Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 1/9: Ghi nhận 5.368 ca mắc mới, giảm 76 ca

01/09/2021, 16:00

Tình hình dịch Covid-19 TP.HCM ngày 1/9: Ghi nhận 5.368 ca mắc mới. So với hôm qua (31/8), số ca nhiễm tại TP.HCM giảm 76 ca.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 1/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại khu dân cư ở TP.HCM

Số ca nhiễm tại TPHCM giảm 76 ca so với ngày 31/8

Tin tức tình hình dịch Covid-19 mới nhất hôm nay, chiều 1/9, Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 31/8 đến 17h ngày 1/9, cả nước ghi nhận 11.434 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 11.429 ca ghi nhận trong nước.

Riêng TP.HCM có 5.368 ca. So với hôm qua (31/8), số ca nhiễm tại TP.HCM giảm 76 ca.

Trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trong ngày 31/8 là 433 ca tử vong và trong ngày 1/9 là 364 ca tử vong. Trong đó, tại TP.HCM là 658 ca.

Mở lại kênh đi chợ online

Sáng 1.9, các siêu thị các siêu thị lớn tại TP.HCM bắt đầu mở lại kênh đi chợ online trên ứng dụng Grabmart và NowFresh (ShopeeFood) với sản phẩm là các combo nhu yếu phẩm và bánh trung thu của người dân tại 2 quận Tân Phú và Bình Tân.

Các sản phẩm được bán theo nhiều combo từ thịt, cá, rau củ, trái cây đến bánh mì, thực phẩm khô, mức giá dao động từ 55.000 đồng đến 500.000 đồng.

Dù vậy trong sáng 1.9, chỉ riêng đối với siêu thị AEON Bình Tân đã có một số thời điểm số lượng đơn quá tải, một phần do nhu cầu của người dân trong thời gian này rất lớn, nhưng số lượng shipper giao hàng vẫn hạn chế.

Việc tìm shipper trên các ứng dụng có thể mất nhiều thời gian, vì vậy siêu thị cho rằng khách hàng có thể hẹn trước giờ giao để từ phía tài xế và siêu thị cũng có thể chuẩn bị trước.

Bên cạnh đó, hình thức “đi chợ hộ” vẫn được các siêu thị phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai.

Tương tự, sàn thương mại điện tử Lazada cũng cho biết kể từ ngày 30/8, đơn vị này đã khởi động lại việc giao hàng tại TP.HCM để đáp ứng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân.

Lazada đã giao thành công hàng chục ngàn đơn hàng cho người dân TP.HCM, và con số này dự kiến sẽ còn tăng cao trong những ngày tiếp theo.

TP.HCM họp báo khi bước vào hai tuần quyết định cuộc chiến với Covid-19

Chiều 1/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Phạm Đức Hải chủ trì họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Buổi họp báo hôm nay cũng là ngày đầu tiên của hai tuần quyết định cho mục tiêu đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Ban Chỉ đạo TP cho biết, tỷ lệ tử vong tăng so với tuần trước, TP đang căng mình cho nỗ lực giảm tỷ lệ này.

Cũng theo Ban Chỉ đạo, TP ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin nhằm đạt được mục đích miễn dịch cộng đồng. Theo đó, TP.HCM sẽ cần 8,1 triệu liều vắc xin từ nay đến cuối năm 2021, để bao phủ vắc xin cho người dân.

Cũng trong hôm qua, Công an TP thông tin, qua quét mã QR, các chốt kiểm soát đã phát hiện 30 F0 ra đường và hai trường hợp sử dụng giấy đi đường giả.

Đội ngũ shipper đã hoạt động trở lại ở vùng đỏ, tuy nhiên việc họ có tham gia đi chợ thay, đi chợ hộ cho người dân hay không là do từng quận, huyện quyết định.

Sở Công thương đánh giá, đây là đội ngũ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và nền tảng công nghệ, nếu tham gia vận chuyển hàng hóa, đi chợ thay thì sẽ giảm áp lực đáng kể cho các lực lượng khác.

Ca tử vong tăng sau 8 ngày giảm

Ngày 31/8, Bộ Y tế công bố 12.591 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng tại 42 tỉnh, thành; giảm 1.628 ca so với ngày trước đó. Trong ngày hôm qua, hơn 10.000 người được chữa khỏi, xuất viện.

Số ca nhiễm vẫn tập trung cao nhất tại bốn tỉnh thành phía Nam là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. TP HCM hiện ghi nhận tổng số 221.254 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, cao nhất cả nước.

Tại TP HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố, cho biết sau 8 ngày có xu hướng giảm, ngày 30/8, số ca tử vong tăng trở lại với 335 ca, nhiều hơn 90 ca so với ngày trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận 9.204 ca tử vong do Covid-19; trung bình mỗi tháng hơn 1.159 ca tử vong.

Giải thích về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, nói số ca tử vong cũng như ca nhập viện sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của thành phố. Vì vậy, ngành y tế nhận định có thể một tuần nữa, số ca tử vong "mới hy vọng giảm".

Về tỷ lệ tử vong, ông Châu cho biết nếu chỉ tính trên tổng số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện là 5,8%. Tính trên tổng số F0 (bao gồm điều trị tại nhà và bệnh viện), thì tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại TP HCM khoảng 4,2%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tùy giai đoạn dịch, tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1 đến 4,4%.

"Nhìn chung tình trạng tử vong ở TP HCM nằm trong tỷ lệ thống kê của thế giới, nhưng ở giới hạn cao. Đây cũng là điều mà thành phố đang tìm mọi cách để kéo giảm xuống", ông Châu nói.

Trong khi đó, theo PGS Phạm Khánh Phong Lan (Chủ tịch Hội Dược học TP HCM, thành viên phụ trách Chương trình triển khai Túi thuốc điều trị F0 tại nhà và cơ sở điều trị), cho biết TP HCM có hơn 85.200 F0 điều trị tại nhà, nhưng thành phố mới nhận 16.000 liều molnupiravir (thuốc kháng Covid-19).

Phát hiện 30 F0 thông qua khai báo "di chuyển nội địa"

Tại buổi họp báo chiều 31/8, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, thông qua việc khai báo di chuyển nội địa bằng mã QR, thời gian qua, các lực lượng đã phát hiện 30 F0 tại các chốt kiểm soát (trong khai báo di chuyển nội địa có nội dung khai báo dấu hiệu ho, sốt, khó thở; tiếp xúc với người bệnh, nghi ngờ mắc Covid-19 - PV).

"Thành phố có nhiều ca F0 tại cộng đồng, số liệu về những trường hợp này đã được tích hợp vào hệ thống dữ liệu dân cư thành phố. Khi quét mã QR, lực lượng chức năng sẽ phát hiện những trường hợp này và đưa ra cách xử lý ngay", Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.

Việc khai báo di chuyển nội địa sẽ giúp lực lượng chức năng đối chiếu với cơ sở dữ liệu về dân cư. Qua thông tin nơi thường trú, tạm trú, nơi đi và nơi đến, thông tin khai báo sẽ được gửi về công an phường/xã thông qua hệ thống dữ liệu để quản lý lý và theo dõi.

Qua quản lý tập trung việc di chuyển dân cư, khi phát hiện F0, F1,... hệ thống sẽ đưa ra lịch trình di chuyển của các F một cách chính xác, giúp đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng khoanh vùng, truy vết; tiết kiệm chi phí trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với phản ánh người dân gặp khó khăn khi thực hiện khai báo tại các chốt, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM kêu gọi người dân nên khai báo từ nhà, trước khi di chuyển. Việc khai báo này nhằm hạn chế tụ tập đông người, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, thông qua việc khai báo di chuyển nội địa, Công an TP.HCM đã phát hiện 2 sự việc làm giả giấy đi đường của lực lượng công an trong thời gian giãn cách xã hội. Những vụ việc trên được ghi nhận tại Quận 10 và Quận 12, lực lượng công an tiếp tục điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm.

Thành phố ghi nhận thêm 5.444 ca nhiễm mới

Tính từ 17h ngày 30/8 đến 17h ngày 31/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.444 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 221.254 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có tờ trình đề nghị UBND TP có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho hơn 642.000 học sinh từ 12-18 tuổi với nguồn vaccine phù hợp.

Việc tiêm vaccine này nên được tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2, đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện và đảm bảo được an toàn, an tâm cho học sinh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, giữ vững chất lượng giáo dục trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

TP.HCM hiện có 3 túi thuốc điều trị COVID-19 dành cho F0 gồm: túi A, túi B và túi C. Theo quy trình, nhân viên y tế khi tiếp cận F0 sẽ phát hai túi thuốc là A và B. Riêng túi C là thuốc Molnupiravir phải được kiểm soát chặt chẽ nên không phát hết cho tất cả F0.

Đây là thuốc nhân viên y tế giữ, khi tiếp cận F0 sẽ khám và tìm hiểu sơ bộ tình hình sức khỏe. Nếu đúng chỉ định và là F0 có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì được sử dụng thuốc Molnupiravir. F0 có triệu chứng nặng cũng không được dùng thuốc này.

TP.HCM đang đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát người mắc COVID-19 trong cộng đồng để mở rộng vùng xanh khiến số lượng F0 tăng, nhưng ngành y tế đã lên phương án điều trị phù hợp theo từng cấp độ để tránh tình trạng chuyển viện và hạn chế tỷ lệ tử vong.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, người dân cần bình tĩnh và chủ động liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn phương án cách ly phù hợp và sử dụng thuốc đúng quy định.

img

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã ban hành kế hoạch về tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Thành phố.

Theo đó, từ đây đến cuối năm 2021, TP.HCM cần thêm 14.891.800 liều để yêu cầu bao phủ vaccine cho người dân và quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19.

Trong đó, giai đoạn 1 (từ ngày 29/8 đến 15/9/2021), Thành phố dự kiến sử dụng tổng cộng 2.769.000 liều vaccine phòng COVID-19.

Với khoảng 680.000 người được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1.

Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2.089.000 người, bao gồm: 733.000 người cần tiêm bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.

Đồng thời sẽ có khoảng 485.000 người cần tiêm bằng vaccine Moderna; 31.000 người của tiêm bằng vaccine Pfizer; 840.000 người cần tiêm bằng vaccine Vero Cell (tổ chức tiêm tập trung trong thời gian từ 6/9 đến 10/9).

Giai đoạn 2 (16 /9 đến ngày 30/9), tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 1.376.900 liều, với khoảng 720.000 người sẽ được triển khai bao phủ mũi 1.

Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bao gồm: 500.000 người cần tiềm bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer; 18.200 người cần tiêm bằng vaccine Moderna ; 700 người cần tiêm bằng vaccine Pfizer; 138.000 người cần tiêm bằng vaccine Vero Cell.

Giai đoạn 3 (01/10 đến ngày 15/10), tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4 (từ 16/10 đến 31/12), tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vaccine phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29/8 đến 30/9).

Vì sao F0 tại TPHCM tăng đột biến?

Từ ngày 23/8, TP.HCM đã triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao nhằm nhanh chóng truy tìm các F0 trong cộng đồng.

img

Lực lượng bộ đội tiếp tục vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân

Chiều 30/8, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy mở rộng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã báo cáo sơ kết 7 ngày đầu thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/8 của UBND TP.HCM về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, việc kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” đã có chuyển biến rõ rệt. So với trước thời điểm 22/8, số lượng phương tiện lưu thông trong 7 ngày qua giảm còn 44,41% và lượt người lưu thông trên đường giảm còn 38,97%.

Việc kiểm soát quy định về giãn cách tại các khu dân cư cũng được siết chặt hơn. Người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu của TP. Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận vẫn còn một số ít người dân ra đường không có lý do chính đáng.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng dành khá nhiều thời gian để lý giải nguyên nhân trong 7 ngày vừa qua, số ca nhiễm mới tại TPHCM tăng cao. Theo đó, từ ngày 23/8, TP.HCM đã triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn.

Việc xét nghiệm được thực hiện tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 còn trong cộng đồng. Vì vậy, số ca nhiễm mới phát hiện mỗi ngày tăng cao hơn trước với số lượng bình quân mỗi ngày khoảng 4.800 ca F0.

Về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, ông Dương Anh Đức cho biết tính từ đầu chiến dịch tiêm chủng đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 6,1 triệu mũi vắc xin, trong đó có gần 5,8 triệu người tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người tiêm mũi 2, tiến độ tiêm đã đạt 87,3% so kế hoạch.

Shipper được giao hàng trở lại

Từ hôm nay 31/8, các shipper được giao hàng trở lại trên địa bàn TPHCM, song các shipper này phải xét nghiệm nhanh hàng ngày hoặc 2 ngày/lần.

Chiều 30/8, hàng loạt ứng dụng như Grab, Ahamove, BeGroup, Baemin đã mở lại app ở "vùng đỏ" và vẫn duy trì dịch vụ tại 14 quận huyện thuộc "vùng xanh" sau khi lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định sẽ xét nghiệm miễn phí cho tài xế xe công nghệ (shipper) trong một tuần.

UBND TPHCM đã ban hành văn bản khẩn, cho phép shipper được phép hoạt động thêm ở các quận "vùng đỏ" kể từ ngày 30/8, song các shipper này phải xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người. TPHCM miễn phí chi phí xét nghiệm cho shipper từ nay đến hết ngày 6/9.

img

TP.HCM chủ trương xét nghiệm miễn phí cho các shipper

Các shipper này nằm trong danh sách của Sở Công Thương và đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Ngoài ra, shipper chỉ hoạt động trên một địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức.

Cũng trong ngày 30/8, Sở Công Thương TPHCM cho biết, theo chủ trương của UBND TPHCM, lực lượng shipper sẽ được xét nghiệm miễn phí tại hơn 400 trạm y tế lưu động chia theo từng quận, huyện có địa chỉ cụ thể.

Hiện Sở Công Thương, Sở Y tế thông báo miễn phí xét nghiệm nhanh cho shipper. Grab tổng hợp danh sách tài xế đủ điều kiện và gửi về các sở, ngành triển khai việc xét nghiệm nhanh hàng ngày hoặc 2 ngày/lần.

Đại diện Grab Việt Nam, từ ngày 31/8, hãng này sẽ khôi phục dịch vụ GrabMart và GrabExpress tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện trong "vùng đỏ".

Bên cạnh đó, hãng tiếp tục duy trì dịch vụ tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao nhận hàng hóa thiết yếu của người dân trong thời điểm áp dụng nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn TP.

Theo Baemin Việt Nam, chiều 30/8, hãng thông báo đến shipper sẽ mở lại dịch vụ "đi chợ hộ". Shipper có thể nhận đơn hàng bình thường vào ngày 31/8. Tuy nhiên, Baemin Việt Nam cho biết tài xế tự liên hệ trạm y tế lưu động địa phương để được xét nghiệm lúc 5 - 6h sáng.

Tương tự, đại diện BeGroup cũng cho biết, hãng cũng khởi động lại từ 31/8. Hãng này đã có 500 tài xế đăng ký thành công, dự kiến sẽ nâng số lượng tham gia dịch vụ "đi chợ hộ" lên 1.000 tài xế trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, rất nhiều shipper bày tỏ lo lắng bởi đến chiều 30/8 họ vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể nào về quy trình xét nghiệm, điều kiện hoạt động. Trong khi đó, những shipper làm việc tại TP Thủ Đức e ngại việc tập trung xét nghiệm quá đông ở các trạm y tế lưu động khiến dịch bệnh dễ lây lan, đặc biệt là các quận, huyện trong "vùng đỏ".

Chính vì thế, Sở Công Thương TPHCM đề nghị đối với một số quận, huyện có diện tích lớn và số lượng shipper nhiều, các đơn vị chủ động phân bổ, điều phối shipper để không tập trung quá đông tại điểm xét nghiệm.

Cũng trong sáng 30/8, một số hệ thống bán lẻ ở TP.HCM cho biết đã có kế hoạch làm việc với các công ty giao hàng công nghệ nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng đến người dân, giải toả bớt đơn hàng tồn trong từ tuần trước. Bên cạnh đó, xem xét mở lại kênh bán hàng online (đối với những đơn vị đang tạm ngưng khai thác kênh online như Aeon, LOTTE Mart, MM Mega Market) để tiếp nhận đơn đặt hàng của khách hàng cá nhân.

Theo tính toán của Sở Công Thương TP.HCM, trong tổng số khoảng 17.449 shipper đã tiêm mũi 1 trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tính đến 0 giờ ngày 28/8, dự kiến TP có thể huy động được 25.000 shipper tham gia vận chuyển, giao nhận hàng trong thời gian TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội.

img

Những thực phẩm thiết yếu như gạo, muối, nước tương, nước mắm... được trao đến tận tay người dân. (Ảnh: Lê Toàn Foto)

TP.HCM cần hơn 8,1 triệu liều vaccine Covid-19 đến hết năm 2021

Theo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, từ ngày 29/8 đến 31/12, thành phố đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 7.208.800 người).

Tổng cộng số lượng vaccine thành phố cần sử dụng trong đợt này là khoảng 8.145.900 liều. Trong đó, vaccine sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, mũi 2 là khoảng 6.745.900 liều.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cũng quy định trường hợp tiêm vaccine trong đợt này là toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vaccine, trong đó, tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho các nhóm sau: Người cao tuổi; Người bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên và bà mẹ đang cho con bú; Lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm); Lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông...).

Căn cứ số lượng trường hợp cần tiêm vaccine phòng Covid-19 và điều kiện thực tế về dịch tại địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị TP Thủ Đức, các quận, huyện phải tổ chức tiêm vaccine mũi 2 ngay khi có nguồn vaccine phù hợp quy định của Bộ Y tế và nhà sản xuất.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian chủ động lập danh sách gửi về UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện và cơ sở, ban, ngành quản lý để tổng hợp nhu cầu tiêm vaccine, đồng thời phối hợp tổ chức tiêm theo địa bàn.

Danh sách người tiêm mũi 2 phải được nhập liệu lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 Quốc gia (ghi rõ thời điểm và loại vaccine đã tiêm mũi 1) để các địa phương quản lý thông tin và lập kế hoạch sắp xếp lịch mời người dân đến tiêm.

Các khu vực có thể tổ chức hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân. Tuy nhiên, điều này phải đảm bảo yêu cầu giãn cách và an toàn phòng, chống dịch trong quá trình tổ chức, kết hợp với đội thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát cộng đồng để tiêm vaccine Covid-19 cho người dân sau khi có kết quả âm tính.

Từ ngày 8/3 đến hết 27/8, các đơn vị của TP.HCM đã thực hiện tiêm vaccine Covid-19 được 5.806.990 mũi tiêm, trong đó có 273.767 mũi 2. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố được Bộ Y tế phân bổ khoảng 500.000 liều vaccine. Phần lớn số vaccine này được tiêm cho cán bộ, công nhân viên, các lực lượng khác của đơn vị Trung ương đang làm việc và sinh sống tại thành phố. Đến nay, khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại TP.HCM được tiêm vaccine phòng Covid-19.

TP.HCM: Thêm 2.246 bệnh nhân Covid-19 xuất viện

TP.HCM đang điều trị cho 40.259 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 người đang thở máy và 15 người can thiệp ECMO

Trưa 30/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay TP đã triển khai việc xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn, tập trung rà soát tại các "vùng cam", "vùng đỏ", song song với việc yêu cầu người dân tự lấy mẫu xét nghiệm với sự giám sát của nhân viên y tế. Số ca phát hiện mới trong 7 ngày qua tăng cao, bình quân mỗi ngày 4.740 ca.

Tính đến thời điểm này, TP.HCM có 210.425 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 209.980 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh.

Các bệnh viện ở TP.HCM hiện điều trị 40.259 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 người đang thở máy và 15 người can thiệp ECMO. Trong ngày 28/8, TP có thêm 2.246 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số người xuất viện đến nay là 104.844 bệnh nhân.

Theo HCDC, nguyên tắc của tiêm vaccine phòng Covid-19 là dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 28/8 là 5.865.276(tăng 58.286 mũi so với ngày 27/8). Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.577.285, mũi 2 là 287.991; số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 632.073.

TP HCM tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực "vùng đỏ" và "vùng cam". Khu vực "vùng xanh" và "vùng vàng" sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho "vùng vàng" và mẫu gộp 10 cho "vùng xanh"; tần suất 7 ngày/1 lần. Việc test nhanh tại nhà được thực hiện với sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng y tế.

Kết quả xét nghiệm RT-PCR, đến 29/8, TP đã lấy 1.515.347 mẫu với 5.396.474 người. Tổng số mẫu chưa có kết quả là 12.961, gồm 8.310 mẫu đơn và 4.651 mẫu gộp.

Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 85.298 người, trong đó 60.581 trường hợp cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.717 trường hợp sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 22.245 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.851; số F1 đang được cách ly tại nhà là 19.217 người.

img

Nếu được phê duyệt, Nanocovax là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được cấp phép và đưa vào tiêm chủng.

Quân khu 9 tiếp tục hỗ trợ 50 tấn củ, quả cho TP.HCM

50 tấn củ, quả và 50.000 quả trứng được Quân khu 9 thu mua tại các tỉnh miền Tây, sau đó vận chuyển đến hỗ trợ cho người dân tại TP.HCM.

Sáng 30/8, tại TP Cần Thơ, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng, tổ chức lễ xuất quân vận chuyển nông sản, thực phẩm tặng người dân tại TP.HCM.

Theo Quân khu 9, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, TP.HCM là tâm điểm, số ca nhiễm nCoV lây lan trong cộng đồng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân.

Tại lễ xuất quân, Quân khu 9 đã tặng 50 tấn củ, quả và 50.000 quả trứng đã thu mua tại các tỉnh miền Tây, trị giá hơn 550 triệu đồng.

17 xe tải của Quân khu 9 đã vận chuyển số nông sản, thực phẩm trên đến Quân khu 7, phân phối cho người dân TP.HCM.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quân khu 9, khẳng định đợt xuất quân là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết gắn bó quân dân, tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 hướng về người dân TP.HCM.

Phó tư lệnh Quân khu 9 yêu cầu cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ và tận tâm, tận lực, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, lực lượng tổ chức vận chuyển nhanh, hiệu quả nhất.

“Quá trình vận chuyển phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và phương tiện, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, giữ nghiêm kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thiếu tướng Triều nhấn mạnh.

Theo Quân khu 9, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ, hỗ trợ người dân TP.HCM.

Tính đến nay, Quân khu 9 đã hỗ trợ TP.HCM 200 tấn gạo, 75 tấn thịt, cá, 1 tấn cá khô, 217 tấn rau, củ, quả và nhu yếu phẩm các loại, trị giá trên 45 tỷ đồng.

Trước đó, Quân khu 9 đã tăng cường 15 xe cứu thương và 32 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.