Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 19/9: Hôm nay, TP có 5.496 ca nhiễm mới

Tình hình dịch Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 19/9 mới nhất: Cả nước ghi nhận 10.040 ca nhiễm, trong đó TP.HCM chiếm 5.496 ca.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 19/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 18/9 đến 17h ngày 19/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.040 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.025 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (5.496), Bình Dương (2.332), Đồng Nai (953), An Giang (287), Long An (249), Kiên Giang (151), Tiền Giang (102), Bà Rịa - Vũng Tàu (84), Tây Ninh (53), Cần Thơ (52), Khánh Hòa (37), Bình Định (30), Quảng Ngãi (24), Hà Nội (20), Cà Mau (18), Quảng Bình (15), Bình Phước (15), Ninh Thuận (15), Phú Yên (13), Quảng Nam (13), Hậu Giang (11), Đắk Nông (11), Trà Vinh (8 ), Bình Thuận (7), Đồng Tháp (6), Bến Tre (6), Quảng Trị (5), Bạc Liêu (3), Đà Nẵng (2), Vĩnh Long (2), Thanh Hóa (2), Hà Tĩnh (1), Hưng Yên (1), Bắc Ninh (1) trong đó có 5.894 ca trong cộng đồng.

img

Cập nhật tin tức mới nhất về Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: HCDC

Như vậy, trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 665 ca. Tại một số tỉnh như sau: TP. Hồ Chí Minh tăng 1.259 ca, Bình Dương giảm 545 ca, Đồng Nai tăng 14 ca, An Giang tăng 144 ca, Long An tăng 13 ca.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (336.528), Bình Dương (178.295), Đồng Nai (39.973), Long An (30.328), Tiền Giang (13.059).

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 233 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (182), Bình Dương (31), Long An (9), An Giang (3), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Quảng Bình (1), Tây Ninh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 246 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.090 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

50 F0 có giấy đi đường là được CA TP.HCM cấp từ trước

50 F0 được cấp giấy đi đường từ trước, qua xác minh những người này chưa biết mình bị nhiễm bệnh nên lưu thông ra đường.

Đó là khẳng định của thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM tại buổi họp báo chiều 19/9, khi báo chí hỏi về nội dung này.

Theo ông Hà, những người này trước đó thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường, sau đó bị nhiễm bệnh, chứ không phải được cấp giấy khi đang là F0.Khi phát hiện các F0 lưu thông trên đường, Công an TP chỉ đạo xác minh ngay việc cấp giấy có đúng không, F0 cố tình vi phạm hay không?

Tuy nhiên, qua xác minh thì các F0 này chưa biết mình bị nhiễm, nên lưu thông ra đường.

Lý do, theo ông Hà, xét nghiệm có độ trễ, chứ không biết ngay nên họ di chuyển. Khi phát hiện trên hệ thống thì xử lý đúng quy trình.

Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định, nếu trường hợp biết mình là F0 vẫn ra đường thì sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí sẽ bị khởi tố nếu làm lây lan dịch.

Về lưu thông qua chốt, theo ông Hà, hiện nay vẫn quét mã QR và kiểm tra giấy đi đường song song.

Trước đó, ngày 18/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP cho biết, tính đến ngày 16/9, Công an đã phát hiện 135 trường hợp cảnh báo F0 đi qua chốt kiểm soát.

Qua xác minh, có 33 trường hợp khỏi bệnh; còn lại 102 là F0, trong đó có 26 cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà; có 50 trường hợp đã được cấp giấy đi đường (đã thu hồi 10 giấy, thông báo hủy danh sách 40 người).

Thành phố đã có 331.032 trường hợp nhiễm được Bộ Y tế công bố

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 331.032 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

UBND TP.HCM đã yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ mồ côi vì COVID-19; tổ chức thăm hỏi, động viên, nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm.

Cụ thể, các nhóm gồm: gia đình tự nuôi dưỡng; gửi Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương quận, huyện và TP Thủ Đức; gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng; nguyện vọng khác.

Bốn nhóm đối tượng nào sẽ được nhận hỗ trợ đợt 3?

Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM vừa hướng dẫn về việc rà soát, lập danh sách xét duyệt người có hoàn cảnh thực sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang có mặt tại các phường, xã, thị trấn.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ đợt 3 dự kiến gồm 4 nhóm:

Thành viên hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.

Người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang có mặt tại xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp đang cách ly tập trung, điều trị bệnh…).

Người phụ thuộc của người lao động nói trên gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con cái ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt tại phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát, lập danh sách (bao gồm cả các trường hợp đang cách ly tập trung hoặc điều trị bệnh…).

Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt tại thời điểm khảo sát, lập danh sách.

Các trường hợp đang hưởng lương hưu, người đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và diện doanh nghiệp trả lương tháng 8-2021 sẽ không được hưởng trợ cấp.

Về cách thức lập danh sách, UBND phường, xã, thị trấn sẽ rà soát, lập danh sách người có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đủ điều kiện hưởng hỗ trợ gửi về UBND quận, huyện và TP Thủ Đức theo trình tự gồm ba bước.

Bước 1: Thành lập tổ công tác thực hiện chính sách hỗ trợ tại khu phố, ấp. Thành viên tổ gồm cán bộ UBND phường/xã/thị trấn, công an khu vực, khu đội trưởng, trưởng ban điều hành khu phố/ấp…

Tổ công tác sẽ rà soát, đối chiếu các tiêu chí để xác định người có hoàn cảnh thực sự khó khăn theo mẫu, tổ chức bình nghị xét duyệt để thống nhất. Biên bản họp và danh sách đã được thống nhất sẽ được gửi cho chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Tổ cũng có nhiệm vụ tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của người dân, tổ chức công khai danh sách hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ cho người dân sau khi được phê duyệt. Các trường hợp đã về quê hoặc sinh sống ở nơi khác sẽ không được thống kê.

Bước 2: Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn lập hội đồng xét duyệt cấp xã gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ phụ trách lao động, trưởng công an xã, phường đội trưởng, trưởng ban điều hành khu phố/ấp, tổ trưởng tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Hội đồng này sẽ họp, xét duyệt, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, tính chính xác của người nhận hỗ trợ (có đối chiếu danh sách với cơ quan BHXH để loại trừ các trường hợp đang hưởng lương hưu, đang tham gia BHXH và hưởng lương doanh nghiệp tháng 8-2021).

Trường hợp không đủ điều kiện nhận hỗ trợ, UBND xã/phường/thị trấn phải ghi rõ vào biên bản và chuyển tổ công tác hỗ trợ trả lời, giải thích cho người dân.

Bước 3: UBND quận, huyện, TP Thủ Đức thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

Đồng thời chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn công khai danh sách với cộng đồng dân cư, niêm yết tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, trang thông tin (nếu có)…

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã có văn bản gửi BHXH TP.HCM. Theo đó, trong 2 ngày làm việc, BHXH quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ đối chiếu thông tin trên hệ thống BHXH để rà soát, loại trừ: người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, người đóng BHXH và diện doanh nghiệp trả lương tháng 8-2021, những người lao động đang hưởng lương của doanh nghiệp tháng 8-2021 thuộc các tỉnh, thành khác.

Trước đó, ngày 15-9, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP phương án hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 sau ngày 15-9, với mức dự kiến 1 triệu đồng/người/lần.

Dự kiến khoảng 7,5 triệu người sẽ nhận hỗ trợ đợt 3.

TP.HCM phát hiện 135 trường hợp F0 đi ngoài đường

Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu công an TP.HCM cung cấp tại buổi họp báo chiều 18/9.

Thống kê cho thấy, đến ngày 16/9, Công an TP.HCM đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, trạm kiểm soát. Công an thành phố đã xác minh có 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại là 102 trường hợp F0.

img

Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm soát nhưng F0 vẫn lưu thông trên đường.

Trong 102 trường hợp F0, có 26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà. Cũng trong số 102 trường hợp F0, có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, công an thành phố đã thu hồi 10 giấy, thông báo huỷ 40 trường hợp. Còn lại các trường hợp khác không thuộc diện cấp giấy đi đường gồm có những người đang đi cách ly, đi tiêm ngừa, đi từ bệnh viện về nhà, đi khám bệnh định kỳ trở về…

Tính đến 18h00 ngày 17/9, có 327.331 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 326.854 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 477 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 41.152 bệnh nhân, trong đó có 3.366 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.420 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Ngày 17/9 có 2.270 bệnh nhân xuất viện, 165 trường hợp tử vong. Đây là ngày thứ 3 số ca tử vong có chiều hướng đi ngang và giảm hơn một nữa so với đầu tháng 8.

Trước tình hình dịch bệnh có những chuyển biến tích cực, UBND thành phố đã giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và quận huyện, các ban quản lý dự án căn cứ tình hình an toàn phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn, lĩnh vực được giao quản lý, chủ động xem xét quyết định và chịu trách nhiệm cho chủ đầu tư xây dựng các công trình được hoạt động trở lại. Điều kiện hoạt động là phải đảo bảo các tiêu chí phân loại công trình được phép xây dựng và hướng dẫn phòng dịch tại công trình trên địa bàn thành phố.

TP.HCM không nhận tiền trong quá trình hoả táng người tử vong do Covid-19

Tại buổi họp báo chiều 18/9, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết có một số kẻ xấu “cò mồi” để lấy tiền của thân nhân gia đình có người tử vong do Covid-19.

Theo đó, hiện nay có một số người tự xưng là nhân viên của các cơ sở mai táng, đến gặp và gợi ý với gia đình có người thân tử vong do Covid-19, nộp tiền cho họ để họ làm việc với quân sự nhằm đưa tro cốt của người thân về sớm nhất.

img

Có những đối tượng xấu lợi dụng để lấy tiền gia đình có người thân tử vong do Covid - 19

Thượng tá Thanh Phong cho biết trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8/2021 số ca tử vong do Covid-19 gây ra tại TP.HCM tăng đột biến, có ngày lên đến 340 ca. Vì vậy có thời gian việc hoả táng bị chậm, nhiều gia đình cũng sốt ruột. Tuy vậy hiện nay tình hình dịch đã được kiểm soát phần nào, số ca tử vong ngày 17/9 là 166 ca.

Trước những mất mát, đau thương của người thân và gia đình có người tử vong do Covid-19, được sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh thành phố đảm nhiệm, tiếp nhận lưu giữ, quản lý, hoả táng và vận chuyển tro cốt của người tử vong do Covid-19 về tới gia đình cho thân nhân. Đây là nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa đối với những người đã khuất và gia đình thân nhân.

Xuất phát từ mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ, Đảng bộ Bộ Tư lệnh thành phố đã chỉ đạo và quán triệt thực hiện chặt chẽ, chu đáo và nghiêm túc các quy trình. Có những lúc số lượng người tử vong cao, nên thời gian đưa đi hoả táng có lúc hơi chậm, tuy nhiên hiện nay đã thực hiện nhanh và kịp thời.

Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh thành phố khẳng định không phối hợp với các cơ sở mai táng nhận tiền của người thân để thực hiện hoả táng nhanh hơn. Tất cả mọi trường hợp đều được cán bộ Bộ Tư lệnh thành phố tiếp nhận như người thân của mình và sắp xếp, bố trí lịch để hoả táng sớm nhất và nhanh chóng đưa tro cốt về cho gia đình.

“Tôi khẳng định không có chuyện Bộ Tư lệnh thành phố phối hợp với cơ sở mai táng để nhận tiền của thân nhân gia đình, kể cả tiền cảm ơn cũng không nhận”, Thượng tá Phong nói và đưa ra đề nghị bà con khi nhận những thông tin có người “cò mồi” hãy bình tĩnh suy xét để tránh bị người xấu lợi dụng, đồng thời báo cho lực lượng chức năng để xử lý nghiêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.