Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 20/8: Hôm nay thành phố có 3.375 ca nhiễm mới

20/08/2021, 19:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 20/8 tại TP.HCM: Thành phố ghi nhận 3.375 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm đợt 4 lên 167.717 ca.

Tính từ 19h ngày 19/8 đến 18h30 ngày 20/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.375 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 167.717 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

img

Lực lượng quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...Ảnh: Zing

Phân bổ hơn 146.000 liều vắc-xin để tổ chức tiêm cho người trên 65 tuổi

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, nhằm đảm bảo bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 cho người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng, bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương rà soát, hoàn tất đầy đủ việc tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho những người trên 65 tuổi.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tiếp tục thực hiện phân bổ hơn 146.000 liều vắc-xin cho các đơn vị để tổ chức tiêm cho người trên 65 tuổi.

Nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19 tại TP.HCM, Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình đã triển khai thiết lập “ATM gạo thông minh”. Tính đến tối ngày 19/8, chương trình đã lắp đặt được thêm trạm ATM thứ 27, kêu gọi được khoảng 430 tấn gạo và hơn 1,7 tỉ đồng tiền mặt. Các thông tin về tổng số gạo, tiền mặt quyên góp, lượng gạo đã trao tặng, số lượt người đã nhận, … đều được công khai trên trang web chính thức của chương trình https://www.atmgao.com.

Để kiểm soát dịch bệnh, từ ngày 23/8, TP.HCM sẽ đẩy mạnh thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội. Người dân cần bình tĩnh và chung sức thực hiện các quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người và đồng ý tiêm vắc-xin ngay khi đến lượt.

Đồng thời học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân và dùng thuốc đúng cách khi thực hiện cách ly tại nhà từ các nguồn thông tin chính thống, tư vấn của chuyên gia.

Đề xuất công chức TP HCM mặc đồng phục khi ra đường

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND thành phố về đề xuất các giải pháp cấp bách thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn TP HCM ngày 20/8.

Theo đó, cơ quan này đề xuất chính quyền thành phố xem xét, chỉ đạo việc kiểm soát đi lại đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án "3 tại chỗ".

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị di chuyển bằng xe gắn máy phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường và mặc đồng phục của thành phố để lực lượng phòng, chống dịch nhận diện.

Nếu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi ôtô, bên cạnh việc đeo thẻ và mặc đồng phục, phải có thẻ đi đường dán tại kính trước bên trái xe.

Theo đề xuất của Sở Nội vụ thành phố, đồng phục của thành phố là loại áo khoác, áo bib màu xanh dương, có logo nhận diện theo hướng dẫn của thành phố. Căn cứ vào số lao động được bố trí làm việc trực tiếp tại trụ sở, các đơn vị đăng ký đồng phục với Sở Công thương thành phố.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách về vi phạm của cấp dưới và việc cấp thẻ công chức, thẻ đi đường không đúng. Những người ra khỏi nhà khi không cần thiết, không đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường, không mặc đồng phục sẽ bị xử phạt.

Sở Nội vụ thành phố cũng đề xuất lãnh đạo UBND thành phố giao ngành Công an bố trí luồng đi riêng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước cần thực hiện nghiêm bố trí người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Sở Nội vụ cũng đưa ra phương án tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị chỉ tiếp nhận thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và trả kết quả qua mạng, dịch vụ bưu chính.

Quân đội sẵn sàng triển khai hỗ trợ chống dịch

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...

Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân.

Thành phố đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 hiện nay, đến cuối tháng 8 Thành phố có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.

2.600 F0 ra viện, 6 ngày không phát sinh ổ dịch mới

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến 6h ngày 20/8, TP có 166.679 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 166.272 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 407 người nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 33.646 bệnh nhân, trong đó có 1.964 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.323 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

img

Trong 6 ngày qua, TP không phát sinh ổ dịch mới. Hiện còn 17 ổ dịch đang tiến triển.

Trong ngày 19/8, TP có 2.600 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay lên 83.041 trường hợp. Có 307 trường hợp mắc Covid-19 tử vong trong ngày.

Kết quả điều tra truy vết cho thấy, trong 6 ngày qua, TP không phát sinh ổ dịch mới. Hiện còn 17 ổ dịch đang tiến triển.

Về tình hình tiêm chủng, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngày 19/8, TP đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 126.523 người. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định. Như vậy từ khi TP bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết 19/8 đã có 5.190.971 người được tiêm vắc xin, trong đó có 171.067 người đã tiêm mũi 2. Sở Y tế cho biết, tất cả những người được tiêm đều an toàn.

Hiện TP.HCM đang thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú. Giám sát, chăm sóc sức khoẻ các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương. Trẻ em là F0 dưới 16 tuổi không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện.

Theo thống kê, hiện đang có 40.451 người, trong đó có 19.243 F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.208 trường hợp F0 sau xuất viện đang tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.015 người.

Ngoài ra, TP còn có 3.064 trường hợp F1 đang cách ly tập trung. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.162 người.

Từ 23/8, người dân TP.HCM 'ai ở đâu ở yên đó'

Sáng 20/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch bệnh và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch giai đoạn tới.

Chủ trì họp báo có ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phạm Đức Hải - phó chủ tịch HĐND TP.HCM và ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông.

img

Báo Giao thông cập nhật tình hình dịch Covid-19 TP.HCM mới nhất ngày 20/8

Lạnh đạo TP.HCM cho biết, dù áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong thời gian giãn cách toàn TP theo chỉ thị 16 nhưng số ca nhiễm mới vẫn tăng cao, theo thống kê của cơ quan y tế. Điều đáng nói, số ca nhiễm mới trong cộng đồng (không tính khu cách ly, phong tỏa) có xu hướng tăng cao những ngày qua.

Trao đổi tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải - phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết, thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt chống dịch COVID-19 và đã đạt một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để tiếp tục thực hiện có hiệu qua nghị quyết 86 của Chính phủ, chỉ thị 12 của Ban thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 2715 của UBND TP, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp. Với các phương châm: mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm, 5 giải pháp được TP.HCM đưa ra là nâng cao, tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để trong thời gian thực hiện các văn bản, chỉ thị của trung ương, thành phố tập trung hơn chống dịch.

Theo ông Khuê, trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo đến 15/9, TP.HCM phải kiểm soát được dịch, dần đưa TP về trạng thái bình thường mới. Do vạy, 5 giải pháp này đưa ra để thực hiện mục tiêu này.

Hiện nay các cơ quan hữu quan liên quan đang chuẩn bị phương án cụ thể và trước ngày 23/8 sẽ công bố cho người dân biết. Trong đó, sẽ công bố rõ việc áp dụng quy định nghiêm việc giãn cách, lực lượng, binh chủng nào sẽ được lưu thông.

Việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm đến các hộ dân; các trạm y, tế lưu động nhằm tập trung chăm lo, điều trị cho F0. Thuốc điều trị, việc mở rộng xét nghiệm, tập trung tiêm vắc xin…

TP.HCM đưa ra 5 nhóm giải pháp. Cụ thể người dân TP đảm bảo việc thực hiện quy định vào giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn.

Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỉ lệ tử vong.

Tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực vùng đỏ trên bản đồ COVID-19 TP.

img

Bệnh viện dã chiến số 3 tăng giường thở oxy.

Bệnh viện dã chiến số 3 TP.HCM đã có 4.000 ca Covid-19 xuất viện

Hiện bệnh viện đang tăng lượng giường oxy để tiếp tục thu dung, điều trị các F0 khác.

BS.CKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng, Bệnh viện dã chiến số 3 (TP.HCM) cho biết, đến hết ngày 19/8, bệnh viện đã điều trị khỏi và cho xuất viện tổng cộng 4.000 bệnh nhân Covid-19.

Hiện bệnh viện đang có 66 ca phải thở oxy, trong đó có 10 ca thở oxy dòng cao (HFNC). Ngoài ra, bệnh viện đang tăng lượng giường oxy để có thể tiếp tục thu dung, điều trị các F0 khác.

Bệnh viện dã chiến số 3 được thành lập trên khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, đi vào hoạt động đầu tháng 7, quy mô hơn 2.500 giường. Tính đến nay, bệnh viện đã thu dung điều trị hơn 5.000 F0.

“Mỗi ngày bệnh viện đều cho xuất viện trên dưới 100 bệnh nhân đã điều trị khỏi. Đây là một tin mừng đối với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, là động lực để các anh chị em tiếp tục cuộc chiến chống dịch. Chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình để chữa trị cho bệnh nhân và hy vọng con số khỏi bệnh sẽ ngày càng nhiều hơn”, bác sĩ Công chia sẻ.

Theo kế hoạch ban đầu, bệnh viện chỉ nhận bệnh nhân nhẹ, có triệu chứng. Tuy nhiên, để giảm áp lực cho tuyến trên, Sở Y tế TP.HCM đã cho phép bệnh viện này điều trị cả bệnh nhân có chuyển biến nặng.

Theo bác sĩ Công, phòng cấp cứu và hồi sức ban đầu dự tính chỉ khoảng 25 giường. Thế nhưng xuất phát từ nhu cầu bức thiết của người bệnh cũng như tình hình thực tế bệnh viện đã được nâng số giường thở oxy lên khoảng 70-100 giường.

Bác sĩ Công cho biết, biến chủng Delta có đặc thù là chuyển biến nhanh, nhu cầu về oxy và máy thở cần phải đáp ứng khẩn cấp nên lượng oxy luôn được chuẩn bị đầy đủ. Các y bác sĩ tại bệnh viện hàng ngày điều trị kết hợp động viên tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân còn được đảm bảo về chế độ dinh dưỡng. Các quy định về phòng, chống dịch cũng thực hiện tốt. Các phòng bệnh đều lập nhóm để kết nối giữa bệnh nhân và thầy thuốc.

TP.HCM có hơn 1.900 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19

Tính đến 19/8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 33.202 người, trong đó có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi (5,8%), 2.302 bệnh nhân nặng đang thở máy (6,9%) và có 16 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.

Trước đó, ngày 17/8, Sở Y tế TP.HCM đã ra công văn khẩn số 5722 về việc tiếp nhận, chăm sóc, đảm bảo an toàn trong điều trị đối với trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19.

img

cv3.jpg

Sở Y tế TP.HCM cho biết, trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể được hướng dẫn cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định.

Nếu người bệnh không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ liên hệ chuyển đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (do Bệnh viện Nhi đồng thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách) hoặc Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách).

Đối với trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 có diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố hoặc Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Công bố 98 cơ sở y tế trực cấp cứu 24/7 trong tuần tại Bình Dương

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 1899/SYT-NVY yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phải mở cửa cấp cứu 24 giờ/7 ngày trong tuần.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu, điều trị cho dù là người mắc COVID-19 hoặc không mắc. Qua đó, bảo đảm trực cấp cứu theo đúng quy định, trong đó nhân viên trực cấp cứu mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ trong suốt ca trực.

Đặc biệt, Sở Y tế Bình Dương đề nghị các đơn vị không được yêu cầu người bệnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hay dương tính mới tiếp nhận bệnh nhân. Tất cả các bệnh viện dành ít nhất 40% giường bệnh để thu dung, quản lý điều trị COVID-19 khi dịch lan rộng.

Các bệnh viện chuyển đổi công năng một phần theo mô hình bệnh viện tách đôi phải có buồng cấp cứu sàng lọc COVID-19. Về quy trình sau tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân, nếu kiểm tra xác định ca bệnh mắc COVID-19 sẽ chuyển sang khu cách ly, điều trị COVID-19. Trường hợp người bệnh thông thường cần chuyển sang khu điều trị dành cho bệnh thông thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.