cần giấy đi đường

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 17/9, so với năng lực của ngành y tế thành phố, tình hình điều trị có những tín hiệu vui. Số bệnh nhân thực tế ở các giường bệnh viện là 69,8%. Cụ thể, thành phố có 59.150 giường, trong đó số bệnh nhân đang được điều trị tại đây là 41.297, bao gồm ở tầng hai tỷ lệ là 69,2% và tầng ba là 77,3%.

"Số bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp can thiệp điều trị do tình trạng nặng còn khá cao. Vì thế, hiện số ca tử vong giảm nhưng chúng ta không quá lạc quan vì số ca nặng còn nhiều", Phó Giám đốc Sở Y tế nói.

Ông Hưng phân tích, theo thống kê mới nhất, tỷ lệ bệnh nhân tại tầng ba (tuyến cuối trong tháp ba tầng điều trị Covid-19 tại TP HCM) phải sử dụng máy thở xâm lấn là 69,1% và 65,5% sử dụng máy thở không xâm lấn. Các bệnh viện cũng đã sử dụng 67,7% máy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), 69,7% máy lọc máu, 62,2% máy thở oxy cho bệnh nhân.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến sáng 17/9, thành phố ghi nhận 321.358 ca Covid-19, chủ yếu là ca cộng đồng. Hiện 41.297 bệnh nhân điều trị, trong đó 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số bệnh nhân đã xuất viện tính từ đầu năm đến nay là 161.007.

Chia sẻ trong họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 24 giờ qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, từ ngày 16/9, thành phố bổ sung một số nhóm công việc không cần giấy đi đường khi đáp ứng một số điều kiện.

Các nhóm bổ sung lần này bao gồm:

- Luật sư tham gia tố tụng khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng (hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan tố tụng, kèm văn bản phân công luật sư của Văn phòng luật sư). Khi di chuyển, luật sư phải có các yếu tố nhận diện là thẻ luật sư trùng với giấy tờ và kiểm tra khai báo Y tế trên phần mềm VNEID.

- Nhóm nhân viên, người lao động trong một số ngành nghề lưu thông để đổi ca trong những khung thời gian nhất định đồng thời phải mặc đồng phục ngành, doanh nghiệp; đeo thẻ nhân viên; có lịch đổi ca của đơn vị và khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công An.

- Nhân viên bưu cục, giáo viên đưa sách đến cho học sinh cũng không cần giấy đi đường nhưng phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách khi lưu thông.

- Giảng viên, giáo viên đến trường hoặc điểm dạy học trực tiếp được di chuyển phù hợp lịch dạy học trực tuyến khi mang thẻ ngành, có lịch giảng dạy được Ban giám hiệu nhà trường ký duyệt.

- Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nghệ cao cao nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày một lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông trong thời gian 9-11h hoặc 14-16h nhưng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

img

TP.HCM chưa nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Y tế nên vẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca theo thời gian quy định.

Chưa rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca

Chiều 17/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM vẫn triển khai tiêm mũi 2 của vaccine AstraZeneca theo khuyến cáo của Bộ Y tế là sau 8 - 12 tuần.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, căn cứ vào tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, TP.HCM đã có đề xuất với Bộ Y tế rút ngắn khoảng thời gian tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca xuống còn 6 tuần để nhanh chóng bao phủ vaccine cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM chưa nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Y tế nên vẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca theo quy định của Bộ Y tế là sau 8 - 12 tuần.

Đối với vấn đề tiêm vaccine, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 16/9 là 8.563.863 mũi; trong đó, tổng số mũi 1 là 6.693.404 mũi, mũi 2 là 1.870.459 mũi; số người được tiêm trên 65 tuổi và người có bệnh nền là 992.614 người.

Hiện TP.HCM còn 515.988 người chưa tiêm mũi 1 và 1.782.496 người cần tiêm mũi 2, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Vero Cell. Như vậy, tính đến ngày 30/9, TP.HCM cần 2.298.484 liều vaccine để tiêm cho người tiêm mũi 1 và mũi 2.

"Hiện số vaccine còn lại của TP.HCM là 410.820 liều, do đó Thành phố cần trên 1,8 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân trong thời gian tới. Sở Y tế đã báo cáo UBND TP.HCM, đồng thời đề xuất với Bộ Y tế; tùy theo điều kiện Trung ương phân bổ, có vaccine tới đâu Thành phố sẽ tiêm tới đó", bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói.

Về vấn đề lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, kết quả xét nghiệm đợt 3, tỷ lệ dương tính tại "vùng xanh" là 6,5%; "vùng vàng" là 0,6%.

TP.HCM đã kết thúc đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng giai đoạn từ 23/8 đến ngày 15/9 và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng từ ngày 16/9 đến ngày 30/9. Tuy nhiên, trong đợt lấy mẫu xét nghiệm lần này, các mẫu gộp không phải đại diện gia đình mà toàn bộ thành viên trong hộ gia đình.

Theo đó, tại các “vùng đỏ”, “vùng cam” sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong 1 hộ gia đình/1 mẫu gộp). Tại các “vùng vàng”, “vùng xanh”, “vùng cận xanh” sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình với tần suất 5-7 ngày/lần.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Thành phố sẽ dồn lực xét nghiệm, xử lý dứt điểm từng "vùng đỏ", bảo vệ và mở rộng "vùng xanh"; đồng thời mở lại các hoạt động trong "vùng xanh" để dần phục hồi các hoạt động kinh tế. Phương án mở lại hoạt động các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng bảo đảm "nhà máy xanh", "nơi cư trú xanh", "công nhân xanh" đã được bàn rất kỹ.

img

Lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 16/9 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính) giảm 75% so với trung bình ngày thường.

Số ca tử vong giảm nhưng không lạc quan

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải cho biết, hiện các bệnh viện Thành phố đang điều trị cho 40.888 bệnh nhân, trong đó có 3.145 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/9, Thành phố ghi nhận 166 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 12.934 trường hợp.

Về công tác điều trị tại các tầng, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, ở tầng điều trị 2 và 3, tình hình điều trị có hướng chuyển biến tốt với số bệnh nhân/số giường có tỷ lệ 69,8%. Cụ thể, tổng số giường điều trị ở 2 hai tầng này là 59.150 giường nhưng đang điều trị cho 41.297 trường hợp. Qua thống kê, tỷ lệ bệnh nhân/giường ở tầng 2 là 69,2% và tầng 3 là 77,5%.

Mặt dù số ca tử vong hiện đang có xu hướng giảm nhưng theo các bác sĩ, không nên quá lạc quan bởi tỷ lệ bệnh nhân sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị nặng còn khá cao, đặc biệt là ở tầng 3. Theo thống kê, ở tầng 3, ngành y tế đã sử dụng đến 69,1% số máy xâm lấn và 65,5% số máy thở không xâm lấn. Các bệnh viện đã sử dụng 76,7% số máy ECMO; 69,7% lọc máu; 68,7% máy thở xâm lấn; 56,2% số máy thở không xâm lấn và 62,2% thở oxy.

“Hiện nay, tỷ lệ tử vong ở tầng 3 cao nhất, chiếm 33,4 %; còn ở tầng 2 là 4,5%”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm.

Tính từ 17 giờ ngày 16/9 đến 17 giờ ngày 17/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.972 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 326.795 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.

img

Người dân vào siêu thị mua hàng, các thực phẩm đầy ắp khay đựng hàng hóa.

Người dân “vùng xanh” TP.HCM vui mừng được đi chợ, siêu thị

Người dân tại “vùng xanh” quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ vui mừng vì được đi chợ, siêu thị trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ghi nhận của PV, ngày 17/9, tại siêu thị GO trên đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM người dân vui mừng đã được đi chợ 1 lần/ tuần.

Cùng ngày, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TPHCM cũng đến siêu thị để thị sát, kiểm tra hàng hóa… bên trong siêu thị.

Tại sảnh siêu thị tấp nập người ra vào, nhiều người sau thời gian mua sắm đã ra cửa với xe đẩy đầy ắp hàng hóa. Cạnh đó, đội ngũ giao hàng của siêu thị cũng chuẩn bị cho những cuốc chở hàng cho khách đặt online.

Người dân có nhu cầu mua sắm phải thực hiện khai báo y tế tại tầng trệt. Nhân viên siêu thị được bố trí hỗ trợ người dân thao tác trên điện thoại, người không có điện thoại được tạo điều kiện khai báo trên giấy.

Sau khi khai báo xong, người dân được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ rồi vào khu vực mua sắm. Siêu thị GO hiện bố trí các gian hàng khá đầy đủ, với các khay đầy ắp hàng hóa.

Khi hàng bắt đầu vơi, nhân viên siêu thị liên tục bổ sung. Nhiều người dân bày tỏ niềm vui khi được trở lại mua sắm sau thời gian dài giãn cách.

img

3.115 điểm bán đang hoạt động

Chiều 17/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo, tính đến 18 giờ ngày 16/9/2021, toàn TP đã có 321.358 trường hợp mắc Covid-19 (F0) được Bộ Y tế công bố, bao gồm 320.882 ca nhiễm trong cộng đồng, 476 ca nhập cảnh. Hiện hệ thống y tế đang điều trị 40.888 F0. Trong đó có 3.145 F0 là trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 F0 nặng đang thở máy và 23 F0 can thiệp ECMO. Trong ngày 16/9 có 3.287 F0 khỏi bệnh được xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 164.294). Cũng trong ngày 16/9 có 166 F0 tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 12.934 ca).

Đáng chú ý, số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn ngày thứ 4 liên tiếp giảm dưới 200 ca. Trong đó, ngày 15/9 có 160 ca tử vong, thấp nhất kể từ ngày 23/8 - thời điểm bắt đầu tăng cường giãn cách xã hội. Riêng đối với ngày 16/9, số ca tử vong tăng nhẹ so với ngày trước đó, là 166 ca. Số ca tử vong trong 2 ngày 15 và 16/9 đã giảm hơn một nửa so với ngày 30/8.

Về hoạt động cung ứng hàng hóa cho người dân, theo Ban chỉ đạo, TP hiện có 3.115 điểm bán đang hoạt động, tăng 114 điểm bán so thời điểm bắt đầu triển khai mô hình (23/8/2021). Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới (như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; cho phép người dân tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ đi chợ 1 lần/tuần; mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; đặc biệt là cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6 giờ 00 đến 21 giờ 00 hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi,…), sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố.

Lưu lượng người ra đường bắt đầu tăng

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 17/9 Công an TP đã ban hành công văn hướng dẫn công an các địa phương, tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp phân công đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động và cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Công an TP đề nghị công an cấp huyện, xã trực hàng ngày, kể cả thứ 7 và Chủ nhật để tiếp nhận, xem xét giải quyết. Công an TP cũng chuyển xuống công an các địa phương 15.000 giấy đi đường để cấp bổ sung theo nhu cầu.

Liên quan đến vấn đề giao thông, theo số liệu của Ban chỉ đạo, lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 16/9 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính) giảm 75% so với trung bình ngày thường. Ngày 16/9, lưu lượng giao thông đã tăng 5% so với ngày 15/9; tăng 18% so với ngày 9/9; giảm 18% so với ngày 22/8 (thời điểm trước khi thực hiện tăng cường giãn cách).

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, ngày 16/9, TP cho phép shipper đi liên quận, một số cửa hàng vận chuyển hàng hóa, nối lại một số hoạt động… lượng người ra đường đã đông hơn, tăng khoảng 5%.

img

TP.HCM cần hơn 1,8 triệu liều vaccine để tiêm cho những người chưa tiêm mũi 1 và tiêm nhắc mũi 2.

TP.HCM cần thêm 1,8 triệu liều vaccine từ nay đến 30/9

Thông tin trên được Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay tại buổi họp báo chiều 17/9 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 TP.HCM.

Cụ thể, theo bác sĩ Hưng đến nay đã có 8.562.441 người đã được tiêm vaccine, trong đó có 6.692.802 mũi 1 và 1.896.639 mũi 2.

Từ nay đến 30/9, còn khoảng 515.988 người cần được tiêm mũi 1 để phủ vaccine cho toàn bộ người dân thành phố trên 18 tuổi. Đồng thời có 1.782.496 người cần tiêm nhắc mũi vacccin số 2.

TP.HCM cần hơn 1,8 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân từ nay đến 30/9 để đạt độ phủ vaccine cao nhất

TP.HCM hiện có 410.820 liều vaccine các loại. Theo đó, thành phố cần 1.887.664 liều vaccine để tiêm phủ hết mũi 1 và tiêm nhắc mũi 2 cho người dân trước 30/9.

Ông Hưng cho biết đã báo cáo UBND thành phố để có đề xuất Bộ Y tế cấp thêm vaccine để tiêm đúng kế hoạch.

Về việc rút ngắn thời gian tiêm nhắc mũi 2 xuống 6 tuần đối với vaccine AstraZeneca, ông Hưng cũng cho biết thành phố đã có văn bản gửi Bộ Y tế nhưng chưa có trả lời chính thức, vì vậy hiện nay vẫn đang thực hiện theo chỉ đạo là tiêm nhắc mũi 2 sau 8 tuần.

Về việc cấp giấy đi đường cho người dân sau ngày 15/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu công an TP.HCM cho biết, Công an thành phố cấp thêm 15.000 giấy đi đường cho công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để cấp cho các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh. Công an các địa phương làm việc cả ngày thứ 7 để xử lý hồ sơ và cấp cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT cũng cho biết sau ngày 16/9, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên đường tăng 5% so với ngày 15/9. Lý do là nhiều đối tượng đáp ứng được các yêu cầu phòng dịch được cấp giấy đi đường để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại các chốt kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn kiểm tra giấy đi đường nghiêm túc.

Tính đến 18h ngày 16/9, có 321.358 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 320.882 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh.

Thành phố điều trị cho 40.888 bệnh nhân, trong đó có 3.145 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/9 có 3.287 bệnh nhân xuất viện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.